HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT NAM
Số: 046/HHVT-TV
V/v Phúc đáp công văn
299/TCT-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2018 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được văn bản số 299/TCT-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đề nghị góp ý kiến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô kèm theo các văn bản Dự thảo.
Nghiên cứu các tài liệu gửi kèm Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có ý kiến như sau:
1. Nhận xét chung
1.1. Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã được Dự thảo và Thông qua thẩm định của Bộ Tư pháp nhiều lần. Dự thảo ngày 31 tháng 7 năm 2018 đã được cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, phù hợp với phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải theo Quyết định 767/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Như vậy nếu Dự thảo Nghị định được ban hành sẽ thuận lợi hơn cho các đơn vị vận tải. Nhưng về góc độ quản lý Nhà nước và đảm bảo An toàn giao thông sẽ gặp khó khăn. Vì còn ít nội dung quản lý, đặc biệt là không còn điều kiện nào quy định người quản lý và người lao động trong ngành vận tải ô tô.
1.2. Dự thảo có nhiều đoạn quá dài, khó hiểu khi thực hiện sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt có những nội dung chưa chặt chẽ. Như ý kiến của văn phòng Chính phủ tại văn bản 299/TCT-TTg: Không làm rõ việc nhận diện đâu là xe kinh doanh, đâu là xe không kinh doanh. Trong đó bức xúc nhất là việc quản lý xe Hợp đồng trong nhiều năm nay chưa hiệu quả, gây lộn xộn trong vận tải tạo nên vấn nạn xe dù bến cóc.
Vận tải ô tô rất phức tạp, cần có những quy định chặt chẽ và cụ thể ngay tại Nghị định. Tránh tình trạng Nghị định chung chung, để lại giao cho Bộ quy định. Trong dự thảo hiện có 20 nội dung giao Bộ Giao thông vận tải quy định gồm (Khoản 11 Điều 3, Khoản 4 Khoản 7 Điều 4; Khoản 3 Điều 5; Điểm a Khoản 1 Điều 6, Điểm b Khoản 2 Điều 6; Khoản 2, 4 Điều 7, Khoản 3 Điều 8; Khoản 6, 9, 11 Điều 9; Khoản 3, 4, 8 Điều 11; Điểm a Khoản 4 Điều 12. Điểm c Khoản 2, 8 Điều 21). Từ đó dễ phát sinh những điều kiện kinh doanh mới.
2. Những nội dung góp ý cụ thể dự thảo
2.1. Bỏ Khoản 4 Điều 3. Vì đây không phải là giải thích từ ngữ nếu đã giải thích từ ngữ thì phải xác định từ ngữ đó là gì?
Tương tự Khoản 5 Điều 3 cần viết lại, nhất là cụm từ cuối câu tuyến xe buýt chuyên trách. Tuyến xe buýt là tuyến có hành trình, lịch trình điểm đầu điểm cuối. Không thể có tuyến đường nào chỉ giành riêng cho cán bộ công nhân viên học sinh, mà người khác không được đi. Chỉ có thể có xe buýt chuyên trách không thể có tuyến xe buýt chuyên trách.
2.2. Bổ sung nội dung quản lý vận tải nội bộ, thực chất là kinh doanh vận tải. Hiện nay có những công ty xây dựng, các công ty liên doanh nước ngoài có hàng trăm xe vận tải hàng nội bộ tham gia giao thông, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, nên cần quản lý. Nội dung này Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã có.
2.3. Nghiên cứu lại Khoản 4 Điều 4 về việc xe tuyến cố định có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai. Nếu bắt buộc xe tuyến cố định phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật là khó thực hiện. Vì theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 xe tuyến cố định có sức chứa từ 9 chỗ chở lên. Nếu là xe 9 chỗ mà buộc phải bố trí chỗ cho người khuyết tật vận động là không thể. Các nước trên thế giới chỉ bắt buộc bố trí cho người khuyết tật với xe vận tải hành khách công cộng, tại thành phố đô thị. Vì loại xe này là xe có trợ giá. Xe tuyến cố định Việt Nam hiện nay 100% xã hội hóa, do tư nhân đầu tư. Nếu là bắt buộc phải có chỗ cho người khuyết tật vận động, thì phải có quy định chế độ thanh toán với chủ phương tiện.
2.4. Làm rõ hơn Khoản 7 Điều 4, cần bỏ việc quy định mẫu lệnh vận chuyển. Nội dung này đã có quy định trong mẫu các loại văn bản theo Luật Dân sự. Làm rõ nội dung kiểm tra việc thực hiện điều kiện đối với xe ô tô và xác nhận vào lệnh vận chuyển do Bộ Giao thông vận tải quy định hay Bộ Giao thông vận tải trực tiếp làm.
2.5. Điều 6 về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi: Hai hình thức tính tiền với xe taxi là thông qua đồng hồ hoặc thông qua phần mềm.
Theo Dự thảo hình thức tính tiền bằng đồng hồ: Đồng hồ tính tiền, phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định kẹp chì. Trong khi đó tính tiền thông qua phần mềm, đơn vị vận tải chủ động xây dựng.
Nên chăng đồng hồ tính tiền với xe taxi, để đơn vị vận tải chủ động thực hiện và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hành khách về tính chính xác của đồng hồ. Vì nếu phải qua cơ quan có thẩm quyền thẩm định và kẹp chì sẽ mất thời gian và rất tốn kém cho doanh nghiệp.
