[in trang]

Báo cáo: Đại hội V Nhiệm kỳ 2018 - 2023

08-10-18

Báo cáo: Đại hội V Nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm: 1. Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ IV (2013 - 2018); Mục tiêu nhiệm kỳ V (2018 - 2023) 2. Kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ nhiệm kỳ IV (2013 - 2018) 3. Kiểm điểm hoạt động của Ban kiểm tra nhiệm kỳ IV (2013 - 2018) 4. Tài chính nhiệm kỳ IV (2013 - 2018)


 

 HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ

VIỆT NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

 

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM

NHIỆM KỲ IV (2013÷2018). MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

NHIỆM KỲ  V (2018÷2023)

 

 

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Kính thưa đại hội!

 

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 552/QĐ/TCCB-LĐ ngày 22 tháng 3 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 197/TCCB-TC ngày 01 tháng 6 năm 1996 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), đến Đại hội lần thứ V Hiệp hội đã tròn 22 tuổi và qua 5 kỳ Đại hội.

Trải qua 22 năm xây dựng và trưởng thành, hôm nay Đại hội vui mừng nhận thấy Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã phát triển rất nhanh về số lượng và chất lượng. Tại Đại hội lần thứ Nhất tổ chức ngày 22 tháng 8 năm 1997, Hiệp hội mới có 73 doanh nghiệp hội viên, chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, chưa có Hiệp hội cơ sở và 26 hội viên tư vấn là những cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Qua mỗi kỳ Đại hội số Hội viên được tăng lên. Đại hội lần này, chúng ta đã có 58 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh, 2 Hiệp hội đặc thù và một chi hội trực thuộc, với hơn 1.500 hội viên bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải và các đơn vị liên quan đến hoạt động vận tải trên phạm vi toàn quốc. Trực thuộc Hiệp hội có 4 văn phòng đại diện, Tạp chí Vận tải ô tô và Báo Điện tử Đại Lộ. Về cơ sở vật chất: Đến cuối năm 2011, Hiệp hội đã mua được một căn hộ chung cư với diện tích 99m2 làm trụ sở chính thức của Hiệp hội tại 198 Đường Nguyễn Tuân, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội (Trị giá 3 tỷ đồng).

 

Kính thưa các vị khách quý!

Kính thưa Đại hội!

 

Tại Đại hội này chúng ta cùng kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của Hiệp hội trong 5 năm qua, đồng thời quyết định mục tiêu và nhiệm vụ của 5 năm tới (nhiệm kỳ 2018-2023).

 

PHẦN THỨ NHẤT

HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM

NHIỆM KỲ IV ( 2013÷2018)

Tại Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã đề ra mục tiêu của Hiệp hội khoá IV là:

“ Tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ vận tải, bảo đảm An toàn giao thông”.

Để thực hiện mục tiêu trên, đại hội đã thống nhất tổ chức thực hiện 07 nhiệm vụ cơ bản cụ thể là:

1. Tái cơ cấu doanh nghiệp, chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để tái cơ cấu ngành vận tải ô tô theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

2. Tham gia đầy đủ, trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, các Nghị định - Thông tư liên quan đến ngành vận tải ô tô.

3. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông góp phần giảm tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe khách chạy đường dài và tổ hợp ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc gây ra.

4. Phát triển hội viên, tiếp tục vận động thành lập Hiệp hội cơ sở ở những tỉnh, thành phố chưa có Hiệp hội.

Đổi mới phương thức và nội dung sinh hoạt Hiệp hội.

5. Thực hiện tốt các nhiệm vụ được nhà nước giao

6. Kiện toàn cán bộ chuyên trách tại cơ quan Hiệp hội và văn phòng đại diện các khu vực

7. Làm tốt các dịch vụ công, quản lý chặt chẽ việc thu nộp hội phí để bảo đảm nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động của Hiệp hội.

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH TRONG 5 NĂM QUA ĐÃ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM.

Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đã phục hồi nhưng không cao. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%, năm 2017 là 6,81%.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII dưới sự lãnh đạo của Đảng; Sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; Nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Xuất khẩu tăng trưởng cao; Cân đối về tiền tệ, tín dụng, tài chính được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giảm dần; Tỷ giá ngoại tệ ổn định; Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đó là những thuận lợi cơ bản tạo điều kiện cho vận tải ô tô phát triển.

Tuy nhiên tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức mà ngành vận tải ô tô phải vượt qua:

Giá các yếu tố đầu vào vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Nhất là giá xăng dầu luôn biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành vận tải ôtô.

Tác động của các chính sách thuế và phí không ổn định lại luôn trong xu hướng tăng. Đặc biệt là việc xây dựng các tuyến đường bộ theo hình thức BOT còn nhiều bất cập, nhiều trạm BOT đặt không đúng vị trí, giá dịch vụ qua các trạm BOT cao, làm cho năng lực sản xuất cũng như cạnh tranh của ngành vận tải ô tô ngày càng sụt giảm.

Năm năm qua cũng là thời kỳ chúng ta tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn thường xuyên thay đổi. Do vậy trong quá trình triển khai DN vận tải gặp nhiều khó khăn: Về những quy định mới trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, về tải trọng trục, tải trọng cầu, đặc biệt là cách tính tải trọng của xe đầu kéo kéo sơmirơmoóc khi qua cầu. Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có nhiều thay đổi theo hướng tăng nặng với các hành vi vi phạm gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Việc siết chặt quản lý tải trọng xe vận tải hàng hóa: Từ năm 2014 đến năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ lực lượng công an và giao thông đã phối hợp trong việc kiểm tra xử lý vi phạm nên đã có chuyển biến tích cực; Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay kế hoạch phối hợp không tiếp tục thực hiện, tình hình chở quá tải lại xuất hiện trở lại, gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa.

II.   KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM TRONG 05 NĂM (2013÷2018)

1.     Về tái cơ cấu doanh nghiệp

Trong nhiệm kỳ tuy đã có nhiều đơn vị vận tải ô tô có nhu cầu tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Nhưng do vướng mắc về cơ chế, các thủ tục nên mục tiêu này chưa đạt được. Hơn nữa đây là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội đã phối hợp với Tổng Cục đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên nâng cao chất lượng vận tải phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.

2. Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên. Hiệp hội thực sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan  quản lý Nhà nước và là chỗ dựa của các hội viên.

Đây là kênh phản biện xã hội quan trọng trong việc xây dựng pháp luật với ngành vận tải ô tô, được Hiệp hội xác định là công tác trọng tâm, thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ. Nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên ngay từ khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và trong quá trình tổ chức thực hiện.

05 năm qua Hiệp hội đã tham gia xây dựng các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực vận tải đường bộ như: Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và các Nghị định khác có liên quan; Tham gia xây dựng các Hiệp định vận tải đường bộ Quốc tế, đặc biệt đã tham dự nhiều hội nghị Quốc tế để bàn biện pháp thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hoá qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; Tham gia xây dựng dự thảo Luật về Hội; Các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải về các nội dung có liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam là thành viên tích cực tham gia các buổi góp ý xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức hội nghị tại nhiều khu vực để tuyên truyền phổ biến đồng thời tập hợp ý kiến của hội viên, đóng góp ý kiến với Bộ GTVT. Những ý kiến của Hiệp hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng các văn bản, vừa bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, vừa nâng cao vai trò quản lý chuyên ngành của các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương.

Những nội dung nổi bật Hiệp hội góp ý có kết quả về chính sách và điều hành của cơ quan quản lý nhà nước:

-         Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ liên quan về chính sách bình ổn giá xăng dầu.

