PV: Được biết, Tổng công ty đã triển khai lắp đặt thiết bị GSHT cho 100% phương tiện trên toàn mạng buýt. Xin ông cho biết TCT có gặp phải khó khăn gì trong quá trình lắp đặt, vận hành?
Ông Nguyễn Trọng Thông:
Thời gian đầu lắp đặt, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đáng kể nhất là phản ứng tiêu cực từ đội ngũ công nhân lái xe. Cho rằng bị kiểm soát nên họ nảy sinh ý tưởng chống đối, tìm mọi cách gây gây trục trặc khiến thiết bị không thể hoạt động được như ngắt nguồn điện, tháo lỏng giắc cắm....
Ngoài khó khăn chủ quan trên, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn do khách quan như chất lượng dịch vụ của các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông kém (dịch vụ gián đoạn, nghẽn mạng trong quá trình truyền dữ liệu) làm cho dữ liệu cung cấp về máy chủ xử lý không liên tục dẫn đến kết quả xử lý thiếu chính xác. Hoạt động của thiết bị GSHT cũng phụ thuộc vào chất lượng kỹ thuật phương tiện (hệ thống điện, loa, cảm biến cửa, cảm biến vận tốc...). Ngoài ra, ảnh hưởng của khu vực bị phá sóng (quân đội, khu ngoại giao...), nhà cao tầng cũng có thể gây ra sai lệch về tọa độ của phương tiện.
PV: Được biết hệ thống GSHT có thể tích hợp được rất nhiều dịch vụ khác đi kèm. Trong thời gian tới Transerco có dự định khai thác hệ thống này để cung cấp thêm dịch vụ đến khách hàng đi xe buýt?
Ông Nguyễn Trọng Thông:
Transerco hiện đã tích hợp khai thác thêm nhiều tính năng của hệ thống thiết bị GSHT như kết hợp hệ thống loa trên xe thông báo tên điểm dừng tiếp theo trước khi xe đến điểm dừng để hỗ trợ hành khách đi xe chủ động trong việc xác định điểm dừng cần xuống; Thông báo số điện thoại đường dây nóng của DN để hành khách có thể phản ánh, góp ý. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích hợp thiết bị GSHT với bảng điện tử để hiển thị thông tin cho hành khách về xe đang cách bến bao xa để hỗ trợ hành khách chờ xe chủ động xác định khoảng thời gian xe đến bến.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích hợp với bảng điện tử tại một số điểm dừng trên tuyến để hiển thị thông tin xe đang cách điểm dừng bao xa để hỗ trợ thông tin chờ xe cho hành khách; Nghiên cứu tích hợp với hệ thống vé xe buýt thông minh; Cung cấp website theo dõi xe buýt hỗ trợ khách hàng quan sát, tìm xe trên máy tính hoặc điện thoại; Cung cấp dịch vụ tra cứu các tuyến xe, tìm xe sắp đến điểm dừng thông qua dịch vụ nhắn tin; Tích hợp hệ thống camera quan sát trên xe nhằm giám sát chất lượng phục vụ của đội ngũ công nhân lái xe và nhân viên bán vé đối với hành khách...
PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc lắp đặt, vận hành thiết bị GSHT và đưa ra một số tư vấn trong việc sử dụng thiết bị này?
Ông Nguyễn Trọng Thông:
Trước hết, phải nhấn mạnh rằng việc áp dụng công nghệ mới vào công tác quản lý điều hành là một cuộc cách mạng về nhận thức nên khi triển khai không thể đốt cháy giai đoạn mà cần thận trọng, có lộ trình khai thác phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt khi triển khai phải làm tốt công tác đào tạo, giáo dục và công tác tư tưởng, tuyên truyền để CBCNV nhận thức đúng về ý nghĩa, tác dụng của công nghệ cho hoạt động quản lý, điều hành.
Tiếp đến, phương thức triển khai cần phải đồng bộ, toàn diện, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt cùng với sự ủng hộ quyết tâm của lãnh đạo cũng như đội ngũ lao động trực tiếp của đơn vị được triển khai lắp đặt hệ thống thiết bị.
Cuối cùng, theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi đưa vào vận hành thiết bị GSHT, cần phải xác định đây chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý điều hành (chưa làm căn cứ xử phạt). Nếu áp dụng không linh hoạt, vận dụng không đúng ý nghĩa tác dụng của Hệ thống có thể dẫn đến bị phản ứng tiêu cực từ phía người sử dụng, vận hành phương tiện... Khi đó, các tiêu chí kiểm soát của hệ thống sẽ mất tác dụng và không đạt được kết quả như mong muốn.
PV: Cảm ơn ông!