Theo ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM), giá xăng dầu nhạy cảm là do gắn với thị trường thế giới, có lên có xuống và xăng dầu chẳng những là mặt hàng được kinh doanh rất sôi nổi còn tác động đi vào thị trường chứng khoán, thị trường tương lại. Ngoài ra, xăng dầu còn phụ thuộc vào yếu tố địa chính trị trên thế giới.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, “rõ ràng có nhiều người trục lợi trên giá xăng dầu. Tại sao giá xăng nhập khẩu lên thì anh tăng lên rất nhanh, mà giá xăng xuống thì lại xuống rất chậm, xuống ít.
Cái này Nhà nước phải kiểm soát, vì nếu mình kết luận thế nào đó đôi khi khó cho doanh nghiệp, họ sẽ giải thích rằng, lúc giá xăng lên họ nhập vào giá cao, còn khi giá xuống thì nguồn xăng cũ vẫn còn nên không thể giảm xuống nhanh được. Nhưng nói như thế lại có những doanh nghiệp khi nhập xăng giá giá thấp, ngay sau đó giá lên thì đồng loạt lại tăng giá?
Đây rõ ràng là đang có vấn đề trong việc quản lý xăng dầu. Các doanh nghiệp nói với tôi rằng, đang có vấn đề tức là có những tiêu cực trong cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cho rằng xăng dầu đây là mặt hàng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đại đa số người dân và có tác động trực tiếp về giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nói: “Tôi đề nghị Dự án Luật giá quy định mang tính nguyên tắc nhằm thực hiện đúng về giá xăng dầu trong điều kiện kinh tế thị trường. Bãi bỏ việc quy định về giá cơ sở như đã thực hiện vừa qua nhằm đảm bảo ổn định giá cả chung và ổn định cuộc sống người dân. Đồng thời giao Chính phủ quy định về đảm bảo an ninh năng lượng bằng các cơ chế, chính sách khác”.
Băn khoăn nguồn trích quỹ
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phát biểu, theo quy định dự kiến sẽ có 10 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá tương đương khoảng 10 quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, dự án Luật không quy định rõ những điều kiện để thành lập quỹ này mà chỉ quy định giao cho Chính phủ xem xét để quyết định mặt hàng nào được lập quỹ và trình tự thủ tục quản lý sử dụng quỹ. Nguồn cũng như mức trích lập quỹ này cũng không quy định rõ.
“Tôi cho rằng vấn đề này cần hết sức cân nhắc bởi vì trích lập từ giá bán hàng hóa cũng là một khoản tiền, khoản phí đánh vào túi tiền của người tiêu dùng”, đại biểu Tâm thẳng thắn nói.
Đại biểu Tâm lấy ví dụ, chúng ta có thực tiễn là quỹ bình ổn xăng dầu trong thời gian qua được trích lập quản lý và sử dụng còn rất nhiều vấn đề phải bàn cãi, dư luận rất băn khoăn về chuyện sử dụng quỹ xăng dầu này. Trong thời gian vừa qua cũng chưa có một đánh giá chính thức nào về việc hiệu quả của bình ổn xăng dầu mặc dù còn rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Cùng băn khoăn về nguồn trích quỹ, đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị xem xét và làm rõ hơn quy điịnh về nguồn quỹ bình ổn giá, nếu không rõ sẽ khó thực hiện. “Tuy dự thảo nêu lên 4 nguồn hình thành quỹ nhưng chưa rõ nội hàm, đề nghị quy định nguồn quỹ gồm từ nguồn quản lý của nhà nước và nguồn của xã hội đóng góp với các nội dung do các tổ chức, cá nhân viện trợ. Tuy không quy định cụ thể tỷ lệ nguồn tự nhà nước là bao nhiêu nhưng người dân sẽ phấn khởi hơn nếu thấy trong đó có trách nhiệm của nhà nước với nhân dân lúc khó khăn”, ông Bình nói.
Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), thực chất của Luật Giá là giải quyết vấn đề giữa Nhà nước với thị trường. Vị đại biểu này cho rằng: “Nếu chúng ta nỗ lực để bình ổn giá trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn thì dù nỗ lực cỡ nào cũng khó có thể bình ổn được. Do đó, chúng ta đừng quá kỳ vọng vào vấn đề bình ổn giá. Giá cả ổn định là tổng hòa của các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô tổng hợp”.
Nhân buổi thảo luận, đại biểu Lịch đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo Quốc hội biết hiệu quả của quỹ bình ổn để lấy kinh nghiệm thực tế cho dự án Luật giá.