2.6. Điều 7 Điều 8 cần ngắn gón lại. Những nội dung không thể thực hiện cần bỏ đi. Như:
Khoản 3 Khoản 4 Điều 7 và Khoản 4 Khoản 5 Điều 8. Thực tế những nội dung này đã được quy định từ các Nghị định trước đây nhưng không đơn vị nào thực hiện. Sở Giao thông vận tải địa phương cũng không thể có đủ cán bộ để theo dõi các nội dung như: danh sách hành khách, hợp đồng vận tải. Trong lúc các cơ quan Nhà nước đang tinh giảm biên chế.
2.7. Cần bỏ Khoản 1 Điều 9: Quy định taxi tải đã có từ Nghị định trước nhưng không thực hiện được. Taxi tải từ trước đến nay không có xe nào lắp đồng hồ tình tiền, nhưng cũng chẳng có cơ quan nào kiểm tra xử lý.
2.8. Điều 12 về thiết bị giám sát hành trình: Đưa Điều 12 xuống chương III sắp xếp hợp lý vì đây là điều kiện kinh doanh trong Luật đã ghi xe kinh doanh vận tải phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (Điều 67 Luật Giao thông đường bộ).
Về lộ trình cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh là quá dài (sớm nhất 01/7/2022 và chậm nhất là 01/07/2025). Nên nghiên cứu thận trọng nội dung này. Vì phát sinh chi phí rất lớn cho vận tải. Nếu quy định thì phải có quy định cụ thể về quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay thiết bị giám sát hành trình chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Tại Điểm a Khoản 4 quy định thiết bị giám sát hành trình phải lưu giữ truyền dẫn các thông tin trong đó có dữ liệu thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Nội dung này không thực hiện được. Vì thời gian làm việc của lái xe gồm tất cả các công việc, trong đó có thời gian lái xe làm việc khi xe và thiết bị điện trên xe không hoạt động không thể có dữ liệu. Chỉ có thể có dữ liệu khi lái xe điều khiển phương tiện.
2.9. Chương IV Quy định về Hợp đồng vận tải
Cần xem xét rút gọn lại các quy định về Hợp đồng những nội dung đã trùng với nội dung tại Điều 7 cần bỏ đi.
2.10. Nghiên cứu lại Điểm b, c Khoản 1 Điều 18
Tại chương III quy định Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không có quy định đơn vị vận tải phải có người điều hành vận tải. Không có quy định đơn vị vận tải phải thành lập bộ phận theo dõi điều kiện an toàn giao thông . Nội dung này chỉ thể hiện tại Điều 11, mà Điều 11 không phải là điều kiện. Vì vậy nếu không đưa vào điều kiện thì nên bỏ 2 điểm này.
2.11. Điều 21 Quy trình đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định: Đề nghị thay đổi lại quy trình. Trong thực tế hiện nay thủ tục này gây nhiều phiền hà, tốn kém thời gian, công sức của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, dễ phát sinh tiêu cực. Nên giao quyền chủ động cho doanh nghiệp hợp tác xã vận tải và bến xe 2 đầu tuyến chủ động ký kết hợp đồng, sau báo cáo 2 Sở Giao thông vận tải để thực hiện. Xóa bỏ thủ tục chấp thuận tuyến. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của cơ quan quản lý tuyến.
Nên đưa Quy trình đăng ký ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định về Chương II để phù hợp với Điều 4 kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định và chỉnh sửa lại nội dung cho phù hợp.
2.12. Bổ sung 1 Điều về công bố bến xe khách và 1 điều công bố trạm dừng nghỉ. Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị vấn đề này. Nhưng Bộ Giao thông vận tải cho rằng 2 nội dung này đã được công bố bằng Quy chuẩn bến xe khách và Quy chuẩn trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên 2 nội dung này khác nhau. Việc công bố tại Nghị định của Chính phủ khác với Quy chuẩn quốc gia nên cần đưa vào. Hơn nữa tại Khoản 12 Khoản 14 Điều 3 có giải thích từ ngữ bến xe ô tô khách và trạm dừng nghỉ.
2.13. Điều 23 Quy định về sử dụng cấp phù hiệu, biển hiệu cho xe vận tải đã được thực hiện từ năm 2005 cho xe khách, đến nay cả xe tải. Nhưng thực tế việc sử dụng, cấp phù hiệu, biển hiệu đã phát sinh những bất cập, thậm chí có những tiêu cực trong quá trình cấp. Nên nghiên cứu sớm thay thế phù hiệu bằng hình thức khác: Hoặc là sử dụng biển số xe kinh doanh vận tải màu riêng như một số nước trên thế giới (Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc), hoặc sử dụng màu tem kiểm định để phân biệt xe kinh doanh và không kinh doanh.
2.14. Về Chương VI trách nhiệm tổ chức thực hiện
Cần rà soát lại trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ghi tại chương VI là trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định. Nên các nội dung không có trong Nghị định thì không thể giao các Bộ thực hiện. Như:
Điều 30 trách nhiệm Bộ Y tế có 3 khoản nhưng trong dự thảo Nghị định không có Điều Khoản nào Quy định các nội dung này
Hoặc Điều 31 trách nhiệm Bộ Lao động thương binh xã hội có 2 khoản. Nhưng trong dự thảo Nghị định không có nội dung nào nói đến chế độ người lao động kinh doanh vận tải.
Vì thời gian yêu cầu của văn phòng Chính phủ rất gấp nên Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tham gia một số ý kiến nói trên.
Đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu để khi Nghị định ban hành có tính khả thi cao.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên,
- Đăng trên website Hiệp hội,
- Lưu VPHH. |
TM.BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Văn Thanh |
File công văn: http://hiephoivantaioto.vn/UserFiles/2018-8%20Ph%FAc%20%u0111%E1p%20c%F4ng%20v%u0103n%20299.pd