Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) http://mt.gov.vn/Images/editor/files/KIM%20CUC/2020/du-thao-luat-giao-thong-duong-bo-sua-doi.pdf
HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT NAM
Số: 48 /CV-HHVT
V/v Tham gia ý kiến dự thảo
Luật GTĐB |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2020 |
Kính gửi: - Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh, thành phố,
- Các Chi hội, Hội viên trực thuộc.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Hiệp hội) nhận được công văn số 2510/TCĐVN – PCTT ngày 24/4/2020 của Tổng Cục đường bộ Việt Nam về việc lấy ý kiến đối với dự thảo Luật GTĐB thay thế Luật GTĐB hiện hành (Luật GTĐB năm 2008). Hiệp hội đã có văn bản tham gia ý kiến gửi Tổng Cục đường bộ Việt Nam số 39/CV-HHVT ngày 29/4/2020. Tuy nhiên, do thời hạn tham gia ý kiến gấp, nên văn bản tham gia của Hiệp hội nói trên mới chỉ là bước đầu.
Nay Thường trực tiếp tục nghiên cứu bản dự thảo sửa đổi luật và đưa ra dự thảo các nội dung cần tham gia ý kiến. Để có cơ sở tiếp tục tham gia ý kiến với Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ và các cơ qua liên quan trong quá trình hoàn thiện và thẩm định Luật, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh, thành phố, các Chi hội và Hội viên trực thuộc nghiên cứu bản dự thảo Luật GTĐB do Tổng Cục đường bộ Việt Nam soạn thảo; bản dự thảo ý kiến tham gia của Hiệp hội (nếu thấy có điểm nào không phù hợp, không nhất trí thì cho ý kiến), đồng thời nếu có ý kiến tiếp tục tham gia thì gửi về Hiệp hội trước ngày 20/5/2020 để Hiệp hội tổng hợp nội dung tham gia ý kiến với các cơ quan trong quá trình làm luật.
Đây là nội dung rất quan trọng, liên quan đến việc tạo môi trường hoạt động kinh doanh công bằng, bình đẳng, có hiệu quả của các doanh nghiệp vận tải ô tô và các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ vận tải ô tô. Đề nghị các Hiệp hội, Chi hội và hội viên quan tâm tham gia ý kiến.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên,
- Lưu Website HH,
- Lưu VP.
|
TM. THƯỜNG TRỰC
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Quyền |
Ý KIẾN THAM GIA LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
(Dự thảo)
(kèm theo công văn số 48/CV-HHVT ngày 12/5/2020 .)
1. Điều 1: Phạm vi điều chỉnh:
- Bổ sung: dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
2. Điều 3: Giải thích từ ngữ
- Khoản 3: Đề nghị xem lại việc đưa đất dành cho đường bộ vào KCHTGTĐB vì: “đất dành cho đường bộ” mới là đất quy hoạch; chỉ khi nào xây dựng công trình, hình thành hàng lang ATGTĐB mới là đất dành cho đường bộ;
- Khoản 3 và Khoản 4 không logic trong khái niệm đất dành cho đường bộ.
- Khoản 14: đề nghị xem lại việc đưa đường huyện vào hệ thống giao thông nông thôn; có nên không? Việc đưa vào hệ thống GTNT có thực hiện việc huy động sự đóng góp của dân vào xây dựng đường huyện không?
- Khoản 17: sửa “phục vụ đi lại” thành “phục vụ nhu cầu vận chuyển và đi lại”.
- Khoản 21: đề nghị thay từ “gom” bằng cụm từ khác cho trong sáng hơn và đề nghị sửa lại: Đường gom là đường để kết nối nhiều tuyến đường ở các khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp để dẫn vào đường chính ở một số ít điểm.
- Khoản 30: Đề nghị tách: ùn và tắc là 2 khái niệm có nội hàm khác nhau để chỉ các trạng thái hoạt động giao thông khác nhau trên đường; từ đó có giải pháp khắc phục khác nhau.
