HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2016 |
BÁO CÁO
KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM
Kính thưa các quý vị đại biểu
PHẦN I
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - 20 năm xây dựng và trưởng thành
Tại Nghị quyết TW IV ( khoá VII ) năm 1995 ghi: “Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước với các HTX, hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, xây dựng các hiệp hội ngành nghề theo cơ chế dân chủ, tự quản trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật”.
Trước yêu cầu khách quan của sự phát triển lực lượng vận tải cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, mong muốn có một tổ chức xã hội nghề nghiệp, tạo ra một mái nhà chung, một tiếng nói chung của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hợp tác, liên kết trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Trên cơ sở đó Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của ngành vận tải ô tô.
Ngày 01/3/1996 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 915/CCHC thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thành lập Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.
Trên cơ sở đó Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có Quyết định số 552/QĐ/TCCB-LĐ ngày 22/3/1996 và Bộ trưởng Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ có Quyết định số 197/TCCB-TC ngày 01/6/1996 quyết định thành lập Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.
Sau hơn 1 năm tiến hành những hoạt động bước đầu và chuẩn bị Đại hội. Ngày 22 tháng 8 năm 1997 tại Hà Nội, Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam được tiến hành trọng thể, với sự có mặt của 73 đại biểu thay mặt cho 73 thành viên chính thức của Hiệp hội và 130 đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành, các sở GTVT, GTCC, các Hội và Hiệp hội ngành nghề, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ GTVT, các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình TW và địa phương, các vị cán bộ lão thành của Ngành Vận tải ôtô.
Đại hội đã thành công tốt đẹp với việc thông qua toàn văn “ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam ”, bầu Ban Chấp hành khoá I nhiệm kỳ 5 năm ( 1997- 2002 ).
Hiệp hội Vận tải ôtô VN là một trong số ít các Hiệp hội ngành nghề được thành lập sớm và đi vào hoạt động trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Đây là thời kỳ nền kinh tế của nước ta đã bước đầu đạt được tốc độ tăng trưởng khá. Hoạt động vận tải ôtô đã có những thay đổi nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Thoả mãn nhu cầu đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hoá phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội. Các DN vận tải ôtô quốc doanh và các HTX đã không còn lợi thế độc quyền và sự ưu ái của nhà nước. Nên đã nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh, chấp nhận cạnh tranh với sự phát triển mạnh của kinh tế tư nhân trong vận tải ôtô. Trong khi các quy định của pháp luật về vận tải ôtô chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với sự phát triển của ngành vận tải đường bộ theo cơ chế thị trường. Nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân cùng với hàng trăm ngàn hộ gia đình mua sắm ôtô chở thuê. Do vốn ít, tư nhân thường mua xe đã hết khấu hao của các DN, cơ quan thanh lý để tu sửa, đưa vào kinh doanh, lại không bị ràng buộc bởi hệ thống quản lý kế toán nhà nước. Vì vậy đã diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt và không bình đẳng trong kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, đẩy nhiều DN đến thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Vận tải ôtô VN đã khẩn trương ổn định tổ chức từ cơ quan TW đến toàn hệ thống và nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo ra sự liên kết kinh tế, sự hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp. Thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.
Sau 5 năm hoạt động và phát triển lực lượng, đến năm 2002, Hiệp hội Vận tải ôtô VN đã thành lập được 19 Hiệp hội cơ sở, thành lập 2 văn phòng đại diện: Khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Khu vực miền Trung tại Đà Nẵng. Xuất bản Tạp chí Vận tải ôtô cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, đồng thời cũng là cơ quan ngôn luận của ngành vận tải ô tô; Cơ cấu hội viên như sau
- 81 doanh nghiệp nhà nước và DNNN chuyển sang Công ty cổ phần.
- 91 công ty.
- 64 HTX và 4 DN tư nhân.
Hoạt động của BCH và các Hiệp hội cơ sở trong giai đoạn này đã tích cực tham gia xây dựng chính sách và các văn bản quy định của pháp luật. Nhằm lập lại trật tự trong kinh doanh vận tải nhất là vận tải hành khách, một lĩnh vực đang được tổ chức, sắp xếp lại. Tham gia phương án xây dựng tuyến vận tải hành khách chất lượng cao. Tham gia biên soạn Luật GTĐB năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh và bảo vệ lợi ích của DN.