-         Tổ chức Hội thảo và kiến nghị với Thủ Tướng về quy hoạch hệ thống bến xe khách. Luật GTĐB quy định bến xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện các quy định về vận tải của cơ quan quản lý Nhà nước và bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng đến nay, quỹ đất để xây dựng bến xe cũng như việc quy hoạch mạng lưới bến xe của các tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập. Hầu hết các địa phương đều quy hoạch đưa bến xe ra xa trung tâm đô thị, sử dụng đất bến xe hiện hữu vào việc khác, gây khó khăn cho các đơn vị vận tải và hành khách. Mặt khác chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng bến xe. Hiệp hội kiến nghị quy hoạch vị trí bến xe phải được ổn định dài hạn đảm bảo sự tiện lợi thu hút xe và hành khách vào bến, có tính kết nối trong hoạt động vận tải, không được đẩy các bến xe khách ra quá xa trung tâm thành phố;

-         Kiến nghị rà soát hệ thống các trạm thu phí đường bộ, nhất là các trạm thu phí hoàn vốn BOT: Vừa quá dày đặc, khoảng cách các trạm BOT dưới 70km vừa đặt không đúng đoạn đường mà nhà đầu tư xây dựng nhằm thu phí hoàn vốn, lại thu ở mức quá cao, quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp vận tải. §ể đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng đường bộ, đề nghị sử dụng quỹ Bảo trì đường bộ vào việc bảo trì nâng cấp các tuyến đường bộ đã xây dựng trước đây bằng tiền thuế của dân.  Để người dân được quyền lựa chọn: đi vào đường mới xây dựng theo hình thức BOT phải trả tiền, nếu đi theo đường cũ không phải trả tiền.

-         Kiến nghị về chính sách thuế nhập khẩu và các loại phí về ôtô để giá xe ôtô của Việt Nam không quá đắt như hiện nay; Gây khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới phương tiện, làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh của cả nền kinh tế, làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô nước nhà.

-         Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo và có văn bản báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trong việc nghiên cứu quản lý xe Uber, Grab theo các điều  kiện quản lý taxi không thể quản lý theo hình thức xe hợp đồng.

-         Hội thảo về tăng cường quản lý vận tải khách bằng xe ô tô xóa bỏ xe dù bến cóc. Hiệp hội đã có văn bản báo cáo, kiến nghị và những giải pháp giải quyết vấn đề trên gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng.

-         Những năm gần đây tình trạng chở quá tải trọng với xe vận tải hàng hóa diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Từ năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch phối hợp và kiểm tra tải trọng xe. Hơn 2 năm thực hiện về cơ bản tải trọng xe đã được kiểm soát. Nhưng sau khi tổng kết 2 năm kế hoạch phối hợp giữa 2 Bộ không còn tiếp tục, tình trạng chở quá tải lại tái diễn.

-         Trong những năm qua, tình trạng xe vận tải hàng hoá và hành khách hoạt động bất hợp pháp vẫn đang tồn tại ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng dẫn đến mất cân đối cung cầu và rối loạn trong vận tải. Nhiều doanh nghiệp phải hạ giá để cạnh tranh, trong khi chi phí đầu vào kể cả những chi phí tiêu cực trên đường luôn tăng cao. Những tồn tại đã trở thành phổ biến đó đã gây tổn hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm mất trật tự xã hội và an toàn giao thông. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị  và mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý sớm có những giải pháp hữu hiệu hơn, minh bạch hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát xoá bỏ những tiêu cực trên đường. Nhằm lập lại trật tự cho ngành vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng đối với doanh nghiệp vận tải.

3. Bảo đảm an toàn giao thông, vừa có ý nghĩa xã hội, vừa có ý nghĩa kinh tế, là một nhiệm vụ trọng tâm đã được Hiệp hội phối hợp với các cơ quan, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện.

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam luôn xác định bảo đảm an toàn giao thông vừa có tính xã hội vừa có tính kinh tế. Trong vận tải ôtô, bảo đảm được an toàn làm giảm chi phí vận tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã nhiều lần phối hợp với văn phòng UBATGT Quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo như: “Doanh nghiệp vận tải ôtô với an toàn giao thông đường bộ”, “An toàn giao thông - trách nhiệm của chủ doanh nghiệp”. Nhiều Hiệp hội cơ sở đã tổ chức cuộc tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, vận động các đơn vị vận tải tham gia xây dựng doanh nghiệp an toàn, lái xe an toàn để được bình chọn danh hiệu “vô lăng vàng” hàng năm do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động. Trong 5 năm qua giải “vô lăng vàng” giành cho cá nhân và doanh nghiệp, hầu hết thuộc về các đơn vị thuộc Hiệp hội cơ sở là hội viên thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Nhiệm kỳ qua Hiệp hội đã phối hợp với Công đoàn GTVT Việt Nam tổ chức thành công 2 lần Hội thi “Lái xe giỏi an toàn” vào các năm 2013, 2016.

Hàng năm Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã đề nghị các Hiệp hội cơ sở phát động trong Hiệp hội phong trào thi đua đối với lái xe, thực hiện “ 7 không”: Không chạy quá tốc độ quy định; Không chạy lấn làn đường; Không chở quá tải trọng; Không uống rượu bia và chất kích thích khi lái xe; Không chở hàng cấm và hàng nguy hiểm khi không được cấp phép; Không điều khiển xe khi xe không đảm bảo kỹ thuật; Không dừng đỗ xe sai nơi quy định. Những việc làm đó đã góp một tiếng nói chung cho việc đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông trên phạm vi toàn quốc.

Hiệp hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải trong cơ chế thị trường. Tổ chức các đợt tập huấn và đề nghị các Hiệp hội cơ sở trên phạm vi toàn quốc tổ chức tập huấn  về nghiệp vụ chuyên môn, về truyền thống của Ngành cho người điều hành vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo giáo trình khung của Tổng Cục đường bộ Việt Nam.

Tạp chí Vận tải ôtô, báo điện tử Đại lộ đã thường xuyên giới thiệu các văn bản QPPL, các chỉ thị, nghị quyết của cơ quan Đảng, Nhà nước về ATGT, các bài và tin nhanh: các điển hình tiên tiến, các vụ việc về TNGT… nhằm giúp cơ sở cập nhật thông tin, những dự báo về tình hình kinh tế, xã hội để đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh và các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.

4. Phát triển hội viên, thành lập các Hiệp hội vận tải ôtô các tỉnh, thành phố và đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt các Hiệp hội cơ sở là sức mạnh của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.

Từ nhiệm kỳ thứ III năm 2008 đến nay Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi các sở Giao thông vận tải đề nghị giúp đỡ thành lập Hiệp hội vận tải ô tô ở các tỉnh và hướng dẫn quy trình thành lập Hiệp hội. Các doanh nghiệp vận tải ô tô ở các tỉnh thành phố với sự giúp đỡ của các Sở Giao thông vận tải đã chủ động thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội vận tải ô tô cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đã ra quyết định thành lập Hiệp hội vận tải ô tô địa phương. Hầu hết Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh sau khi thành lập đều có đơn đề nghị để trở thành Hội viên của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ IV đã phát triển thêm 14 Hiệp hội cơ sở, 10 Hội viên trực thuộc và thành lập 1 Chi hội trực thuộc Hiệp hội. Giải thể 01 Hiệp hội cơ sở.

Hiệp hội thường xuyên kiện toàn Ban Thường vụ, Ban Chấp hành để tăng cường tính tổ chức và hiệu lực lãnh đạo; Chỉ đạo một số Hiệp hội cơ sở tiến hành Đại hội, kiện toàn ban Chấp hành, đề ra phương hướng nhiệm vụ sát với yêu cầu công tác. Đa số Hiệp hội cơ sở giữ được nền nếp sinh hoạt của BCH một năm 2 kỳ và toàn thể hội viên hàng năm.

