Trao đổi với PV ngày 7/6, ông Lâm Văn Thanh, Đội trưởng Đội duy tu cầu Thăng Long, cho biết cây cầu này đang được đo độ võng, mức độ dao động của các liên nhịp dàn thép, đặc biệt ở liên nhịp 5 gồm nhịp 13, 14, 15. Kết quả kiểm tra sẽ được thông báo đến các cơ quan chức năng.
"Đứng trên cầu Thăng Long có thể thấy rung lắc song cảm nhận của mỗi người khác nhau, do vậy chúng tôi phải dựa vào kết quả đo đạc mới đánh giá chính xác", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, nguyên nhân rung lắc có thể là mặt đường phía trên bị hư hỏng nặng tạo nhiều ổ gà trên bề mặt. Lớp bê tông nhựa mặt cầu bị xô lệch, dẫn tới tấm bản thép dầm bên dưới nhô ra.
Các dầm sắt đang được đo độ rung. Ảnh: PV.
"Lo ngại nhất là tấm bản thép dầm trên bề mặt cầu Thăng Long là loại lớn, dày 3 cm do Liên Xô sản xuất. Ở nước ta chưa thể làm được loại này nên nếu hư hỏng sẽ khó thay thế”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, Đội trưởng Đội duy tu cầu Thăng Long cho rằng cây cầu bắc qua sông Hồng này nằm trên tuyến huyết mạch phía bắc thủ đô nên lượng phương tiện qua lại rất lớn, vượt xa tải trọng thiết kế. Đây cũng là lý do khiến cầu bị rung lắc mạnh.
Sau nhiều lần sửa chữa, mặt cầu Thăng Long vẫn bị hư hỏng nặng tại nhiều vị trí. Hiện nhà thầu Bảo Quân đang sửa lần cuối với chi phí khoảng 700 triệu đồng.
Cầu Thăng Long khánh thành năm 1982, dài 6 km được xem là công trình của tình hữu nghị Việt - Xô. Cầu có đường bộ và đường sắt đi chung, gồm 2 tầng, 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ.
Hiện tầng 1 có 2 làn cầu riêng biệt dành cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng 1 là đường dành dành cho tầu hỏa. Tầng 2 dành cho các loại xe cơ giới.