[in trang]

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP

17-05-19

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, đây là lần dự thảo thứ 8 với thời gian hơn 3 năm soạn thảo, chỉnh sửa. Tại dự thảo này, Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của Bộ Công an; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải nói chung, nhất là các doanh nghiệp vận tải khách theo hợp đồng, vận tải taxi, cung cấp phần mềm ứng dụng tại cuộc họp do Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 08/04/2019.


 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 

 


Số: 44 /HHVT-TV

 

V/v Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

                    Hà Nội, ngày  17  tháng 5 năm 2019

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin kính chúc sức khỏe và cảm ơn sâu sắc tới Thủ tướng trong thời gian qua đã có những chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô nói riêng.

Kính thưa Thủ tướng!

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ bản dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, đây là lần dự thảo thứ 8 với thời gian hơn 3 năm soạn thảo, chỉnh sửa. Tại dự thảo này, Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của Bộ Công an; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải nói chung, nhất là các doanh nghiệp vận tải khách theo hợp đồng, vận tải taxi, cung cấp phần mềm ứng dụng tại cuộc họp do Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 08/04/2019.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung của bản dự thảo Nghị định mà Bộ Giao thông vận tải đã trình lên Chính phủ vì dự thảo này đã phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và các yêu cầu quản lý về đảm bảo trật tự - an toàn giao thông; tạo môi trường cạnh tranh công bằng trong hoạt động vận tải; đồng thời chúng tôi cũng thấy rằng dự thảo lần này đã đáp ứng được đầy đủ 5 yêu cầu của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 93/TB-VPCP ngày 12/03/2019.

Tuy nhiên gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết có một số ý kiến, một số quan điểm của Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Công ty TNHH Grabtaxi và một vài cá nhân góp ý về dự thảo Nghị định, các ý kiến này đều theo xu hướng:

- Muốn giảm bớt vai trò quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho một bộ phận người kinh doanh vận tải mà chưa đặt đúng yêu cầu về quản lý an toàn giao thông, đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh;

- Muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh để lách luật, né tránh sự kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông,… Né tránh nghĩa vụ đối với người lao động, giảm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước;

- Muốn phá vỡ cơ cấu của ngành vận tải vốn đã ổn định từ nhiều năm nay, làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông;

- Thiếu cái nhìn tổng quát, không phản ánh đúng thực tế, thiếu khách quan, không đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những tồn tại, vướng mắc hiện nay.

Với góc nhìn thực tế, vì sự công bằng, sự phát triển ổn định của ngành vận tải ô tô và lợi ích chung của toàn xã hội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo và kiến nghị đến Thủ tướng như sau:

I) VỀ QUAN ĐIỂM CHUNG

Chúng tôi cho rằng, hoạt động kinh doanh vận tải luôn gắn liền với an toàn về tính mạng, tài sản của nhiều người: từ lái xe, hành khách trên xe, đến những người tham gia giao thông. Thực tế hiện nay là tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo phải tăng cường quản lý giao thông để hạn chế tai nạn giao thông, vì vậy việc tăng cường quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương trong lĩnh vực giao thông vận tải là đòi hỏi cấp thiết để bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, để hạn chế những vụ tai nạn giao thông thương tâm gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Mặt khác, nếu chúng ta không tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng; tạo sự công bằng cả về quyền và nghĩa vụ trong cạnh tranh; tạo động lực để thúc đẩy các đơn vị kinh doanh vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ, cạnh tranh lành mạnh thì ngành vận tải ô tô sẽ không phát triển bền vững được.

II) VỀ CÁC NỘI DUNG CỤ THỂ

1) Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung của Khoản 2, Điều 3 của Dự thảo là đưa các công đoạn của quá trình vận tải để làm rõ nội hàm kinh doanh vận tải vì.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều ứng dụng đặt xe khác nhau như: Grab, Go-Việt, Bee, FastGo, Emddi,… những ứng dụng này cách thức hoạt động cũng khác nhau:

- Có đơn vị cung ứng nền tảng kết nối đồng thời trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; quyết định giá cước vận tải, do vậy họ tự xác định là doanh nghiệp vận tải và họ có đăng ký kinh doanh vận tải.

- Có đơn vị chỉ cung cấp nền tảng kết nối cho các doanh nghiệp vận tải, không can thiệp vào việc điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước; vì vậy họ tự xác định chỉ là đơn vị công nghệ.

