Cân nhắc thiệt hơn
Suốt cả thời gian dài vừa qua dư luận luôn phản đối các đề xuất của Bộ GTVT, bởi ai cũng thấy rõ sự bất hợp lý khi thực chất vẫn là thu phí chồng thuế, vẫn chỉ nhằm vào túi tiền của người dân trong bối cảnh tình hình kinh tế chung đang rất khó khăn. Hơn nữa, đại đa số người dân cũng bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào khả năng điều hành và sử dụng những đồng vốn thu thêm đó một cách hiệu quả. Bởi tình trạng thực tế về cơ sở hạ tầng giao thông thế nào thì ai cũng đã biết, dù kinh phí đổ vào cầu đường đều rất lớn…
Dù hãn hữu nhưng lác đác cũng có ý kiến ủng hộ giải pháp thu thêm phí GT, như nick SV Hang hai thekimottinhyeu@gmail.com lưu ý:
“Nếu có biện pháp khả thi thì cần gì phải thu phí nữa. Thu phí cũng là một cách để hạn chế phương tiện cá nhân. Có những cái không phải cứ cần đại đa số dân chúng ủng hộ là được. Động chạm đến lợi ích của người nào thì người đó phản đối, nên tôi nghĩ phải đóng thêm phí dân phản đối là lẽ bình thường. Còn theo tôi, vẫn nên thực hiện thu phí. Nếu thực hiện thu phí một thời gian mà không có hiệu quả thì bỏ cũng đâu có muộn”.
Song với số đông, suy nghĩ cùng những trăn trở hoàn toàn ngược lại. Cái mà người dân nhấn mạnh ở đây là cần sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn của những cơ quan được giao trọng trách cầm cân nảy mực, để thấy rõ được những cái Được và Mất qua hình thức thu tiền này. Và cũng cần hiểu rõ nguyên do vì sao đại đa số người dân vẫn phản đối hình thức thu phí, dù biết có phản đối chắc cũng... chẳng ăn thua.
“Đúng vậy! Nếu công khai trưng cầu dân ý và làm cho nghiêm túc thì tôi dám chắc 99% người dân là không đồng ý. Lý do người dân sợ mất thêm một khoản tiền nữa là cũng đúng. Nhưng phải nhìn nhận là tự nhiên mất một khoản tiền mồ hôi nước mắt mà chẳng nhận lại được cái gì, thì dù có thừa tiền cũng chẳng ai muốn nộp. Hơn nữa giờ dân ta còn nghèo mà đã phải nộp không biết bao nhiêu loại thuế rồi?... Cứ để dân khổ mãi thế sao?” - Trần Tiến Sỹ: tiensy.intel@gmail.com
“Theo tôi, Chính phủ vẫn nên xem xét lại những cái Được và Mất trong việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ GTVT đề xuất. Như Bộ GTVT nói thu phí là tầm nhìn chiến lược 2020 để nước ta trở thành nước công nghiệp, nhưng tôi thấy mới có dự thảo về phí thôi thì đã gián tiếp bóp chết nền công nghiệp chế tạo ô tô và xe máy trong nước. Rồi còn kéo theo bao nhiêu ngành phụ trợ liên quan có thể cũng sẽ chết theo, với bao người lao động mất việc làm, ngân sách nhà nước thất thu vì không tiêu thụ được xe, các nhà đầu tư liên doanh sản xuất nước ngoài có khi phải rời thị trường Việt Nam. Chỉ từng ấy thôi thử hỏi liệu năm 2020 nước ta phát triển hơn hay… tụt hậu hơn?” - Hoang: anhtraicodon36@yahooo.com
“Tôi thấy tất cả những lập luận của Bộ GTVT đều không thể có sức thuyết phục. Có chăng sự dẫn chứng các cơ quan, điều luật... đồng ý về thu phí, tôi nghĩ chẳng qua cũng như sự “ăn giơ” của các vị thôi. Đây vẫn là điều hết sức phí lí nên mới gây bức xúc lớn trong dư luận như vậy…. Muốn kinh tế, muốn đất nước, xã hội phát triển nhưng lại đề ra những điều luật, điều khoản mang tính chất kìm hãm như thế thì làm sao đất nước có thể phát triển nhanh, mạnh và bền vững được... Nhiều người dân cũng đã nhấn mạnh: Các vị hãy chú trọng biện pháp xóa bỏ tham những, dùng những khoản tiền lớn bị thất thoát để đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã hội. Chứ đừng cứ thu lấy được làm bào mòn sức của người dân nữa… Kính đề nghị Quốc hội xem xét lại tiêu chí lấy dân làm gốc có được đặt ra trong những đề xuất thu phí như thế này không. Làm sao để mọi việc đều nhằm phát huy được vai trò cũng như vị trí của người dân trong sự nghiệp phát triển đất nước” - Hùng Anh: hunganh_kute_90@yahoo.com
“Trong thời điểm khó khăn về kinh tế như hiện nay thì mục tiêu chính là cần tìm cách tháo gỡ, chứ lại còn thu thêm phí GT nữa thì người dân thật quá sức chịu đựng. Tôi hi vọng QH xem xét bàn luận kĩ trước khi đưa ra vấn đề thu phí GT, không nên để người dân phải gánh chịu quá nhiều loại thuế và phí vô lý như vậy!” - BAT: my_hunter_aathuyen@yahoo.com
“Với chất lượng thi công các công trình GT quá tồi do nạn tham nhũng, rút ruột như hiện nay, thì tôi tin chắc không có mấy người dân đồng tình với việc thu phí hạn chế và phí lưu hành phương tiện GT. Vì nếu đồng tình tức là cũng có thể dân lại phải đóng tiền nuôi tiếp các đối tượng tham nhũng... Mà nếu vẫn còn tình trạng như vậy thì có lẽ dù nghĩ ra bao nhiêu loại thuế và phí thì cũng không thể lấp đầy được thâm thủng ngân sách do tham nhũng gây ra đâu” - Đặng Đức Hiếu: dangduchieu@yahoo.com
“Sao Bộ GTVT không lo làm cầu, làm đường sao cho hệ thống giao thông tốt hơn mà cứ lo đi tìm cách thu phí vậy? Việc thu phí chưa đâu vào đâu cả, mà theo thống kê của Hiệp hội Ôtô Việt Nam thì trong quý I vừa qua nhà nước đã mất thu thuế đến 6 nghìn tỉ đồng. Còn nếu tính thu các loại phí một cách triệt để thì mỗi năm cũng mới được khoảng đó thôi, trong khi phải sử dụng cả một đội ngũ để làm việc đó.
Nhưng chắc là tiền thu phí dễ xài hơn tiền lấy ra từ ngân sách, nên Bộ này cứ chằm chằm vào đó. Nhưng liệu Bộ có ngờ được sự thể ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sắp chết yểu, ngân sách Nhà nước thì thất thu và mục tiêu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp dự đoán đến 2020 ở ta sẽ ra sao đây…” - Ý Kiến: locsondn@yahoo.com
“Theo tôi, việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân là không khả thi vì:
+ Đất nước đang gặp khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và giải thể.
+ Mới có 4 tháng đầu năm 2012 mà nước ta đã mất 6.000 tỷ tiền thuế, hàng vạn công nhân mất việc làm do dự kiến thu phí phương tiện cá nhân.
+ Ngành công nghiệp ô tô, xe máy hàng thừa quá nhiều, không người mua. Đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đến sau năm 2018 nếu không cẩn thận sẽ chết yểu, Việt Nam sẽ trở thành nước chỉ nhập khẩu ô tô.
+ Cấp trên gật đầu, nhưng dân không đồng ý, vì vậy mong QH lắng nghe ý kiến nhân dân.
+ Ai chịu trách nhiệm việc để Nhà nước mới có 4 tháng mất 6.000 tỷ tiền thuế và hàng ngàn công nhân không có việc làm?” - Tạ Trung Tính: tatrungtinh@gmail.com
“Từng câu, từng chữ trong luật đều rất quan trọng, không biết Bộ GTVT đã hiểu thấu đáo nội dung trong luật hay không. Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 cũng quy định nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố" - Như vậy theo tôi, trước hết các ông phải có giải pháp phát triển hệ thông giao thông công cộng trước, rồi mới tính đến phương án hạn chế phương tiện cá nhân. Đừng cứ chọn làm việc dễ trước… Mà bây giờ dân trí cũng cao rồi, không phải thu tiền của dân vô lý là dễ đâu. Đề nghị các ông nâng tầm nhận thức lên để thích ứng được với sự phát triển của xã hội...” - Lhtoan: lhtoan.gov@gmail.com
Ý nguyện của cử tri
Xoay quanh khả năng thu phí giao thông, không ít bạn đọc đã tỏ ra chán nản và thất vọng vì biết dù người dân có ý kiến ra sao thì một khi “ông Bộ” đã đề xuất thu thuế này, phí nọ thì vấn đề chỉ còn là thời gian nào nữa mà thôi. Nhưng kể cả trong trường hợp “bất khả kháng”, nhiều người vẫn bày tỏ mong muốn được giãn thời gian tới lúc tình hình kinh tế khả quan hơn, như Le Bang Thach lebangthach@yahoo.com nêu:
“Ủng hộ ý kiến của cử tri được đoàn ĐBQH TPHCM đưa ra. Đúng là trước khi thu phí cần có kế hoạch rõ ràng về việc dùng tiền làm những việc gì, cam kết như thế nào, ai chịu trách nhiệm cụ thể, tiền thu được cơ quan nào giữ, có thất thoát ai chịu trách nhiệm, công bố lượng tiền hàng tháng như thế nào ... Tuy nhiên, theo tôi nghĩ trong thời điểm cả nước khó khăn như thế này thì nên giãn thời gian thu phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân (nếu thu) thêm 2 năm nữa, để doanh nghiệp và người dân ổn định đã, vì năm 2011 và đặc biệt là năm 2012 quá khó khăn”.
Mặt khác, với tư cách những cử tri họ vẫn tiếp tục gửi tới diễn đàn QH những tiếng nói chân thực từ cuộc sống của mình, với những phân tích khá rạch ròi:
“Chính quyền phục vụ nhân dân, khi có ý kiến nhân dân thì cần nghiên cứu xem: Tại sao chủ trương đó lại bị phản ứng, không được nhiều người ủng hộ.....Như vậy có phải có gì khiếm khuyết không? Có cần phải thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế không...? Chứ tôi thấy trả lời như ông Thứ trưởng Trường thì có thể hiểu là: "Lãnh đạo chúng tôi đã nói cái gì là đúng cái đó. Cấm cãi! Không phải suy nghĩ gì và ý kiến gì nữa..."???
Nói thật với Thứ trưởng Trường, nghe ông trả lời tôi thấy rất buồn vì thực tế người dân là đối tượng bị tác động nhiều nhất về đề xuất thu phí của Bộ GTVT. Chính họ phải cảm nhận rõ nhất nỗi vất vả khó khăn khi nhu cầu vì mưu sinh bị hạn chế, trong khi điều kiện nước ta chưa đáp ứng được điều đó. Vì thế, tôi nghĩ lẽ ra thấy phản ứng người dân không thuận là điều mà các nhà làm chính sách cần xem xét lại (Phản ứng không thuận của số đông, chứ không phải tiếng nói đơn lẻ của một bộ phận có lợi ích nhóm nào đó).
Nếu là cán bộ biết thương dân, đồng cảm với cái khổ của dân thì tôi chức các vị đã không trả lời bằng cách: viện dẫn ra các ý kiến chỉ đạo, hay công văn của tỉnh này thành nọ làm lá chắn. Mà nếu tôi không nhầm thì các ý kiến, công văn đó chỉ là gợi ý, đề xuất để Bộ nghiên cứu trình QH chứ, phải không thưa Thứ trưởng......
Nếu Thứ trưởng nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu, nếu các giải pháp đưa ra chưa phù hợp với thực tế và chưa được sự hưởng ứng của nhân dân thì Bộ sẽ xem xét và đề xuất các giải pháp mới. Nhưng giải pháp thu phí hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp tốt cần được triển khai khi điều kiện cho phép...." . Tôi nghĩ, đó mới là cách trả lời của một người giữ chức vụ như Thứ trưởng. Đây là góp ý của cá nhân tôi, có gì khiếm khuyết mong được ông rộng lòng lượng thứ…” – Hoàng Quốc Minh: hoangquocminh.55@gmail.com
“Theo tôi hiểu, các cơ quan ban ngành của chính quyền là người thực hiện việc thực thi chính sách, trong khi chính sách là áp dụng với người dân. Vậy ý kiến người dân quan trọng hay của các cơ quan ban ngành đó quan trọng hơn ? (mà nhiều người thuộc các cơ quan ban ngành chính quyền ấy, họ có phải đóng phí đâu hoặc có thể lấy cái khác để đóng nên chắc không hiểu được lòng dân đâu)” - Biên: ksduybien@gmail.com
“Nếu tiếng nói và nguyện vọng của mọi người dân VN không được lắng nghe và đáp ứng thì đúng là chúng tôi quá thất vọng. Khi XH không đồng thuận (vì đã phải đóng quá nhiều loại thuế + phí), thì liệu việc đóng những loại phí trên người dân có chấp hành không??? Khi đó việc thu tiền liệu có diễn ra dễ dàng và trôi chảy không… Tôi lấy 1 ví dụ để các cơ quan công quyền tham khảo nhé: Sau khi đoạt chức Vô địch giải Ngoại hạng và CLB đã phải đầu tư rất nhiều tiền cho đội bóng, thì MU hay M.City của giải Ngoại hạng Anh mới xin phép tăng giá vé vào xem mùa sau của CLB. Nhưng ở ta thì sao chắc mọi người đều biết…” - Huy Nguyen: huynguyen.pme@gmail.com
Giới chức ngành nào thì cũng là người dân, nên chúng tôi tin khi đưa ra những đề xuất hết thu thuế tới thu phí, các giới chức của ngành GTVT thật ra cũng biết rõ vì sao bị dư luận phản ứng. Bởi ai cũng biết rằng cần hạn chế thì trước đây đừng cho nhập khẩu ồ ạt, đừng “thả phanh” cho người dân ai muốn mua bao nhiêu xe thì mua. Rồi cũng đừng lấy cớ hạn chế để đánh thuế nặng, khiến mỗi chiếc xe ở VN đã đắt giá hơn cả ở các nước phát triển…
Hơn nữa, đại đa số dân ta vốn đã quen với phong cách cách sống tiết kiệm, giản dị, nên viện cớ người dân chỉ muốn xài dịch vụ miễn phí hoặc tiếc tiền không muốn đóng phí, theo chúng tôi nghe rất không ổn. Không nên chỉ vin vào một số ít người có mức thu nhập cao, có cách tiêu xài hoang phí hoặc vung phí của công (như một số vị nào đó) để mà suy diễn, đo độ nông sâu của lòng dân VN ta vốn có truyền thống yêu nước và cần cù lao động.
Cuộc sống của số đông vẫn còn khó khăn, vậy mà cứ quyết buộc dân phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa để đóng phí GT trong khi đường sá vẫn tồi tệ… thì cái lý ở đây chắc chắn không thể thuộc về các vị ủng hộ đóng phí rồi. Mà sao ông "Bộ" cứ toàn tính chuyện khó người, dễ ta mãi thế!
Thanh Nguyễn