- Khoản 32: dùng “kiểm soát khối lượng phương tiện” có phù hợp không? (lâu nay dùng tải trọng; khoản 31 lại dùng tải trọng của đường bộ).
- Khoản 34: Đề nghị làm rõ: “xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ”; “xe chở người 4 bánh có gắn động cơ” là loại xe gì? Chưa có định nghĩa.
- Khoản 36: Đề nghị bổ sung xe nâng hàng.
- Khoản 41: Đề nghị giữ nguyên như điều 25 cũ vì ở Điều 12 chưa nói rõ người điều khiển giao thông gồm những ai?
- Khoản 45: Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm với loại hàng lẻ, mà chủ hàng gửi qua các trung tâm logictics;
- Khoản 50: đề nghị xem lại khái niệm: “chủ sở hữu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” vì không chính xác; nên đổi thành “nhà đầu tư”.
- Khoản 51: không đúng, không rõ đề nghị sửa lại: vì sai và lẫn lộn giữa:
+ Nhà đầu tư.
+ Người quản lý (có thể là nhà đầu tư hoặc được đơn vị giao quản lý).
+ Người khai thác sử dụng: là người chủ phương tiện hoặc lái xe lưu thông trên đường bộ.
- Khoản 52: Đề nghị nghiên cứu thêm, thể hiện như dự thảo chưa rõ.
- Khoản 55: Đề nghị giữ “tự trọng” thay cho “khối lượng bản thân” vì khái niệm này gọn, đã đi vào cuộc sống.
- Khoản 56: Dự thảo “khối lượng toàn bộ thiết kế lớn nhất” dài, đề nghị sửa: bỏ “lớn nhất”.
- Khoản 58, 59: đề nghị sửa tương ứng khoản 57.
- Khoản 60: không rõ, dài, lủng củng; đề nghị tham khảo các quy định hiện hành để sửa lại.
- Khoản 61: đề nghị bỏ đoạn “xe ô tô chở người có thể được thiết kế, chế tạo để kéo theo rơ-moóc” vì hiện ở Việt Nam chưa có, chưa cho phép và trong tương lại không nên cho phép.
- Khoản 66: sơ mi rơ moóc; đề nghị bỏ: “chở người”.
- Khoản 72, 73: đề nghị xem lại:
+ có nên cho chạy trên đường bộ không? hay chỉ sử dụng trong phạm vi nhất định.
- Khoản 74: đề nghị xem lại: không phù hợp vì nếu quy định như dự thảo thì không phù hợp thực tế (trên hệ thống giao thông công cộng vẫn có xe cá nhân).
3. Điều 6: Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ
- Tên điều là “Quy hoạch GTVT đường bộ” nhưng nội dung chỉ đề cập quy hoạch mạng lưới đường bộ, chưa có phần về vận tải, đề nghị bổ sung.
- Để kết nối các phương thức vận tải, việc quy hoạch các trung tâm logictics là cần thiết, đề nghị nghiên cứu, bổ sung.
- Để nghị bổ sung: Quy hoạch GTVT đường bộ, kết nối với các chuyên ngành GTVT khác, phải lập sau quy hoạch GTVT chung và đảm báo tính đồng bộ.
4. Điều 7: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ
- Đề nghị bổ sung:
+ Cơ sở dữ liệu về đầu tư, khai thác, thu phí các công trình giao thông theo hình thức BOT, PPP.
+ Cơ sở dữ liệu về giấy khám sức khỏe của người lái xe của Bộ Y tế.
5. Điều 8: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.
- Trong nội dung dự thảo mới quy định công tác tuyên truyền theo 1 chiều; điều đó là chưa đủ. Đề nghị tổ chức kênh tiếp nhận thông tin, phản ánh, góp ý của người dân và doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý chuyên ngành, làm cơ sở để ngày càng hoàn thiện thể chế cũng như xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong thực tế.
6. Điều 9: Các hành vi bị nghiêm cấm:
- Đề nghị bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm sau:
+ Đi ngược chiều ( trừ trường hợp các lực lượng làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe của đơn vị quản lý đường làm nhiệm vụ) quay đầu xe, dừng đỗ (trừ trường hợp bất khả kháng) trên đường cao tốc.
+ Tắt hoặc làm sai lệch thông tin của thiết bị GSHT; đặt các thiết bị phá sóng của thiết bị GSHT lắp trên xe và của các lực lượng chức năng.
7. Điều 12: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông
- Đề nghị rà soát lại điểm b, Khoản 7 vì trùng với nội dung ở Khoản 1 Điều 12.
8. Điều 16: Đinh phản quang và tiêu phản quang, cọc tiêu tường bảo vệ…
- Trong nội dung dự thảo không nói đến hộ lan; đề nghị bổ sung.
9. Điều 17: Chấp hành báo hiệu đường bộ
- Đề nghị chuyển điểm b Khoản 1 lên thành điểm a, chuyển điểm a xuống điểm b để đảm bảo tính logic.
- Đề nghị bỏ khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 vì đây là các quy định cụ thể, các quy định này sẽ thay đổi khi điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông thay đổi, việc tổ chức giao thông tốt và ý thức chấp hành pháp luật giao thông được nâng lên. Các quy định này để ở thông tư thì khi cần có thể dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp.
10. Điều 19: Sử dụng làn đường
- Đề nghị sửa lại Khoản 1 vì viết như dự thảo không rõ nghĩa. Đề nghị sửa theo hướng: Khoản này quy định nguyên tắc: trên chiều đường có nhiều làn đường thì phương tiện chạy tốc độ cao đi ở làn bên trái, phương tiện có tốc độ thấp hơn đi ở làn bên phải.
11. Điều 23: Tránh xe đi ngược chiều
- Đề nghị xem lại điểm c Khoản 2: “xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc” là hợp lý nhưng “kể cả trong trường hợp xe lên dốc có chướng ngại vật phía trước” thì cần nghiên cứu kỹ vì nếu theo nguyên tắc này có gây nguy hiểm không?
12. Điều 27: Quy tắc sử dụng đèn của phương tiện cơ giới, xe máy chuyên dùng tham giao thông.
- Điểm b và c Khoản 2 ghép làm 1 mới có nghĩa.
- Khoản 3: đề nghị bỏ quy định này vì:
+ Công ước viên quy định phù hợp với các nước điều kiện thời tiết khác Việt Nam, điều kiện giao thông sử dụng xe ô tô là chủ yếu nên cần bật đèn để ngưới lái xe ô tô dễ nhận biết.
+ Việc bật đèn cả ban ngày trong điều kiện thời tiết nhiệt đới, sử dụng mô tô, xe máy là chính, nếu tất cả đều bật đèn sẽ gây nhiều tác dụng phụ, gây hiệu ứng chói mắt cho người đi ngược chiều, và bật đèn tiêu tốn lượng điện, tăng tiêu thụ nhiên liệu gây lãng phí và tăng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
+ Đây là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị nghiên cứu thêm, nếu cần thì giao Chính phủ tổ chức làm thử, đánh giá nếu phù hợp mới đưa vào luật.
13. Điều 28: Sử dụng tín hiệu còi:
- Đề nghị nghiên cứu thêm để có quy định theo hướng hạn chế hơn nữa việc dùng còi vì hiện nay nhiều nước gần như không có tiếng còi xe; việc lạm dụng tiếng còi gây ô nhiễm tiếng ồn, trong nhiều trường hợp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; và ở nhiều nước coi đây là biểu hiện kém văn hóa.
14. Điều 31: Quyền xe ưu tiên của một số loại xe
- Đề nghị xem lại nội dung: “(trừ đường bộ cao tốc)”: nếu quy định như dự thảo; trong nhiều trường hợp các lực lượng rất khó tiếp cận hiện trường. Đề nghị sửa đoạn này theo hướng: đối với đường cao tốc phải có báo hiệu và tổ chức giao thông hợp lý, đảm bảo an toàn.
15. Điều 37: Tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ.
Khoản 6: sửa lại về câu chữ cho gọn, như dự thảo là trùng lặp nội dung.
16. Điều 38: Xe kéo xe và xe kéo rơ moóc
- Đề nghị xem lại khoản 1: về nội dung: không rõ ý; nếu để nội dung này thì chuyển xuống dưới.
- Đề nghị bỏ khoản 3: vì không nên quy định 1 điều đương nhiên.
- Sửa lại cách hành văn ở khoản 4 cho mạch lạc, ngắn gọn.
17. Điều 39: Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện.
- Khoản 2: đề nghị sửa là: đội mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô – xe máy hợp chuẩn.
- Xem lại khoản 4 vì trùng khoản 3.
18. Điều 45. Sử dụng đường phố vào các hoạt động khác trên đường phố.
- Xem lại Khoản 2: vì Khoản 1 Điều 38 không liên quan đến nội dung này.
19. Điều 46: Tổ chức giao thông
- Đề nghị bổ sung vào điểm d: Cơ quan quản lý đường bộ, đơn vị quản lý đường bộ theo dõi, thống kê tình hình phương tiện lưu thông trên đường, nắm bắt quy luật đi lại của phương tiện trên các tuyến giao thông huyết mạch thường bị ùn tắc ở 1 chiều đường ra hoặc vào các đô thị lớn theo quy luật sáng – chiều, trước – sau các dịp lễ, tết để có phương án mở dải phân cách, tổ chức giao thông theo hướng tăng số làn xe cho chiều có lưu lượng xe lớn, đồng thời tổ chức báo hiệu, điều tiết, chỉ huy giao thông phù hợp để đảm bảo an toàn và giảm ùn tắc giao thông.
20. Điều 47: Điều khiển giao thông:
Đề nghị nghiên cứu thêm để có quy định tổng quan, phù hợp với yêu cầu tổ chức quản lý giao thông thông minh. Theo đó bổ sung thêm các nội dung:
- Thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu giao thông, phân tích, cảnh báo ùn tắc để đưa ra hướng dẫn, giúp người tham gia giao thông lựa chọn tuyến đường phù hợp.
- Điều chỉnh chu kỳ tín hiệu xanh, đỏ ở các nút giao thông tối ưu theo lưu lượng phương tiện của các hướng.
- Ghi nhận các vi phạm pháp luật GTĐB làm cơ sở để xử lý nguội.
21. Điều 48: Xử lý vụ ùn tắc giao thông.
- Hiện nay khái niệm “ùn” và “tắc” giao thông vẫn chưa rõ, mỗi nơi có định lượng khác nhau, do đó việc đánh giá, báo cáo mang tính tương đối. Để có cơ sở đánh giá thống nhất cần đưa ra định nghĩa và tiêu chí “ùn” và “tắc”; tiêu chí này có thể phải phân ra trên đường đô thị, trên đường ngoài đô thị có tiêu chí khác nhau.
- Xử lý ùn, tắc có 2 mức độ:
+ Xử lý cấp bách, tại chỗ: tương tự như nội dung dự thảo.
+ Xử lý cơ bản, lâu dài: qua theo dõi, đánh giá nhận thấy đã tổ chức, tối ưu mà vẫn ùn tắc thì phải xử lý cơ bản bằng các biện pháp công trình, trách nhiệm xử lý có phân cấp cụ thể.
22. Điều 50: Mạng lưới đường bộ.
- Đề nghị đổi tên điều này thành: Mạng lưới đường bộ - trách nhiệm quản lý, cho phù hợp với nội dung của điều này.
- Điều chỉnh nội dung dự thảo tại điểm b, khoản 2 cho phù hợp.
23. Điều 54: Phạm vị đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Đề nghị bổ sung các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý đất dành cho đường bộ theo quy hoạch; Việc quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn giao thông.
24. Điều 77: Vận hành, khai thác, sử dụng công trình đường bộ
- Trong điều này cần làm rõ: ai là người vận hành khai thác, ai là người sử dụng. Trong dự thảo không rõ.