Vì vậy, cần quy định tại dự thảo Nghị định lần này để xác định rõ ai là chủ thể kinh doanh vận tải, từ đó sẽ xác định được các quyền và nghĩa vụ liên quan đến chủ thể kinh doanh như: dòng doanh thu, nghĩa vụ với người lao động, nghĩa vụ thuế .v.v.

Theo đó, các đơn vị cung ứng nền tảng kết nối xác định và đăng ký hoạt động theo mô hình nào thì cơ quan quản lý nhà nước quản lý theo mô hình đó. Trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa làm rõ vấn đề này nên Grab lúc thì nói chỉ là cung ứng dịch vụ kết nối; lúc thì nói là kinh doanh vận tải; lúc thì nhận là cùng đơn vị vận tải hợp tác kinh doanh, dẫn tới lỗ hở lớn về trách nhiệm duy trì điều kiện kinh doanh vận tải; công tác đảm bảo An toàn giao thông; quyền lợi của người lao động và đặc biệt là nghĩa vụ thuế với nhà nước không được thực hiện đầy đủ. Vì vậy việc làm rõ nội hàm kinh doanh vận tải trong Nghị định này là cần thiết.  

2) Đối với ý kiến đề nghị “bỏ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 phải gắn hộp đèn nóc” hoặc quan điểm “đeo mào cho Grab là tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu”.

Chúng tôi không đồng tình với ý kiến này, vì những lý do sau:

a) Xét từ kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử hoạt động thí điểm theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông vận tải. Sau thời gian dài thí điểm, chương trình này đã được Bộ Giao thông vận tải tổng kết, đánh giá rất đầy đủ, ngoài ra còn có rất nhiều ý kiến của các địa phương thực hiện thí điểm kiến nghị quản lý loại hình này như taxi, cụ thể như sau:

- Văn bản số 3549/SGTVT-QLVT ngày 16/11/2015 của Sở GTVT Hà Nội gửi Bộ GTVT về việc góp ý dự thảo quyết định ban hành kế hoạch triển khai việc thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, có nêu “bản chất của loại hình kinh doanh vận tải này chính là hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi ...”

- Văn bản số 1000 của UBND TP Đà Nẵng ngày 14/02/2017 gửi Bộ GTVT về việc chưa thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, trong đó có nêu “về cơ bản, loại hình kinh doanh vận tải này hoạt động tương tự như kinh doanh vận tải bằng xe taxi và cần phải quản lý như taxi...

- Báo cáo tổng kết 02 năm thực hiện thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Sở GTVT TP HCM số 9762/SGTVT-VTĐB có nêu về bản chất của loại hình hoạt động xe hợp đồng 09 chỗ trở xuống có ứng dụng khoa học công nghệ là dạng đặc thù của kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi. Do đó, cần phải xem đây là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi...

- Văn bản số 350/UBND-ĐT của UBND TP Hà Nội về việc đóng góp ý kiến về thực hiện thí điểm ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng có nêu Quy định để phân định rõ ràng giữa xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua các phần mềm phải được quản lý hoạt động như xe taxi”.

- Tại chương trình 90 phút để hiểu do VTV1 Đài truyền hình Việt Nam thực hiện ngày 14/01/2018. Khi lấy ý kiến của 218.097 khán giả thì có đến 92,96% khán giả đồng tình với quan điểm xe hợp đồng điện tử sử dụng phần mềm kết nối là xe taxi và phải quản lý như taxi.

- Quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT tại cuộc họp ngày 13/7/2018 về việc lấy ý kiến lần cuối cho dự thảo sửa đổi Nghị định 86 trước khi trình Chính phủ bản chất hoạt động như Uber và Grab là taxi thì phải quản lý như taxi”. Bộ trưởng đã chỉ đạo ngay tại cuộc họp là phải đưa Grab vào nhóm taxi điện tử và đeo mào.

- Về ý kiến của Bộ Thông tin truyền thông cho rằng loại hình cung ứng dịch vụ kết nối như Grab thì coi là đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối. Điều đó do đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối lựa chọn như đã trình bày ở điểm 1.II, theo đó nếu Grab không được quyết định giá cước vận tải và nếu Grab xác định là cung ứng dịch vụ kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì Grab phải đưa ra mẫu hợp đồng điện tử có đầy đủ tiêu chí để bên vận tải và hành khách giao dịch, ký kết.

