Theo đó từ tháng 6 đến hết tháng 10/2012, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra lần lượt 5 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng và Nghệ An. Tập trung chủ yếu vào 3 nhóm đối tượng gồm: Nhóm quản lý nhà nước – các Sở GTVT; nhóm các đơn vị quản lý khai thác và kinh doanh bến xe ô tô khách trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố kể trên; nhóm các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định liên tỉnh trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố.
Trong đợt kiểm tra này đoàn thanh gia của Bộ GTVT sẽ tiến hành thanh tra tại các đơn vị được thanh tra và tại trường, ghi nhận kết quả bằng biên bản; xử lý vi phạm (nếu có); thu thập các thông tin, tài liệu liên quan và thực hiện các hoạt động theo quy định. Thời kì thanh tra đối với các địa phương, doanh nghiệp vận tải được tính từ ngày Nghị định 91/2009/NĐ-CP có hiệu lực (15/12/2009) đến thời điểm tiến hành thanh tra.
Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT Thạch Như Sỹ, Trưởng đoàn thanh tra cho biết: Đây là đợt thanh tra theo kế hoạch của Bộ GTVT, từ tháng 2/2012 Thanh tra Bộ GTVT đã gửi văn bản đến 63 tỉnh, thành yêu cầu tiến hành thanh tra đồng loạt tất cả các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, hoạt động của các bến xe, các Sở GTVT… Qua đó, chúng tôi chọn sắc xuất 5 tỉnh, thành phố để đánh giá khách quan nhất công tác quản lý và điều hành trong hoạt động này.
Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT trả lời báo chí về nội dung của đợt thanh tra. |
Lý do thanh tra bộ chọn thanh tra 5 tỉnh thành phố kể trên là do mỗi tỉnh đều có những đặc thù riêng. “Nếu như muốn chống ùn tắc giao thông, làm về vấn đề ATGT thì không thể không chọn 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Còn với 3 tỉnh thành còn lại là các tỉnh có lưu lượng xe tương đối lớn mà thể hiện được đặc thù của vùng miền”, ông Sỹ giải thích.
Đánh giá về thực trạng hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định ở nước ta hiện nay, bên cạnh những mặt được, ông Sỹ còn thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập như: hiện tượng tranh giành khách giữa các phương tiện; việc thành lập các xe dù, bến cóc xảy ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh; chất lượng phục vụ ở một số doanh nghiệp chưa được đảm bảo theo yêu cầu của Nghị định 91 của Chính phủ, Thông tư 14 của Bộ GTVT, hay vấn đề ý thức, đạo đức người lái xe…
Chính vì những lý do này, ở đợt thanh tra, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra toàn diện với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng đã được chọn ở 9 nội dung như: Điều kiện hoạt động kinh doanh, phương tiện và quản lý phuơng tiện; Phương án kinh doanh, chất lượng dịch vụ, phương thức quản lý và điều hành, quản lý lái xe và nhân viên phục vụ… Đặc biệt, từ 1.7 đoàn sẽ kiểm tra việc lắp đặt sử dụng thiết bị giám sát hành trình đối với từng doanh nghiệp, từng phương tiện.
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT, thời gian thanh tra đối với từng địa phương như sau: Cần thơ 21/06 – 5/07, Hải phòng 10/07 – 30/07, Tp. Hồ Chí Minh 5/08 – 25/08, Hà Nội 1/09 25/09, Nghệ An 1/10 - 20/10. Riêng ở Cần Thơ, Đoàn Thanh tra đã sắp xếp lịch làm việc với 10 đơn vị. 4 tỉnh còn lại đoàn sẽ chỉ định và thông báo cho các đơn vị trước một tuần. Dự kiến đoàn sẽ tiến hành thanh tra đơn vị được chọn lựa trong thời gian 2-3 ngày.