Bến xe: Chiếc bánh ngọt
Trước công văn hối thúc của đơn vị chủ quản về việc dừng khai thác bến xe Lương Yên từ ngày 1.7, các DN vận tải có xe hoạt động tại bến này đều đứng ngồi không yên. Và thông tin đơn vị chủ quản bến xe là Cty lương thực cấp I tạm thời vẫn để bến xe này hoạt động ổn định đến hết quý III/2012 cũng chẳng làm yên lòng các DN vận tải ở đây.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bến xe Lương Yên hiện là bến tạm, nằm sát bến Lương Yên cũ vốn đã bị thu hồi để xây công trình hỗn hợp cao tầng.
Lý giải về chủ trương giải tỏa bến xe Lương Yên, ông Trần Ngọc Thiều - GĐ Cty lương thực cấp I Lương Yên - cho rằng, do hoạt động của bến xe không còn phù hợp với tình hình phát triển mới, nên mặt bằng tại bến xe Lương Yên sẽ được giải tỏa để xây nhà cao tầng.
Theo quy hoạch đã được TP.Hà Nội phê duyệt, nền đất của bến xe Lương Yên cũ được chia làm 3 phần: 14.228m2 được đầu tư xây KĐT hỗn hợp, 5.576m2 làm bãi đỗ xe cao tầng; 2.500m2 dành cho việc xây trường học. Như vậy, bến xe Lương Yên mới hoạt động hơn 8 năm sau khi đã phải thu hẹp diện tích từ 12.000m2 xuống còn hơn 5.000m2 để nhường chỗ cho dự án nhà cao tầng, nay cũng sắp bị xóa sổ hoàn toàn.
Bến xe Lương Yên không phải là trường hợp đầu tiên được TP phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng để xây nhà cao tầng. Trước đó, cuối năm 2009, khi bến xe Yên Nghĩa - được đầu tư hàng trăm tỉ đồng - đi vào hoạt động, toàn bộ xe khách ở bến xe Hà Đông (143 Trần Phú) được chuyển xuống bến xe Yên Nghĩa.
Diện tích bãi xe rộng hơn 10.000m2 của bến xe Hà Đông được chuyển mục đích sử dụng: Tháng 7.2008, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã giao Cty CP đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư và thực hiện dự án khu nhà ở hỗn hợp cao tầng đô thị Sông Đà tại khu đất bến xe Hà Đông với diện tích 11.370m2, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 140.000m2.
Giao thông sẽ lộn xộn?
Tiếp xúc với chúng tôi, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đều lo lắng trước việc lấy bến xe xây nhà trong khi quy hoạch bến xe vẫn toàn là trên giấy. Theo Sở GTVT Hà Nội, Hà Nội hiện có 11 bến xe khách liên tỉnh, nằm cạnh các đường vành đai, trục xuyên tâm của thành phố. Di chuyển các bến xe ra ngoại thành để giảm áp lực giao thông cho nội đô là việc Sở GTVT sẽ thực hiện trong lộ trình phát triển các bến xe khách đến năm 2020.
Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức giao thông cũng đều thống nhất quan điểm, TP cần sớm xây mới hoặc di chuyển các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Nước Ngầm, Giáp Bát ra ngoại thành là hợp lý, để giải quyết bài toán giao thông cho TP.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là sau khi bến xe chuyển đi, cao ốc mọc lên thì áp lực giao thông cho TP có giảm? Cụ thể, các tòa nhà cao tầng mọc lên sẽ tiếp nhận số lượng rất lớn người và phương tiện vào hoạt động, lúc đó giao thông trong và ngoài khu vực tòa nhà sẽ tăng đột biến trong khi bến xe thì biến mất.
Và dư luận đặt câu hỏi, sau bến xe Lương Yên, bến xe Hà Đông sẽ đến bến xe nào nữa bị xóa sổ để xây nhà cao tầng?