Nội dung sinh hoạt tập trung vào những vấn đề thiết thực của Hội viên để phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề để giải quyết những bức xúc của doanh nghiệp như: Hội thảo xã hội hóa Bến xe khách do Hiệp hội Bến xe khách tổ chức. Hội thảo về kiểm tra tải trọng xe do Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Hiệp hội các doanh nghiệp vận tải ô tô và bến xe khu vực phía Bắc đã giữ được nền nếp 1 năm họp toàn thể hội viên 1 lần luân phiên tại các tỉnh. Hầu hết các Hiệp hội cơ sở đều tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên một năm một lần. Nội dung hội nghị để đánh giá hoạt động của Hiệp hội, trao đổi kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp và đề xuất các kiến nghị để nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách đối với ngành vận tải ô tô.

Các Hiệp hội cơ sở trong toàn quốc còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện như: Quyên góp ủng hộ nhân dân các vùng bị thiên tai từng thời kỳ theo phát động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vận động hỗ trợ gia đình nạn nhân và nạn nhân bị tai nạn giao thông gặp hoàn cảnh khó khăn.

Quan tâm tổ chức các sự kiện hướng về cội nguồn, về truyền thống của ngành vận tải ô tô: Từ khi khu lưu niệm tại nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh số 72/SL ngày 25 tháng 12 năm 1951 về việc thành lập Sở vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính được xây dựng tại trường tiểu học xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Các Hiệp hội cơ sở, các Hội viên đã thường xuyên đến thăm khu lưu niệm để nhớ ngày truyền thống Ngành và quan tâm đến thày trò trường tiểu học xã Phú Xuyên. Năm 2016 Hiệp hội còn phối hợp với Tổng cục ĐBVN tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm Bác Hồ ký sắc lệnh số 72/SL ngày 25/12/1951 về việc thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính tiền thân của ngành vận tải ô tô ngày nay.

Ngày 30 tháng 5 năm 2016, Hiệp hội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và đón nhận Huân chương lao động hạng 3. Về dự có gần 300 đại biểu đại diện cho hơn 1500 DN hội viên trên phạm vi tòan quốc. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã tới dự và trao Bức trướng mang dòng chữ: “Bộ Giao thông vận tải tặng Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, 20 năm xây dựng và phát triển, 1996-2016”. Qua lễ kỷ niệm các hội viên đã nâng cao lòng tự hào về truyền thống xây dựng và trưởng thành của Hiệp hội. Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, chức năng của Hiệp hội, cùng nhau đoàn kết xây dựng Hiệp hội vững mạnh. 

5. Tổ chức thực hiện tốt các dịch vụ do cơ quan quản lý Nhà nước giao, chuyển giao một số dịch vụ cho Văn phòng đại diện và Hiệp hội cơ sở thực hiện, tạo sự gắn bó giữa Hiệp hội với Hội viên.

Hiệp hội được Bộ GTVT giao cho nhiệm vụ tổ chức  tập huấn, kiểm tra và cấp chứng nhận tập huấn về nghiệp vụ và an toàn giao thông cho người điều hành vận tải, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã tham gia cùng Tổng cục ĐBVN biên soạn tài liệu tập huấn. Hiệp hội đã chủ động biên soạn giáo án, Bài kiểm tra kết quả tập huấn chuyển giao cho các Hiệp hội cơ sở để tổ chức tập huấn. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã in phôi giấy chứng nhận tập huấn chuyển giao cho các Hiệp hội cơ sở triển khai thực hiện.

Từ nhận thức đúng yêu cầu của nhiệm vụ và sự chỉ đạo chặt chẽ của Hiệp hội Vận tải ôtô VN. Công tác tổ chức tập huấn và cấp chứng nhận tập huấn đã đi vào nề nếp.

Việc uỷ quyền cho cơ quan đại diện và các Hiệp hội cơ sở Tổ chức tập huấn và kiểm tra kết quả tập huấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nâng cao chất lượng tập huấn. Góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông.

III. ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM YẾU KÉM VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM TRONG 5 NĂM (2013-2018)

Trong 05 năm hoạt động, với sự chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, sự phối hợp giúp đỡ của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan tham mưu của hai bộ và các Sở Giao thông vận tải ; Sự ủng hộ của các hội viên và những việc làm tích cực có trách nhiệm của Ban chấp hành Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Ban chấp hành các Hiệp hội cơ sở, các hoạt động của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có chuyển đổi không những về lượng mà cả về chất: Số hội viên và các tổ chức cơ sở tăng nhanh, nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực; Tích cực tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền hướng dẫn hội viên thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; Bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, làm tốt chức năng cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, là chỗ dựa tin cậy của hội viên; Thực hiện nhiều hình thức và biện pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông; Từng thời kỳ đưa ra những dự báo về những khó khăn, thuận lợi của ngành vận tải ô tô để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.

Hoạt động của Hiệp hội đã góp phần giúp các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn phát huy tích cực chủ động, sáng tạo trong tổ chức vận tải; đổi mới công tác tổ chức quản lý, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đoàn xe, chất lượng dịch vụ vận tải, tiết kiệm chi phí giữ vững hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó vận tải hành khách đã đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân kể cả những ngày lễ tết; Vận tải hàng hoá phục vụ tốt, kịp thời cho các yêu cầu về xây dựng phát triển kinh tế.

Tuy nhiên nghiêm túc đánh giá trong hoạt động của Hiệp hội trong 05 năm qua. Hiệp hội vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém cần phải khắc phục trong nhiệm kỳ V (2018 – 2023) tới đây:

1.     Hiệu quả trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chưa cao. Chưa đi tới tận cùng của những phản biện, kiến nghị để bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho các hội viên.

2.     Việc vận động phát triển thành lập các Hiệp hội cơ sở chưa đạt được chỉ tiêu đề ra, hiện vẫn còn 15 tỉnh chưa có Hiệp hội cơ sở.

Nội dung phương thức sinh hoạt của Hiệp hội cơ sở là sức mạnh của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Nhưng nhiều Hiệp hội cơ sở ít sinh hoạt, nội dung sinh soạt lại nghèo nàn, rời rạc, kém hấp dẫn hội viên. Số lượng hội viên ở một số Hiệp hội cơ sở giảm sút hoặc quá ít lại không được bổ sung. Mối liên kết của các Hiệp hội cơ sở để tạo nên sức mạnh tổng thể giúp đỡ Hội viên phát triển còn hạn chế.

3.     Sự chỉ đạo của Hiệp hội từ Trung ương tới cơ sở có thời kỳ chưa kịp thời, chưa nhạy bén trước tình hình biến động của thị trường, của cơ chế chính sách. Dẫn tới hoạt động của Hiệp hội cơ sở rất  lúng túng, không có phương hướng rõ ràng, hội viên bức xúc không biết phản ảnh ở đâu, có lúc xung đột lợi ích giữa các Hội viên rất căng thẳng.

4.     Ban Thường vụ, bộ phận Thường trực văn phòng Hiệp hội chưa xử lý nghiêm túc việc không nộp hội phí của các Hiệp hội cơ sở, hội viên trực thuộc (chỉ mới thu được hơn 30% theo quy định của quy chế Hội phí) làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính của Hiệp hội.

Chưa có biện pháp quyết liệt thu nợ vốn vay chuyển sang từ nhiệm kỳ III (năm 2012). Hiện đơn vị nợ đã có có văn bản xác nhận nợ và cam kết trả nợ (Chi tiết trong Báo cáo Tài chính nhiệm kỳ IV (2013 – 2018).

5.     Nội bộ lãnh đạo Hiệp hội trong Ban Thường vụ, Bộ phận Thường trực có thời gian mất đoàn kết. Xuất hiện đơn thư khiếu nại, thư nặc danh, mạo danh… làm ảnh hưởng đến uy tín Hiệp hội, ảnh hưởng đến sức mạnh đoàn kết của Hiệp hội, ảnh hưởng đến sự hoạt động của Hiệp hội

 

 


PHẦN THỨ HAI

 

MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆTNAM

TRONG NHIỆM KỲ V (2018÷2023)

I.                  Đặc điểm tình hình

Những năm tiếp theo cả nước tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2016 đến năm 2020 Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp. Đặc biệt sự chỉ đạo của Thủ tướng với thông điệp mạnh mẽ xây dựng Chính phủ: “Liêm chính – Kiến tạo – Hành động” “Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo – Hiệu quả”.

1. Đối với vận tải ô tô trong 5 năm tới (2018 ÷ 2023) dự báo có nhiều thách thức và cơ hội đan xen lẫn nhau do hội nhập kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và quốc tế nên có nhiều ảnh hưởng đến ngành vận tải ô tô. Hiệp định Thương mại WTO có hiệu lực. Hết thời hạn ưu đãi các doanh nghiệp trong nước. Xóa bỏ nhiều rào cản kỹ thuật với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư trong lĩnh vực vận tải ô tô không hạn chế mức vốn. Nên có khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư số lượng lớn ô tô vào kinh doanh vận tải tại Việt Nam. Điều đó sẽ tác động rất lớn đến kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải trong nước. Nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách vẫn tăng cao, các phương thức vận tải khác cũng đang có xu hướng phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình vận tải. Làm cho thị phần vận tải bằng đường bộ giảm, các doanh nghiệp vận tải ô tô gặp khó khăn..

2. Vốn là một yếu tố quyết định đến việc phát triển doanh nghiệp. Vốn mua ô tô của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ yếu bằng nguồn vay vốn Ngân hàng, lãi suất tín dụng vẫn cao so với khả năng sinh lợi của doanh nghiệp.

3. Xăng dầu là nguyên liệu chính của ngành vận tải ô tô, thường chiếm trên, dưới  40% giá thành vận tải

Tới đây giá xăng dầu lại được cộng thêm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao, nên sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

4. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra. Những năm tới lực lượng vận tải đang đối diện với loại hình kinh doanh vận tải áp dụng công nghệ cao trong một số công đoạn. Tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị vận tải truyền thống và vận tải công nghệ. Vì vậy yêu cầu các đơn vị vận tải truyền thống phải đổi mới áp dụng công nghệ cho phù hợp.

5. Thực hiện luật giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Bộ đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn.

Sau một thời gian thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ những bất cập. Theo chỉ đạo của Chính phủ Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo đó các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến vận tải cũng phải thay đổi phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Trên tinh thần cải cách hành chính và cắt giảm thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho vận tải ô tô phát triển.

Đến năm 2020 cả nước sẽ có từ 3,8 đến 4,1 triệu ô tô các loại. Trong đó xe ô tô kinh doanh vận tải chiếm khoảng 45% tổng số xe ô tô, đảm nhận từ 80% đến 85% khối lượng vận chuyển hành khách và từ 65% đến 70% khối lượng vận chuyển hàng hoá. Cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hoá và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Bảo đảm an toàn, thuận lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.

II.  Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhiệm kỳ V (2018 ÷ 2023)

Từ những dự báo đặc điểm tình hình nêu trên, mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trong 05 năm tới là:

Phát triển bền vững theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ, kết nối vận tải tăng hiệu quả kinh doanh; Bảo đảm an toàn giao thông

Để thực hiện được mục tiêu trên, nhiệm vụ cụ thể của Hiệp hội trong nhiệm kỳ V (2018 ÷ 2023) là:

1.     Vận động các hội viên tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đáp ứng thỏa mãn nhu cầu vận tải của toàn xã hội

Tổ chức lại vận tải hợp lý đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, trên cơ sở đó tổ chức lại bộ máy quản lý theo hướng gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Những doanh nghiệp nhỏ cần liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác để có điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý có đủ sức cạnh tranh.

2. Tham gia đầy đủ, trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước trong việc sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, Luật và các Nghị định - Thông tư liên quan đến ngành vận tải ô tô.

Tích cực tham gia ý kiến vào sửa đổi bổ sung Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khi đang còn trong thời kỳ dự thảo. Với tinh thần các văn bản quy phạm pháp luật phải đơn giản dễ thực hiện, đơn giản thủ tục hành chính; Tháo gỡ khó khăn và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, nhưng vẫn tăng cường được công tác quản lý nhà nước. Đổi mới phương pháp, quy trình tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật cho có hiệu quả.

Trước mắt tập trung tham gia vào các chính sách thuế, phí và giá dịch vụ được áp dụng liên quan tới vận tải ô tô, trong đó có phí sử dụng đường bộ tại các trạm BOT sử dụng đường bộ; giá xăng dầu; Thuế bảo vệ môi trường đưa vào giá xăng dầu, tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động tốt: giảm phí bảo hiểm khi doanh nghiệp đảm bảo ATGT; Điều chỉnh tuổi tối đa của lái xe kinh doanh vận tải hạng E…

Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được công bố, Hiệp hội có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện. Thông qua công tác kiểm tra, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, tuyên truyền trên Tạp chí vận tải ô tô và website của Hiệp hội (hiephoivantaioto.vn) để các văn bản pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

3. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông góp phần giảm tai nạn giao thông. Tập trung giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do xe khách chạy đường dài và tổ hợp ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc gây ra.

Tuyên truyền để anh em lái xe và nhân viên phục vụ trên xe thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động văn hoá giao thông, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện “7 không”.

Tổ chức tuyên truyền vận động đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý ATGT theo hệ thống ISO 9001-2012

Phối hợp với Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam đưa phong trào thi đua “Doanh nghiệp đảm bảo an toàn giao thông” và “Lái xe an toàn” thành phong trào thi đua hàng năm của ngành vận tải ô tô, trước mắt trong năm 2018, tiếp tục tham gia và thực hiện tốt phong trào thi đua do Uỷ Ban An toàn giao thông Quốc gia phát động giành giải thưởng “Vô lăng vàng” đối với doanh nghiệp vận tải và anh em lái xe trong toàn Hiệp hội. Đề xuất có hình thức khen thưởng động viên cổ vũ những lái xe đạt danh hiệu An toàn giao thông liên tục nhiều năm.

4. Phát triển hội viên, tích cực chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải địa phương để thành lập Hiệp hội cơ sở ở những tỉnh, thành phố chưa có Hiệp hội. Đổi mới phương thức và nội dung sinh hoạt Hiệp hội.

Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải để thành lập Hiệp hội ở những tỉnh, thành phố chưa có Hiệp hội, đặc biệt các tỉnh Nam bộ. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ  Hiệp hội có Hiệp hội cơ sở tại các tỉnh, thành phố: Bắc Cạn, Lai Châu, Hòa Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Đắk Nông, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Các Hiệp hội cơ sở  phải giữ vững nền nếp sinh hoạt; Ban chấp hành phải họp quý một lần và họp toàn thể hội viên 1 năm 1 lần.

Trong sinh hoạt cần quan tâm tới việc tập hợp các đề nghị của hội viên để chuyển tới cơ quan quản lý nhà nước; Tuyên truyền giới thiệu về cơ chế, chính sách mới, tăng cường hợp tác, liên kết trong khu vực; Hoà giải những tranh chấp bất đồng của hội viên.

Tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hoạt động của các Hiệp hội cơ sở các tỉnh trong từng khu vực và trong toàn quốc.

5. Thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được nhà nước giao

Hiệp hội là thành viên của nhóm công tác tạo thuận lợi vận tải Quốc gia, do đó Hiệp hội phải luôn sâu sát, nắm được khó khăn, thuận lợi trong vận tải quốc tế để phản ánh tới nhóm công tác.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng, Hiệp hội cũng đã tham gia là thành viên sáng lập “Hiệp hội giao nhận và vận tải hàng hoá các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS - FRETA)”. Hiệp hội phải làm tốt nhiệm vụ của mình khi được Hiệp hội này giao đăng cai kỳ họp vào năm 2018.

