[in trang]

Kiến nghị của Hiệp hội VT Hàng hoá TP.HCM về Thông tư 90/2004/BTC

13-06-12

Kiến nghị sửa đổi một số nội dung chưa phù hợp trong quy định về “ vé tháng” tại Thông tư 90/2004/BTC của Bộ Tài Chính ngày 7/9/2004


                                                            Kính gửi:  BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Đồng kính gửi:  VỤ PHÁP CHẾ CỦA BỘ TÀI CHÍNH

 

     Ngày 07 tháng 09 năm 2004 Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 90/2004/TT-BTC Về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ. Thông tư này là cơ sở pháp lý để các Trạm thu phí tiến hành thu phí trong suốt thời gian hơn 8 năm qua. Tuy nhiên, có một số quy định của Thông tư này quy định chưa được rõ ràng, cụ thể dẫn đến một số Trạm thu phí đã áp dụng một cách cứng nhắc gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa trong thời gain qua. Chúng tôi xin được phản ánh cụ thể như sau:

Tại điểm a tiểu mục 2.1 mục 2 tiểu phần I phần 3 có quy định về đặc điểm của vé tháng như sau:

“Vé phát hành hàng năm theo năm dương lịch. Vé lượt được sử dụng liên tục qua các năm. Vé tháng, vé quý có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên vé, quá thời hạn ghi trên vé thì vé không còn giá trị sử dụng. Vé đã bán ra thì không được đổi hoặc trả lại (kể cả vé hư hỏng, vé quá hạn)”.

Đối với qui định này đương nhiên thời gian sử dụng vé tháng được hiểu là 30 có giá trị sử dụng “ trong một tháng” tức là 30 ngày, tương ứng với vé qúy là 90 ngày kể từ ngày xuất vé. Người sử dụng dịch vụ có thể thể hiểu một cách linh động là mình có quyền mua bất cứ lúc nào đối với vé tháng hoặc vé quý và có quyền sử dụng trong vòng 30 ngày ( đối với vé tháng ) và 90 ngày ( đối với vé quý ) kể từ ngày xuất ghi trên vé tưng ứng với giá tiền mua của mỗi loại vé. Hết thời gian nói trên xem như vé không còn giá trị sử dụng. Điều này là hợp lý và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ tham gia giao thông mỗi khi qua Trạm thu phí.

Tuy nhiên điểm b tiểu mục 2.1 mục 2 tiểu phần I phần 3 lại có quy định về đặc điểm của vé tháng như sau:

“Vé tháng: Dùng để thu phí đối với phương tiện tham gia giao thông qua trạm thu phí nơi phát hành trong một tháng, kể từ ngày 01 đến ngày kết thúc tháng theo thời hạn ghi trên vé”.

         Như vậy là nội dung quy định tại hai điểm a và b tiểu mục mục 2.1 mục 2 tiểu phần I phần 3 nói trên đã mâu thuẫn với nhau: ở mục a cho ta hiểu vé tháng có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên vé, mua ngày nào thì ghi ngày đó ( tức 30 ngày kể từ ngày xuất vé ) nhưng ở mục b lại quy định vé tháng phát hành trong một tháng kể từ ngày 1 đến ngày kết thúc tháng. Sự mẫu thuẫn trên không được giải thích một cách rõ ràng đã dấn đến hệ quả là các Trạm thu phí áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc trong việc bán vé tháng tại các Trạm thu phí đã dẫn đến nẩy sinh một số bất hợp lý gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ, đặc biệt là các Doanh nghiệp vận tải hàng hóa có lượng xe lớn qua lại Trạm thường xuyên. Cụ thể là một số Trạm thu phí như Trạm Xa Lộ Hà Nội – tại TP.HCM hay Trạm thu phí trên Quốc lộ 18 tại Cầu Bãi Cháy Quảng Ninh ) đã áp dụng vé tháng theo thời hạn từ ngày 01 đến ngày 30 hàng tháng. Không những thế họ còn hạn chế thời gian bán vé tháng, thường là cuối tháng, nếu quá thời gian trên họ không bán vé  tháng nữa mà buộc người tham gia giao thông phải mua vé từng lượt mỗi khi qua Trạm. Cách tính này đã dẫn đến hai hậu quả gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải như sau:

