THAM LUẬN VỀ:
CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN KINH DOANH VẬN TẢI.
TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG LÁI XE, DOANH NGHIỆP TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
(Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm ATGT 6 tháng năm 2017)
Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch – Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
6 tháng đầu năm 2017 ngành vận tải ô tô có nhiều sự việc nóng: Ùn tắc giao thông do tăng đột biến của xe cá nhân tham gia vận tải Taxi Uber, Grab. Vấn nạn “xe dù, bến cóc” xảy ra khá nghiêm trọng tại 2 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh (như báo cáo sơ kết đã nêu). Trong khuôn khổ Hội nghị, xin tham luận 2 nội dung:
I. Về công tác quản lý an toàn kinh doanh vận tải...
Hiệp hội xác định đây là công tác trọng tâm và cấp bách. Vì tai nạn giao thông vừa ảnh hưởng lớn đến xã hội vừa ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị vận tải. Từ đó, Hiệp hội luôn chỉ đạo các Hiệp hội cơ sở và các Hội viên trực thuộc nghiêm túc áp dụng các biện pháp quản lý nhằm kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông; Phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông; Phối hợp với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phổ biến Quy chế và thể lệ đăng ký tham gia xây dựng “Doanh nghiệp an toàn” và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Lái xe an toàn” để được tham gia bình xét giải thưởng “Vô lăng vàng” hàng năm; Phối hợp với Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam tổ chức Hội thị “Lái xe giỏi, An toàn” toàn quốc 3 năm /1 lần. Nhiều Hội viên đã tích cực tham gia phong trào này với tinh thần chủ động đã đạt được những kết quả tốt đẹp.
Tình hình ATGT 6 tháng đầu năm 2017 theo thống kê, tai nạn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải giảm đáng kể. Tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông do phương tiện kinh doanh vận tải gây ra thấp. Nhưng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lại hầu hết do phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải gây ra. Trong đó có vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai do xe khách và xe tải, làm chết 13 người, bị thương hơn 30 người.
Ngày 24 tháng 6 năm 2017 Hiệp hội tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng hoạt động của 6 tháng cuối năm 2017 nhấn mạnh công tác trọng tâm của Hiệp hội là: các đơn vị Hội viên phải coi trọng công tác quản lý an toàn trong kinh doanh vận tải, Hiệp hội cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động lái xe, doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Liên tục phát động phong trào “7 không” trong đội ngũ lái xe
- Không uống rượu bia khi lái xe
- Không chạy quá tốc độ quy định
- Không chạy lấn làn lấn đường
- Không chở quá tải trọng và số người cho phép
- Không chở hàng cấm
- Không chở hàng dễ cháy nổ khi không được phép
- Không điều khiển xe khi xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật
II. Về công tác kiểm tra tải trọng xe
Trong 6 tháng đầu năm 2017 vẫn được Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai đồng bộ trên 63 tỉnh thành trong cả nước. Nhưng nhiều Trạm chưa hoạt động liên tục 24/7, do hiện nay không có sự phối hợp với lực lượng Công an nên công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng xe chở quá tải trở lại thách thức dư luận xã hội. Như trong báo cáo đã nêu, xin bổ sung: Tại Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh cảnh Cát Lái, đường về Củ chi... nhiều bãi sang tải, dồn tải ngang nhiên hoạt động không có lực lượng chức năng xử lý.
Để tìm giải pháp xử lý vấn nạn xe vận tải quá tải tái phát nghiêm trọng từ cuối năm 2016 tới nay.
Ngày 19 tháng 6 năm 2017 Hiệp hội đã phối hợp với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị đối thoại về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
Từ tình hình trên Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin có 6 kiến nghị:
1. Tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an trong việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm với các phương tiện chở quá tải trọng quy định. Hoặc chỉ giao nhiệm vụ cho thanh tra giao thông để chỉ còn một đầu mối xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm trước việc bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Tăng cường kiểm tra về tải trọng với các phương tiện chở hàng tại các cảng, các khu công nghiệp, các mỏ, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng…
3. Xử lý nghiêm các hành vi chở quá tải theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt. Bắt buộc hạ tải mới được phép lưu hành khắc phục ngay và triệt để tình trạng “sang tải”, “làm luật”, “tránh trạm” để xe vận tải hàng hóa chở đúng tải trọng cho phép
4. Hiện đại hóa các trạm cân để hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực. Các trạm cân cố định đặt tại các Trạm thu phí đường bộ. Ngăn không cho xe chở quá tải chạy trên đường cao tốc, BOT... Áp dụng phạt nguội những xe chở quá tải vi phạm
5. Quy định bắt buộc trong điều kiện kinh doanh vận tải ô tô:
- Phải có bộ phận quản lý ATGT trong đơn vị vận tải
- Đơn vị vận tải phải có quy mô phù hợp với phạm vi hoạt động của từng vùng miền.
6. Nghề lái xe là một nghề đòi hỏi có trình độ kỹ thuật, có hiểu biết pháp luật, có phẩm chất đạo đức... Cường độ lao động nặng nhọc căng thẳng và dễ gặp rủi ro. Chính vì vậy thời trước Người lái xe được xã hội tôn là “Bác Tài”; Trong chiến tranh chống Mỹ Người lái xe được gọi là “Chiến sĩ lái xe” thật là vinh dự cho nghề lái xe.
Tuy nhiên tới thời kỳ xây dựng đất nước như hiện nay trong khi ngành vận tải ô tô đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước: 70% ÷ 80% khối lượng vận chuyển cả nước do vận tải ô tô đảm nhiệm, đáng ra Nghề lái xe – Người lái xe phải được coi trọng hơn. Nhưng Nghề lái xe – Người lái xe hiện nay bị Nhà nước và xã hội coi nhẹ, cụ thể như: Chính sách đào tạo: Thời gian đào tạo, tập sự quá ngắn. Đãi ngộ lái xe chưa thỏa đáng: Chủ doanh nghiệp khoán trắng cho lái xe “tự tung tự tác” trên đường. Không quan tâm tới đời sống tinh thần vật chất của lái xe: Một bộ phận không nhỏ trong lực lượng chức năng xử lý vi phạm trên đường coi lái xe như tội phạm: Có những lời nói, hành vi xúc phạm tới nhân phẩm của Người lái xe; Xã hội có lúc, có nơi coi lái xe là “giặc lái”; Phẩm chất đạo đức của một bộ phận lái xe xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vấn nạn trong ngành vận tải ô tô chưa được ngăn chặn.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp quý báu và đẩy lùi những tiêu cực của Nghề lái xe – Người lái xe.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kính đề nghị Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày 25 tháng 12 hàng năm là ngày “Truyền thống của Người lái xe” (Ngày 25 tháng 12 năm 1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 72/SL thành lập Sở vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính – Là tiền thân của ngành vận tải ô tô Việt Nam ngày nay).
Hàng năm tới ngày này Người lái xe trong toàn quốc sẽ nô nức, phấn khởi tự hào ôn lại truyền thống vinh quang của Nghề lái xe – Người lái xe, được xã hội biết và tôn vinh những điển hình tiên tiến, những lái xe giỏi an toàn – phẩm chất đạo đức tốt.
Chỉ có thật nhiều điển hình tốt mới đẩy lùi được những điểm tối, tiêu cực của Ngành vận tải ô tô – Nghề lái xe – Người lái xe./.