Thực hiện chức năng bảo lãnh vận tải quốc tế về ký quỹ bảo lãnh, phải thu hồi khoản nợ cho vay để có nguồn ký quỹ.

Làm tốt chức năng là thành viên của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Hiệp hội phải làm tốt chức năng đề xuất và giám sát việc thu và sử dụng quỹ này để dần từng bước nâng cao chất lượng đường bộ.

Để củng cố và thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông vận tải đã giao Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tổ chức tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Nội dung tập huấn cần phong phú hơn về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội cơ sở phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức tập huấn đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

6. Kiện toàn cơ quan chuyên trách tại Hiệp hội Trung ương, các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện các khu vực và các Hiệp hội cơ sở.

Ban Chấp hành chủ yếu kiêm nhiệm, do đó cán bộ chuyên trách làm việc tại cơ quan Hiệp hội là những người đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đại hội và nghị quyết của Ban Chấp hành Hiệp hội. Vì vậy cần bố trí những cán bộ tâm huyết và am hiểu ngành nghề.

Tiếp tục thành lập, tổ chức lại các Ban chuyên môn: Ban Pháp chế, Ban Tổ chức, Ban Tài chính… củng cố Ban Hợp tác quốc tế. Tổ chức tốt hoạt động văn phòng và các văn phòng đại diện để giúp Ban Thường vụ hoàn thành nhiệm vụ thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đề ra.

Tổ chức một vài mô hình mẫu: Hiệp hội cơ sở tự túc về kinh phí hoạt động, hoặc có tổ chức quản trị tốt để khuyến khích các Hiệp hội cơ sở khác học tập. Hiệp hội cơ sở phải nhanh chóng tổ chức quản trị tốt  mới đáp ứng được đòi hỏi của xã hội và hội viên

Văn phòng đại diện tại các khu vực cần phân công các uỷ viên thường vụ phụ trách, nhân viên văn phòng là những cán bộ kiêm nhiệm.

Tăng cường quản lý giúp đỡ và tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc Hiệp hội hoạt động có hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của Luật Báo chí và các luật liên quan để Tạp chí vận tải ô tô và Báo Điện tử Dailo.vn ổn định hoạt động và phát triển. Xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội.

7. Làm tốt các dịch vụ công, quản lý chặt chẽ việc nộp hội phí để bảo đảm nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động của Hiệp hội.

Các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tập huấn và kiểm tra kết quả tập huấn. Những việc làm trên vừa gắn bó các doanh nghiệp với Hiệp hội, vừa tạo nguồn kinh phí để Hiệp hội hoạt động.

Các Hiệp hội cơ sở và các Hội viên trực thuộc đóng góp hội phí đầy đủ theo quy chế thu chi tài chính của Hiệp hội, coi đây là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Hiệp hội.

Chấn chỉnh khắc phục những khuyết điểm trong công tác quản lý tài chính của các nhiệm kỳ đã qua. Tập trung vào thu hồi công nợ. Cần thiết phải đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật hỗ trợ để thu hồi được nợ trong năm 2018.

Để tạo điều kiện cho Hiệp hội phấn đấu đạt được mục tiêu và thực hiện được những nhiệm vụ đề ra, Hiệp hội xin kiến nghị:

1.     Quốc hội sớm ban hành Luật về Hội; Để Hiệp hội hoạt động đúng Luật pháp, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phù hợp với thông lệ Quốc tế và hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

2.     Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cho phù hợp với sự phát triển của ngành vận tải ô tô hiện nay.

3.     Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ có liên quan kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư phù hợp với Luật mới. Trên tinh thần: Xóa bỏ những rào cản trong kinh doanh vận tải ô tô, giải quyết những điểm nóng về điều kiện kinh doanh của các loại hình vận tải khách. Xử lý dứt điểm vấn nạn xe chở quá tải trọng cho phép… Từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh: Mọi doanh nghiệp đều có cơ hội để kinh doanh và bình đẳng về trách nhiệm nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển của ngành vận tải ô tô.

4.     Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và Sở Nội vụ giúp đỡ thành lập Hiệp hội cơ sở (địa phương chưa có Hiệp hội), đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội cơ sở hoạt động đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.

5.     Tổng Cục đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thực hiện tốt Quy chế phối hợp để là hình mẫu cho các Sở Giao thông vận tải và các Hiệp hội địa phương thực hiện.

 

Kính thưa các vị đại biểu

Kính thưa Đại hội

05 năm của nhiệm kỳ IV, Hiệp hội đã có bước phát triển nhanh về hội viên và tổ chức cơ sở, đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được Đại hội giao.

Có được kết quả trên là do sự nỗ lực của các hội viên, của các tổ chức cơ sở và của Ban chấp hành Hiệp hội. Đặc biệt là sự lãnh đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ; Sự giúp đỡ của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và các Vụ Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ; Sự hợp tác, giúp đỡ của các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan.

Thay mặt toàn thể hội viên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin tỏ lòng biết ơn đối với sự lãnh đạo và giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước.

05 năm tiếp theo (2018÷2023), Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam hoạt động trong điều kiện nước ta hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực, vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt trong nước và quốc tế. Do đó các hội viên và các tổ chức cơ sở của Hiệp hội cần nắm chắc mục tiêu “Phát triển bền vững theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ, kết nối vận tải tăng hiệu quả kinh doanh; Bảo đảm an toàn giao thông”, trên cơ sở đó thực hiện tốt 7 nhiệm vụ đã đề ra.

Từ kinh nghiệm thực tế của những người làm công tác vận tải ô tô, với lòng say mê nghề nghiệp, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ các vị đại biểu.

Chúc Đại hội V (nhiệm kỳ 2018÷2023) Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thành công tốt đẹp.

 

                                                          HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM

 

 HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ

VIỆT NAM

----------

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------------------------

                        Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2018

 

 

 

BÁO CÁO

KIỂM ĐIỂM SỰ LÃNH ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH VÀ BAN THƯỜNG VỤ HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM NHIỆM KỲ IV (2013÷2018)

 

Đại hội lần thứ IV Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã bầu 59 uỷ viên BCH. Tại kỳ họp thứ nhất Ban Chấp hành họp ngày 05 tháng 4 năm 2013 đã bầu 25 uỷ viên Ban Thường vụ. Trong đó có 1 Chủ tịch, 6 Phó chủ tịch, Tổng thư ký.

Ngay sau Đại hội, BCH đã đề ra quy chế làm việc của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và phân công nhiệm vụ của từng uỷ viên chấp hành, thông qua các quy chế như: Quy chế làm việc của Thường vụ Ban chấp hành, Quy chế hoạt động của  Ban kiểm tra. Năm 2017 ban hành tiếp Quy chế tài chính, Quy chế khen thưởng kỷ luật.

Đến tháng 12 năm 2013, Ban Chấp hành họp kỳ thứ II, đã nhất trí để 01 uỷ viên Ban Thường vụ và 02 uỷ viên BCH nghỉ hoạt động do chuyển công tác. Đồng thời để đảm bảo cơ cấu và số lượng uỷ viên BCH tiếp tục lãnh đạo Hiệp hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV. BCH đã bầu bổ sung 06 uỷ viên BCH mới. BCH cũng đã ra nghị quyết về việc tăng số lượng uỷ viên Ban Thường vụ từ 23 lên 26 người và bầu bổ sung 06 Ủy viên Ban Thường vụ.

Đến tháng 12 năm 2014 tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ III, Ban Chấp hành đã bầu bổ sung 8 Ủy viên Ban Chấp hành, trong đó có 01 ủy viên Ban Thường vụ là những đồng chí đại diện các Hiệp hội cơ sở tại khu vực Hiệp hội mới thành lập. Nâng tổng số ủy viên Ban Chấp hành lên là 70 trong đó có 26 Ủy viên Ban Thường vụ.

Đến tháng 12 năm 2016 Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ V đã thống nhất để ông Thân Văn Thanh thôi tham gia Ban Thường vụ và thôi Phó Chủ tịch Thường trực vì lý do cá nhân. Đến tháng 12 năm 2016, ông Nguyễn Tuấn Anh Ủy viên Ban Thường vụ bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam, Thường vụ đã có văn bản thông báo để ông Nguyễn Tuấn Anh thôi tư cách là người đại diện Công ty cổ phần vận tải ô tô 2, thôi tham gia Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.

Tại kỳ họp tháng 3 năm 2017, Thường trực Hiệp hội thống nhất thành lập Ban Hợp tác quốc tế thuộc Hiệp hội. Sau khi xin ý kiến bằng văn bản, được sự thống nhất của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đã bổ sung ông Tô Văn Hiệp ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Đường bộ Đà Nẵng vào Ban Thường vụ và cử ông Tô Văn Hiệp làm Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội.

Ban Thường vụ đã duy trì họp 6 tháng 1 lần luân phiên tại các khu vực Miền Bắc và Miền Nam, mở rộng tới các uỷ viên BCH, các DN tiêu biểu tại các khu vực, mời Chủ tịch, các Phó chủ tịch và thư ký các Hiệp hội cơ sở trong khu vực về dự. Tạo điều kiện để các cán bộ Hiệp hội cơ sở nắm được tình hình hoạt động của Hiệp hội và những nhiệm vụ cụ thể trong từng thời kỳ.

Ban Chấp hành họp toàn thể mỗi năm một lần nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong năm, đề ra nhiệm vụ cho năm tới và kết hợp một số nội dung khác như: Tham gia xây dựng chính sách, triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết của Chính phủ và Bộ GTVT về an toàn giao thông. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp với Văn phòng UB An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục ĐBVN hướng dẫn các Hiệp hội cơ sở phối hợp với các Sở GTVT tuyên truyền vận động các hội viên thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn các hội viên tôn trọng pháp luật.

Nhằm tăng cường phối hợp trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. Hàng năm, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm điểm việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục và Hiệp hội. Định kỳ một năm một lần, lãnh đạo 2 cơ quan họp kiểm điểm lại kết quả những việc đã làm và đề ra những việc cần làm trong thời gian tới. Tổng cục ĐBVN luôn đánh giá cao việc hai bên phối hợp hoạt động đúng tinh thần của Quy chế và sự đóng góp của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trong xây dựng văn bản QPPL cũng như công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản QPPL về vận tải đường bộ và công tác an toàn giao thông. Từ mô hình đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã chỉ đạo các Hiệp hội cơ sở chủ động báo cáo với Sở GTVT để xây dựng và tổ chức kiểm điểm thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở GTVT với Hiệp hội.

Để tìm hiểu cơ chế chính sách và công tác quản trị doanh nghiệp vận tải và bến xe ở nước ngoài, Hiệp hội đã bố trí 2 đoàn đại biểu tham quan học tập tại Myanma năm 2015 và Đài Loan năm 2016

Kiểm điểm hoạt động trong năm năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ về cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đại hội lần thứ IV giao. Đa số uỷ viên đã tích cực hoạt động góp phần tạo nên kết quả hoạt động của BCH trong cả nhiệm kỳ.

Tuy nhiên nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cá nhân Chủ tịch Hiệp hội còn những khuyết điểm yếu kém sau:

1.     Với Ban chấp hành:

Ban Chấp hành họp 1 năm 1 lần tới nay đã có 7 kỳ Hội nghị. Do bận điều hành kinh doanh nên một số ủy viên Ban Chấp hành không có thời gian hoạt động và tham gia vào công việc của Hiệp hội. Có ủy viên Ban Chấp hành hầu như không sinh hoạt Ban Chấp hành, dẫn đến Hội nghị Ban Chấp hành có lần họp không đủ số lượng 2/3 ủy viên nên không ra được nghị quyết. Cụ thể Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ tư tháng 12 năm 2015 tại TP.Pleiku, Gia Lai, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành dự họp dưới 40 người, không đủ 2/3 số Ủy viên Ban Chấp hành. Nên Hội nghị Ban Chấp hành kỳ này không có Nghị quyết.

Việc kiện toàn Ban Chấp hành chưa kịp thời, chưa nhắc nhở và xử lý xóa tên các ủy viên Ban Chấp hành vắng họp 2 kỳ không có lý do chính đáng.

Việc ban hành các quy chế hoạt động của Ban Chấp hành quá chậm và còn thiếu một số quy chế cần phải bổ sung trong nhiệm kỳ tới (Năm 2017 mới ban hành quy chế: Khen thưởng kỷ luật, Tài chính).

2.     Với Ban Thường vụ:

Ban Thường vụ họp 1 năm 2 lần tới nay đã có 10 kỳ Hội nghị. Do bận công tác cơ quan nên một số  ủy viên Ban Thường vụ ít dự họp Ban Thường vụ. Việc xem xét khiếu nại tố cáo tại Hiệp hội chưa được giải quyết thấu đáo dứt điểm dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài.

Việc kiện toàn Ban Thường vụ chưa kịp thời, chưa đúng quy định của Điều lệ.

Việc thực hiện quy chế hoạt động của Ban Chấp hành chưa nghiêm.

3.     Với Thường trực:

Chưa giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh còn có ý kiến khác nhau theo quy chế của Hiệp hội.

Việc thực hiện quy chế hoạt động của Ban Chấp hành chưa nghiêm, chưa thật dân chủ.

Công tác quản lý tài chính của bộ phận Thường trực và văn phòng làm chưa tốt, không có động tác quyết liệt để thu hồi khoản nợ của Công ty Hoa Nam.

4.     Với Chủ tịch:

Điều hành hoạt động của Hiệp hội có nội dung chưa đúng Điều lệ, không phù hợp với quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Do nóng vội muốn sớm ổn định tình hình nên đã chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 050/HHVT-TV ngày 29 tháng 5 năm 2016 của Ban Thường vụ không đúng quy trình xử lý kỷ luật cán bộ, thủ tục giải quyết miễn nhiệm và bổ sung ủy viên Ban Thường vụ, dẫn đến phải sửa đổi bổ sung vào các Nghị quyết sau đó.

Chưa có biện pháp quyết liệt thu nợ từ công ty Hoa Nam, phải chấp nhận chuyển nợ từ Công ty Hoa Nam sang Công ty Hoa Việt dẫn đến khả năng thu hồi là rất khó khăn. Hiện Công ty Hoa Việt đã có văn bản xác nhận nợ và cam kết trả nợ.

Chưa chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề nội bộ tại Tạp chí vận tải ô tô, dẫn đến khiếu nại tố cáo kéo dài.

Những khuyết điểm yếu kếm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để Ban Chấp hành nhiệm kỳ V hoạt động có hiệu quả hơn, xây dựng Hiệp hội ngày càng phát triển vững mạnh./.

 

 

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Thanh

(đã ký, đóng dấu)

 

 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆT NAM                               Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

           === * ====                                  ==== * ======== * =====

                                                                             Hà nội, ngày  6  tháng 4 năm 2018

 

BÁO CÁO

KIỂM ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KIỂM TRA

HHVT Ô TÔ VIỆT NAM NHIỆM KỲ IV ( 2013 – 2018)

 

 

   Đại hội lần thứ IV của Hiệp hội vận tải ô tô Việt nam đã bầu 03 đồng chí vào Ban kiểm tra của hiệp hội gồm :

  1, Đ/c Dương đức Quang, UVBTV – Giám đốc Công ty CP Bến xe Bến tầu Quảng Ninh

                                                          Là Trưởng ban.

  2, Đ/c Hồ quang Dũng,      UVBCH – TGĐ Công ty CPĐT Vinamotor ( HN) là Ủy viên.

  3, Đ/c Nguyễn văn Long,   UVBCH –   GĐ Công tyCPXK Thừa thiên – Huế là Ủy viên.

   Ban kiểm tra đã thực hiện những nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ của HHVTOTO Việt nam :                                  

   - Hàng năm, Ban kiểm tra đều thành lập tổ kiểm tra hoạt động tài chính của Văn phòng Hiệp hội. Qua việc kiểm tra, Ban kiểm tra đánh giá Hiệp hội luôn tiết kiệm chi tiêu và đảm bảo kinh phí để phục vụ các hoạt động của hiệp hội. Trong hoạt động, Hiệp hội chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chi tiêu tài chính. Tuy nhiên, việc thu hội phí còn thấp, bình quân hàng năm mới thu được khoảng 30% theo mức quy định. Ban kiểm tra kiến nghị Văn phòng Hiệp hội phải có các biện pháp tích cực để thu được hội phí theo quy định, đảm bảo cho hoạt động ổn định của Hiệp hội.

   - Ban kiểm tra cũng kiến nghị Thường trực Hiệp hội có biện pháp quyết liệt để thu hồi công nợ và lãi vay của Cty Hoa nam – Hoa việt.

   - Năm 2015, thực hiện Quyết định số 078/HHVT-TV ngày 14/9/2015 của HHVTOTO Việt nam về việc kiểm tra Tạp chí Vận tải ô tô theo đơn tố cáo. Sau khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra đã có báo cáo số 03/KT ngày 20/11/2015. Trong đó có một số kiến nghị yêu cầu Tạp chí Vận tải ô tô cần giải quyết theo đúng quy định, cụ thể phần kiến nghị đã nêu : “ Từ nay đến hết 30/3/2016, Tạp chí Vận tải ô tô cần cân đối nguồn tài chính để thực hiện nộp thuế GTGT và Bảo hiểm xã hội theo cam kết với chi cục thuế và Bảo hiểm xã hội quận Đống đa “.

   Theo báo cáo của Tạp chí Vận tải ô tô, Tạp chí đã thanh toán đầy đủ các khoản thuế GTGT và Bảo hiểm xã hội trong năm 2016.

    Hội nghị Ban thường vụ có Nghị quyết số 097/HHVT-TV ngày 11/12/2015 đã thống nhất với báo cáo của Ban kiểm tra nêu trên.

   Nghiêm túc kiểm điểm công tác trong nhiệm kỳ IV, Ban kiểm tra nhận thấy còn có những khuyết điểm, yếu kém sau :

  1. Ban kiểm tra chưa có chế độ sinh hoạt định kỳ, chưa tiến hành kiểm tra được đối với từng mặt cụ thể, hoặc theo chuyên đề của Hiệp hội, cũng như các thành viên trong Hiệp hội để từ đó có báo cáo kịp thời cho Thường trực Hiệp hội có biện pháp xử lý nhanh, dứt điểm những vụ việc nẩy sinh phức tạp không đáng có.

  2. Do các ủy viên của Ban kiểm tra đều làm kiêm nhiệm, giữ vị trí quan trọng tại doanh nghiệp của mình và ở xa nhau nên thời gian dành làm việc cho Ban kiểm tra cũng hạn chế, hoạt động còn bị động.

   Ban kiểm tra sẽ được khắc phục khi Đại hội V thành công, hoạt động của Ủy ban kiểm tra sẽ hiệu quả hơn.,.

 

 

Trưởng Ban kiểm tra

  Dương Đức Quang

            (đã ký)

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Thanh

(đã ký, đóng dấu)

                                                

 

                                                                    

 HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ

VIỆT NAM

----------

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------------------------

                        Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2018

 

 

BÁO CÁO

TÀI CHÍNH CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM

NHIỆM KỲ IV (2013÷2018)

 

 

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và tự chủ về tài chính. Đây là một đặc điểm và cũng là khó khăn lớn nhất của Hiệp hội. Ngay từ khi mới thành lập và qua mỗi nhiệm kỳ, BCH Hiệp hội đã có quy định cụ thể về công tác tài chính, xác định tầm quan trọng của vệc thu, chi tài chính đối với mọi hoạt động cuả Hiệp hội từ cơ sở đến Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Trong cơ cấu nguồn thu luôn coi việc thu hội phí của hội viên là nguồn thu chủ yếu, đồng thời tích cực làm tốt các dịch vụ để tăng nguồn thu, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Hiệp hội. Hiệp hội luôn tiết kiệm chi tiêu, dành kinh phí để mua sắm tài sản phục vụ cho công việc trước mắt và lâu dài, đảm bảo kinh phí để phục vụ các hoạt động của Hiệp hội. Trong hoạt động, Hiệp hội luôn chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc chi tiêu tài chính. Hàng năm Ban kiểm tra của Hiệp hội đều tổ chức kiểm tra theo quy định và kết luận Hiệp hội chi tiêu tiết kiệm, đúng nguyên tắc.

Nghiêm túc kiểm điểm công tác quản lý tài chính còn những khuyết điểm, yếu kém sau:

1.     Công tác thu hội phí hàng năm chỉ đạt khoảng 30% so với quy định của Quy chế Hội phí, gây khó khăn trong hoạt động của Hiệp hội.

2.     Chưa có biện pháp quyết liệt thu hồi công nợ của Công ty Hoa Nam – Hoa Việt, dẫn đến khả năng thu hồi nợ là rất khó khăn. Hiện Công ty Hoa Việt đã có văn bản xác nhận nợ và cam kết trả nợ.

Kết quả thu, chi trong 05 năm và giải trình các khoản vay được thể hiện chi tiết trong phụ lục.

 

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Thanh

(đã ký, đóng dấu)

 


 

PHỤ LỤC 1

     

BÁO CÁO QUYẾT TOÁN SỬ DỤNG KINH PHÍ

NHIỆM KỲ IV (2013 - 2018)

     

STT

Diễn giải                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

Số tiền

I.

Số dư đầu kỳ năm 2013

3.276.843.849

 

Tiền mặt

32.949.396

 

Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn

143.894.453

 

Tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn

500.000.000

 

Công ty Hoa Nam vay

2.500.000.000

 

Tạp chí Vận tải ô tô

100.000.000

II.

Tổng thu trong 5 năm

10.654.885.266

 

Hội phí

900.360.000

 

Thu dịch vụ

1.325.013.000

 

Ủng hộ Đại hội IV

410.500.000

 

Ủng hộ nâng cấp khu lưu niệm Thái Nguyên

244.300.000

 

Ủng hộ Biển Đông

10.900.000

 

Thu hộ phí đi tham dự triển lãm tại Miama

108.600.000

 

Mobiphone tài trợ hội nghị Thiết bị Giám sát hành trình

30.000.000

 

Ủng hộ Hội nghị Họp Ban Chấp hành cuối năm (2015, 2016,2017)

150.700.000

 

Thu hoàn tiền vé máy bay

1.045.000

 

Thuê văn phòng của Cty CPPT GTVT

9.000.000

 

Ủng hộ lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội 2016

800.000.000

 

Các đơn vị Ủng hộTrường tiểu học Phú Xuyên nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngành vận tải ô tô

68.000.000

 

Thu hộ phí đi tham dự tại Đài Loan năm 2017

422.400.000

 

Tài trợ Hội thảo Taxi năm 2017

142.000.000

 

Thu phục vụ tập huấn với Traffic 2016- 2017

179.403.195

 

Thu ủng hộ Hội thảo của Hiệp hội tại Đà Nẵng 2017

85.000.000

 

Thu hồi vốn và lãi vay Công ty Hoa Nam chuyển cho Công ty Hoa Việt

2.900.000.000

 

Lãi vay của Cty Hoa Nam (Cty Hoa Việt) từ 2013-2017

1.305.000.000

 

Thu hồi vốn Công ty CPTV PT GTVT chuyển sang Công ty CP Tư vấn và dịch vụ chuyển phát nhanh Hà Nội

800.000.000

 

Lãi cho vay Công ty CPTV PT GTVT

331.744.444

 

Bán thanh lý điều hòa Hiệp hội năm 2017

2.500.000

 

Lãi tiền gửi ngân hàng

41.241.522

 

Thu khác

87.178.105

 

 

 

III.

Tổng chi trong 5 năm

9.422.185.779

 

Hoạt động chung

508.372.162

 

Lương, thưởng, bảo hiểm xã hội

2.019.515.084

 

Họp, công tác phí

253.344.100

 

In tài liệu

671.578.000

 

Mua sắm tài sản (điều hòa, máy tính)

29.428.000

 

Đại hội IV (chi phí đại hội IV)

270.722.000

 

Nâng cấp khu lưu niệm Thái Nguyên

210.110.000

 

Chuyển trả chi phí tham dự triển lãm tại Miama

108.600.000

 

Chuyển trả chi phí cho Chi hội Thiết bị GSHT

30.000.000

 

Ủng hộ trường tiểu học Phú Xuyên- Thái Nguyên

40.000.000

 

Chi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội

425.085.883

 

Các đơn vị Ủng hộTrường tiểu học Phú Xuyên nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngành vận tải ô tô

68.000.000

 

Chi tập huấn hợp tác với Traffic

175.144.550

 

Chuyển trả kinh phí đi Đài Loan

422.400.000

 

Chi hội thảo Taxi Uber-Grab tại Tổng Cục ĐBVN 2017

49.985.000

 

Chi hội thảo của Hiệp hội tại Đà Nẵng về xe dù bến cóc

82.475.000

 

Chi họp tổng kết năm 2017 của Hiệp hội tại Quảng Nam

57.426.000

 

Chuyển vốn và lãi vay từ Công ty Hoa Nam sang công ty Hoa Việt

2.900.000.000

 

Công ty CP Tư vấn và dịch vụ chuyển phát nhanh Hà Nội vay

800.000.000

IV.

Dư cuối năm 2017

4.509.543.336

 

Tiền mặt

90.460.790

 

Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn

614.082.546

 

Công ty Hoa Việt vay

3.005.000.000

 

Công ty CP Tư vấn DVPT GTVT vay

800.000.000

     

 

 

Kế toán trưởng

  Tạ Bảo Hiền

      (đã ký)

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Thanh

(đã ký, đóng dấu)

         


PHỤ LỤC 2

 

 

GIẢI TRÌNH CÁC KHOẢN CHO VAY VÀ TÌNH HÌNH CÔNG NỢ

1.     Nguồn tiền cho vay:

Từ nguồn tiền tích lũy hơn 10 năm của bộ phận văn phòng Hiệp hội về việc thực hiện dịch vụ công (Tập huấn nghiệp vụ cho Lái xe Taxi) nguồn thu được tập trung về Hiệp hội Trung ương và tiết kiện trong quá trình chi tiêu.

2.     Mục đích và đối tượng được vay:

-         Hỗ trợ tài chính cho các Hội viên trực thuộc

-         Hiệp hội thu được khoản lãi phù hợp để bổ sung vào nguồn thu đảm bảo Tài chính cho hoạt động của Hiệp hội. Trong lúc hội phí hàng năm chỉ thu được 20% đến 30% theo quy định của Quy chế Hội phí, khoản lãi trên giải quyết bớt khó khăn cho Hiệp hội

3.     Tình hình công nợ của các đơn vị vay vốn:

3.1.      Công ty Hoa Nam

Tháng 8 năm 2012 Hiệp hội cho Công ty Hoa Nam vay 2.500.000.000đ (Hai tỷ năm trăm triệu đồng). Tại Hợp đồng vay vốn số 05/HĐVV ngày 21 tháng 8 năm 2012, ký giữa ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoa Nam và ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Từ đó đến tháng 12 năm 2014 Công ty Hoa Nam đã trả lãi hàng quý theo hợp đồng (mức lãi xuất là 12%/năm) được 702.467.000đ (Bảy trăm linh hai triệu, bốn trăm sáu mươi bảy nghìn đồng.

Từ tháng 01 năm 2015 Công ty Hoa Nam khó khăn không trả được lãi, Công ty Hoa Nam đã chuyển nợ gốc và lãi cho Công ty Hoa Việt. Biên bản thỏa thuận thanh toán nợ ngày 11 tháng 6 năm 2016 ký giữa 3 bên: Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hoa Nam; Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Hải Ninh – Giám đốc Công ty Hoa Việt. Với số tiền Hoa Việt còn nợ 2.900.000.000đ (Hai tỷ chín trăm triệu đồng).

Năm 2016, Công ty Hoa Việt đã trả nợ gốc được 200.000.000đ (Hai trăm triệu đồng). Ngày 31 tháng 3 năm 2017 Công ty Hoa Việt đã đối chiếu công nợ, Công ty Hoa Việt còn nợ tiền gốc 2.700.000.000đ (Hai tỷ bảy trăm triệu đồng) và lãi 305.000.000đ (Ba trăm linh năm triệu đồng); Tổng cộng là 3.005.000.000đ (Ba tỷ không trăm linh năm triệu đồng. Công ty Hoa Việt đã có văn bản cam kết trả nợ.

3.2.      Công ty CP Tư vấn Dịch vụ Phát triển Giao thông vận tải

Tại Hợp đồng vay vốn 03/HĐVV ngày 08 tháng 11 năm 2013 được ký giữa Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và ông Đỗ Xuân Hoa – Giám đốc Công ty với lãi xuất là 12%/năm,  Hiệp hội đồng ý cho Công ty CP Tư vấn dịch vụ phát triển giao thông vận tải vay 500.000.000đ (Năm trăm triệu đồng).

Năm 2014, Công ty CP Tư vấn dịch vụ phát triển Giao thông vận tải có nhu cầu vay vốn thêm 300.000.000đ (Ba trăm triệu đồng), Hiệp hội đồng ý cho Công ty vay thêm 300.000.000đ. Tổng số tiền nợ gốc mà Công ty CP Tư vấn dịch vụ phát triển Giao thông vận tải tăng lên là 800.000.000đ (Tám trăm triệu đồng chẵn). Từ ngày 01 tháng 5 năm 2015 Hiêp hội đã giảm lãi xuất từ 12%/năm xuống 10%/năm cho Công ty CP Tư vấn dịch vụ phát triển Giao thông vận tải.

Ngày 01 tháng 01 năm 2017, do Công ty CP Tư vấn dịch vụ phát triển Giao thông vận tải chuyển đổi hình thức kinh doanh nên Công ty đổi thành tên mới là Công ty CP Tư vấn và dịch vụ chuyển phát nhanh Hà Nội Express. Nên Hiệp hội đã ký lại Hợp đồng vay vốn số 01/HĐVV ngày 01 tháng 01 năm 2017 giữa ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Ông Nguyễn Trần Anh – Giám đốc Công ty CP Tư vấn dịch vụ chuyển phát nhanh Hà Nội Express.

Công ty CP Tư vấn dịch vụ chuyển phát nhanh Hà Nội Express luôn trả lãi đúng hạn theo hợp đồng cho Hiệp hội./.

 

 

 

Kế toán trưởng

  Tạ Bảo Hiền

      (đã ký)

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

Nguyễn Văn Thanh

(đã ký, đóng dấu)