Từ khi thành lập tới nay, Hiệp hội đã trải qua 4 kỳ đại hội,( Đại hội lần thứ I được tổ chức ngày 22 tháng 8 năm 1997; Đại hội lần thứ II, được tổ chức ngày 26 tháng 2 năm 2003; Đại hội lần thứ III được tổ chức ngày 17 tháng 4 năm 2008; Đại hội lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội ngày 05 tháng 4 năm 2013). Tại các kỳ Đại hội Hiệp hội Vận tải ôtô VN luôn xây dựng kế hoạch bám sát mục tiêu : “ Phát triển - Chất lượng - An toàn - Hợp tác - Hiệu quả” và hướng các hoạt động vào nhiệm vụ cụ thể là:
- Phát triển hội viên trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Củng cố và phát triển các tổ chức cơ sở, lấy hoạt động của cơ sở làm trọng tâm.
- Đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở Hiệp hội nhằm đem lại hiệu quả thiết thực đối với hội viên.
- Tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chiến lược phát triển lực lượng vận tải ôtô, xây dựng chương trình hoạt động hỗ trợ hội viên về định hướng phát triển bảo đảm bền vững với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
- Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên chấp hành đúng chính sách và quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề liên quan đến vận tải ôtô. Xây dựng phong trào thi đua “ Giữ xe tốt, lái xe an toàn”, đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và vị thế của công nhân lái xe trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
- Tạo thông tin 2 chiều từ tổ chức cơ sở, doanh nghiệp với BCH Hiệp hội để phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với DN, Hợp tác xã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, đưa pháp luật vào thực tiễn hoạt động của DN và hoà giải tranh chấp giữa các hội viên.
- Đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ DN hội viên tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế với các đối tác trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dịch vụ vận tải. Thúc đẩy quá trình tích tụ để từng bước hình thành những DN có quy mô lớn, làm nòng cốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vận tải ôtô VN.
Những hoạt động nổi bật qua 20 năm xây dựng và trưởng thành
1. Phát triển hội viên, đổi mới nội dung sinh hoạt các tổ chức cơ sở.
Từ 73 hội viên khi mới thành lập, đến nay Hiệp hội Vận tải ôtô VN đã có 56 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh với trên 1.500 DN hội viên, trong đó có DN Cổ phần hoá có vốn nhà nước; HTX; Công ty Cổ phần, Công ty TNHH và DN tư nhân; Số còn lại là các hội viên Bến xe khách, Trường đào tạo lái xe, Công ty Bảo hiểm, Công ty xăng dầu và trạm đăng kiểm ôtô…
Hiệp hội hiện có 4 văn phòng đại diện: Khu vực miền Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung tại thành phố Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai, và khu vực Tây Nam bộ tại thành phố Cần Thơ.
Đa số Hiệp hội cơ sở giữ được nền nếp sinh hoạt của BCH và sinh hoạt toàn thể. Nội dung sinh hoạt tập trung vào những vấn đề thiết yếu của Hội viên như ý kiến phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn trong SXKD. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề để giải quyết những bức súc của Hội viên như về biển báo hiệu đường bộ, tải trọng cầu đường, tình hình giá cước vận tải phí đường bộ BOT, hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe, các trạm thu phí cầu đường, các thủ tục hành chính chưa phù hợp v... v...
2. Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên đã giúp cho Hiệp hội thực sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, là chỗ dựa tin cậy của các hội viên.
Đây là một nhiệm vụ luôn được Hiệp hội đặt thành công tác trọng tâm, thường xuyên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên ngay từ khi xây dựng các văn bản và cả trong quá trình tổ chức thực hiện. Đó là việc tham gia xây dựng Luật Giao thông đường bộ các Nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn thi hành các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ. Điển hình là: Tham gia xây dung Luật GTĐB năm 2001, 2008; Tham gia ý kiến về đề án thành lập quỹ bảo trì đường bộ, Nghị định kinh doanh và Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt…; Các thông tư về tải trọng và khổ giới hạn đường bộ; Về niên hạn sử dụng xe ôtô; Về tổ chức và quản lý vận tải bằng xe ôtô; Về giá cước và vé xe ôtô khách; Về bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Về quy định kiểm tra chất lượng thiết bị giám sát hành trình và các văn bản hướng dẫn thi hành luật khác.
