[in trang]

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ

07-05-19

Ngày 04 tháng 5 năm 2019, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được công văn số 3831/BGTVT-TC ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin tham gia một số ý kiến như sau


 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

 

 

VIỆT NAM

 
 
 

 

 


Số:  41 /HHVT-TV

 

V/v: Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 18/2012/NĐ-CP về quỹ bảo trì đường bộ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
 
 

 


                    Hà Nội, ngày  07 tháng 5 năm 2019

 

              

        

  ­­­­­­­­­­­­        

Kính gửi:        - Bộ Giao thông vận tải

 

Ngày 04 tháng 5 năm 2019, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được công văn số 3831/BGTVT-TC ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ. Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin tham gia một số ý kiến như sau:

1. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc giải thể hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp và các Bộ, ngành địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 18, theo đó có một số nội dung quan trọng được bổ sung, sửa đổi ngoài ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này.

2. Trong báo cáo đánh giá tác động, tại điểm 1.3 Mục II có đề xuất phương án 1: “Xóa bỏ quỹ bảo trì đường bộ và quy định nguồn tài chính cho công tác bảo trì đường bộ được đảm bảo từ ngân sách nhà nước”. Đây là nội dung không có trong chỉ đạo của Thủ tướng; đề nghị Bộ Giao thông vận tải phân tích rõ hơn căn cứ, cơ sở của đề xuất này và những tác động của nó.

3. Về các nội dung trong dự thảo Nghị định:

3.1. Về dự thảo tại Khoản 3 Điều 4: Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi để đảm bảo thực hiện nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 2. Theo đó cần có quy định tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng chuẩn bị kế hoạch; định kỳ tổ chức họp với cơ quan, tổ chức liên quan để thông báo và tham vấn về kế hoạch sử dụng Quỹ; kết quả sử dụng Quỹ và quyết toán hàng năm.

3.2. Điều 5: Đề nghị sửa lại theo hướng sau:

- Phần ngân sách Nhà nước cấp cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ không nên đưa vào Quỹ; phần này để vận hành theo quy định chung về sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính chủ trì.

- Các nguồn thu để hình thành quỹ thì chuyển vào Quỹ, cũng vận hành theo Luật Ngân sách nhưng xuất phát từ yêu cầu quản lý, sử dụng vốn kịp thời, tranh thủ thời tiết mùa khô để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ nên đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì; xây dựng kế hoạch thu hàng năm, trên cơ sở đó bố trí kế hoạch chi sớm để triển khai một cách chủ động hơn, khắc phục những bất hợp lý về chậm trễ trong triển khai kế hoạch thời gian qua.

Đương nhiên trong kế hoạch tổng thể phải có sự phối hợp cân đối chung giữa phần kinh phí nhà nước cấp và Quỹ để không bị chồng chéo, lãng phí.

3.3. Đề nghị xem xét lại Khoản 2 Điều 6 và việc xác định công thức phân chia nguồn 35% về các quỹ địa phương; vì quy định như vậy rất khó thực hiện; việc xác định “hệ số khó khăn” là không có cơ sở cụ thể.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị giải quyết theo hướng: phần ngân sách cấp cho các địa phương để bảo trì đường địa phương do Bộ Tài chính chủ trì, vận hành theo Luật Ngân sách; phần quỹ bảo trì thu được trên đầu xe ô tô trên địa bàn tỉnh nào thì phân bổ cho địa phương đó 35%.

3.4. Về vấn đề có thu quỹ bảo trì đường bộ trên đầu mô tô, xe máy hay không? Nên để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Vì có một số ý kiến nêu nhiều địa phương rất khó khăn về kinh phí quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã, trong khi đường sá xuống cấp nhanh chóng, các yêu cầu về công tác đảm bảo an toàn giao thông ngày một tăng cao do số lượng xe lưu thông tăng mà không có nguồn kinh phí; nếu thu đối với mô tô, xe máy ở tỉnh nhiều có thể được trên dưới 100 tỷ; tỉnh ít cũng 20 ÷ 30 tỷ mỗi năm là rất có ý nghĩa đối với địa phương.

3.5. Tại Điều 7 đề nghị sửa lại như sau:

- Trong dự thảo ghi: “Công tác bảo trì, quản lý” đề nghị sửa lại là: “Công tác quản lý, bảo trì…” vì lâu nay chúng ta vẫn xác định, công tác quản lý là quan trọng cần đi trước; chi ít tiền nhưng quản lý tốt thì đường sá ít hư hỏng và công tác An toàn giao thông sẽ đảm bảo hơn nên cần ưu tiên hơn.

- Chuyển Khoản 2 lên thành Khoản 1 và sửa lại là: Chi cho công tác quản lý, đảm bảo An toàn giao thông đường bộ. Mục đích đưa thêm cụm từ “đảm bảo An toàn giao thông đường bộ” vì có nhiều nội dung chi cho công tác An toàn giao thông ở địa phương rất cần thiết nhưng hiện không có nguồn như quản lý đèn tín hiệu giao thông; bổ sung biển báo…; công tác tuyên truyền; công tác hướng dẫn; bồi dưỡng, trang phục cho những người không chuyên trách, tự nguyện hướng dẫn giao thông ở các nút giao…

Các nội dung từ Điều 8, Điều 12 đề nghị điều chỉnh những nội dung liên quan đến các nội dung nêu trên.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Bộ trưởng Bộ GTVT (báo cáo);

- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (báo cáo);

- Website HH.

-  Lưu VP Hiệp hội.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

(đã ký) 

 



 

 

Nguyễn Văn Quyền