- Phân định rõ: người sử dụng đường bộ là người điều khiển hoặc chủ phương tiện tham gia giao thông, phải có trách nhiệm gì: nhất là trách nhiệm trả phí đối với đường đầu tư không thuộc ngân sách nhà nước;
25. Điều 79: Bến xe, trạm đón trả khách, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, bỏ cân kiểm tra khối lượng xe cố định trên đường bộ, trạm thu phí đường bộ.
- Khoản 2: đề nghị sửa “thu tiền của người điều khiển phương tiện…” thành thu phí của người sử dụng đường bộ.
- Đề nghị tại khoản này chỉ nói về trạm dừng nghỉ, trạm hoặc “điểm” đón trả khách; không nói về bến xe; (bến xe nói ở chương về vận tải).
26. Điều 81: Nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do nhà nước đầu tư được đảm bảo từ Ngân sách nhà nước và các nguồn thu nộp ngân sách nhà nước:
- Xem lại để điều chỉnh nội dung ở gạch đầu dòng thứ 3 của điểm a: việc thu phí trên đầu phương tiện không thể tách ra Bộ Tài chính thu cho đường trung ương quản lý, địa phương thu cho bảo trì đường bộ địa phương.
- Đề nghị bổ sung quy định: đại diện cho người nộp phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện tham gia giám sát việc thu, quản lý, sử dụng phí.
27. Điều 84: Yêu cầu chung đối với đường cao tốc
- Đề nghị bổ sung 1 khoản nói về nguyên tắc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc để sao cho không có hiện tượng nâng cấp các tuyến đường độc đạo lên thành đường cao tốc, làm cho người sử dụng đường không có sự lựa chọn.
- Xem lại nội dung của Khoản 7: dùng cụm từ “trong khu vực” ở đây không phù hợp, đề nghị nghiên cứu thêm.
28. Điều 86: Quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc: đề nghị bổ sung 2 nội dung:
- Bổ sung quy định về việc nhà nước giám sát việc thu phí, thực hiện việc công khai hóa thu phí hoàn vốn.
- Sau khi công trình đã hết thời gian khai thác, hoàn vốn của nhà đầu tư theo hợp đồng thì bàn giao lại cho nhà nước quản lý, khai thác; việc có thu phí nữa hay không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
29. Điều 87: Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới.
- Đề nghị cho phép sử dụng loại xe 3 bánh vì các lý do sau:
Nhu cầu sử dụng: việc vận chuyển hàng hóa (nhất là hàng tươi sống, hàng lẻ, chở rau, hoa) ở các đô thị, việc chở vật liệu xây dựng, chất thải xây dựng, rác thải, vệ sinh môi trường đô thị; việc vận chuyển hàng hóa như rau, trái cây ở các vùng nông thông đến các đô thị… rất cần loại xe này. Hiện nay, vì hạn chế loại xe này nên xuất hiện ngày càng nhiều xe mô tô 2 bánh chở thực phẩm, rau quả, ship hàng; những người ở nông thôn dùng mô tô 2 bánh thồ 2 ÷ 3 tạ hàng đi xa hàng 30 ÷ 50 km rất không an toàn và không đảm bảo văn minh.
- Về niên hạn sử dụng: đề nghị tính từ khi đăng ký sử dụng lần đầu.
30. Điều 94: Yêu cầu, trách nhiệm của chủ xe, lái xe, đăng kiểm viên
- Đề nghị xem lại Khoản 4: đề nghị bỏ đoạn “phí sử dụng đường bộ”. Đoạn này nếu cần thì để ở điều khác vì để ở đây không phù hợp.
31. Điều 95: Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông.
Đề nghị nghiên cứu thêm khoản 2: Nếu quy định như dự thảo chưa đảm bảo kỹ năng cho số lái xe không kinh doanh vận tải, nhưng hoạt động vận tải đường dài nhiều.
32. Điều 96
- Tại khoản 1:
+ Đề nghị bổ sung chữ ký của người cấp giấy phép
+ Bỏ địa chỉ nơi cư trú vì: Nơi cư trú hiện nay đã thay đổi nhiều và cơ quan công an quản lý theo dữ liệu công dân rồi, không nên đưa vào giấy phép lái xe nội dung này vì dài dòng và không cần thiết; nếu cần quản lý thì đưa số CMND hoặc ID của công dân.
