Theo Tổng cục ĐBVN, việc tổ chức làm việc 3 ca trong ngày là bình thường của nền kinh tế. Mặt khác, chưa có cơ sở để khẳng định tai nạn do xe chạy ban đêm nhiều hơn xe chạy ban ngày. Trong những năm qua, việc tổ chức các chuyến xe khách chạy ban đêm mang lại hiệu quả rất lớn trên các tuyến có cự ly từ 300km đến 500 km, bao gồm cả các tuyến đường núi, dèo dốc như Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên... Xe chạy đêm tiết kiệm thời gian và chi phí cho hành khách đi xe.
Trong điều kiện nước ta hiện nay là nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải khai thác hiệu quả các tuyến đường bộ và giảm ùn tắc giao thông. Nếu cấm các xe khách chạy đêm sẽ lãng phí một khoảng thời gian khai thác các tuyến đường, trong khi đó các chuyến xe chạy đêm sẽ chuyển sang chạy ban ngày làm mật độ giao thông tăng cao, dễ gây ùn tắc giao thông và có nguy cơ tăng TNGT. Mặt khác, việc cấm các xe khách chạy đêm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân, gây bức xúc xã hội.
Pháp luật Việt Nam đã có quy định về tốc độ cho phép tối đa áp dụng cho từng loại phương tiện cụ thể trên các đoạn đường cụ thể, không quy định ban đêm hay ban ngày. Trên các tuyến đường bộ đã có biển hạn chế tốc độ tại các khu đông dân cư, các khu vực có nguy cơ mất ATGT như đèo, dốc... Nếu các phương tiện lưu thông ban đêm đúng tốc độ hiện hành cho phép thì còn an toàn và thuận lợi hơn khi lưu thông ban ngày trên cùng một tuyến đường.
Để hạn chế các vụ TNGT vào ban đêm, Tổng cục ĐBVN đề nghị: Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát vào ban đêm (huy động tối đa mọi lực lượng quản lý nhà nước như CSGT, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông đường bộ) để thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát tốc độ xe khách qua việc kiểm soát thiết bị theo dõi hành trình, phạt nguội các chủ phương tiện vi phạm quy định về tốc độ. Yêu cầu các chủ phương tiện xe khách chạy đêm phải bố trí tối thiểu 2 lái xe chính (kể cả tuyến ngắn).