[in trang]

Kiến nghị Thực hiện quy định lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên

30-09-20

Số: 99 /HHVT V/v Thực hiện quy định lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ, xe đầu kéo.


 

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 
 
 

 


Số: 99  /HHVT

V/v Thực hiện quy định lắp camera

trên xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên,

xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ, xe đầu kéo.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 
 
 

 


                      Hà Nội, ngày  25  tháng 9 năm 2020

 

               

            

Kính gửi:  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

 

Ngày 17/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020. Tiếp đó ngày 29/5/2020 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT thay thế các Thông tư về quản lý vận tải. Trong quá trình triển khai thực hiện, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thấy rằng Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã cơ bản tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng các đơn vị vận tải, một số điều kiện kinh doanh đã được rà soát, giám bớt khó khăn cho các đơn vị vận tải trong phạm vi cả nước. Các đơn vị vận tải đã tích cực triển khai các quy định trong nghị định cũng như thông tư của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phản ánh việc thực hiện quy định về lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ trở lên và xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo còn nhiều vấn đề như quy định không thống nhất giữa Nghị định 10 và Thông tư 12; mục đích của việc lắp camera; cần ban hành quy chuẩn camera và về phía các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết như máy chủ, phần mềm để tiếp nhận dữ liệu truyền về theo quy định…

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản số 76/CV-HHVT ngày 20/7/2020 đề nghị Bộ Giao thông vận tải tổ chức thí điểm việc lắp camera theo quy định nói trên. Ngày 19/8/2020 Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản 8142/BGTVT-VT trả lời; Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện theo quy định của Nghị định 10 và Thông tư 12. Xét thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ nên ngày 18/9/2020 Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm, với chủ đề: “Thực hiện quy định lắp camera ghi hình lái xe và hành khách trên xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên và xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ, xe đầu kéo và những kiến nghị” với sự tham gia của đại diện Tổng Cục đường bộ Việt Nam, Bộ Thông tin truyền thông, (có mời Bộ Giao thông vận tải nhưng do bận công tác nên không có người dự), đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, đại diện một số Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hội viên và một số cơ quan báo chí.

Trên cơ sở các ý kiến trao đổi và thống nhất tại buổi tọa đàm, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo và kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. Về những nội dung cần làm rõ, tạo sự thống nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả:

1. Về cơ sở pháp lý của quy định: việc lắp camera trên một số loại xe ô tô kinh doanh vận tải như quy định tại Nghị định 10 và Thông tư 12 chưa được quy định trong Luật GTĐB. Việc quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình được quy định tại  Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (điểm b Khoản 1 Điều 67): “xe ô tô kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát trình theo quy định của Chính phủ”, và đã được thực hiện với gần 1 triệu xe đã lắp thiết bị, truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì nay lại không được nói đến trong Nghị định.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến nêu: việc lắp camera ghi hình trên khoang chở khách, ghi hình suốt hành trình, có phù hợp với các quy định về bảo vệ quyền cá nhân theo quy định của Luật dân sự hay không?

2. Nghị định 10 và Thông tư 12 chưa thể hiện rõ mục đích ghi hình: chưa đưa ra yêu cầu cụ thể ghi nhận những vi phạm gì? nhất là đối với hành khách trên xe trong suốt hành trình xe chạy. Điều này rất quan trọng vì nếu không xác định rõ những vi phạm cần ghi nhận được qua camera thì khi xây dựng quy chuẩn của thiết bị và làm phần mềm để tích hợp các dữ liệu vi phạm sẽ không có cơ sở.

3. Về sự cần thiết ban hành quy chuẩn camera: Hiện nay, trên thị trường, các đầu ghi camera được gắn trên xe phần lớn được sản xuất ở nước ngoài, do vậy việc truyền video và hình ảnh được thực hiện thông qua các máy chủ nằm tại nước ngoài (do sử dụng phần mềm của họ) việc này dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hình ảnh, độ bền của thiết bị và việc sử dụng các dữ liệu về hành trình, hình ảnh, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh và rò rỉ các dữ liệu cá nhân. Do vậy, cần có quy chuẩn của loại camera lắp trên xe theo quy định của Nghị định 10 nhằm đảm bảo các nhà cung cấp đầu ghi camera phải có đủ năng lực, sản xuất hàng đảm bảo chất lượng, quản lý, lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, sử dụng các phần mềm quản lý của Việt Nam. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cấp chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm được sản xuất phù hợp quy chuẩn nhà nước để cung cấp ra thị trường. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp vận tải lựa chọn như đang quản lý đối với thiết bị giám sát hành trình hiện nay.