33. Điều 101: Điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
- Đề nghị xem tại điểm c, khoản 2: “quy định tại điều 68 của Luật này”. Điều 68 nói về giấy phép thi công trên đường đang khai thác, không liên quan đến điểm c Khoản 2.
34. Điều 103: Điều kiện người điều khiển các phương tiện giao thông thông minh.
- Đề nghị xem lại khoản 1: Điều 69 của Luật này nói về nội dung bảo trì của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Nội hàm của phương tiện giao thông thông minh rất rộng, vì vậy cần nghiên cứu kỹ; nếu có quy định trong luật này thì chỉ quy định đối với phương tiện giao thông thông minh chạy trên đường bộ.
- Theo tôi, đây là vấn đề mới, chưa đủ điều kiện quy định cụ thể trong luật, nên giao cho Chính phủ xem xét quy định thí điểm, tạm thời về loại phương tiện, người điều khiển, phạm vi hoạt động…
35. Điều 103: Cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe
- Đề nghị đổi tên điều này là cơ sở dữ liệu quản lý lái xe để bao quát đủ các nội dung của điều này.
- Trong khoản 1 đề nghị chi tiết thành các điểm a, b, c… quy định trách nhiệm cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu.
- Trong khoản 2: Đề nghị quy định rõ cơ quan chủ trì quản lý
- Khoản 3: đề nghị bổ sung thêm các nội dung như đã nói ở khoản 1: cơ sở dữ liệu về đào tạo; về giấy khám sức khỏe, về xử lý vi phạm…
36. Điều 104: Hoạt động vận tải đường bộ
Đề nghị nghiên cứu sửa và bổ sung điều này để có tính hệ thống và đầy đủ hơn, theo hướng:
- Ghép khoản 1 và 2
- Ghép khoản 3 và 4 thành 1 khoản về hoạt động kinh doanh vận tải, trong đó có 2 điểm.
- Ghép khoản 5 và 6 thành 1 khoản có 2 điểm.
37. Điều 105. Thời gian làm việc của người lái xe ô tô.
Đề nghị nghiên cứu thêm vì quy định như dự thảo sẽ rất khó khả thi ví dụ một người lái xe nghỉ lái từ 22h ngày hôm trước thì không thể lái trước 8h sáng ngày hôm sau. Điều đó sẽ là rất khó khăn cho người vận tải.
38. Điều 106. Kinh doanh về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Đề nghị nghiên cứu thêm về điều kiện kinh doanh vì nếu quy định điều kiện kinh doanh chung cho tất cả các quy mô doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì đối với đơn vị nhỏ, hộ kinh doanh sẽ không thực hiện được; quy luật của sự phát triển là phải từ nhỏ đến lớn; Nếu quy định như dự thảo sẽ không tạo điều kiện phát triển lực lượng vận tải ô tô.
Vì vậy trong Luật quy định chung, đơn vị đạt yêu cầu, tiêu chí như thế nào thì được hoạt động phạm vi rộng (toàn quốc, quốc tế) còn lại chỉ được hoạt động trong phạm vi nhất định vào giao chính phủ quy định cụ thể.
39. Điều 132: Tổ chức hoạt động của bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.
- Đề nghị điểm nói về bến xe cần cụ thể thêm:
+ Bến xe là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng theo quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tiện lợi trong việc thu hút hành khách, và kết nối với các phương thức vận tải và kết nối giữa vận tải đường bộ dài với vận tải xe buýt, taxi.
+ Bến xe nếu tổ chức kinh doanh hàng hóa ký gửi phải kiểm tra an toàn hàng hóa trước khi xếp lên xe.
+ Bến xe là nơi cung cấp thông tin về luồng tuyến, lịch trình xe xuất bến để phục vụ nhu cầu đi lại của khách.
- Trạm dừng nghỉ: đề nghị bổ sung quy định phải xây dựng theo quy hoạch, theo quy chuẩn và được công bố./.