- Tại văn bản số 9895/BGTVT-VT ngày 30/08/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã nêu rõ những hạn chế của loại hình này là không có nhận diện rõ ràng nên “dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả”; đồng thời kiến nghị các địa phương “bổ sung biển báo phụ cấm đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ…, không cấp thêm phù hiệu đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ…”;

Như vậy, yêu cầu về nhận diện rõ ràng để quản lý đối với loại hình xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ đã được Bộ GTVT tiếp thu và rút ra từ chính hoạt động thí điểm, thông qua công tác tổng kết, đánh giá rất khoa học, khách quan, hoàn toàn không phải là ý kiến mang tính chủ quan. Việc lắp hộp đèn nóc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải chứ không áp dụng đối với Grab như một số ý kiến đã nêu.

b) Xét từ yêu cầu quản lý hoạt động vận tải hiện nay.

- Việc lắp hộp đèn nóc giúp phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân, việc này đặc biệt cần thiết không những đối với cơ quan quản lý nhà nước mà đối với cả khách hàng. Thực tế thời gian qua hoạt động của loại hình vận tải khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ cực kỳ lộn xộn: tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình hoạt động tràn lan. Mỗi ngày có hàng nghìn xe hoạt động qua các ứng dụng đặt xe (hiện có hàng trăm ứng dụng khác nhau), qua Zalo, Facebook nhưng cơ quan nhà nước không quản lý được vì không phân biệt được xe kinh doanh với xe cá nhân, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, thất thu thuế, quyền lợi khách hàng không được đảm bảo;

- Các ứng dụng đặt/gọi xe tạo ra sự tiện lợi cho hành khách nhưng không thay thế được nhận diện phương tiện, gây khó trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành giao thông. Thực tế tại Hà Nội trong thời gian qua đã cho thấy: Nhằm giảm ùn tắc cục bộ, mặc dù thành phố đã có biển cấm các xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ hoạt động trên 11 tuyến phố, nhưng các phương tiện này thường xuyên cất phù hiệu để “tàng hình” đi vào phố cấm, tình trạng này là rất phổ biến. Việc này làm vô hiệu hóa công tác quản lý, nếu để lâu dài sẽ tạo ra thói quen lách luật, giảm ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông của một bộ phận lái xe, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, bức xúc cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp;

- Về ý kiến nêu: không cần phải gắn hộp đèn nóc đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng mà xử lý vi phạm các xe này đi vào đường cấm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Thực tế cho thấy nếu có hộp đèn nóc thì sự ngăn chặn sẽ kịp thời; hạn chế ùn tắc giao thông và việc phát huy giám sát, phê phán của cộng động, người tham gia giao thông đối với xe vi phạm tốt hơn. Hiệu quả tổ chức giao thông mới được nâng cao.

- Xét từ góc độ công nghệ và thực tế, chúng tôi không thấy có cơ sở khi cho rằng: Các phương tiện khi lắp hộp đèn nóc sẽ ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ, gây cản trở hoạt động doanh nghiệp, hoặc làm hạn chế việc đi lại của người dân mà ngược lại việc lắp hộp đèn nóc sẽ giúp cho việc quản lý, tổ chức giao thông tốt hơn từ đó giảm hậu quả cho xã hội như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; giúp cho hành khách tìm xe dễ hơn, hình thức đa dạng hơn.

- Lâu nay, trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đều thống nhất xác định cần phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải. Kinh nghiệm các nước thì phân biệt xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải thông qua biển đăng ký khác nhau. Nhưng ở Việt Nam chưa thực hiện được việc thay biển số nếu cần phải có hình thức phân biệt phù hợp với điều kiện nước ta.

c) Xét yếu tố bình đẳng trong kinh doanh.

Hoạt động của xe dưới 9 chỗ kinh doanh như Grab hiện chính nay là kinh doanh vận tải taxi, việc này đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phán quyết. Ngoài phán quyết của Tòa, còn có các Bộ Giao thông vận tải, Công An, Ủy ban ATGT quốc gia; các Sở GTVT Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thanh Hóa,… đều khẳng định như vậy. Vậy thì không có lý do gì mà cùng một loại hình kinh doanh taxi lại để tồn tại hai điều kiện kinh doanh khác nhau.

d) Xét về góc độ chi phí:

Việc lắp hộp đèn nóc cho phương tiện có thể phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp nhưng cũng tạo điều kiện cho người kinh doanh tiếp cận được thêm nhiều hành khách; được hưởng các chính sách ưu tiên cho phương tiện kinh doanh vận tải khách công cộng được vào các khu vực như nhà ga, sân bay, siêu thị, bãi đỗ công cộng… và xét từ góc độ công bằng thì điều này là cần thiết vì các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang phải chịu các chi phí này.

