[in trang]

Báo cáo tổng kết năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014

10-12-13


 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

 

 

VIỆT NAM

 



 

 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 



 

 Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2013

 

                  

BÁO CÁO

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2013 VÀ NHIỆM VỤ NĂM 2014

 

 

Năm 2013 là năm đất nước ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tình hình chính trị, kinh tế và khí hậu thế giới có nhiều diễn biến phức tạp: kinh tế thế giới suy thoái; đặc biệt là sự biến đổi khí hậu dẫn đến thiên tai, lũ lụt, động đất thường xuyên diễn ra tại nhiều quốc gia làm cho tốc độ phát triển kinh tế gặp khó khăn, giá các mặt hàng công nghiệp trong đó có ô tô, nhiên liệu thường xuyên biến đổi theo chiều hướng tăng. Những biến đổi của thế giới có tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, với sự quyết tâm của toàn Đảng, sự điều hành năng động của Chính phủ và sự quyết tâm khắc phục khó khăn của toàn dân nên trong năm qua về cơ bản chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,3%.

Với ngành giao thông vận tải trong đó có vận tải ô tô trong năm qua cũng gặp không ít khó khăn: lũ lụt đã gây khó khăn rất lớn đến các đơn vị vận tải, nhiều tuyến đường miền Trung và miền núi phía Bắc bị gián đoạn, chất lượng đường sá chưa được cải thiện; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là nhiên liệu thường xuyên có biến động,  sau 10 lần điều chỉnh tăng, giảm giá nhưng tổng hợp lại thì giá xăng dầu tăng 3%-5% tùy theo loại nhiên liệu; Từ đầu năm 2013, thực hiện việc thu nộp phí sử dụng đường bộ vào Quỹ bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp vận tải, trong khi đó các trạm thu phí ngừng hoạt động không nhiều và hình thành thêm một số trạm BOT; cuối năm lại điều chỉnh tăng 40% phí kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gây khó khăn cho việc ổn định giá cước vận tải.

Về văn bản quy phạm pháp luật cũng nhiều thay đổi, Tháng 8 năm 2013 Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư 18/2013/TT-BGTVT quy định về tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thay thế thông tư 14 và thông tư 24 đã tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các đơn vị vận tải. Tuy vậy cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Tháng 11 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đường sắt. Trong đó có nhiều quy định giữ nguyên hoặc giảm nhẹ mức phạt bằng tiền cho người lái xe vi phạm, nhưng lại có nhiều quy định chặt chẽ hơn xử phạt nặng hơn đối với các đơn vị vận tải, đòi hỏi các đơn vị vận tải phải tiếp tục tổ chức lại hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các quy định của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải.

Đầu tháng 4 năm nay, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ IV, đã xây dựng và giao Ban Chấp hành khóa IV thực hiện Chương trình hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ và từng năm.

Hôm nay tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng, Ban Thường vụ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo kết quả hoạt động trong năm 2013 và dự kiến Kế hoạch hoạt động trong năm 2014 của Ban Chấp hành khóa IV.

 

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH NĂM 2013

 

1. Báo cáo kết quả Đại hội và hoạt động của Ban Thường vụ khóa IV

Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam được tổ chức vào    ngày 05/4/2013 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh với sự có mặt của gần 200 đại biểu được triệu tập và hơn 100 đại biểu khách mời.

Đại hội đã hoàn thành Chương trình theo Điều lệ quy định:

a.     Thông qua báo cáo tổng kết hoạt động Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhiệm kỳ III (2008 - 2013),

b.     Thông qua phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2013-2018),

c.      Thông qua Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam,

d.     Bầu Ban Chấp hành khoá IV với 59 uỷ viên Ban chấp hành,

đ. Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho 22 cá nhân  và 11 tập thể có thành tích trong công tác vận tải và xây dựng Hiệp hội.

Đại hội diễn ra trong không khí vui vẻ, đoàn kết, hợp tác đúng Điều lệ, đúng quy định của pháp luật. Đại hội đã kết thúc tốt đẹp và thành công rực rỡ.

Ban Chấp hành khoá IV đã họp bầu Ban Thường vụ gồm 23 Ủy viên và Thường trực Hiệp hội gồm: Chủ tịch, các phó Chủ tịch và Tổng thư ký.

Ngày 13 tháng 7 năm 2013, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Lâm Đồng, Thường trực Hiệp hội đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng tại Đà Lạt, Lâm Đồng để bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội và thông qua một số quy định trong hoạt động của Hiệp hội.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng đã thông qua các quy định sau:

a- Thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành,

 b- Phân công trách nhiệm của các Uỷ viên Ban Chấp hành khoá IV,

c- Thống nhất mức thu hội phí hàng năm của các doanh nghiệp hội viên.

 

Sau Hội nghị này các văn bản nêu trên đã được ban hành và phổ biến đến các Hiệp hội cơ sở, các Hội viên độc lập và đăng trên Webside của Hiệp hội.

 

2. Phát triển hội viên, đổi mới nội dung sinh hoạt và các hoạt động từ cơ sở

 

 Hệ thống tổ chức, tính nay Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bao gồm:

- 46 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực với hơn 1500 hội viên gồm các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải và các đơn vị liên quan đến vận tải,

- 35 Hội viên độc lập trực thuộc là các Tổng Công ty, các doanh nghiệp vận tải và liên quan đến vận tải ô tô,

 - Có 4 Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ,

- Một số Hiệp hội cơ sở có hội viên lớn như: Hiệp hội các doanh nghiệp vận tải và bến xe khu vực phía Bắc, Hiệp hội bến xe khách, Hiệp hội Vận tải ô tô Hải Dương, Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội, bên cạnh đó cũng còn nhiều Hiệp hội có dưới 10 hội viên,

- Tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) đã thành lập nhiều Hiệp hội cơ sở chuyên ngành (Hiệp hội xe khách liên tỉnh, Hiệp hội taxi, Hiệp hội vận tải hàng hoá, Hiệp hội vận tải công cộng,…),

 Để tiến tới Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đa số các Hiệp hội cơ sở đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ theo đúng quy định. Tuy vậy, cho đến nay vẫn còn một số Hiệp hội cơ sở chưa tổ chức Đại hội vì nhiều lý do như: Chính quyền địa phương yêu cầu tiến hành các thủ tục thành lập lại theo Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ (Hiệp hội vận tải ô tô Quảng Bình, Lạng Sơn); một số Hiệp hội cơ sở do vướng mắc về thủ tục nhân sự (Hiệp hội vận tải ô tô Kiên Giang, Bình Định, Đắk Lắk).

Tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Tây Ninh đã tiến hành Đại hội và hoàn thành thủ tục gia nhập Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

 Tháng 10 năm 2013, Thường trực Hiệp hội đã quyết định thành lập “Chi hội các doanh nghiệp thiết bị giám sát hành trình” theo đúng quy định hiện hành, đây là Chi hội trực thuộc Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

 Thường trực Hiệp hội đã vận động và hướng dẫn một số địa phương xúc tiến thành lập Hiệp hội. Đến nay một số địa phương (Phú Thọ, Hà Nam) đã hoàn thành thủ tục báo cáo Ủy ban nhân tỉnh để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất. Một số địa phương khác (Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Hải Phòng), Thường trực Hiệp hội đã cũng với Sở Giao thông vận tải gặp gỡ các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp liên quan đến vận tải ô tô để thành lập Hiệp hội. Nhìn chung các địa phương đều có quyết tâm sẽ vận động và sớm tổ chức Hiệp hội cơ sở.

Về hoạt động của Hiệp hội cơ sở: Đa số các Hiệp hội cơ sở bảo đảm chế độ sinh hoạt thường kỳ và đột xuất, cơ bản đã đổi mới chương trình hoạt động, thay đổi nội dung sinh hoạt của Hiệp hội, tập trung vào những vấn đề quan tâm của các hội viên, tạo điều kiện để các hội viên phát triển, đồng thời tập hợp ý kiến các hội viên đề nghị Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam báo cáo các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hội viên. Bên cạnh đó nhiều Hiệp hội cơ sở không sinh hoạt tập thể mà phó thác cho bộ phận thường trực góp ý cho các văn bản theo yêu cầu hoặc thay mặt đề xuất ý kiến với nhà nước.

Trong thời gian qua, Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã tổ chức các cuộc Hội thảo về giải pháp ngăn chặn xe quá tải, về sửa đổi quy định về thu phí đường bộ, giá cước, từ đó đã có nhiều ý kiến đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước về kiểm tra tải trọng xe, việc thu phí sử dụng đường bộ với sơmi-rơ-moóc…

Hiệp hội vận tải ô tô Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Ninh Bình đã họp và kiến nghị với Sở GTVT Hà Nội và thông qua Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam để kiến nghị UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT về việc giảm tải bến xe Mỹ Đình.

Hiệp hội taxi Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội xe khách liên tỉnh và du lịch thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị về việc thủ tục cấp các loại phù hiệu, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng đã có văn bản sửa đổi kịp thời.

Chi hội các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình đã thông qua Thường trực Hiệp hội đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo Viettel thiết kế gói cước chuyên biệt cho thiết bị giám sát hành trình và chuyển các thiết bị đang khai thác sang hưởng gói cước đó sau khi tăng cước 3G.

 Trên cơ sở đề nghị của các Hiệp hội cơ sở, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức các buổi hội thảo như Hội thảo về tổ chức vận tải trên địa bàn thành phố Hà Nội, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới về việc thực hiện quy trình quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn ISO 39001 và có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị tháo gỡ khó khăn.

Kết quả giải quyết kiến nghị của Hiệp hội trong năm 2013:

- Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tạm thời hoãn việc điều chuyển các tuyến xe từ Mỹ Đình đi các bến xe khác (trừ 61 xe của các doanh nghiệp hoạt động tuyến Hà Nội - Thái Nguyên).

- Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đồng ý yêu cầu các Sở Giao thông vận tải không thu phù hiệu cũ khi cấp mới và hướng dẫn về việc thay xe đúng trọng tải theo quy định tại Thông tư 18/2013/TT-BGTVT.

- Các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình đã được các nhà mạng đồng ý áp dụng giá cước 3G với thiết bị giám sát hành trình như cũ (trước ngày 16 tháng 10 năm 2013).

Giải quyết được những vấn đề nêu trên đã tạo điều kiện giúp các đơn vị vận tải bớt khó khăn.

Tuy nhiên cũng còn một số kiến nghị chưa được xem xét giải quyết, như việc sửa đổi Nghị định 18 và Thông tư 197 về việc thu phí sử dụng đường bộ còn chưa được giải quyết,  một số vấn đcủa thông tư 18 như quy định loại xe thay thế chưa phù hợp vẫn còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngoài các nội dung trên nhiều Hiệp hội cơ sở đẩy mạnh các hoạt động xã hội quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn…

 Đặc biệt là Hiệp hội vận tải ô tô Thái Nguyên thường xuyên quan tâm chăm lo đến khu lưu niệm kỷ niệm ngày truyền thống của ngành vận tải ô tô Việt Nam tại xã Phú Xuyên - Huyện Đại Từ - Tỉnh Thái Nguyên.

 

3.     Tham gia xây dựng, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật

 

a. Phối hợp trong soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật

Trong năm 2013, Tổng cục đã mời đại diện Hiệp hội tham gia ý kiến trong quá trình soạn thảo xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ sau đây:

- Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ôtô,

- Dự thảo Đề án Đổi mới quản lý vận tải theo hướng hiện đại nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải,

- Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Bến xe khách,

- Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trạm dừng nghỉ đường bộ,

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc và Nghị định thư thực hiện Hiệp định đã được Chính phủ hai nước ký kết ngày 11/10/2011,

- Dự thảo Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô,

- Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ,

- Dự thảo Thông tư quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Việc tham gia các văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 được Ban Chấp hành rất quan tâm, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao trên cơ sở tập hợp ý kiến từ Hiệp hội cơ sở đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tham gia ý kiến. Đặc biệt, Thường trực Hiệp hội đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Hiệp hội Bến xe khách tổ chức cuộc họp các doanh nghiệp góp ý vào dự thảo Thông tư 18/2013/TT-BGTVT; thường trực cũng đề nghi các Văn phòng đại diện tổ chức hội nghị các doanh nghiệp trong khu vực góp ý dự thảo Thông tư này. Trên cơ sở đó Hiệp hội đã tổng hợp và báo cáo Bộ giao thông vận tải những kiến nghị cụ thể.

Các ý kiến góp ý của Hiệp hội về cơ bản đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đưa vào các dự thảo hoặc có giải trình cụ thể về những kiến nghị chưa tiếp thu.

 

b. Phối hợp trong tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý vận tải và các văn bản quy phạm pháp luật

 

b.1.  Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành:

- Nghị định số 93/2012NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2009NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/10/2009 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ bảo trì đường bộ và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định.

- Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ GTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ.

- Thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12/12/2012 của Bộ GTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe khách;

- Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/8/2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

- Thông tư số 23/2013/TT-BGTVT ngày 26/8/2013 của Bộ GTVT quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

b.2.  Hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các quy định:

- Đối với quy định về vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, Hiệp hội đang đôn đốc các Hiệp hội thành viên, đơn vị vận tải có xe chở công-ten-nơ khẩn trương đề nghị để được cấp phù hiệu theo quy định; Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Hợp tác xã vận tải công-ten-nơ tập hợp các hộ kinh doanh vận tải để đảm bảo đủ điều kiện được cấp phù hiệu vận chuyển công-ten-nơ.

- Tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ Thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô.

b.3. Phối hợp trong việc tổ chức tập huấn cho lái xe taxi, lái xe buýt và nhân viên phục vụ trên xe

Trong năm 2013, các đơn vị đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn và phối hợp với Hiệp hội cơ sở tổ chức kiểm tra. Đến nay, về cơ bản các đối tượng phải tập huấn theo quy định đã được tập huấn và kiểm tra.     

b.4.  Phát động phong trào thi đua trong các đơn vị vận tải:

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội đã thống nhất tiếp tục chỉ đạo phát động phong trào thi đua trong các đơn vị vận tải mà trọng tâm là yêu cầu lái xe thực hiện 7 (bảy) không là: Không chạy quá tốc độ quy định; Không chạy lấn làn đường; Không có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; Không chở quá tải; Không chở hàng nguy hiểm, hàng cháy nổ khi không có phép; Không điều khiển phương tiện không đủ tiêu chuẩn ATKT và bảo vệ môi trường; Không dừng, đỗ sai nơi quy định. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải theo đề án 701 của Bộ GTVT.

 

4.     Vai trò của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các Hiệp hội cơ sở trong việc đảm bảo An toàn giao thông trong các đơn vị vận tải

 

Tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông luôn được Ban Chấp hành Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xác định là trọng tâm và cấp bách. Vì tai nạn giao thông vừa ảnh hưởng lớn đến xã  hội vừa ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị vận tải. Trên cơ sở đó Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam luôn yêu cầu các Hiệp hội cơ sở chỉ đạo các hội viên thuộc Hiệp hội nghiêm túc áp dụng các biện pháp đẩy lùi tai nạn giao thông.

Hiệp hội phối hợp thường xuyên với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông; đặc việt là phòng chống rượu bia khi tham gia giao thông và hưởng ứng với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động phong trào đơn vị vận tải an toàn và lái xe an toàn để trao giải “Vô lăng vàng năm 2013.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức hội thảo về việc áp dng tiêu chuẩn quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn ISO 39001 và nghe giới thiệu về việc quản lý an toàn giao thông của các chuyên gia Úc và Malayxia với sự tham gia của hơn 100 đơn vị vận tải là các doanh nghiệp vận tải thuộc các Hiệp hội vận tải trong cả nước.

Năm 2013 với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các Bộ, ngành và các địa phương tình hình trật tự an toàn giao thông trên phạm vi cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, không đạt được yêu cầu của Quốc hội là giảm 5% - 10% số người chết vì tai nạn giao thông so với năm 2012.

 Trong 11 tháng đầu năm 2013 toàn quốc xảy ra 10.059 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.626 người và bị thương 6.312 người, so với cùng kỳ năm 2012 giảm 421 vụ (- 4,4%) tăng 58 người chết (+ 0,68%) số người bị thương giảm 714 người           (- 7,05%). Trong đó, trên đường bộ: xảy ra 9.904 vụ tai nạn, làm chết 8.424 người và bị thương 6.257 người; so với cùng kỳ năm 2012: tăng 640 vụ (+6,91%), tăng 661 người chết (+1,95%), giảm 534 người bị thương thương (+7,68%).

Số vụ tai nạn giao thông đường bộ và số người chết chiếm 97,6% tổng số tai nạn giao thông trong cả nước. Đặc biệt là trong những tháng giữa năm số vụ tai nạn giao thông nói chung, trong đó các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải có chiều hướng tăng. Đây là vấn đề rất bức xúc trong dư luận xã hội, cũng là tác động rất quan trọng đến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị vận tải.

5.     Tình hình tài chính

Đại hội lần thứ IV Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã được một số doanh nghiệp hội viên ủng hộ và sự đóng góp của các Hiệp hội cơ sở. Trên cơ sở tiết kiệm tối đa, đúng nguyên tắc, đúng quy định về tài chính, về cơ bản tài chính của Hiệp hội năm 2013 vẫn giữ ổn định.

 Riêng về hội phí, theo tinh thần đã thống nhất tại hội nghị Ban Thường vụ mở rộng tại Đà Lạt mức thu-nộp hội phí: quy định hội viên là doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội 1.800.000đ/1 năm, các hội viên là Hiệp hội cơ sở nộp 300.000đ/1 hội viên/1 năm. Đến nay các hội viên mới nộp về Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam 108.460.000 đ tăng hơn năm 2012 là 16.160.000 đ nhưng chỉ đạt 30% theo quy định (các hội viên đã nộp hội phí kèm theo) trong số các hội viên đã nộp hội phí chỉ có một số Hiệp hội cơ sở đảm bảo nộp đúng quy định như: Hiệp hội bến xe khách, Hiệp hội xe khách liên tỉnh và du lịch TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội vận tải ô tô Bắc Giang, Hiệp hội vận tải ô tô Đà Nẵng; một số Hiệp hội cơ sở do không hiểu đúng văn bản đã nộp về Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bằng mức quy định cho hội viên là doanh nghiệp trực thuộc 1.800.000đ/1 năm. Theo báo cáo từ Hiệp hội một số địa phương tình hình thu hội phí cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hội viên đăng ký gia nhập Hiệp hội nhưng thực tế không tham gia hoạt động, các Hiệp hội cũng chưa có biện pháp để quy tụ các hội viên tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên trong quá trình sản xuất kinh doanh và thu nộp hội phí. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kêu gọi các Hiệp hội cơ sở, các Hội viên trực thuộc hãy phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công tác phát triển hội viên và  trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Hiệp hội.

 

6. Đánh giá chung

Trong năm 2013 mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao độ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, chủ yếu là các Hiệp hội cơ sở, các Hội viên trực thuộc đã quan tâm hướng dẫn các hội viên là các doanh nghiệp vận tải nghiên cứu đổi mới công tác quản lý, sắp xếp lại sản xuất nâng cao hiệu quả điều hành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Nhờ đó, tình hình hoạt động vận tải đáp ứng thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân và nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ sự phát triển của xã hội. Nhiều doanh nghiệp vận tải hội viên đã thực sự đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng nhiều biện pháp quản lý mới, tổ chức lại sản xuất nên kinh doanh có hiệu quả như Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Công ty CP xe khách Bắc Giang, Công ty CP vận tải ô tô số 1, Hợp tác xã Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh...

Công tác hoạt động của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói chung và từng Hiệp hội cơ sở nói riêng, các hội viên thuộc Hiệp hội vận tải đã thực hiện tốt nghị quyết Đại hội lần thứ IV đề ra.

 

II.        PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2014

 

Bước sang năm 2014 kinh tế đất nước đã có dấu hiệu phục hồi. Theo chỉ tiêu phát triển được Quốc hội thông qua GDP năm 2014 tăng 5,5%. Tuy vậy tình hình kinh tế cũng còn không ít khó khăn. Ngân sách nhà nước vẫn còn thu hẹp, kết cấu hạ tầng chưa được cải thiện, hệ thống cầu đường chưa đồng bộ; nhà nước sẽ có nhiều chủ trương chính sách trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng... Chính sách tài chính với lĩnh vực vận tải ô tô không có gì thay đổi lớn; giá đầu vào như ô tô, vật tư phụ tùng, xăng dầu vẫn ở mức cao và thường xuyên biến động, các loại phí thu đối với xe ô tô vẫn ở mức cao có tác động không nhỏ đến phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các địa phương tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị vận tải nhằm chấn chỉnh, tổ chức lại các đơn vị vận tải với mục đích nâng cao chất lương vận tải, kể cả hàng hóa và hành khách nhằm lập lại trật tự vận tải.

Năm 2014 ngoài việc tiếp tục thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực và đã được ban hành như Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông đường bộ - đường sắt, Thông tư 18/2013/TT-BGTVT về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ... Theo kế hoạch trong quý II năm 2014 Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định 91/2010/NĐ-CP và Nghị định 93/2012/NĐ-CP với mục đích thắt chặt hơn công tác quản lý vận tải đường bộ. Sau khi Nghị định thay thế 2 Nghị định trên được ban hành, một số Nghị định, Thông tư khác sẽ phải thay đổi cho phù hợp.

Quý I năm 2014 nhiệm vụ ngành vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng phải tổ chức tốt công tác vận tải phục vụ thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Từ tình hình trên để ổn định sản xuất và phát triển Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2014 với một số nội dung cụ thể như sau:

1. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, hoàn thành các nhiệm vụ với mục tiêu văn minh, lịch sự,   an toàn giao thông

 

Nghiên cứu kỹ những nội dung văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhất là các văn bản mới ban hành, tuyên truyền đến các doanh nghiệp hội viên đề áp dụng thực hiện. Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các địa phương hướng dẫn các hội viên hoàn thiện những thiếu sót, khuyết điểm trong tổ chức sản xuất kinh doanh khắc phục những tồn tại trong hoạt động, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương. Tạo điều kiện để những doanh nghiệp hội viên có điều kiện xây dựng thương hiệu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp vận tải với nhau, các doanh nghiệp vận tải với doanh nghiệp bến xe trong việc tổ chức sản xuất kinh doanh đảm bảo có hiệu quả, tránh lãng phí.

Chỉ đạo các doanh nghiệp hội viên chuẩn bị tốt các điều kiện về phương tiện, lao động, tổ chức sản xuất. Tập trung cao độ phục vụ sự đi lại của nhân dân trong dịp Tết nguyên đán. Có phương án vận tải hợp lý, quan tâm đến đời sống người lao động, tuyên truyền giáo dục việc chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông cho đội ngũ lái xe để lái xe thực hiện tốt công tác vận tải hành khách Tết, phục vụ với mục tiêu văn minh lịch sự. Những tuyến đường những khu vực vận tải lệch chiều cần phải phụ thu giá cước cần tính toán cụ thể. Có phương án hợp lý thống nhất với bến xe và phải công bố, công khai trước khi thực hiện.

 

2. Tích cực tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Các Hội viên, các Hiệp hội cơ sở cần xác định rõ việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Do vậy, yêu cầu các Hội viên phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội cơ sở và Văn phòng đại diện tại khu vực để phản ánh ý kiến của mình với các quy định mới hoặc sửa đổi các quy định hiện hành nhằm phục vụ cho hiệu quả kinh doanh, xây dựng thương hiệu và quản lý hoạt động của doanh nghiệp, tránh tình trạng có ý kiến sau khi đã ban hành chính thức.

3. Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong hoạt động của Hiệp hội

 

Theo tinh thần kết luận tại Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp năm 2013 giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thường vụ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trong đó có những nội dung chủ yếu là:

-   Tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, nhất là các văn bản mới như Nghị định 171, Thông tư 18, Thông tư 23... đến các doanh nghiệp hội viên,

-   Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình dự thảo để văn bản khi được ban hành phù hợp với thực tiễn,

-   Cùng tổng hợp và xem xét kiến nghị từ các hội viên để kiến nghị giải quyết hoặc đề nghị với cơ quan quản lý nhà nước xem xét giải quyết,

-   Chỉ đạo tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông đối với các đối tượng phải tập huấn theo quy định,

-   Tuyên truyền đến các doanh nghiệp - hội viên của Hiệp hội về việc đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe tiếp tục phát động phong trào "bảy không" với lái xe; lái xe an toàn, Doanh nghiệp an toàn.

Trên cơ sở nội dung phối hợp giữa Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội cơ sở phối hợp với các Sở Giao thông vận tải địa phương tổ chức thực hiện.

 

4.     Nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội với nhiều nội dung

 

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội IV, Ban chấp hành Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam sẽ rà soát lại việc tổ chức hoạt động tại các Văn phòng đại diện, Hiệp hội cơ sở để sớm tổ chức lại cho phù hợp.

 Tiếp tục nghiên cứu kiện toàn các Hiệp hội cơ sở, những hiệp hội cơ sở chưa Đại hội phải hoàn thiện thủ tục để tiến hành Đại hội. Tại những địa phương cơ quan nhà nước yêu cầu phải tổ chức thành lập lại theo quy định tại Nghị định 45/2012/NĐ-CP thì khẩn trương phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương để triển khai đảm bảo hoạt động của Hiệp hội được ổn định.

Tiếp tục hướng dẫn để các địa phương đã được vận động hoàn thiện thủ tục thành lập Hiệp hội như Phú Thọ, Hải Phòng, Bình Phước, Hà Nam, Hưng Yên... tiếp tục vận động các địa phương còn lại để tiến hành thành lập Hiệp hội. Phấn đấu năm 2014 có ít nhất 5 Hiệp hội địa phương được thành lập. Với Hiệp hội cơ sở hiện có số hội viên quá ít như Sơn La, Quảng Ninh đề nghị Ban chấp hành tiếp tục vận động để có thêm doanh nghiệp hội viên.

Đổi mới hoạt động của Hiệp hội cơ sở, duy trì sinh hoạt hàng quý, tạo sự gắn kết giữa các hội viên, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

Vận động hội viên trong toàn quốc đóng góp xây dựng “Quỹ tình thương hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông”.

Thực hiện công văn số 12254/BGTVT-VP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Phú Xuyên, vận động một số doanh nghiệp ủng hộ nguồn kinh phí để tôn tạo khu di tích thành lập Sở Vận tải - Tiền thân của ngành vận tải ô tô, được khang trang hơn xứng tầm là di tích của ngành vận tải ô tô.

Để tạo không khí vui tươi trong hoạt động vận tải và chào mừng các sự kiện hàng năm của các ngày lễ lớn của đất nước (Quốc khánh 2-9) hoặc của ngành (ngày truyền thống ngành vận tải ô tô 25-12) tổ chức liên hoan văn nghệ, thể dục thể thao tại các khu vực, tới toàn quốc.

