Tôi chia sẻ bức xúc với người dân mỗi khi giá xăng dầu thế giới lên là chúng ta lên, còn giá xăng dầu thế giới xuống lại giảm rất chậm. Lý do chậm điều chỉnh giá theo xu hướng thế giới cần phải sửa đổi, chúng ta cần phải thay đổi trong cách điều hành.
Còn hiện tại, tôi tin Bộ Tài chính đang xem xét để giảm giá bán lẻ xăng dầu theo xu hướng của thế giới.
Mỗi lần giảm giá bán lẻ trong nước, cơ quan chức năng thường đưa ra các lý do là phải tính toán để tăng thuế, trích Quỹ bình ổn, để hài hòa lợi ích của các bên. Ông đánh giá thế nào về lập luận này của cơ quan điều hành?
Không chỉ giá xăng dầu, giá điện mà tất cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý, người tiêu dùng đòi hỏi cần có sự minh bạch. Khi người tiêu dùng hiểu rõ cơ chế vận hàng mới có sự đồng thuận.
Hiện tượng giá xăng dầu thế giới hiện nay giảm không phải là một niềm vui, mà đây là báo hiệu của một sự suy thoái kép có thể xảy ra đối với thế giới. Các nước hiện nay đang chuẩn bị các gói kích thích kinh tế. Còn đối với chúng ta, việc điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, giá xăng dầu thế giới đang giảm thì chắc chắn Bộ Tài chính không có lý do gì mà không giảm.
Hiện tại, cước phí vận tải chưa giảm vì mức độ giảm giá vừa qua chưa đủ liều lượng để người ta điều chỉnh giá.
Vậy theo ông, cái lý giải cần tăng thuế, trích Quỹ bình ổn nên giá xăng dầu không thể giảm mạnh hơn trong đợt điều chỉnh giá ngày 23/5 vừa qua có hợp lý?
Việc tăng thuế hay trích Quỹ bình ổn là điều hành quản lý vĩ mô của Nhà nước. Đây là những công cụ rất cần thiết, vì nếu giá xăng dầu thế giới tăng mạnh trở lại mà chúng ta không có những công cụ của Quỹ bình ổn thì lại gây biến động giá trong nước. Nhưng với xu thế giá thế giới hiện nay, yêu cầu bức thiết đối với cơ quan quản lý là cần điều chỉnh giảm giá xăng dầu.
Ông bình luận thế nào về việc mỗi lần tăng giá thì tăng rất nhanh, còn giảm lại rất chậm, rất ít?
Điều hành giá xăng dầu là cả một nghệ thuật và rất phức tạp. Phức tạp ở chỗ là chưa bao giờ giá xăng dầu thế giới đảo chiều liên tục như hiện nay. Đầu năm 2008, giá xăng dầu tăng vọt lên 147 USD/thùng, cuối năm rớt xuống còn 70 USD/thùng; đến năm 2010 lên 120 USD/thùng rồi lại xuống 90 USD/thùng và sau khi lên 112 USD/thùng vào năm 2011 hiện đã xuống còn 84 USD/thùng.
Do đó, ở khía cạnh này, chúng ta cũng nên thông cảm cho nhà quản lý. Chúng ta thấy rằng, khi điều chỉnh tăng giá sẽ tác động trực tiếp đến vòng 1 chỉ số giá tiêu dùng làm giá cả hàng hóa lên ngay. Còn khi giảm giá xăng, giá cả hàng hóa khác có giảm theo không? Chắc chắn là không. Như vậy chúng ta cũng phải nhìn xu hướng giá để điều chỉnh, cái này đòi hỏi nghệ thuật trong điều hành giá của Chính phủ. Dĩ nhiên thị trường và người dân cũng rất cần có sự minh bạch trong điều hành giá để chia sẻ và đồng thuận.
Ông có nói đến sự minh bạch, vậy đối với doanh nghiệp kinh doanh, điều này thể hiện ở đâu khi dư luận cảm giác doanh nghiệp rất ít khi mua được xăng dầu ở vùng giá thấp?
Vì thiếu sự minh bạch nên chúng ta không hiểu họ mua lúc nào, mua với giá bao nhiêu. Chúng ta phải có được báo cáo tài chính mới biết được mua lúc nào.
Để nhận biết được điều này cũng là một nghệ thuật điều hành. Nếu chúng ta chọn được một người quản lý giỏi có thể biết được xu hướng giá dầu lên hay xuống để có công cụ bảo hiểm giá cả, công cụ giao dịch trong tương lai đối với mặt hàng này. Khi chúng ta có được nguồn nhân sự chất lượng cao sẽ giúp cho nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.
Nghệ thuật điều hành giá xăng dầu của Chính phủ thời gian qua, theo đánh giá của ông thế nào?
Tôi thấy chưa có được sự linh hoạt. Thời gian điều chỉnh quá chậm và chúng ta thiếu những đối thoại, công khai một cách mạnh mẽ, chi tiết cho người dân hiểu rõ. Theo tôi nên rút ngắn thời gian điều chỉnh, khoảng 1 tuần đến 10 ngày là hợp lý.
- Xin cảm ơn ông!