Hiệp hội đã đề xuất để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp với Bộ GTVT tổ chức nhiều hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu của Bộ và Tổng cục ĐBVN với đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội cơ sở trong toàn quốc để tham gia ý kiến vào các văn bản QPPL đề nghị được sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ về chính sách bình ổn giá xăng dầu; Chính sách thuế nhập khẩu và các loại phí về ôtô để giá xe ôtô của VN không quá đắt, gây khó khăn cho DN trong đầu tư đổi mới phương tiện, làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh của cả nền kinh tế, làm chậm quá trình nội địa hoá ngành công nghiệp ôtô nước nhà. Kiến nghị rà soát hệ thống các trạm thu phí đường bộ nhất là các trạm thu phí hoàn vốn BOT, vừa quá dày đặc vừa đặt không đúng đoạn đường mà nhà đầu tư xây dựng nhằm thu phí hoàn vốn, lại thu ở mức giá quá cao, quá sức chịu đựng của người dân và nhà vận tải.
Những năm gần đây, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo siết chặt quản lý hoạt động vận tải tổ chức các trạm kiểm tra tải trọng xe nhằm quản lý tải trọng xe lưu thông trên đường bộ làm hư hại cầu đường, hư hỏng phương tiện và gây tai nạn giao thông. Hiệp hội đồng tình với chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT về việc siết chặt quản lý vận tải thiết lập lại các trạm cân tải trọng xe. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các trạm cân làm kiên quyết để đảm bảo công bằng, có như vậy công tác kiểm tra tải trọng mới đạt hiệu quả. Đối với tải trọng cầu đường hiệp hội Vận tải ôtô VN đã đề nghị Bộ GTVT, xem xét điều chỉnh tăng trọng tải ô tô đầu kéo kéo sơmirơmoóc có tổng số trục từ 05 trục trở lên, từ 40 tấn lên 48 tấn, những ô tô có tổng trọng tải thấp hơn quy định nhưng có tải trọng trục cao hơn quy định là không vi phạm đối với các quy định của tải trọng cầu đường, điều chỉnh chiều cao xếp hàng từ 4m2 lên 4m35 để tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông. Đồng thời khuyến nghị với Hiệp hội cơ sở và DN hội viên cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, nắm chắc tình hình thực tế, chọn các phương tiện phù hợp với hệ thống giao thông vận tải tại Việt Nam.
Tình trạng xe kinh doanh vận tải hoạt động bất hợp pháp vẫn đang tồn tại ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng dẫn đến mất cân đối cung cầu. Hàng hoá thiếu trong khi phương tiện thừa, luồng tuyến cố định đang hoạt động ổn định lại bị phá vỡ bởi xe “dù” tranh giành khách rất lộn xộn. Nhiều doanh nghiệp phải hạ giá để cạnh tranh trong khi mọi chi phí đầu vào luôn tăng cao trừ nhiên liệu có xu hướng giảm. Nhiều lái xe buộc phải chở hàng quá tải, chấp nhận rủi ro về an toàn giao thông và bị xử phạt “biết vi phạm mà vẫn phải làm” để bù đắp chi phí cho những tiêu cực trên đường. Những tồn tại trở thành phổ biến đó đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp và làm mất trật tự xã hội và an toàn giao thông, đang là một thách thức đối với ngành vận tải ôtô. Hiệp hội đã kịp thời phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp hội viên và mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý sớm có những giải pháp hữu hiệu hơn, minh bạch hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, nhằm lập lại trật tự trong ngành vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng đối với doanh nghiệp vận tải.
Đối với công trình BOT, Hiệp hội Vận tải ôtô VN đồng tình với việc tranh thủ các nguồn vốn xã hội hóa để làm mới và nâng cấp cầu, đường bộ trong khi năng lực tài chính của nhà nước có hạn. Tuy nhiên nhà nước cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể, khách quan về các công trình này. Các công trình BOT phải có tác dụng cải thiện hệ thống đường bộ, nâng cao chất lượng giao thông, tránh manh mún, chắp vá và lạm dụng để thu tiền không tương xứng với nguồn vốn đầu tư. Hiện nay có tình trạng các trạm thu phí BOT đặt không đúng đoạn đường mà nhà đầu tư xây dựng nhằm thu phí hoàn vốn, trái với Pháp lệnh phí và lệ phí mà Quốc hội ban hành, gây khó khăn cho các ngành kinh tế nói chung và trút gánh nặng lên vai người dân và các đơn vị vận tải.
Nhằm tăng cường phối hợp trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa Tổng cục ĐBVN và Hiệp hội VTOT Việt Nam. Ngày 15/7/2010, Hiệp hội Vận tải ôtô VN và Tổng cục ĐBVN đã ký quy chế phối hợp giữa Tổng cục và Hiệp hội. Sau khi quy chế phối hợp được ký kết hàng năm Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Tổng Cục đường bộ Việt Nam có tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện quy chế phối hợp trong năm và thống nhất những kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải trong việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật ý kiến đề xuất của HH VTOT VN đều xuất phát từ nhu cầu chính đáng của các đơn vị vận tải, và đề nghị cần sớm được giải quyết hợp tình hợp lý. Tổng cục ĐBVN đã có các giải pháp thiết thực để giải quyết những vướng mắc, vì mục tiêu cuối cùng của Hiệp hội và của Tổng cục vẫn là phục vụ tốt nhất cho sự phát triển đất nước và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong qúa trình tham gia xây dựng văn bản QPPL, Hiệp hội cũng đã có nhiều kiến nghị được nhà nước chấp nhận, tạo cơ hội cho các DN phát triển.
3. Đảm bảo ATGT, một nhiệm vụ trọng yếu đã được HH phối hợp với các cơ quan chức năng và các DN thực hiện.
Đảm bảo ATGT vừa có tính xã hội vừa có tính kinh tế trong hoạt động của DN vận tải ôtô, bảo đảm được an toàn, làm giảm chi phí vận tải, tăng hiệu quả SXKD và nâng cao uy tín , thương hiệu của doanh nghiệp. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, Hiệp hội VTOT Việt Nam đã nhiều lần phối hợp với Văn phòng thường trực UB ATGT Quốc gia, với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Cục ĐBVN (nay là Tổng cục ĐBVN), Cục Cảnh sát GTĐB-ĐS tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo như: “DN Vận tải ôtô với ATGT đường bộ”, “An toàn giao thông với doanh nghiệp Vận tải ôtô, trách nhiệm của chủ DN”. Các cuộc hội thảo nói trên đã có hàng trăm đại biểu của doanh nghiệp vận tải và Hiệp hội vận tải cũng như đại biểu các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng về GTVT đường bộ tham gia.
Trong công tác bảo đảm ATGT, Hiệp hội Vận tải ôtô VN luôn đánh giá cao và coi trọng vai trò của người lái xe đối với ATGT, vì vậy ngay từ những năm đầu mới thành lập, Hiệp hội đã đề xuất và được UBATGTQG chấp thuận cho tổ chức Hội thi lái xe giỏi toàn quốc, đến nay đã tổ chức được 3 lần vào các năm 1998, 2001 và cuộc thi lần thứ 3 được tổ chức vào năm 2004 đã có 37 đoàn của các tỉnh với 256 tuyển thủ về dự. Năm 2014 UBATGTQG giao công đoàn GTVT chủ trì phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức hội thi lái xe giỏi an toàn, toàn quốc có 82 lái xe dự thi. Hiệp hội còn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao đạo đức người lái xe kinh doanh vận tải trong cơ chế thị trường, tham gia các ý kiến về lập lại trật tự vận tải. Những năm gần đây thực hiện chủ trương của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc hàng năm phát động phong trào “Vô lăng vàng” và trao giải thưởng “Vô lăng vàng”. Hiệp hội đã tuyên truyền đến các Hội viên, thông qua đó để tuyên truyền đến người lái xe về giải “Vô lăng vàng” để các đơn vị vận tải và lái xe tham gia. Từ năm 2013 tới nay đã có gần 1.800 lái xe và 280 đơn vị vận tải tham gia giải “Vô lăng vàng”.
Hiêp hội đề nghị các Hội viên nhanh chóng thay đổi cơ chế khoán để người lái xe chuyên tâm hơn nữa vào nhiệm vụ bảo đảm ATGT. Tạp chí Vận tải ôtô đã thường xuyên giới thiệu các văn bản QPPL, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về ATGT, nhằm giúp cho cơ sở cập nhật thông tin, những dự báo về tình hình kinh tế xã hội để đề ra các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.
4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải ôtô trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm qua, Ngành vận tải ôtô có tốc độ phát triến rất nhanh nhưng cũng bộc lộ những tồn tại, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là: Quy mô của các DN, Hợp tác xã phổ biến là vừa và nhỏ, làm hạn chế việc tích tụ, áp dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư đổi mới phương tiện và làm tăng chi phí quản lý. Số lượng phương tiện tuy tăng nhanh và chất lượng có nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung chúng ta đang quản lý một số lượng lớn xe đã lạc hậu về kỹ thuật, thời gian sử dụng cao, sự phát triển còn thiếu định hướng và thiếu quy hoạch nên đã dẫn đến hệ luỵ là cung vượt quá cầu. Công tác quản lý mà điển hình là cơ chế khoán doanh thu, thực chất là buông lỏng quản lý đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm suy giảm chất lượng dịch vụ, tranh giành khách gây mất an toàn giao thông.
Nắm bắt được thực trạng tình hình và nguyện vọng của DN, Hiệp hội đã phối hợp với VCCI tổ chức hội thảo “ Nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vận tải ôtô trong hội nhập kinh tế quốc tế ” Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã cung cấp cho các DN những thông tin kinh tế, những nội dung cần phải có trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiệp hội còn phối hợp với Tổng công ty Công nghiệp ôtô VN tổ chức hội thảo “Đổi mới phương tiện vận tải ôtô để hội nhập kinh tế quốc tế”. Thông qua các cuộc hội thảo, giúp cho DN có cái nhìn tổng thể hơn về thực trạng tình hình DN hiện nay và những việc cần làm khi tham gia hội nhập.
Hiệp hội còn tích cực tham gia ý kiến đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các Nghị định, các Hiệp định song phương và đa phương mà VN đã ký kết với các nước trong khu vực, nhất là chính sách thuế khi gia nhập WTO. Hiệp hội VTOT Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Hiệp hội phát hành bảo lãnh để thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hoá qua biên giới giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Hiệp hội đã chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, mở tài khoản tại Ngân hàng ngoại thương và tiến hành, ký thoả thuận với các cơ quan bảo lãnh của Lào, Thái Lan và Hải quan VN. Tuy nhiên đến nay do nhu cầu vận tải hàng hóa giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng không có nên chưa có đơn vị tham gia, công tác bảo lãnh chưa được thực hiện.
Nhìn lại 20 năm xây dựng và phát triển, chúng ta rất vui mừng trước những kết quả đã đạt được nhưng đồng thời cũng cần nghiêm túc xác định những tồn tại, để khắc phục và tạo điều kiện Hiệp hội ngày càng phát triển.
Số hội viên hiện nay tuy đã tăng nhiều nhưng mới tập hợp được gần 70% doanh nghiệp vận tải ô tô tham gia Hiệp hội, tuy đã có 56 tổ chức cơ sở nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa thành lập được Hiệp hội; một số hiệp hội cơ sở hoạt động kém hiệu quả, không có sức hấp dẫn đối với các hội viên.
Việc hợp tác, liên kết, hoà giải, Hiệp hội làm chưa tốt nên chưa đem lại hiệu quả thiết thực cho các hội viên.
Hai mươi năm qua, với sự cố gắng của Ban Chấp hành qua các thời kỳ, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ, chỉ đạo hướng dẫn các Hội viên trực thuộc, các Hiệp hội cơ sở thực hiện tốt Điều lệ của Hiệp hội. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng như các Hiệp hội cơ sở đã được cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh đánh giá cao. Vào những dịp kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị và được cơ quan nhà nước tặng bằng khen, giấy khen cho nhiều tổ chức, cá nhân. Đặc biệt năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3, nhiều Hiệp hội cơ sở và các Hội viên đã được Bộ Giao thông vận tải tặng bằng khen.
Với kết quả như vậy, hy vọng những năm tới, Hiệp hội sẽ phát triển mạnh mẽ để Hiệp hội thực sự là mái nhà chung của các doanh nghiệp vận tải ô tô và liên quan đến vận tải ôtô trong phạm vi cả nước.
PHẦN II
Phương hướng nhiệm vụ đến năm 2018
Từ nay đến năm 2018 tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam với mục tiêu “Phát triển - Chất lượng - An toàn - Hợp tác - Hiệu quả”
Năm 2016 - 2017 là những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng thời cũng là những năm còn lại để Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Hiệp hội.
Để xây dựng được các nhiệm vụ của ngành vận tải ôtô, đồng thời cũng là nhiệm vụ của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, ta cần phân tích để có những dự báo về những đặc điểm tình hình của các năm tới.
1. Theo cam kết khi tham gia WTO, thuế nhập khẩu ôtô đến năm 2018 sẽ giảm dần, Ngân hàng nhà nước đã có chỉ đạo điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm, giá nhiên liệu có xu hướng giảm. Trong khi đó giá đầu vào một số khoản mục vẫn có xu hướng tăng. Như vậy trong 02 năm tới, các doanh nghiệp vận tải ôtô phải đối mặt với những khó khăn nhất định.
2. Chỉ số giá tiêu dùng không tăng trong 03 tháng đầu năm 2016, tình hình lạm phát ổn định. Như vậy nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận tải hàng hóa cũng sẽ giảm, dẫn đến kinh doanh của các đơn vị vận tải cũng sẽ gặp khó khăn.
3. Theo Nghị định của Chính phủ, lương tối thiểu của khối doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng từ 11% đến 13%. Cùng với việc tăng lương, sẽ tăng chi cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt lao động trong ngành vận tải ôtô đã thực sự vận động theo cơ chế thị trường. Để giữ và ổn định lao động, nhất là lái xe, các doanh nghiệp đều phải điều chỉnh tăng tiền lương.
Đứng trước đặc điểm tình hình nêu trên, quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải là: Cải cách hành chính và thủ tục hành chính, các Nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Giao thông vận tải sẽ được sửa đổi nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.
Từ những dự báo trên, nhiệm vụ của ngành vận tải ôtô, đồng thời cũng là nhiệm vụ của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam trong năm 2016-2017 như sau:
1. Trên cơ sở những dự báo của những năm tới, căn cứ vào tình hình thực tế của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, theo nguyên tắc đầu tư phát triển dịch vụ có hiệu quả kinh tế, giảm hoặc loại bỏ những dịch vụ ít hoặc không có hiệu quả kinh tế.
Tổng kiểm tra lại chất lượng tài sản, nhất là phương tiện ôtô, tập trung sửa chữa bảo dưỡng ôtô để nâng chất lượng phương tiện, chỉ đầu tư thêm ôtô khi có nhiệm vụ, chọn loại phương tiện tiêu hao ít nhiên liệu để đầu tư.
Rà soát lại toàn bộ nguồn vốn, nhất là vốn vay ngân hàng. Tập trung nguồn tài chính để nhanh chóng trả nợ ngân hàng.
2. Tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp vận tải trong cùng địa phương cũng như trong cùng khu vực, phối hợp giữa các doanh nghiệp vận tải với các bến xe và các sàn giao dịch vận tải để giảm cây số xe chạy không có hàng, không có khách, đồng thời nâng cao hệ số lợi dụng trọng tải.
3. Nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội trong những quý đầu của năm 2016 là tiếp tục tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định thay thế Nghị định 86, Thông tư thay thế và các Thông tư về quản lý vận tải. Tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp nắm vững và thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Hiệp hội sẽ tiếp tục đề nghị với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam để tổ chức các hội nghị hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật; Tạp chí vận tải ôtô thường xuyên đăng các văn bản quy phạm pháp luật và phát hành rộng rãi tới các doanh nghiệp vận tải ôtô trong cả nước.
Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho in và phát hành “sổ tay vận tải ôtô”, một ấn phẩm tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất đối với ngành vận tải ôtô.
Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn, Hiệp hội cũng sẽ tập hợp những đề nghị của các doanh nghiệp báo cáo với cơ quản quản lý Nhà nước để các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thống nhất trong cả nước, đồng thời bổ sung điều chỉnh để các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn.
4. An toàn giao thông vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thường xảy ra đối với xe vận chuyển khách liên tỉnh và ô tô đầu kéo kéo sơmirơmoóc chở conteiner.
Vấn đề an toàn giao thông vừa là uy tín của ngành vận tải ôtô, vừa là hiệu quả kinh tế của từng doanh nghiệp. Do đó các doanh nghiệp cần coi công tác bảo đảm an toàn giao thông là công việc thường xuyên của doanh nghiệp. Cần xây dựng doanh nghiệp đảm bảo An toàn giao thông.
Cần sớm xây dựng bộ phận an toàn giao thông để giúp giám đốc theo dõi, quản lý công tác an toàn giao thông.
Cần chọn lọc đội ngũ lái xe đủ tiêu chuẩn tay nghề, sức khoẻ và đạo đức. Đội ngũ lái xe phải là lực lượng lao động thường xuyên của doanh nghiệp, giảm dần việc sử dụng lái xe theo hợp đồng vụ việc.
Thực hiện nghiêm túc công tác bảo dưỡng sửa chữa xe, kiểm tra kỹ thuật xe trước khi đi hoạt động để đảm bảo an toàn giao thông.
Phát động trong toàn quốc phong trào thi đua đối với lái xe, thực hiện “6 không”:
- Không chạy quá tốc độ quy định
- Không chạy lấn làn đường
- Không chở quá tải trọng
- Không uống bia rượu và chất kích thích khác khi lái xe
- Không chở hàng cấm và hàng dễ cháy nổ khi không được phép
- Không điều khiển xe khi xe không đảm bảo kỹ thuật
5. Tích cực vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giải “Vô lăng vàng” và vận động lái xe trong đơn vị tham gia phấn đấu 90% số “Vô lăng vàng” tặng cho đơn vị vận tải và 80% số “Vô lăng vàng” tặng cho lái xe là những thành viên thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các Hiệp hội cơ sở.
6. Tiếp tục tuyên truyền phát triển hội viên để đến cuối năm 2018 có ít nhất 75% doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ôtô là hội viên của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam
Hướng dẫn, tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố chưa có Hiệp hội được thành lập Hiệp hội, đảm bảo đến cuối năm 2017 hầu hết các tỉnh, thành phố đều có Hiệp hội cơ sở.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hiệp hội cơ sở để đem lại hiệu quả thiết thực, hấp dẫn các hội viên. Nâng chất lượng hoạt động của Hiệp hội cơ sở là trọng tâm công tác của Hiệp hội
Kiện toàn Ban chấp hành khóa IV Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam để tiếp tục lãnh đạo thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ IV của Hiệp hội.
Kính thưa các vị đại biểu
20 năm, một chặng đường chưa dài của 1 tổ chức, nhưng với sự nỗ lực gắn bó của các hội viên, sự nhiệt tình trách nhiệm của các uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam và Ban chấp hành các Hiệp hội cơ sở, sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ, sự cộng tác giúp đỡ của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, các Cục, vụ của bộ Giao thông vận tải và Bội Nội vụ, sự bảo trợ, giúp đỡ của các Sở Giao thông vận tải; sự động viên, hợp tác của các Hiệp hội bạn và cơ quan thông tin đại chúng, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đã dần từng bước trưởng thành, tạo được lòng tin đối với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vận tải ôtô và liên quan đến vận tải ôtô trong cả nước. Được dư luận xã hội đánh giá cao vị thế và sự hoạt động của Hiệp hội.
Trong lễ kỷ niệm này, tôi thay mặt Ban chấp hành Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam xin bày tỏ lòng biết ơn đối với sự lãnh đạo của Bộ giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, sự giúp đỡ của các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan.
Một lần nữa, xin cám ơn và chúc sức khoẻ các vị đại biểu.