[in trang]

Làm rõ lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu

16-07-12

Bộ Tài chính vừa báo cáo Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định 84/CP về cơ chế kinh doanh xăng dầu với đề xuất rút ngắn thời gian tính giá, sửa công thức giá cơ sở...


Đưa lợi nhuận ra ngoài giá cơ sở

Theo phương án được Bộ Tài chính trình, nội dung cơ bản được sửa đổi gồm đổi chu kỳ tính giá bình quân 10 ngày thay vì 30 ngày, quy định cụ thể mức thù lao hoa hồng đại lý, chi phí kinh doanh và bổ sung các quy định kiểm tra, kiểm soát, công bố minh bạch thông tin, chế tài xử phạt...

Đặc biệt, Nghị định sửa đổi sẽ đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở. Lý giải phương án này, Bộ Tài chính giải thích trong công thức tính giá cơ sở hiện nay đã bao gồm 300 đồng lợi nhuận định mức kinh doanh cho mỗi lít (kg) xăng dầu. Quy định này rất khó phân biệt lỗ/lãi của doanh nghiệp như thời gian qua, gây bức xúc dư luận. Ví dụ khi doanh nghiệp tuyên bố giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, gây lỗ 200 đồng/lít thì thực chất là đang lãi 100 đồng/lít vì trong giá cơ sở đã bao gồm 300 đồng lợi nhuận.

Bộ Tài chính dự kiến quy định chi phí bán lẻ xăng dầu bình quân ở các địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng, dầu ở trong nước tối đa là 860 đồng/lít. Đối với các địa bàn khác được cộng thêm tối đa 2% mức giá bán lẻ. Đối với thù lao hoa hồng cho đại lý, doanh nghiệp không được trích quá 50% mức chi phí kinh doanh nói trên. Một điều chỉnh khác rất được các doanh nghiệp quan tâm là giá cơ sở sẽ được tính theo chu kỳ 10 ngày thay vì 30 ngày hiện nay để phù hợp với tần suất điều chỉnh giá. 

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ bình ổn), Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc trích lập Quỹ ngay khi hàng nhập khẩu về hay khi đã xuất bán lẻ và sẽ để Quỹ tại Kho bạc Nhà nước thay vì để ở doanh nghiệp.

Quy định mức hoa hồng là không khả thi

Trao đổi với PV về những thuận lợi và khó khăn với doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định sửa đổi, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng ấn định mức hoa hồng cụ thể trong kinh doanh xăng dầu là khó khả thi. Định hướng điều hành giá theo thị trường mà lại “chặn” mức hoa hồng thì không khuyến khích cạnh tranh. Và thực tế, doanh nghiệp sẽ tìm cách lách để có cơ chế cho các đại lý.  

Về vấn đề này PGS, TS Ngô Trí Long lại có góc nhìn khác, ông cho rằng quy định chi phí hoa hồng là cần thiết vì trong thực tế, khi muốn tăng giá, doanh nghiệp đầu mối giảm chiết khấu cho đại lý để họ càng bán càng lỗ. Nếu lỗ nặng quá sức chịu đựng, đại lý tư nhân sẽ bán cầm chừng hoặc đóng cửa, tạo sức ép tăng giá. Còn khi không muốn giảm giá, doanh nghiệp lại tăng chiết khấu hoa hồng để có sổ sách báo lãi ít. 

Đánh giá các giải pháp điều chỉnh của Bộ Tài chính, một chuyên gia kinh tế khẳng định làm rõ cách tính giá cơ sở sẽ giúp minh bạch hóa lỗ lãi của doanh nghiệp đầu mối. Thời gian điều chỉnh giá rút xuống cũng tránh cho các doanh nghiệp phải chịu lỗ quá dài và phải liên tục sử dụng Quỹ bình ổn cũng như nhà nước thường xuyên phải điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu.


Theo Báo Giao thông vận tải