[in trang]

BÁO CÁO V/v Thực hiện quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành khách trên xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo sơmirơmoóc - Những vướng mắc và Kiến nghị

10-09-20


 

  HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 

 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


                      Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2020

 

BÁO CÁO

V/v Thực hiện quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành

khách trên xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo sơmirơmoóc

- Những vướng mắc và Kiến nghị

 

Thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 13; Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Các Điều 9, 10, 11, 12, 13 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã nghiên cứu và xét thấy các nội dung quy định về lắp camera để ghi hình lái xe và hành khách trên xe là nội dung mới, có mối quan hệ tác động rộng và chi phí lớn, còn nhiều nội dung cần phải được cụ thể hóa, hướng dẫn và có quá trình chuẩn bị nên Hiệp hội đã có văn bản số 76/CV-HHVT ngày 20/7/2020; theo đó tại điểm 2 có đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức thí điểm việc lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ trở lên. Ngày 19/8/2020 Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận được văn bản số 8142/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải, theo đó Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện theo Nghị định 10 và Thông tư 12 nói trên.

Qua trao đổi với các doanh nghiệp hội viên có nhiều phương tiện thuộc diện phải lắp camera và một số Hiệp hội vận tải nhận thấy hiện chưa có đơn vị nào lắp camera trên xe theo quy định nói trên, đồng thời các đơn vị cũng phản ánh chưa nắm rõ mục đích của việc này (nhất là với yêu cầu lắp camera ở cửa lên xuống xe và trong khoang hành khách) và đề nghị Hiệp hội tiếp tục đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành có hướng dẫn cụ thể hơn.

Để giúp các đơn vị thực hiện các quy định của pháp luật một cách hiệu quả nhất, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp với một số Hiệp hội vận tải thành viên tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: Thực hiện quy định: Lắp camera ghi hình lái xe và hành khách trên xe khách từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo sơmirơmoóc - Những vướng mắc và Kiến nghị

 

Tổng hợp các ý kiến của các đơn vị hội viên và qua trao đổi với một số chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, kinh doanh camera và các thiết bị đầu cuối đang sử dụng trong quản lý hoạt động vận tải, thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo một số vấn đề cần được trao đổi như sau:

1. Quy định không thống nhất trong Nghị định 10 và Thông tư 12

- Tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 10 quy định: “2. Trước ngày 1 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống xe) trong quá trình xe tham gia giao thông”.

- Tại Khoản 2 Điều 8 của Thông tư 12, quy định: “2. Đơn vị kinh doanh vận tải quyết định vị trí, số lượng camera lắp đặt trên xe ô tô thuộc đơn vị mình để đảm bảo quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống xe…”.

Với các nội dung quy định như trên, nhận thấy có sự khác nhau trong quy định tại 2 văn bản: ở Nghị định 10 quy định ghi hình đối với lái xe và vị trí tại cửa lên xuống (tương tư như việc ghi hình để kiểm soát số lượng hành khách lên xuống xe mà một số đơn vị vận tải đang làm); còn trong Thông tư 12 lại quy định phải đảm bảo quan sát được cả khoang hành khách và các cửa lên xuống.

Việc quy định tại Thông tư 12 như trên đặt ra mấy vấn đề phải làm rõ như sau:

- Một là: việc quy định ghi hình trong khoang hành khách nhằm mục đích gì; phải đảm bảo ghi nhận những vi phạm gì của nhân viên phục vụ trên xe hoặc hành khách chưa được làm rõ.

- Hai là: về cơ sở pháp lý của việc ghi hình đối với hành khách ngồi trên xe trong suốt hành trình hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau.

- Ba là: Nếu thực hiện theo quy định của Thông tư 12 thì số lượng camera phải lắp đặt sẽ tăng lên nhiều: ví dụ nếu là loại xe khách trên 30 ghế phải lắp tối thiểu 4 camera (1 camera ghi hình lái xe, 2 camera ghi hình 2 cửa lên xuống và tối thiểu 1 camera ghi hình khoang hành khách).

2. Cần có sự hướng dẫn thống nhất giữa các cơ quan nhà nước để việc thực hiện lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải đạt hiệu quả.

- Theo các quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 không có nội dung nói về việc ban hành quy chuẩn của loại camera lắp trên xe để đáp ứng các yêu cầu quản lý (Đối với thiết bị giám sát hành trình thì có quy chuẩn);

- Tuy nhiên, theo dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 117-2020/BTTTT) của Bộ Thông tin truyền thông thì camera ghi hình và truyền dữ liệu về máy chủ theo quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 thuộc loại thiết bị đầu cuối phải thực hiện theo quy chuẩn (tương tự như thiết bị giám sát hành trình).

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu về vấn đề này, nếu phải ban hành quy chuẩn thì phải nghiên cứu và ban hành quy chuẩn sớm.

3. Về chi phí cho việc lắp đặt và truyền dữ liệu hình ảnh về máy chủ

- Theo quy định tại Thông tư 12 thì đối với xe khách phải lắp 3 ÷ 4 camera mới đủ để ghi hình đối với lái xe, tại các cửa lên xuống và khoang hành khách. Giá camera trên thị trường có nhiều loại nhưng qua khảo sát trung bình với loại có tính năng truyền dữ liệu như quy định là 3 triệu/camera và số camera phải lắp cho toàn bộ các đối tượng phải lắp là 800.000 ÷ 900.000 chiếc.

- Hiện nay Bộ Thông tin và truyền thông đang chuẩn bị ban hành quy chuẩn mới cho các thiết bị đầu cuối phát sóng mặt đất. Theo đó từ 01/7/2021 sẽ không sử dụng sóng 2G, 3G mà chuyển sang sử dụng sóng 4G với tốc độ truyền nhanh hơn nhiều lần sóng 2G, 3G nhưng chi phí cho việc truyền dữ liệu sẽ tăng lên nhiều. Theo ý kiến một số chuyên gia thì chi phí truyền dữ liệu khi sử dụng sóng 4G sẽ tăng khoảng 3 lần so với sử dụng sóng 2G (ví dụ cho việc đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình hiện nay sử dụng sóng 2G là 80.000đ/máy/tháng thì nếu sử dụng sóng 4G sẽ là 240.000đ ÷ 320.000đ/tháng.

Với những chi phí như trên thì đó là khoản chi phí rất đáng kể đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là trong điều kiện đang thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 như hiện nay.

4. Hiện nay, trong hoạt động kinh doanh vận tải, thực hiện các quy định của pháp luật, các đơn vị kinh doanh vận tải đang thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

- Thiết bị giám sát hành trình được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo 2 quy chuẩn: Quy chuẩn QCVN 31/2014/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải và Quy chuẩn QCVN 12: 2015/BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông.

- Thiết bị giám sát hành trình đã ghi nhận các vi phạm về hành trình, tốc độ của phương tiện, thời gian làm việc của lái xe; các dữ liệu vi phạm đã được truyền về máy chủ của các đơn vị dịch vụ, sau đó dữ liệu được truyền về máy chủ của Tổng Cục đường bộ Việt Nam. Các dữ liệu này đã được tổng hợp, thông báo đến các cơ quan quản lý để phục vụ công tác chấn chỉnh, nhắc nhở, công tác thanh tra, kiểm tra một số nơi đã sử dụng là cơ sở xử lý vi phạm hành chính.

- Về chi phí cho việc lắp đặt và duy trì hoạt động hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình:

            + Hiện nay các đơn vị thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình đầu tư thiết bị với chi phí 1,5 triệu/cái (thời gian đầu là 3 triệu/cái) và chi phí truyền dữ liệu 80.000đ/tháng. Nếu tính cho khoảng 800.000 xe đang lắp thiết bị và truyền dữ liệu về Tổng Cục đường bộ Việt Nam thì chi phí này khoảng gần 1.000 tỷ/năm (bao gồm khấu hao thiết bị và chi phí truyền dữ liệu).

            + Tổng Cục đường bộ Việt Nam đang thuê máy chủ (có một phần thiết bị được mua từ ngân sách nhà nước) và thuê đơn vị quản lý vận hành để tích hợp và quản lý, cung cấp dữ liệu cho cơ quan quản lý.

- Nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện và cụ thể hóa các quy định của pháp luật, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến các địa phương để sử dụng hiệu quả hơn nữa của cơ sở dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; Và chỉ khi nào có tổng kết đánh đã sử dụng hết tính năng, tác dụng của thiết bị giám sát hành trình mới lắp đặt thêm các thiết bị giám sát khác trên xe.

5. Một số thông tin và kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp Hội viên

5.1. Việc ghi và lưu trữ hình ảnh bằng camera trên xe hoàn toàn phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy cần làm rõ hiệu quả và mục đích của việc lắp đặt này. Cần có thí điểm, tổng kết trước khi cho lắp đặt đại trà, đồng thời phải tính toán thêm độ an toàn của hệ thống điện khi lắp thêm các phụ kiện vì đã có trường hợp bị cháy xe do lắp thêm các phụ kiện.

5.2. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực của sự phá sản. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì tới đầu năm 2022 mới có thể hoạt động trở lại bình thường. Trong khi đó, chi phí cho việc lắp camera khoảng 10.000.000 đồng/xe, mỗi doanh nghiệp phải chi từ 1 ÷ 2 tỷ đồng và toàn quốc khoảng 8 ÷ 9 nghìn tỷ đồng là quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị nếu có tính khả thi và thực sự cần thiết thì xin lùi lại thời hạn cuối cùng thêm 2 năm nữa, tức là cuối tháng 6 năm 2023.

5.3. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp công nghệ tiếp cận mời chào các doanh nghiệp vận tải lắp camera theo quy định của Nghị định 10 và Thông tư 12. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành quy chuẩn và công bố rộng rãi những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, điều kiện và năng lực lắp camera cho các loại doanh nghiệp vận tải tiếp cận.

5.4. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera, đặc biệt là đối với xe khách loại trên 30 chỗ ngồi vì sẽ phải lắp 3 ÷ 4 camera; đối với xe khách đóng mới thì cần rà soát điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn của hệ thống điện trong điều kiện phải lắp thêm các camera theo quy định.

5.5. Việc truyền dữ liệu từ camera về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để làm gì? có công nghệ để xử lý một lượng thông tin khổng lồ hay không?

5.6. Chi phí cho việc lắp đặt camera và truyền dữ liệu là quá lớn, kết quả thu được có tương xứng không?

5.7. Ghi hình đối với hành khách trên xe trong suốt quá trình xe chạy có vi phạm quyền riêng tư của hành khách không?

5.8. Đối với xe khách giường nằm nếu ghi hình hành khách thì phải có nhiều camera, rất tốn kém.

5.9. Lắp đặt camera để quan sát lái xe thì tạm thời chấp nhận được nhưng cũng chỉ để phục vụ quản lý, điều hành của doanh nghiệp không cần phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

5.10. Việc lắp camera cửa lên xuống không nên đưa vào quy định bắt buộc vì việc này chủ yếu để phục vụ quản lý của doanh nghiệp (hiện có một số doanh nghiệp lắp để giám sát lượng hành khách lên xuống để quản lý doanh thu).

5.11. Hiện nay, việc thực hiện Quy chuẩn thiết bị giám sát hành trình, các đơn vị cung ứng thiết bị giám sát hành trình phải thực hiện theo 2 quy chuẩn, do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Quy chuẩn QCVN 31/2014/BGTVT và Bộ Thông tin truyền thông ban hành theo Quy chuẩn QCVN 12:2015/BTTTT. Đề nghị 2 Bộ: Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin truyền thông xem xét có sự thống nhất để chỉ để 1 Bộ ban hành quy chuẩn và quản lý theo chủ trương chung của Chính phủ là 1 việc chỉ do 1 cơ quan phụ trách.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mong rằng qua cuộc tọa đàm này, các vấn đề mà các doanh nghiệp vận tải nêu ra sẽ được các cơ quan quản lý, các chuyên gia nghiên cứu, cho ý kiến, tạo sự nhất trí cao trong triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành. Đồng thời nếu có sự không thống nhất giữa các văn bản thì cần làm rõ để thống nhất trong vận dụng. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận các dữ liệu truyền về, phân tích dữ liệu và sử dụng dữ liệu có hiệu quả nhất.

Xin trân trọng cảm ơn./.