HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ |
VIỆT NAM
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ
Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (nhiệm kỳ 2013 – 2018) đã bầu ra 59 Uỷ viên Ban Chấp hành: Ban Chấp hành họp lần thứ nhất ngày 05 tháng 4 năm 2013 đã bầu: 23 Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký. Ban Thường vụ đã cử Thường trực Hiệp hội gồm: Chủ tịch các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký gồm 7 người.
Sau khi xin ý kiến bằng văn bản các Uỷ viên Ban Chấp hành và xin ý kiến trực tiếp tại cuộc họp Ban Thường vụ mở rộng; Ban Thường vụ Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hiệp hội như sau:
I. Đối với Ban Chấp hành:
1. Ban Chấp hành Hiệp hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất điều hành mọi hoạt động của Hiệp hội trong thời gian giữa 2 kỳ Đại hội, Ban chấp hành Hiệp hội thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo quy định tại điều 20 Điều lệ Hiệp hội.
2. Nguyên tắc hoạt động Ban Chấp hành là thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ dưới sự điều hành của Chủ tịch và Ban Thường vụ.
3. Các Uỷ viên Ban Chấp hành phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Ban Chấp hành phân công, tham gia đầy đủ các cuộc họp theo triệu tập của Thường trực Hiệp hội, trường hợp không tham gia cuộc họp, hội nghị phải báo cáo bằng văn bản tới Thường trực trước ngày hội nghị tiến hành.
4. Tôn trọng Điều lệ Hiệp hội và pháp luật của nhà nước, Uỷ viên Ban Chấp hành có nhiệm vụ tổng hợp ý kiến của các Hội viên tại khu vực được phân công phụ trách, phản ánh đến Hiệp hội những ý kiến tiếp thu từ cơ sở. Đề xuất với Hiệp hội những ý kiến về việc xây dựng Hiệp hội về phát triển Hội viên về hội phí, về tình hình tài chính của Hiệp hội, ý kiến trực tiếp tại Hội nghị Ban Chấp hành hoặc ý kiến bằng văn bản gửi Ban Thường vụ, Thường trực trong thời gian giữa 2 kỳ họp.
Ý kiến tham gia của từng uỷ viên Ban chấp hành nếu chưa được giải quyết, Uỷ viên Ban chấp hành vẫn phải tôn trọng thực hiện nghị quyết Ban chấp hành, Ban thường vụ.
5. Các Uỷ viên Ban Chấp hành trực tiếp là Chủ tịch Hiệp hội cơ sở phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Uỷ viên Ban Chấp hành và tổ chức lãnh đạo Hiệp hội cơ sở nơi mình phụ trách hoàn thành nhiệm vụ theo Điều lệ Hiệp hội cơ sở đảm bảo Hiệp hội cơ sở hoạt động đúng mục đích của Hiệp hội không gây tổn hại đến uy tín của Hiệp hội.
6. Uỷ viên Ban Chấp hành nếu vì điều kiện công tác hoặc sức khoẻ có nguyện vọng xin rút khỏi Ban Chấp hành phải có đơn xin rút khỏi Ban Chấp hành nêu rõ lý do và chỉ được rút khỏi Ban chấp hành khi có thông báo bằng văn bản của Ban Thường vụ Hiệp hội.
7. Uỷ viên Ban Chấp hành sẽ bị chấm dứt tư cách Uỷ viên trong các trường hợp sau:
Hai lần liên tiếp không tham gia hội nghị Ban Chấp hành mà không có lý do chính đáng, hoặc không tham gia các hoạt động của Ban chấp hành theo quy định pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội, hoặc thực hiện nhiệm vụ trái với quy định của pháp luật Việt Nam và trái với mục đích của Hiệp hội gây tổn hại đến uy tín của Hiệp hội và vi phạm các điều khoản khác theo quy định tại Điều 21 Điều lệ Hiệp hội.
8. Ban Chấp hành uỷ quyền Ban Thường vụ thực hiện một số nội dung thuộc quyền hạn của Ban chấp hành:
a. Xét kết nạp, khai trừ, khen thưởng, kỷ luật hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.
b. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội.
c. Tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cơ cở, các tổ chức đơn vị trực thuộc của Hiệp hội và giữa các Hội viên của Hiệp hội.
9. Những vấn đề được Ban Chấp hành Hiệp hội uỷ quyền Ban Thường vụ thực hiện phải báo cáo tại hội nghị Ban Chấp hành gần nhất từng trường hợp cụ thể để Ban chấp hành biết.
II. Đối với Ban Thường vụ
1. Ban Thường vụ Hiệp hội thay mặt Ban Chấp hành chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hiệp hội giữa 2 kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của Ban Thường vụ theo quy định tại Điều 22 Điều lệ Hiệp hội.
Ban Thường vụ có nhiệm vụ thực hiện nghị quyết Ban Chấp hành giữa 2 kỳ họp, không triển khai những công việc những nhiệm vụ không có trong nghị quyết Ban Chấp hành.
Những vấn đề cấp bách cần giải quyết Ban Thường vụ có văn bản xin ý kiến các Uỷ viên Ban Chấp hành những nội dung cụ thể nếu được sự đồng ý bằng văn bản của trên 2/3 Uỷ viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ mới được quyết định.
2. Với các nhiệm vụ được Ban Chấp hành uỷ quyền, Ban Thường vụ có trách nhiệm báo cáo Ban Chấp hành chi tiết các nhiệm vụ cụ thể với Ban Chấp hành tại kỳ họp Ban Chấp hành gần nhất.
3. Các Uỷ viên Ban Thường vụ phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ do Ban Chấp hành phân công, tham gia đầy đủ các hội nghị do Ban thường vụ triệu tập trong trường hợp vắng mặt phải báo cáo lý do với Thường trực Hiệp hội.
4. Uỷ viên Ban Thường vụ nếu vì lý do sức khoẻ hoặc điều kiện công tác không tham gia Ban Chấp hành được Ban Thường vụ đồng ý coi như xin thôi Ban Thường vụ.
5. Ban Thường vụ cử ra Thường trực Hiệp hội thay mặt Ban Thường vụ giải quyết các công việc của Hiệp hội giữa 2 kỳ họp Ban Thường vụ và giải quyết một số công việc cụ thể sau:
a. Quyết định kết nạp Hội viên mới theo quy định pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội;
b. Dự thảo về các văn bản: Báo cáo, Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ hoặc Đại hội bất thường, Hội nghị thường niên của Hiệp hội.
Thường trực Hiệp hội có trách nhiệm báo cáo Ban Thường vụ tại hội nghị Ban Thường vụ gần nhất về thực hiện những nhiệm vụ được uỷ quyền.
III. Chế độ hội họp:
1. Ban Chấp hành Hiệp hội họp mỗi năm 1 lần vào tháng cuối quý IV hoặc đầu quý I năm sau.
2. Ban Thường vụ hoặc Ban Thường vụ mở rộng, họp 6 tháng 1 lần vào tháng cuối quý II hoặc đầu quý III và đầu quý I năm sau.
3. Thường trực Ban thường vụ họp mỗi quý một lần vào tháng cuối quý hoặc tháng đầu quý sau.
4. Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chịu trách nhiệm chuẩn bị nội dung hội nghị theo từng nội dung và theo quy định tại Điều lệ./.