[in trang]

'Bắt tay' tăng giá xăng dầu?

02-08-12

Theo nhiều chuyên gia, việc doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt thông báo tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít và giá dầu thêm 500 đồng/lít cho thấy nhiều dấu hiệu không ổn, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu vẫn còn tình trạng độc quyền.


Đồng loạt tăng 900 đồng/lít xăng

Mở màn tăng giá sớm nhất, sau khi Bộ Tài chính “bật đèn xanh” cho phép các doanh nghiệp được phép tăng giá, là SaiGon Petro, đơn vị chiếm 8% thị phần xăng dầu trên cả nước, với quyết định điều chỉnh giá bán tăng thêm 900 đồng/lít xăng A92, lên mức 21.900 đồng/lít, và 500 đồng/lít với các loại dầu diezel, madút, dầu hỏa. Đến 13h30 đơn vị lớn thứ hai, hiện chiếm khoảng 25% thị phần là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PCV Oil) và Cty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn SFC cũng thông báo áp dụng giá bán mới với các mặt hàng xăng dầu.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước cũng thông báo điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 14 giờ, áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối.

Các doanh nghiệp lớn khác là Tổng Cty Xăng dầu Quân đội và Cty Cổ phần Nhiên liệu Xăng dầu Comeco cũng chính thức tăng giá lúc 14h với mức tăng đồng loạt 900 đồng/lít xăng (xăng A95 tăng lên 22.400 đồng/lít còn A92 lên mức 21.900 đồng/lít) Diezel 0,05S và 0,25S được điều chỉnh tăng 500 đồng, lên lần lượt 20.800 đồng và 20.750 đồng/lít.

Theo Phó tổng giám đốc Petrolimex, ông Phạm Đức Thắng, quyết định về giá bán xăng dầu của tập đoàn đã được gửi đến tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex và báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổ giám sát Liên bộ Tài chính - Công Thương.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84.

Dù thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp áp dụng khác nhau nhưng mức tăng giá xăng dầu lại giống nhau. Y như các doanh nghiệp “thoả thuận” để cùng tăng giá.

Theo giải thích của các doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp đồng loạt tăng cùng một thời điểm, một mức giá thì mới có thể nói có sự liên kết, bắt tay nhau giữa các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu còn trong lần tăng giá xăng dầu lần này, mỗi doanh nghiệp có một thời điểm tăng giá khác nhau.

Tuy nhiên các doanh nghiệp từ chối bình luận về sự trùng khớp mức tăng giá chung giữa các đơn vị, dù mỗi đơn vị có cách tính, chi phí kinh doanh khác nhau, thậm chí mức lỗ khác nhau.

Phải công bố giá nhập khẩu từng lô hàng

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học, Thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng việc các doanh nghiệp cùng tăng ở một mức giá do trên thị trường hiện Petrolimex là đơn vị độc quyền, chiếm thị phần lớn nên các đơn vị phải theo, không theo thì không có khả năng trụ được.

Nếu doanh nghiệp tăng cao quá thì người ta sẽ không mua, thấp hơn thì thiệt. Vì vậy khi các các doanh nghiệp lớn đưa ra mức giá của mình thì các doanh nghiệp nhỏ không thể tăng cao hoặc thấp hơn được.

Theo ông Long, xét trong bối cảnh thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự như hiện nay thì Nhà nước vẫn cần giữ quyền định giá. Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng vật tư nhập khẩu chiến lược quan trọng có ảnh hưởng tới dân sinh, doanh nghiệp, người dân mà còn độc quyền thì Nhà nước phải định giá.

Ngay trong Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua, với những sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải định giá, còn những sản phẩm có cạnh tranh thực sự thì để cho thị trường quyết định.

“Thị trường xăng dầu hiện vẫn là độc quyền, chưa có cạnh tranh thực sự. Vì vậy, Nghị định 84 có cái sai ở chỗ, trong cơ chế thị trường còn doanh nghiệp độc quyền mà để cho họ tự định giá từ 0-7%, dù là biên độ bé, nhưng tích tiểu thành đại thì người tiêu dùng cuối cùng vẫn thiệt. Với cơ cấu thị trường như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải nhìn ông lớn hơn để định giá”- Ông Long nói.

Theo chuyên gia này, chỉ nên trao quyền định giá thực sự cho doanh nghiệp khi có sự cạnh tranh thực sự bình đẳng trên thị trường bằng cách tổ chức lại các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Chỉ khi các doanh nghiệp có năng lực, mặt bằng, xuất phát điểm, vị trí kho cảng và thị phần tương đương nhau thì mới có sự cạnh tranh thực sự.

Một chuyên gia khác cho rằng, để minh bạch giá xăng dầu, Bộ Tài chính nên công khai giá vốn bán hàng, chi phí, lượng và giá của các lô hàng nhập của từng doanh nghiệp trong vòng 10 hay 30 ngày.

Từ đó, tính bình quân với lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp thì sẽ chứng minh được ngay là doanh nghiệp có thật sự bị lỗ hay vẫn đang có lãi.

“Nếu trong vòng 10 ngày qua doanh nghiệp không nhập bất cứ một lô hàng nào trong khi giá thế giới tăng mạnh như vậy thì đương nhiên doanh nghiệp không lỗ. Lỗ mà họ kêu như vậy là lỗ ảo. Còn nếu họ nhập hàng giá cao, cộng trừ hàng tồn kho và các chi phí mà bị lỗ thì việc tăng giá sẽ được người dân ủng hộ. Nhưng từ trước đến nay không ai công bố những con số đó cả”- Ông nói.

 

Vì sao cùng tăng một mức giá?

Một lãnh đạo của Cục quản lý giá cho hay, trước khi quyết định cho doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu, Cục này đã kiểm tra, rà soát lại phương án và cách tính giá cơ sở theo đăng ký của doanh nghiệp. Vị lãnh đạo này cũng từ chối trả lời về việc vì sao các doanh nghiệp lại đồng loạt tăng một mức giá.

Đây là lần doanh nghiệp tự quyết định tăng giá thứ 2 (lần tăng trước là 20-7), sau khi Bộ Tài chính có văn bản cho trao quyền quyết định giá (nếu tăng dưới 7%) cho doanh nghiệp.

Thu Hằng

Phạm Tuyên

 
 
  •  
 
 

Theo Tiền Phong online