-         Doanh nghiệp vận tải muốn mua vé tháng phải chờ đến cuối tháng mới được quyền mua, rồi chờ đến đầu tháng sau ( bắt đầu từ ngày 01 ) mới được quyền sử dụng vé. Với số lượng nhiều doanh nghiệp nhiều trên cùng một địa bàn tại của ngõ phía đông của thành phố ( qua Trạm Thu phí Xa Lộ Hà Nội – đối với việc thu phí cầu Rạch Chiếc sắp tới ) cùng tập trung vào những ngày cuối tháng chắc chắn sẽ dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để được quyền mua vé tháng.

-         Nếu mua những ngày đầu ( sau ngày 01 ) thì lại phải chờ đợi một khoảng thời gian đến ngày 01 tháng sau họ mới được sử dụng vé. Điều này là vô lý vì chẳng khác nào phải  nộp tiền  cho Trạm thu phí trước, sau một khoảng thời gian mới được quyền sử dụng dịch vụ, trong lúc các doanh nghiệp lại phải chịu thêm khoản tiền lãi suất ngân hàng.Việc các Trạm thu phí nói trên không chủ trương bán vé tháng rộng rãi, thậ

-         m chí còn có lúc o ép với khách hàng khi bán loại vé này đã gây bất lợi cho các chủ doanh nghiệp vận tải, bắt buộc các chủ phương tiện vận tải phải mua vé lượt mỗi lần qua Trạm. Với tần suất của mỗi phương tiện qua lại nhiều trong tháng sẽ đem lại doanh thu lớn hơn cho Trạm thu phí, ngược lại các doanh nghiệp vận tải lại bị thiệt hại nhiều hơn.

Vì lý do trên Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài Chính nên sửa đổi quy định:

       Định nghĩa lại vé tháng, vé quý có giá trị sử dụng trong 30 hoặc 90 ngày kể từ ngày ghi trên vé cho phù hợp với hoạt động của xã hội. Tránh tình trạng chủ phương tiện phải chạy theo các Trạm thu phí mỗi khi hết hạn ( Cách hiểu cũ vô hình dung đưa tất cả các phương tiện, các chủ xe đều phải hết hạn và mua vé tháng, vé qúy vào cùng một ngày ). Mặt khác, các Trạm thu phí phải  bán vé tháng, vé quý  diễn ra thường xuyên trong tháng, không bị giới hạn ngày bán vé để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải cân nhắc tiết kiện thời gian và tiền bạc trong việc sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ.

       Ngoài ra, chúng tôi đề nghị bãi bỏ qui định phải xuất trình các loại giấy tờ không cần thiết được quy định tại điểm b mục 1 khoản 2 tiểu phần 2 phần 3: “ Tổ chức, cá nhân mua vé phải xuất trình cho người bán vé giấy chứng nhận đăng ký phương tiện tham gia giao thông để mua vé theo mức thu tương ứng với loại phương tiện và tải trọng thiết kế của phương tiện sử dụng”. Việc duy trì quy định này không cần thiết vì: Các tổ chức doanh nghiệp không thể thu hồi chuẩn bị đủ các loại giấy tờ liên qua đến phương tiện để phục vụ việc xuất trình cho Trạm thu phí để mua vé. Bởi phương tiện của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn phải hoạt động trên đường. Các phương tiện đã được nhà nước kiểm định và cho phép hoạt động thì không thể không có các giấy tờ liên quan. Thay vì cho người mua tự khai tự chịu trách nhiệm ( nếu cần thiết thì hậu kiểm tại Barie thu phí và chế tài qui định là kiểm tra vé mua rồi không đổi lại...vv.). Cùng với sự hỗ trợ có hiệu của của máy móc, trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại ngày nay thì việc xác định này là điều đơn giản.

       Trên đây là một số nội dung kiến nghị thay đổi một số nội dung tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài Chính về hướng dẫn thu phí giao thông đường bộ. Kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Chính xem xét giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải.

 

TM.BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

 

Nơi nhận:

- Như trên                                                                      BÙI VĂN QUẢN

- Lưu VP                                                               


HH VTHH TP HCM