[in trang]

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trả lời phỏng vấn của Tòa soạn VietTimes

25-06-19


 

Kính gửi: Tòa soạn VietTimes

 

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được email ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Quý Tòa soạn, Hiệp hội xin trả lời theo trình tự các câu hỏi của Quý Tòa soạn như sau:

 

1. Được biết, dự thảo sửa đổi NĐ 86 trình lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tất cả xe kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách dưới 9 chỗ, sử dụng nền tảng công nghệ cũng phải lắp hộp đèn đã nhận được sự đồng thuận của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Vậy xin ông/bà giải thích vì sao hiệp hội cho rằng lắp hộp đèn cho taxi công nghệ là cần thiết tại Việt Nam?

Trả lời:

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng lắp hộp đèn cho taxi công nghệ là cần thiết tại Việt Nam vì các lý do sau:

Một là: Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 1 năm 2016 của Bộ Giao thông vận tải, về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, UBND và Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong phạm vi thí điểm đều thống nhất đề nghị Bộ Giao thông vận tải “quy định để phân biệt rõ ràng giữa xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử thông qua các phần mềm phải được quản lý như xe taxi”.

Hai là: Xuất phát từ yêu cầu quản lý trật tự, an toàn, giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị là rất cần thiết vì:

- Hiện nay, ở một số đô thị lớn có tổ chức giao thông theo hướng cấm hoặc hạn chế các phương tiện kinh doanh hoạt động theo thời gian trong ngày; đồng thời có một số khu vực ưu tiên cho xe taxi đi vào hoặc dừng, đỗ chờ khách… Nếu không có hộp đèn thì không có cơ sở để tổ chức và kiểm soát giao thông.

Ba là: Xét từ góc độ đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải:

- Vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện, cần tổ chức quản lý về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo sự công bằng trong cạnh tranh; do đó cần có nhận diện giữa xe kinh doanh và xe không kinh doanh vận tải để quản lý. Trong khi ở Việt Nam chưa có hình thức phân biệt khác thì đây là hình thức nhận diện phù hợp.

- Việc quy định như trong dự thảo là nhằm đảm bảo đã kinh doanh vận tải thì phải đảm bảo các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.

- Về chi phí, việc lắp thêm hộp đèn có phát sinh thêm chi phí, tuy nhiên qua đó cũng tạo thêm một kênh để giúp cho người vận tải kết nối với hành khách và là nhận diện để xe kinh doanh vận tải được vào những khu vực được ưu tiên dành cho họ.

- Tham khảo kinh nghiệm quản lý của một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… thì các nước cũng có quy định tương tự.

 

2. Qua tìm hiểu, tại một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia hay Singapore đã sử dụng giải pháp dán logo để phân biệt xe taxi công nghệ với xe taxi truyền thống được gắn hộp đèn. Vậy ông có cho rằng phương án này khả thi tại Việt Nam? Liệu dán logo có phù hộp hơn yêu cầu lắp hộp đèn đối với taxi công nghệ hay không vì đa phần xe taxi công nghệ là xe của cá nhân.

 

Trả lời:

Hiện nay, đa số các nước đều phân biệt giữa xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải thông qua màu sơn của biển số đăng ký xe, còn ở Việt Nam vấn đề đổi biển số xe để phân biệt giữa xe kinh doanh với xe không kinh doanh đã được Bộ Giao thông vận tải, một số ngành đề xuất từ lâu nhưng chưa thực hiện được.

Việc dán logo dễ bị di chuyển, hoặc bóc, cất đi làm vô hiệu hóa công tác kiểm soát hoạt động giao thông.

Và, theo quy định của Luật giao thông đường bộ thì chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đó là người kinh doanh vận tải chuyên nghiệp mới được kinh doanh vận tải, còn xe “cá nhân” thì chưa được kinh doanh vận tải.

Do đó việc quy định như trong dự thảo là phù hợp.

 

3. Có ý kiến cho rằng không nên đánh đồng taxi công nghệ và taxi truyền thống; không nên áp đặt quy định, cách thức quản lý taxi truyền thống đối với taxi công nghệ . Vậy ý kiến của ông/bà về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Tôi cho rằng đứng ở góc độ bình đẳng trong kinh doanh và yêu cầu về quản lý trật tự, an toàn giao thông thì cần phải quản lý taxi công nghệ và taxi truyền thống giống nhau ở những nội dung sau:

- Thứ nhất là, về công tác quản lý đảm bảo trật tự An toàn giao thông như: công tác quản lý An toàn kỹ thuật của phương tiện; sức khỏe và thời gian làm việc của lái xe theo quy định của pháp luật.

- Thứ hai là, về thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

- Thứ ba là, đảm bảo bình đẳng trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá cước, các quy định về khuyến mãi.

- Thứ tư là, về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước phải giống nhau.

Việc sử dụng nền tảng kết nối giữa bên vận tải với hành khách thay thế cho một số thiết bị mà taxi truyền thống đang sử dụng thì Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam rất ủng hộ và đã được thể hiện trong dự thảo Nghị định. Thực tế hiện nay đã có hàng chục nền tảng kết nối được các đơn vị taxi truyền thống sử dụng nhưng đồng thời vẫn thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

     Xin trân trọng cảm ơn./.

Nguyễn Văn Quyền

                                                  Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam