HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT NAM
Số: 033 /HHVT-TV
V/v Quy hoạch bến xe khách |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2018 |
Kính gửi: - Thủ tướng Chính phủ,
Đồng kính gửi: - Văn phòng Chính phủ,
- Bộ Giao thông vận tải.
Trong vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô, bến xe khách có vai trò rất quan trọng. Đây là nơi tiếp xúc đầu tiên và cuối cùng của hành khách đi xe tuyến cố định. Quy hoạch bến xe hợp lý phù hợp với đô thị của từng địa phương sẽ khắc phục được tình trạng xe dù bến cóc, trật tự vận tải được ổn định góp phần giảm ùn tắc giao thông trong đô thị. Tuy nhiên tình hình quy hoạch bến xe khách tại các địa phương nhiều năm qua còn bất cập gây khó khăn cho hành khách, các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe.
Để có giải pháp khắc phục tình trạng trên, ngày 11 tháng 8 năm 2017 tại thành phố Đà Nẵng Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về việc “Tăng cường quản lý, lập lại trật tự vận tải hành khách bằng xe ô tô, kiểm soát chặt chẽ xe dù bến cóc”. Sau Hội thảo ngày 21 tháng 8 năm 2017 Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản số 074/HHVT-TV gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan báo cáo kết quả hội thảo và kiến nghị giải quyết một số vấn đề nhằm lập lại trật tự vận tải, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Trong văn bản đó có kiến nghị: Áp dụng kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới về quy hoạch bến xe khách: Không đưa nhà ga, bến xe khách ra xa trung tâm thành phố tạo thuận lợi cho sự đi lại của hành khách.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ các Hiệp hội cơ sở việc quy hoạch bến xe khách tại các địa phương vẫn triển khai theo hướng tiếp tục đưa các bến xe khách ra xa trung tâm thành phố, đô thị. Đất hiện hữu tại bến xe được sử dụng vào mục đích khác. Từ đó gây khó khăn trong kinh doanh vận tải, thậm chí có đơn vị vận tải lâm vào tình trạng phá sản. Làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc và ùn tắc giao thông. Gây lãng phí trong quá trình đầu tư bến xe, khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư bến xe khách theo Quyết định số 12/2015/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách.
Để có thể ổn định trật tự vận tải hành khách bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin trân trọng báo cáo, kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan hữu quan một số nội dung cụ thể như sau:
1. Nghiên cứu và có ý kiến chỉ đạo về kiến nghị tại văn bản số 074/HHVT-TV ngày 21 tháng 8 năm 2017 của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (xin gửi kèm bản phô tô văn bản nói trên).
2. Tổ chức khảo sát tình trạng xe dù, bến cóc trên phạm vị cả nước. Xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm đối với xe dù, bến cóc lập lại trật tự an toàn vận tải, an toàn giao thông.
3. Có kế hoạch tổ chức khảo sát quy hoạch bến xe tại các địa phương. Tổ chức Hội thảo để có cơ sở xây dựng quy hoạch bến xe khách trên cơ sở khoa học, hợp lý. Tránh lãng phí cho các đơn vị đã và sẽ đầu tư, đồng thời phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân tại từng địa phương hiện tại và tương lai đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
4. Giữ ổn định lâu dài quy hoạch bến xe khách. Tại đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh do quỹ đất hạn chế: Nghiên cứu cho phép bến xe có điều kiện được nâng cấp thành bến xe cao tầng. Đảm bảo nâng cao công suất và chất lượng dịch vụ. Đồng thời đáp ứng yêu cầu về an toàn giao thông.
5. Chỉ đạo các địa phương thống nhất tổ chức mô hình hoạt động của bến xe ô tô (trong đó có bến xe khách) theo đúng quy định tại Điều 83 Luật Giao thông đường bộ 2008. Không để hoạt động bến xe theo nhiều mô hình quản lý như hiện nay.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kính báo cáo Thủ tướng và các cơ quan hữu quan sớm xem xét có ý kiến chỉ đạo.
Xin trân trọng cám ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên,
- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (Báo cáo),
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (Báo cáo),
- Ủy Ban nhân dân các tỉnh, thành phố (Để phối hợp),
- Hiệp hội Bến xe khách (để biết)
- Lưu VPHH. |
TM.BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thanh |
HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT
Số: 074 /HHVT-TV
V/v: Báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị… |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2017 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Đồng kính gửi:
- Văn phòng Chính phủ,
- Bộ Giao thông vận tải,
- Bộ Tư pháp,
- Bộ Tài chính,
- Bộ Công an.
Vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó có vận tải hành khách liên tỉnh có nhiệm vụ rất quan trọng của ngành giao thông vận tải. Giải quyết tốt vận tải hành khách bằng xe ô tô góp phần đảm bảo an toàn vận tải, an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn. Trong nhiều năm qua tình hình vận tải hành khách bằng xe ô tô có nhiều diễn biến phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tháng 01 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị số 01/2004/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên phạm vi cả nước. Chỉ thị nêu rõ phải chấn chỉnh và khắc phục triệt để tình trạng “cơm tù, xe dù, bến cóc”. Sau khi chỉ thị được ban hành, với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, các ban ngành trung ương. Chỉ thị của Thủ tướng đã đi vào cuộc sống. Tình trạng “cơm tù” đã được khắc phục triệt để: Các cơ sở kinh doanh phục vụ trên các tuyến giao thông đường bộ đã đổi mới công tác phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của hành khách đi xe. Tình trạng “xe dù, bến cóc” đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần lập lại trật tự vận tải hành khách: Các bến xe khách, các đơn vị vận tải đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Nhiều đơn vị đã thực hiện không đón khách dọc đường, một số đơn vị đã có kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn ISO trong quản lý hoạt động vận tải.
Tuy vậy những năm gần đây tình hình “xe dù, bến cóc” lại tái phát, đặc biệt là tại các thành phố lớn, tạo nên sự ùn tắc giao thông và tác động xấu đến trật tự An toàn giao thông.
Để làm rõ diễn biến tình hình hoạt động vận tải hành khách hiện nay, tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng “xe dù, bến cóc”, trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ, với cơ quan quản lý Nhà nước những giải pháp để triệt để khắc phục tình trạng trên, lập lại trật tự vận tải hành khách công cộng trong phạm vị cả nước. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã tổ chức cuộc Hội thảo vào ngày 11 tháng 8 năm 2017 tại Thành phố Đà Nẵng với nội dung:
Tăng cường quản lý, lập lại trật tự vận tải hành khách bằng xe ô tô, kiểm soát chặt chẽ “xe dù, bến cóc”
Tới dự Hội thảo có ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các vụ liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và các vụ thuộc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam. Đại diện Bộ Tài chính, một số Sở Giao thông vận tải, các Hiệp hội cơ sở và một số đơn vị vận tải bến xe đại diện các khu vực trong phạm vi cả nước và có sự tham gia của một số chuyên gia quy hoạch, chuyên gia vận tải với tổng số 120 đại biểu.
Tại Hội thảo các đại biểu về dự đã đánh giá diễn biến tình hình “xe dù, bến cóc” nguyên nhân và những kiến nghị.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin trân trọng báo cáo Thủ tướng và các Bộ một số nội dung sau:
1. Diễn biến tình hình vận tải hành khách hiện nay.
1.1. Các hình thức kinh doanh vận tải
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện nay vận tải hành khách bằng xe ô tô có 5 hình thức. Đó là: Vận tải hành khách bằng xe theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch và xe taxi. Trong 5 loại hình nói trên chỉ có vận tải hành khách bằng xe taxi có đặc điểm riêng là vận tải có khối lượng hành khách chở trên xe ít. Còn lại 4 loại hình kinh doanh khác có những đặc điểm tương đồng, khó phân biệt: Xe tuyến cố định bắt buộc phải vào bến đón trả - khách; Xe buýt phải dừng tại các trạm dừng đón trả, đầu bến đi đến không nhất thiết vào bến; Xe hợp đồng và xe du lịch thực hiện theo hợp đồng kinh tế cụ thể.
Trong thực tế hiện nay xe hợp đồng, xe du lịch có nhiều hiện tượng tìm cách bán vé như tuyến cố định và tổ chức chạy xe dạng tuyến cố định để cạnh tranh với tuyến cố định. Trong thời gian gần đây trên thị trường vận tải xuất hiện loại xe Limousine cải tạo từ xe Mercedes 16 chỗ thành xe 10 chỗ, hầu hết là xin cấp phép và phù hiệu xe hợp đồng để hoạt động. Nhưng thực chất là hoạt động tuyến cố định. Gần đây nhất các địa phương lại xuất hiện loại xe 7 chỗ nhận đặt chỗ đón khách tại nhà theo yêu cầu của khách, gây lộn xộn trong hoạt động vận tải, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngoài những lực lượng vận tải du lịch, hợp đồng; Ngay trong lực lượng vận tải hành khách theo tuyến cố định hiện có loại xe trung chuyển. Loại xe này cũng gây nên rối loạn hoạt động vận tải. Do các đơn vị vận tải không thực hiện đúng quy định với xe trung chuyển lại chạy xe theo tuyến cố định.
1.2. Các đơn vị vận tải
Hiện nay do quy định chưa chặt chẽ, tổ chức các đơn vị vận tải không thật hoàn chỉnh. Một bộ phận nhỏ đơn vị vận tải được tổ chức điều hành tập trung: Người đứng đầu đơn vị vận tải có quyền sở hữu tài sản định đoạt về sản xuất kinh doanh quản lý tốt. Còn lại đa số các đơn vị vận tải (hầu hết là các hợp tác xã): Người đứng đầu không quyết định được sản xuất kinh doanh, vì quyền sở hữu tài sản thuộc cá nhân nên khó khăn cho quản lý điều hành.
1.3. Tình hình bến xe khách
Nhiều địa phương đưa bến xe ra xa trung tâm thành phố ở những vị trí không hợp lý. Quản lý bến xe cũng không thống nhất: Có bến xe do doanh nghiệp hợp tác xã quản lý, còn nhiều bến xe do cơ quan nhà nước quản lý. Giá dịch vụ xe ra vào bến do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định còn nhiều bất cập.
1.4. Quan hệ bến xe với các đơn vị vận tải
Hiện tại cơ quan Nhà nước vẫn đang can thiệp sâu vào việc bố trí luồng tuyến: Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh. Lựa chọn đơn vị khai thác tuyến gây khó khăn cho cả đơn vị vận tải và đơn vị khai thác bến. Bến xe và các đơn vị vận tải không chủ động bố trí xe hợp lý phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân theo từng thời điểm. Dẫn đến khi có khách thì không có xe, khi có xe thì không có khách.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “xe dù, bến cóc” làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Qua Hội thảo các chuyên gia, các đại biểu đều có đánh gia chung một số nguyên nhân cơ bản sau:
2.1. Các văn bản quy phạm pháp luật xác định hình thức kinh doanh vận tải hành khách xe tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch chưa phù hợp khó thực hiện. Các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô quá đơn giản với loại hình vận tải hợp đồng lại quá phức tạo với loại hình vận tải tuyến cố định. Chưa có điều kiện kinh doanh bến xe khách.
2.2. Các văn bản quản lý vận tải của Bộ Giao thông vận tải hiện còn có nhiều bất cập; Quy hoạch mạng lưới tuyến quá chi tiết. Nhà nước can thiệp vào từng giờ xe chạy không phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân. Khi cơ quan Nhà nước chấp thuận xe chạy theo giờ cụ thể, quá trình xe chạy không có khách, đơn vị vận tải lại phải xin cơ quan nhà nước cho đổi giờ gây khó khăn cho đơn vị vận tải... Việc lựa chọn đơn vị khai thác tuyến quá phức tạp, dẫn đến đơn vị vận tải đầu tư xe chờ đợi quá lâu buộc phải đưa xe “chạy dù”, chạy hợp đồng để thu hồi vốn.
2.3. Việc quy hoạch hệ thống bến xe trong phạm vị cả nước chưa hợp lý. Các địa phương khi quy hoạch mạng lưới bến xe không quan tâm đến trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông. Nhiều địa phương kể cả các thành phố lớn đều hiểu sai vấn đề này. Cho rằng đưa bến xe ra xa trung tâm thành phố thì giảm ùn tắc giao thông, nhưng thực chất không phải như vậy. Kinh nghiệm các nước trên thế giới tất cả các bến xe, nhà ga đều ở trung tâm thành phố và kết nối với các loại hình vận tải khác. Từ vị trí quy hoạch không phù hợp như vậy dẫn đến lái xe, các đơn vị vận tải không muốn đưa xe đến bến. Vì bến xe không có khách nên đã đưa xe ra ngoài “chạy dù” theo dạng hợp đồng.
2.4. Công tác kiểm tra kiểm soát xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước thiếu chặt chẽ dẫn đến không phát hiện và xử lý những xe “chạy dù”, chạy hợp đồng trá hình làm cho thị trường vận tải hành khách càng thêm lộn xộn.
2.5. Quy định tổ chức các đơn vị vận tải quá đơn giản không chặt chẽ. Hầu hết các đơn vị vận tải buông lỏng quản lý, khoán trắng cho người lao động là lái xe. Ít quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải. Dẫn đến lái xe, nhân viên phục vụ trên xe kinh doanh vận tải không quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ, chỉ quan tâm đến lợi nhuận tăng trong kinh doanh.
3. Những kiến nghị
Để khắc phục những tồn tại trên, sớm lập lại trật tự trong vận tải hành khách bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin kiến nghị với Thủ tướng, các Bộ một số nội dung sau:
3.1. Thủ tướng Chính phủ:
3.1.1. Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan, sớm nghiên cứu sửa Luật giao thông đường bộ, các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Quan tâm đến việc quy định các loại hình kinh doanh vận tải, trong đó có kinh doanh vận tải hành khách. Quy định cụ thể điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô kể cả điều kiện kinh doanh bến xe khách. Điều kiện kinh doanh phải chặt chẽ, trên cơ sở đó kiểm soát được hoạt động tại các đơn vị vận tải. Có quy định về quy hoạch bến xe khách. Kinh nghiệm các nước tiên tiến: Không đưa nhà ga, bến xe ra xa trung tâm thành phố tạo thuận lợi cho sự đi lại của hành khách.
3.1.2. Trong lúc chờ sửa Luật Giao thông đường bộ. Yêu cầu các địa phương trong phạm vi cả nước, khi quy hoạch bến xe khách, không vì mục đích sử dụng đất vàng tại bến xe khách đưa vào mục đích khác, đẩy bến xe ra quá xa trung tâm thành phố.
3.1.3. Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an tăng cường phối hợp kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm đặc biệt là xử lý với “xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình” để lập lại trật tự trong vận tải hành khách.
3.2. Bộ Giao thông vận tải
Sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung các Thông tư về quản lý vận tải để giải quyết tốt hơn công tác quản lý hoạt động vận tải. Cụ thể:
3.2.1. Bỏ hình thức vận tải trung chuyển với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, bởi lẽ ngoài tuyến cố định tại các địa phương hiện tại còn nhiều loại hình vận tải như xe taxi, xe buýt, xe ôm...
3.2.2. Sớm sửa Quy hoạch mạng lưới tuyến theo quyết định 2288. Chỉ nên quy hoạch tổng thể về tổng số tuyến bến đi bến đến từng tuyến và số chuyến xe tối đa của từng tuyến. Giờ xuất bến từng chuyến xe giao lại cho đơn vị vận tải và bến xe chủ động sắp xếp sau đó báo cơ quan quản lý tuyến.
3.2.3. Sửa lại Thông tư 92/2016/TT-BGTVT về lựa chọn khai thác tuyến bằng hình thức đăng ký của đơn vị vận tải và chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến.
3.3. Bộ Tài Chính:
- Chỉ đạo Tổng Cục thuế và Cục thuế các địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương nắm số lượng phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó vận tải hành khách theo hợp đồng, xác định mức thuế khoán từng loại xe để đảm bảo kinh doanh bình đẳng, khắc phục tình trạng xe bỏ tuyến cố định ra “chạy dù” chạy hợp đồng vì Thuế chênh lệch quá lớn giữa vận tải theo tuyến cố định và vận tải theo hợp đồng.
Kính báo cáo Thủ tướng và các Bộ quan tâm xem xét giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên,
- Phó TT Trương Hòa Bình (để báo cáo),
- Phó TT Trịnh Đình Dũng (để báo cáo),
- Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa (để báo cáo),
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (để báo cáo),
- Tổng Cục Đường bộ Việt Nam,
- Tổng Cục Thuế,
- Cục cảnh sát giao thông,
- Các Văn phòng đại diện Hiệp hội,
- Các Hiệp hội cơ sở,
- Lưu VP Hiệp hội. |
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thanh |