Phí chồng phí?
Ông Nguyễn Khánh Toàn - Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng: “Các trạm thu phí BOT vừa thu để hoàn vốn, vừa để bảo trì đường bộ. Vì vậy nếu thu thêm quỹ bảo trì đường bộ chúng tôi e rằng người điều khiển phương tiện vận tải mua vé qua trạm thu phí BOT sẽ bị thu 2 lần”. Được biết, từ cuối tháng 3.2012 Hiệp hội Vận tải ôtô VN đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị loại bỏ cơ cấu tính phí bảo trì đường bộ trong mức thu phí qua trạm BOT.
Thực tế, để huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống cầu, đường bộ các trạm BOT sẽ ngày càng phát triển. Mức phí của trạm NSNN chỉ từ 15.000 - 80.000 đồng/lượt, trong khi các trạm BOT cao hơn, thậm chí như trạm thu phí Tào Xuyên (Thanh Hóa) thu phí cả đối tượng không sử dụng dịch vụ nhưng có mức phí gần như cao nhất hệ thống QL (chỉ thấp hơn phí đường cao tốc).
Đồng ý kiến, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội - cho rằng: “Thực hiện Quỹ bảo trì đường bộ sẽ xóa các trạm thu phí NSNN, nhưng một số trạm BOT lại trùng với tuyến có cả trạm NSNN, hay chuyển từ trạm NSNN thành trạm BOT, chẳng khác gì. Hơn nữa, trạm thu phí BOT cũng có cơ cấu thu phí bảo trì tuyến đường, sẽ bị phí chồng phí, đây là bất cập”.
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN - cho rằng: “Trong BOT có tính phần cho duy tu đường, nhưng người ta đã tính toán giá thành thu phí, giá để thu phí đã xem xét, ví dụ tính ra 10 đồng thì chỉ thu 9 đồng thôi. Trong đề án đã có ý kiến của Hiệp hội Vận tải. Tất nhiên, Nhà nước đã cấp vốn, trong đó có người dân đóng thuế nhưng để duy trì cho tốt hơn thì phải đóng phí. VN cũng không phải ngoại lệ, đã tham khảo nhiều nước trước khi đưa ra mức phí”.
Xã hội hóa bảo trì đường bộ
Hiện đang có 22 DN 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, bảo trì và xây dựng đường bộ. Cụ thể, Khu quản lý đường bộ 2 có 8 DN, Khu quản lý đường bộ 4 có 4 DN, Khu quản lý đường bộ 5 có 4 DN, Khu quản lý đường bộ 7 có 6 DN. Các DN này đều thuộc quản lý của Tổng cục Đường bộ VN. Các DN này đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ từ 5 – 20 tỉ đồng, nguồn thu chủ yếu từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng.
Để đảm bảo dịch vụ bảo trì đường sá tốt hơn, theo ông Nguyễn Ngọc Đông ngay trong năm 2012 sẽ tiến hành đấu thầu, duy tu hệ thống đường sá theo chế tài, tiêu chí cụ thể chứ không giao kế hoạch cho các DN nhà nước như trước nữa. Thêm đó, sẽ có các DN tư nhân tham gia đấu thầu để đảm bảo bảo trì chất lượng đường sá theo đơn đặt hàng.
Ông Đông cho hay, kênh BOT vẫn là một kênh thu hút vốn cần thiết, còn khi Quỹ Bảo trì đưa vào hoạt động sẽ bỏ hết các trạm thu phí NSNN. Như trạm thu phí Tào Xuyên là một kênh thu hút vốn để làm đường, ông Đông cho biết: “Ở đây xác định là kênh thu hút vốn để xây dựng đường cho xã hội”.
Hiệp hội Vận tải ôtô VN kiến nghị cần có tính toán mức dãn cách giữa các trạm thu phí, mức phí cho phù hợp. Đồng thời, sau khi thu quỹ bảo trì đường bộ cần đảm bảo chất lượng đường sá tương ứng với mức phí người dân phải đóng góp.
Nếu thu thêm quỹ bảo trì đường bộ e rằng người điều khiển phương tiện vận tải mua vé qua trạm thu phí BOT sẽ bị thu 2 lần. Ông Nguyễn Khánh Toàn - Chánh Văn phòng Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam |