[in trang]

Số: 069 /HHVT-TV V/v Tham gia góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 18

29-09-14


 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 

Số: 069 /HHVT-TV

V/v Tham gia góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 18

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 Hà Nội, ngày     tháng 9 năm 2014

                       

                                          Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải,

 

Thời gian qua Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tham gia cùng ban soạn thảo Thông tư thay thế Thông tư 18/2012/TT-BGTVT Quy định về Tổ chức, Quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Những ý kiến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tham gia trong các hội nghị đã được Ban soạn thảo tiếp thu. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện thông tư trước khi ban hành Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số nội dung sau:

1.     Đề nghị giữ nguyên Điểm d Khoản 3 Điều 4

“d. Không được sử dụng xe khách có giường nằm 2 tầng để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch”.

Lý do: Khách du lịch và hợp đồng thường không có nhu cầu đi xe giường nằm; khách du lịch và hợp đồng có yêu cầu về hành trình đến các điểm du lịch và những nơi theo yêu cầu, trong khi đường sá đến các điểm khách yêu cầu có nhiều đoạn tuyến chưa đảm bảo an toàn cho xe khách có giường nằm 2 tầng. Mặt khác trên thực tế xe khách có giường nằm 2 tầng hoạt động vận tải khách theo hợp đồng, du lịch có hiện tượng xe du lịch hợp đồng lợi dụng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.

2.     Đề nghị sửa lại Điểm b Khoản 3 Điều 6 như sau:

“b. Duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình trong quá trình xe tham gia giao thông

Lý do: Theo dự thảo quy định trong quá trình xe chạy của đơn vị kinh doanh vận tải như vậy là không phù hợp vì quá trình kinh doanh vận tải có thời điểm xe nghỉ chờ khách, chờ hàng nguồn cung cấp cho thiết bị không còn, nên thiết bị giám sát hành trình không hoạt động thì không thể có thông tin. Vấn đề này đã được quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

3.     Đề nghị sửa lại Điểm a, Điểm b Khoản 5 Điều 7

“a. Các đơn vị kinh doanh vận tải có số lượng lái xe nhân viên phục vụ trên xe từ 50 người trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 4 điều này được tổ chức tập huấn”.

“b. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô địa phương tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe nhân viên phục vụ trên xe của các đơn vị vận tải không đủ điều kiện tập huấn theo quy định điểm a khoản này”.

Lý do: Nếu để tất cả các đơn vị tổ chức tập huấn, những đơn vị nhỏ sẽ không đạt kết quả. Vì nhiều đơn vị sẽ không tập huấn hoặc làm hình thức.

4.     Khoản 7 Điều 7 như sau

“7. Hiệp hội Vận tải ô tô phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương tổ chức kiểm tra tập huấn, cấp giấy chứng nhận tập huấn đối với những người đã hoàn thành chương trình tập huấn. Mẫu giấy chứng nhận tập huấn theo mẫu quy định tại phụ lục 36, 37 của thông tư này. Lưu hồ sơ chương trình tập huấn và kết quả tập huấn tối thiểu 3 năm để phục vụ công tác kiểm tra”.

Lý do: Nếu để đơn vị tự tập huấn, kiểm tra tập huấn và cấp chứng nhận tập huấn sẽ không có hiệu quả. Cơ quan kiểm tra tập huấn phải độc lập để đánh giá kết quả. Vấn đề này Khoản 2 Điều 33 Nghị định 86 đã quy định “Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tham gia tập huấn nghiệp vụ đối với người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe”.

5.     Đề nghị sửa lại Khoản 5 Điều 11 như sau:

“5. Trong cùng một thời điểm mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 (hai) tuyến vận tải khách cố định”

Bỏ đoạn “nhưng hai tuyến này không phải là hai tuyến nối tiếp nhau (có bến đến là bến đi của tuyến tiếp theo)”

Lý do: Cùng 1 xe khách có thể đi hai tuyến liên tiếp, khi làm các quy trình xe xuất bến phải đảm bảo đúng theo quy định như vậy phương tiện có điều kiện để kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo an toàn trong hành trình.

 

6.     Thống nhất quy định tại Khoản 1 Điều 12

“1. Không bố trí xe khách có giường nằm 2 tầng hoạt động trên các tuyến đường cấp V, cấp VI miền núi”.

Vì đường cấp V miền núi mặt đường chỉ 3,5m nền đường 6m nhiều dốc và nhiều đoạn bán kính cong không đảm bảo an toàn cho xe khách giường nằm 2 tầng.

7.     Sửa lại Khoản 2 Điều 15 như sau

“Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hàng năm Sở Giao thông vận tải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở tổng số chuyến xe tối đa được khai thác trên từng tuyến trong 12 (mười hai) tháng tiếp theo, giãn cách thời gian chạy xe tối thiểu giữa các chuyến xe và biểu đồ chạy xe của từng tuyến do Sở Giao thông vận tải quản lý. Việc công bố phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến đã được phê duyệt. Đối với tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh trước khi công bố phải thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia”.

Lý do: Việc công bố phải dựa vào quy hoạch đã được phê duyệt. Hai là với tuyến cố định liên tỉnh không thể một Sở thực hiện, phải thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến kia.

Cơ quan quản lý tuyến phải công khai minh bạch nội dung này để xóa bỏ cơ chế “xin - cho” đang tồn tại từ lâu nay.

8.  Thống nhất với Khoản 3 Điều 23 để thực hiện khoản này đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm khi kiểm định phương tiện có  quy định khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông đối với xe ô tô khách. Hiện nay đăng ký xe ô tô khách và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường chỉ ghi số người được phép chở, không có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông đã gây khó khăn cho phương tiện khi chở hành lý hàng hóa.

9.     Sửa lại Điểm a Khoản 1 Điều 27 như sau:

“a. Cỏ đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe chờ đảm bảo an toàn giao thông, phải bố trí điểm đầu điểm cuối của tuyến  xe buýt tại các bến xe khách, nhà ga, bến cảng, sân bay, khu dân cư để kết nối với các phương thức vận tải khác”

Lý do: Không sử dụng chữ ưu tiên trong văn bản pháp luật

 

10.                   Sửa lại Điểm a Khoản 3 Điều 36

“a. Có phù hiệu xe taxi: mẫu phù hiệu xe taxi theo quy định của Ủy Ban nhân dân cấp tỉnh”.

Lý do: Nên để Ủy Ban nhân cấp tỉnh quy định mẫu phù hiệu taxi. Không nên quy định riêng mẫu phù hiệu taxi Hà nội còn các tỉnh khác mẫu chung, gây thắc mắc không đáng có.

11.                   Sửa lại đoạn cuối của Khoản 3 Điều 48

Bỏ đoạn “Thời hạn có giá trị của phù hiệu xe hợp đồng, trong khoảng thời gian giữa hai chuyến xe liên tiếp theo lịch chạy trên tuyến cố định

Vì nội dung trên đã có quy định đơn vị phải cam kết thực hiện đúng biểu đồ chạy xe trên tuyến cố định. Trong trường hợp có hợp đồng dài ngày đơn vị sẽ bố trí xe khách thay để đảm bảo đúng biểu đồ chạy xe tuyến cố định.

12.                   Sửa lại Khoản 3 Điều 61 như sau:

“3. Chủ trì phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam biên soạn, phát hành tài liệu, chương trình tập huấn nghiệp vụ, các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người điều hành vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải. Hướng dẫn tập huấn, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận tập huấn”.

Lý do: Theo quy định Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 86 việc tập huấn không chỉ tập huấn nghiệp vụ mà còn tập huấn các quy định pháp luật về hoạt động vận tải. Mặt khác việc tổ chức tập huấn phải được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn.

Trên đây là ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban soạn thảo nghiên cứu./.   

 

 

Nơi nhận:

-    Như trên,

-    Bộ trưởng Đinh La Thăng (để báo cáo),

-    Thứ trưởng Lê Đình Thọ (để báo cáo),

-    Vụ Vận tải,

-    Lưu VPHH.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Nguyễn Văn Thanh