HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT NAM
Số: 45 /HHVT-TV
V/v: Góp ý dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thay thế thông tư 63/2015/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 5 năm 2020 |
Kính gửi: - Bộ Giao thông vận tải;
- Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin gửi đến Quý cơ quan lời chào và lời cảm ơn trân trọng nhất về những sự hỗ trợ, giúp đỡ mà Quý cơ quan đã dành cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô trong suốt thời gian qua.
Kính thưa Quý cơ quan!
Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo Thông tư quy định và hướng dẫn về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thay thế Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có một số ý kiến sau:
1) Kiến nghị chung.
1.1) Tại dự thảo có nhiều nội dung dài, khó hiểu, khi thực hiện không phù hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ, nhất là hộ kinh doanh.
Ví dụ: Điều 4, Điều 5, Chương II
1.2) Trong Thông tư chưa thể hiện tinh thần đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính. Đề nghị sửa lại theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cho các Sở Giao thông vận tải.
2) Các kiến nghị cụ thể trong nội dung dự thảo Thông tư.
2.1) Khoản 13, điều 3.
- Nên quy định người có trình độ chuyên môn về vận tải là người có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành vận tải trở lên theo dự thảo, trong thực tế từ nhiều năm qua đã không có nơi nào đào tạo, cấp chứng chỉ sơ cấp chuyên ngành về vận tải.
- Nếu trường hợp có bằng cao đẳng, đại học của ngành nghề khác thì sao?
Vì vậy đề nghị bổ sung thêm “hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật, khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên”.
2.2) Điều 8 quy định yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn lắp camera trên xe ô tô
Nội dung này nên ban hành quy chuẩn về camera như quy chuẩn kỹ thuật thiết bị giám sát hành trình.
2.3) Điều 16.
+ Khoản 5 cần quy định đơn vị có quy mô đến bao nhiêu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được tự tập huấn, các đơn vị có số lượng 1 - 2 người sẽ không tự tổ chức tập huấn được hoặc những đơn vị có quy mô lớn nhưng quá trình quản lý lao động có tuyển dụng mới, số lượng ít cũng khó khăn trong việc tổ chức, mở lớp tập huấn, vì vậy đề nghị những đơn vị này nên để Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tập huấn khi có yêu cầu.
+ Nên quy định cụ thể cơ quan nào cấp chứng nhận tập huấn:
- Nếu đơn vị có số lượng lớn tự tập huấn thì cấp chứng nhận;
- Các đơn vị có số lượng nhỏ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam hoặc Hiệp hội vận tải ô tô các địa phương tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận.
+ Giấy chứng nhận tập huấn có giá trị 3 năm vì vậy nên quy định “người đã được tập huấn có giấy chứng nhận tập huấn còn hiệu lực khi đến làm việc tại đơn vị mới không phải tập huấn lại”.
2.4) Những quy định về tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện những công việc cụ thể vì vậy nên quy định trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thì giải quyết thế nào.
Ví dụ: Quy định lái xe phải mặc đồng phục, đeo thẻ tên. Nếu không thực hiện thì phải dừng hoạt động không?
2.5) Khoản 3, điều 38 quy định “Trên xe có trang bị bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định”
Chúng tôi đề nghị bỏ quy định này vì các loại xe nhỏ không thiết kế vị trí để bình chữa cháy; nếu có bình sẽ phát sinh nguy cơ nổ trên xe.
2.6) Khoản 6, điều 38.
Đề nghị sửa thành: Trong xe phải có bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm cho hành khách, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn đóng, mở cửa xe đảm bảo an toàn. Đề nghị sửa đổi bổ, sung theo hướng có quy định cụ thể đối với xe taxi.
2.7) Khoản 3, điều 41 quy định “Thu tiền cước theo đồng hồ tính tiền hoặc theo thông báo trên phần mềm; in hóa đơn hoặc phiếu thu (hoặc gửi hóa đơn điện tử - đề nghị sửa thành biên lai điện tử cuốc khách) cho hành khách khi hành khách đã thanh toán đủ tiền.
2.8) Điểm b, khoản 2, điều 51.
Đề nghị bổ sung thêm danh sách hành khách, sửa thành “Các thông tin của từng chuyến xe bao gồm: thông tin về người thuê vận tải (tên, địa chỉ, số điện thoại); thông tin về người lái xe (họ và tên, hạng giấy phép người lái xe, số giấy phép người lái xe); số hợp đồng, ngày tháng năm ký hợp đồng; thời gian bắt đầu thực hiện và kết thúc hợp đồng (ngày, giờ); địa chỉ nơi khởi hành, địa chỉ nơi kết thúc hợp đồng và các điểm dừng đón, trả khách trên hành trình (nếu có); cự ly chuyến đi (km); tổng số khách, danh sách hành khách”.
3) Kiến nghị về một số nội dung của Nghị định 10/2020/NĐ-CP cần hướng dẫn thêm.
3.1) Tại điểm d, khoản 3, điều 7:
Xác định điểm đầu, điểm cuối như thế nào? Nếu không hướng dẫn cụ thể sẽ bị lợi dụng, ví dụ: xe xuất phát từ gara, bãi đỗ,... Vì vậy đề nghị hướng dẫn cụ thể xác định điểm đầu, điểm cuối trong hoạt động kinh doanh vận tải hợp đồng và du lịch.
3.2) Khoản 5 điều 7:
+ Trong trường hợp doanh nghiệp gửi thông tin theo hình thức văn bản điện tử thì các nội dung thông tin, biểu mẫu, thời điểm, cách thức gửi như thế nào?
+ Thông tin gửi đến bằng hình thức văn bản điện tử được xác nhận như thế nào?
3.3) Trường hợp doanh nghiệp gửi thông tin bằng hình thức văn bản điện tử làm thế nào để bảo toàn được dữ liệu, chống chối bỏ? Không quy được trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, văn bản điện tử dữ liệu doanh nghiệp gửi về Sở GTVT có phải có chữ ký số của thủ trưởng đơn vị không?
3.4) Thực tế hiện nay chưa có chuẩn quốc gia NTP, dự thảo Thông tư quy định có khả thi không?
3.5) Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành gửi thông tin cần có quy định chế tài ngay trong Thông tư này, nếu không thì quy định sẽ bị vô hiệu.
Trên đây là các ý kiến góp ý của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Chúng tôi rất mong Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục đường bộ nghiên cứu tiếp thu những ý kiến trên.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu văn thư Hiệp hội. |
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Văn Quyền
|