[in trang]

Báo cáo về chi phí Vận tải và chở hàng quá tải

08-04-15

Ngày 06 tháng 4 năm 2015, Thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã làm việc với Ủy Ban kinh tế Quốc hội khóa XIII về việc cơ chế chính sách pháp luật về quản lý giá, các thủ tục có liên quan trong việc giảm chi phí dịch vụ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, tình hình xử lý xe quá tải quá khổ và các nội dung liên quan khác tới Hiệp hội. Sau đây là công văn báo cáo của Hiệp hội gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XIII


 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

 

 

 

 

VIỆT NAM

 


Số:  025  /TV-HH

V/v: Báo cáo về chi phí Vận tải và chở hàng quá tải

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


                 Hà Nội, ngày  tháng  năm 2015

 

 

 

 

              Kính gửi: Ủy Ban kinh tế Quốc hội khóa XIII

 

Ngày 03 tháng 4 năm 2015 Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được văn bản số 2443/UBKT13 về việc tổ chức buổi làm việc về tình hình kinh tế xã  hội với các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách pháp luật về quản lý giá, các thủ tục có liên quan trong việc giảm chi phí dịch vụ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, tình hình xử lý xe quá tải quá khổ và các nội dung liên quan khác tới Hiệp hội.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo tóm tắt một số nội dung sau:

1.     Vài nét về Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

 

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập tháng 3 năm 1996. Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ. Hiện tại Hiệp hội có 50 Hiệp hội cơ sở tại các tỉnh thành trên cả nước với gần 1600 Hội viên. Hiệp hội có trụ sở chính tại Phòng 1204 Tòa nhà 198 Nguyễn Tuân, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hiệp hội có 04 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, Gia Lai, Thành Phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Gần 20 năm qua Hiệp hội luôn phát triển thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và theo Điều lệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 

2.        Về cơ chế chính sách pháp luật về quản lý giá, phí.

 

Các thủ tục có liên quan trong việc giảm chi phí giá dịch vụ, các thủ tục có liên quan trong việc giảm chi phí dịch vụ góp phần nâng cao sự cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế

 

a.     Tình hình chung về hoạt động vận tải ô tô tại Việt Nam

Ngành vận tải ô tô về cơ bản được xã hội hóa từ nhiều năm nay. Ngành vận tải ô tô không còn các doanh nghiệp nhà nước mà chủ yếu là các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty tư nhân. Các Hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã mà chủ yếu là Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ. Một bộ phận lớn phương tiện thuộc quyền quản lý của Hộ kinh doanh cá thể. Hiện tại có trên 2000 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng con-ten-nơ. Trên 40% doanh nghiệp có quy mô nhỏ (từ 1 ÷ 5 xe) công tác quản lý manh mún kém hiệu quả, quản lý theo cơ chế khoán, chỉ có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp quản lý tập trung nên tình hình quản lý hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn.

b.     Về cơ chế chính sách pháp luật về quản lý giá

Trước đây giá cước vận tải ô tô được nhà nước quản lý và được Hiệp thương giữa các đơn vị vận tải để thống nhất giá trần, giá sàn. Từ năm 2000 giá cước không còn do nhà nước quản lý. Đến nay theo Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giá cước vận tải ô tô không thuộc hệ thống giá do Nhà nước quản lý. Cước vận tải do các doanh nghiệp kê khai và thực hiện. Gần đây nhất liên Bộ Tài chính giao thông thông vận tải ban hành thông tư 152/2014/TTLT BTC-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô theo đó chỉ có 3 đối tượng phải kê khai giá cước gồm:

-         Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định

-         Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định

-         Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi

Ngoài 3 đối tượng trên tùy theo địa phương nếu địa phương nào cần kê khai thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ bổ sung danh mục cần kê khai. Đến nay chưa có địa phương nào có quy định thêm danh mục kinh doanh vận tải phải kê khai.

Sau 5 ngày gửi Hồ sơ kê khai nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ không yêu cầu kê khai lại thì đơn vị vận tải được thực hiện theo giá kê khai; Như vậy giá cước vận tải ô tô hoàn toàn do thị trường điều tiết và phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ của từng đơn vị vận tải.

c.      Phí và các dịch vụ vận tải, thủ tục hành chính có liên quan đến giảm chi phí dịch vụ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế

 

c1. Phí và các dịch vụ vận tải

Giá cước vận tải ô tô phục thuộc vào giá thành đầu vào. Hiện tại giá thành vận tải có nhiều khoản mục. Giá thành đầu vào thường xuyên biến động. Theo quy định hiện hành các đơn vị vận tải kê khai và thực hiện giá theo kê khai. Thủ tục kê khai đơn giản. Nhưng việc triển khai phải in lại vé với xe khách tuyến cố định, xe buýt, kẹp chì lại đồng hồ tính tiền với taxi gặp khó khăn và tốn kém. Nên thông thường khi giá thành có biến động tăng hoặc giảm đến 10% thì các đơn vị vận tải sẽ kê khai lại:

Hiện tại giá thành vận tải có chi phí nhiên liệu là lớn nhất. Sau đó đến chi phí lãi vay đầu tư phương tiện, chi phí khác … đến các khoản như chi phí sửa chữa, xăm lốp, tiền lương, quản lý phí, phí giao thông đường bộ, chất lượng dịch vụ… Tình hình hiện tại do cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị vận tải nên hầu hết các đơn vị vận tải đều thực hiện giá cước bằng hoặc dưới giá thành

Trong năm qua giá nhiên liệu có giảm sâu, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm. Tuy vậy một số chi phí đầu vào tăng như tiền lương, phí giao thông đường bộ, nhiều trạm thu phí BOT tăng mức thu, nhiều tuyến đường vừa thi công vừa khai thác tốc độ khai thác chậm, chi phí nhiên liệu tăng, phí kiểm định phương tiện tăng. Đặc biệt là một số chi phí trên đường không được hạch toán vào giá thành (chi phí ngầm) đã làm cho giá cước vận tải  trở nên không đúng với giá thành gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo nhận định giá cước vận tải ô tô Việt Nam không cao. Tuy nhiên giá cước cao so với Lào và Campuchia khoảng 20% nhưng thấp hơn Trung Quốc khoảng 40%.

c2. Các thủ tục hành chính.

Hiện tại theo quy định để các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nhiệm vụ kinh doanh một số lĩnh vực kinh doanh như: kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng con-ten-nơ phải được cấp phép. Các phương tiện phải được cấp phù hiệu, ngoài ra kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô  theo tuyến cố định khi vào tuyến còn phải được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận. Theo quy định tại các văn bản thì các thủ tục này rất đơn giản, giải quyết nhanh gọn. Tuy vậy ở một số nơi cán bộ cơ quan quản lý nhà nước còn gây phiền hà, dẫn đến chi phí đầu vào tăng lên.

c3. Về cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải

 

-         Tình hình cạnh tranh trong nước. Do công tác quản lý Nhà nước hầu hết các ngành chưa chặt chẽ, chưa phối hợp đồng bộ với nhau. Mặt khác các đơn vị vận tải manh mún nhỏ lẻ. Nhiều đơn vị vận tải lợi dụng công tác quản lý thiếu chặt chẽ, đã lách luật “Trốn tránh sự kiểm tra, trốn thuế” dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh làm cho giá cước vận tải không đúng với giá thật của nó.

-         Tình hình cạnh tranh quốc tế hiện tại Việt Nam đã ký kết Hiệp định vận tải song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia và Hiệp định đa phương với GMS. Việt Nam hiện nay không thể cạnh tranh với phương tiện các nước do giá xe ô tô Việt Nam hiện tại cao hơn các nước rất nhiều. Nếu so với Lào, Campuchia xe ô tô giá ô tô tại Việt Nam đắt gấp hai lần

 

3.     Về xử lý xe quá tải, quá khổ

 

Xe quá tải quá khổ hiện tại là một vấn nạn là nguyên nhân phá hoại các công trình giao thông gây bức xúc trong dư luận xã hội. Xe quá tải quá khổ đã xuất hiện từ lâu. Nguyên nhân do nhà nước chưa có những biện pháp kiên quyết, các cơ quan công an, giao thông chưa phối hợp với nhau, chưa vào cuộc một cách quyết liệt còn đùn đẩy trách nhiệm. Nên vấn nạn xe quá tải không được giải quyết. Quan điểm của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam là ủng hộ chủ trương của nhà nước, siết chặt quản lý vận tải, đặc biệt là quản lý tải trọng xe. Phải yêu cầu xe chở đúng tải trọng, như vậy mới đưa giá cước vận tải về đúng giá thực của nó. Đề làm được vấn đề trên, phải có những chính sách phù hợp, chỉ đạo kiên quyết từ chính phủ đến các bộ ngành địa phương.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã chủ động vận động các Hội viên cam kết thực hiện việc chở đúng tải trọng quy định, không chở quá tải.

 

4.     Về hoạt động của Hiệp hội

 

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển hội viên. Tham gia với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền đến các hội viên các văn bản quy phạm pháp luật để các hội viên chấp hành chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước đặc biệt là phát triển ngành giao thông vận tải. Thực hiện một số dịch vụ công được cơ quan quản lý nhà nước giao.

 

5.        Những kiến nghị với nhà nước và đề xuất giải pháp chính sách trong thời gian tới.

 

-         Không nên dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào giá cước, mà nên để thị trường điều tiết. Nhà nước chỉ tổ chức kiểm tra chấn chỉnh.

-         Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô như quy định về quy mô doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (số lượng phương tiện tối thiểu của một đơn vị, trình độ cán bộ quản lý, năng lực về tài chính…)

-         Có những chính sách thật cụ thể để siết chặt quản lý vận tải, đặc biệt những cơ chế xử lý với từng phương tiện chở quá khổ quá tải

-         Áp dụng tiến bộ khoa học vào quản lý như việc thu phí không dừng trên tất cả các trạm thu phí trên các tuyến đường bộ. Xã hội hóa xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông vận tải đường bộ.

-         Giao các dịch vụ công cho các Hiệp hội để giảm áp lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và tạo gắn kết giữa các Hội viên trong Hiệp hội.

 

Nơi nhận:

- Như trên,

- Lưu VP Hiệp hội.

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Nguyễn Văn Thanh