Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho Dân trí biết, kể từ 14h chiều nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được doanh nghiệp này điều chỉnh tăng từ 500 đồng - 900 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng tăng 900 đồng/lít, dầu tăng 500 đồng/lít.
Theo đó, giá xăng bán lẻ A92 sẽ có mức 21.900 đồng/lít.
Còn theo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro), kể từ 13h chiều nay, doanh nghiệp này điều chỉnh tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít, dầu DO thêm 500 đồng/lít và dầu hỏa 400 lít.
Với mức điều chỉnh này, giá bán xăng dầu tại Saigon Petro sẽ có giá: xăng A95 là 22.400 đồng/lít, A92 là 21.900 đồng/lít, A83 là 21.400 đồng/lít, dầu diezel 0,05S là 20.800 đồng, dầu hỏa 20.650 đồng/lít…
Như vậy, qua hai doanh nghiệp xăng dầu vừa công bố là Petrolimex và Saigon Petro, mức tăng giá bán lẻ xăng dầu đã có sự khác biệt nhỏ. Trong khi Petrolimex điều chỉnh tăng từ 500 đồng - 900 đồng/lít thì Saigon Petro tăng 400 đồng - 900 đồng/lít.
Hiện tại, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác chưa công bố mức điều chỉnh giá bán xăng dầu.
Sáng nay 1/8, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối điều chỉnh giá trong biên độ cho phép.
Tuy nhiên, công văn nhấn mạnh, để mức giá được quy định hợp lý, Liên Bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá đã đăng ký để quy định giá bán xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và tuân thủ đúng với các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; tự chịu trách nhiệm về quyết định giá và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Về thời điểm thực hiện, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP.
Cùng với việc trao quyền tự định giá cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá, thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu và các loại phí như quy định hiện hành.
Trước đó, vào chiều tối qua 31/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã phê duyệt đề xuất của Cục quản lý giá về việc cho doanh nghiệp tự điều chỉnh giá xăng dầu sau khi một số doanh nghiệp đầu mối lớn đề nghị được tăng giá xăng trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đã tăng 11 ngày liên tiếp.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, doanh nghiệp có thể tự quyết định thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu căn cứ vào chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành. Ở lần điều chỉnh này sẽ không tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Quỹ bình ổn giá vẫn giữ nguyên. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tuân thủ chu trình tính giá theo Thông tư 234 và Nghị định 84, thời gian tăng giảm giữa hai lần tối thiểu là 10 ngày, căn cứ vào chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp đầu mối trong nước, hiện giá xăng dầu bán lẻ đang lỗ từ 500 đồng - 1.200 đồng/lít.
Tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, trong phiên hôm qua, giá mỗi thùng xăng đã nhích thêm 1,05 USD, tương đương 0,91%, lên 116,15 USD/thùng.
Còn trung bình 10 ngày qua đối với xăng RON 92 là 114,71 USD/thùng; dầu DO 0,05S 122,72 USD/thùng; DO 0,25S 121,90 USD/thùng; Dầu hỏa 121,23 USD/thùng và dầu FO 180 cst 647,42 USD/tấn.
Như vậy chỉ trong 2 phiên gần nhất, giá xăng A92 thế giới đã tăng thêm 3,15 USD. Đây được xem như dấu hiệu cho sự đảo chiều trong xu hướng giá bởi trong liền 4 phiên trước đó, giá xăng A92 đã liên tục giảm từ mức 118,15 USD/thùng xuống chỉ còn 113 USD/thùng. Nhìn xa hơn, so với phiên đầu tiên của tháng 7, giá xăng A92 thế giới đã đắt thêm 16,15 USD, tương đương 16,15 %.
Như vậy, với việc điều chỉnh lần này, kể từ đầu năm tới nay, giá xăng trong nước có hai lần tăng và 5 lần giảm. Lần tăng trước là vào ngày 20/7, các doanh nghiệp đầu mối đã điều chỉnh tăng 400 đồng/lít xăng, diezel tăng 400 đồng/lít, dầu hỏa dân dụng tăng 300 đồng/lít. Theo đó, giá bán lẻ xăng A95 là 21.500 đồng/lít, xăng A92 là 21.000 đồng/lít, dầu DO có giá mới là 20.300 đồng/lít, dầu hỏa từ 20.150 - 20.250 đồng/lít.