4. Việc đầu tư thiết bị, phần mềm tại cơ quan được giao tiếp nhận và xử lý dữ liệu truyền dẫn về từ camera cần phải chuẩn bị trước để các đơn vị khi lắp camera cần phải thử để nghiệm thu. Hiện chưa thấy Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa thông báo địa chỉ tiếp nhận dữ liệu từ camera truyền về.

5. Việc triển khai lắp camera trên các loại phương tiện theo quy định sẽ rất tốn kém cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Theo giá chào của các đơn vị bán camera (các loại camera ghi hình thông thường, chưa phải là loại camera theo quy chuẩn), nếu lắp trên xe khách loại từ 30 chỗ trở lên (có 2 cửa lên xuống) thì cần 4 camera, chi phí 10 ÷ 11 triệu đồng/xe. Nếu tính cho việc lắp đặt khoảng 300.000 xe thuộc đối tượng phải lắp hiện nay thì chi phí vào khoảng hơn 3.000 tỷ/đồng; phí truyền dẫn dữ liệu hàng tháng nếu theo lộ trình của Bộ Thông tin truyền thông sẽ tiến tới tắt sóng 2G, 3G chuyển sang sử dụng sóng 4G, hiện các nhà cung ứng dịch vụ này chưa công bố giá sử dụng sóng 4G cho loại dịch vụ này. Trong điều kiện từ đầu năm 2020 tới nay các đơn vị kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều đơn vị vận tải có nguy cơ phá sản, hầu hết trong vận tải hành khách chỉ hoạt động dưới 50% công suất, doanh thu theo chuyến xe giảm mạnh, các đơn vị đều đang bị lỗ.

6. Có nhiều ý kiến đặt ra là: trong nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện quy định lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Luật GTĐB năm 2008 và Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Hiện các đơn vị kinh doanh vận tải đang tiêu tốn khoảng 1.500 tỷ/năm (bao gồm 500 tỷ khấu hao thiết bị và 1.000 tỷ trả phí truyền dẫn hàng tháng và lưu trữ dữ liệu) để có dữ liệu thường xuyên được cập nhật của gần 1 triệu xe được tích hợp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thiết bị giám sát hành trình được sản xuất theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thông tin truyền thông, dữ liệu là đáng tin cậy; các thông tin về vi phạm hành trình, tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục là những thông tin rất quan trọng; có tác động rất lớn đến đảm bảo an toàn giao thông thì tại sao chúng ta không có kế hoạch hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ chế, chính sách để sử dụng dữ liệu của hệ thống này một cách hữu hiệu hơn mà lại yêu cầu lắp thêm camera cho tốn kém thêm.

II. Kiến nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Trên cơ sở kiến nghị từ các đại biểu dự Tọa đàm và các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét giải quyết những vấn đề cụ thể sau:

1. Điều chỉnh lộ trình lắp camera trên xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên (kể cả người lái xe), xe vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, xe đầu kéo từ 01/7/2021 lên 01/7/2023; hoặc xem xét dừng thực hiện quy định này để nghiên cứu làm rõ hơn về sự cần thiết, tính hiệu quả.

2. Trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ về cơ sở pháp lý của quy định; về sự cần thiết; điều chỉnh các văn bản QPPL để đảm bảo sự thống nhất; Ban hành quy chuẩn của loại camera phải lắp theo quy định; chuẩn bị thiết bị và phần mềm của trung tâm tích hợp dữ liệu; tổ chức thí điểm đánh giá về sự cần thiết, chi phí lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu và tính hiệu quả.

3. Trên cơ sở kết quả thí điểm, nếu có đủ điều kiện và hiệu quả mới chỉ đạo triển khai trên diện rộng.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẩn thiết đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng các doanh nghiệp vận tải ô tô.

Xin trân trọng cám ơn./.

 

Nơi nhận:

-  Như trên,

-  Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ (b/c),

-  Bộ Giao thông vận tải (b/c),

-  Bộ Thông tin truyền thông (b/c),

-  Bộ Tư pháp (b/c),

-  Tổng Cục đường bộ Việt Nam (p/h),

-  HH VT ô tô  các tỉnh, thành phố, Hội viên (để biết),

-  Website HH,

-  Lưu VP Hiệp hội.

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Văn Quyền