Thường xuyên cung cấp thông tin mới trên các trang Website, Tạp chí vận tải ôt ô, báo điện tử Đại Lộ... làm tốt chức năng phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các hội viên. Các Hiệp hội cơ sở tích cực hỗ trợ cơ quan ngôn luận có nguồn thu đảm bảo hoạt động và đóng góp tài chính cho Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

5.     Quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội

 

Trên cơ sở tài chính hiện có, Ban Chấp hành xây dựng kế hoạch chi tiêu hiệu quả, đúng quy định. Về  hội phí trên cơ sở mức hội phí đã được Hội nghị Ban Thường vụ thống nhất, đề nghị các Hiệp hội cơ sở đôn đốc việc thu-hội phí để đảm bảo hoạt động của Hiệp hội cơ sở và nộp về Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam để duy trì hoạt động. Đề nghị các Hiệp hội cơ sở phối hợp với các đơn vị kinh doanh của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam là: Công ty CP Tư vấn dịch vụ Phát triển Giao thông vận tải thuộc Hiệp hội và các doanh nghiệp thuộc Chi hội thiết bị giám sát hành trình để cung cấp những dịch vụ tốt nhất phục vụ cho các đơn vị vận tải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh vừa tạo điều kiện bổ sung nguồn kinh phí để các Hiệp hội hoạt động.

 

III.           MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

 

Trên cơ sở ý kiến từ Hiệp hội cơ sở, Ban Chấp hành Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước một số vấn đề sau:

1. Trong lúc chuẩn bị ban hành Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô thay thế Nghị định 91 và Nghị định 93, kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế phù hợp đưa những điều kiện kinh doanh chặt chẽ hơn để tổ chức lại ngành vận tải sao cho doanh nghiệp vận tải có quy mô phù hợp, có đủ sức cạnh tranh với  doanh nghiệp vận tải các nước trong khu vực, kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông.

2. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát lại các loại thuế và phí để giảm áp lực chi phí đầu vào với ngành vận tải ô tô cụ thể là:

-   Giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô để giá ô tô kinh doanh vận tải tương ứng với các nước trong khu vực,

-   Nghiên cứu giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp bến xe,

-   Sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 18/2011/NĐ-CP và Thông tư số 197/TT-BTC về Quỹ bảo trì đường bộ theo đề nghị của các Hiệp hội cơ sở, các doanh nghiệp vận tải sao cho việc thu được thực hiện công bằng,

-   Đề nghị nghiên cứu và quy định hợp lý các trạm thu phí BOT, đặc biệt là trên quốc lộ;

3. Kiến nghị Chính phủ có những quy định cụ thể về quy hoạch xây dựng và chính sách với hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ theo đúng tinh thần Luật Giao thông đường bộ: “Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”.

4. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải:

-   Sớm hoàn thiện việc nâng cấp các cầu yếu trên hệ thống đường bộ. Đảm bảo thống nhất tải trọng cầu và đường bộ. Xác định và thống nhất việc cắm biển tải trọng, hệ thống biển báo hiệu đường bộ để phương tiện tham gia giao thông thực hiện đúng quy định;

-   Triển khai đồng bộ việc kiểm tra tải trọng với phương tiện vận tải hàng hóa đảm bảo công bằng cho tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa phải chở đúng tải trọng thiết kế (để giá cước vận tải hàng hóa phù hợp với giá thành). Tốt nhất là kiểm tra tải trọng từ nơi xuất phát nguồn hàng;

-   Sớm nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa và khung thể chế cho hoạt động dịch vụ logistics, và trung tâm cung cấp thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, các đối tượng khách hàng.

5. Kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt, tuyến vận tải khách liên tỉnh, nội tỉnh quy hoạch các điểm dừng đón trả khách trên đường bộ theo tinh thần Thông tư 18/2013/TT-BGTVT.

Kính thưa các quý vị đại biểu

Bước sang năm 2014 sẽ có những thuận lợi song cũng còn nhiều khó khăn. Ban chấp hành Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mong rằng các Ủy viên Ban chấp hành các Hiệp hội cơ sở tiếp tục phấn đấu phát huy thế mạnh, đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội tạo điều kiện để các hội viên phát triển thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lần thứ IV./.

 

Chú ý:  Download tại link sau:

http://hiephoivantaioto.vn/UserFiles/B%C1O%20C%C1O%202013%20-2014%20new.doc