 3) Về việc quản lý đối với các xe taxi đăng ký, cấp phù hiệu ở địa phương này nhưng lại sang địa phương khác hoạt động kinh doanh.

Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6 - Quy định về vận tải hành khách bằng xe taxi có quy định “Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe”.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quy định này bởi các lý do sau:

Hiện nay, tình trạng các xe taxi đăng ký, cấp phù hiệu ở địa phương này nhưng lại sang địa phương khác kinh doanh diễn ra rất phổ biến, hiện có hàng nghìn xe taxi gắn biển số, phù hiệu của Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng yên thậm chí cả Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng nhưng lại hoạt động kinh doanh tại Hà Nội đã tạo nên tình trạng hết sức lộn xộn, làm tăng tình trạng ùn tắc cục bộ, mất an toàn giao thông, gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, tạo bức xúc cho các doanh nghiệp.

Nguyên nhân là do phương tiện đăng ký tại các tỉnh sẽ phải nộp thuế trước bạ, lệ phí đăng ký xe thấp hơn nhiều so với đăng ký tại Hà Nội, dễ dàng “lách” được các quy định quản lý của Hà Nội vốn rất chặt chẽ từ trước đến nay. Nếu tình trạng này không được quản lý thì không có hạ tầng giao thông nào chịu đựng được.

Ở đây cần hiểu rõ là doanh nghiệp hoàn toàn có quyền chọn địa bàn kinh doanh, nhưng chọn địa bàn kinh doanh nào thì cần đăng ký, cấp phù hiệu tại địa phương đó, cũng như quy định của ngành Thuế là kinh doanh tại địa bàn nào thì nộp thuế ở địa bàn đó. Hoàn toàn không hạn chế quyền tự do kinh doanh như một số ý kiến.

4) Đối với ý kiến đề nghị bỏ thủ tục cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải.

Phù hiệu xe được cấp cho các phương tiện đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải. Phù hiệu xe giúp phân biệt giữa xe đủ điều kiện kinh doanh (xe chính hãng) với xe không đủ điều kiện kinh doanh (xe dù). Việc bỏ quy định cấp phù hiệu đồng nghĩa với tạo điều kiện cho xe dù phát triển, làm gia tăng tình trạng lộn xộn, gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông, thất thu ngân sách nhà nước, gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong kinh doanh, ảnh hưởng quyền lợi hành khách.

5) Đối với ý kiến đề nghị bỏ quy định “Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành, tổ chức chức hạch toán hoạt động kinh doanh của các xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã”.

Chúng tôi thấy quy định này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu quản lý: Thực tế hiện nay, mô hình hợp tác xã kinh doanh vận tải có 2 hình thức: Hợp tác xã hạch toán tập trung và Hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ. Với mô hình HTX dịch vụ hỗ trợ, hiện nay các HTX chỉ làm một vài dịch vụ tối thiểu cho xã viên; trách nhiệm, quyền lợi giữa HTX và xã viên không rõ ràng; nhất là các trách nhiệm về quản lý lái xe, đảm bảo ATGT, chế độ bảo hiểm; nghĩa vụ thuế… không rõ ràng. Vì vậy, việc quy định trách nhiệm rõ ràng giữa HTX và xã viên trong hoạt động kinh doanh vận tải là cần thiết.

Kính thưa Thủ tướng, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình đang dần giết chết các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, các doanh nghiệp taxi thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh. Tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông đang ngày càng phức tạp, mà nguyên nhân có phần quan trọng từ công tác quản lý vận tải còn nhiều sơ hở. Do vậy, việc sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 sẽ sớm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp ngành vận tải ô tô phát triển và góp phần đảm bảo trật tự An toàn giao thông.

Một lần nữa, xin kính chúc Thủ tướng mạnh khỏe. Trân trọng cảm ơn Thủ tướng và mong đợi vào sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Thủ tướng!

(Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin gửi kèm theo công văn này các văn bản kiến nghị của các đơn vị hội viên).

 

Nơi nhận:

-     Như trên;

-     Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình;

-     Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng;

-     Bộ trưởng CN VPCP Mai Tiến Dũng;

-     Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng;

-     Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

-     Bộ trưởng Bộ GTVT;

-     Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông;

-     Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);

-     Truyền hình Quốc hội;

-     Website HH;

-     Lưu văn thư.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

(đã ký)

 

Nguyễn Văn Quyền