HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ
VIỆT NAM
----------
Số: 016/TVHH
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2012
|
Kính gửi: Ông Đinh La Thăng – Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải
Sau khi tập hợp đề nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Doanh nghiệp vận tải ôtô trong cả nước và đề nghị của các đại biểu dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam họp ngày 23 - 03 - 2012. Hiệp hội xin kính chuyển tới Bộ trưởng các đề nghị sau:
1. Có cơ chế chính sách để cơ cấu lại ngành vận tải ôtô.
Các doanh nghiệp vận tải ôtô hiện nay có quy mô quá nhỏ (có DN chỉ có 1, 2, 3 xe), một số DN, HTX có quy mô lớn hơn thì quyền sở hữu phương tiện lại thuộc về các chủ xe, do đó mất quyền điều hành sản xuất, các DN, HTX này gần như trở thành DN, HTX làm các dịch vụ cho chủ xe.Với mô hình tổ chức như trên nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, các HTX không cao, cạnh tranh không lành mạnh, gây nhiều lãng phí, không đưa được khoa học công nghệ vào quản trị doanh nghiệp, không có điều kiện tích tụ vốn để đổi mới phương tiện, đặc biệt không có điều kiện quản lý và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện nay vận tải ôtô không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đang mở rộng thị trường nước ngoài, với các Hiệp định vận tải song phương và đa phương, ôtô của Việt Nam đã có thể đi đến Lào, Căm pu chia, Thái Lan, Mianma và Trung Quốc. Với quy mô và quản trị như hiện nay, chắc chắn vận tải ôtô của ta sẽ mất thị phần ngay trên đất nước mình.
Với các lý do trên, việc cơ cấu lại ngành vận tải ôtô theo hướng tích tụ để không còn DN siêu nhỏ, từng bước hình thành các DN vừa, tiến tới hình thành các Tổng công ty VTOT khách khu vực chạy liên tỉnh. Các Tổng công ty vận tải hàng hoá bao gồm tổ hợp ôtô đầu kéo sơmirơmoóc tại Thủ đô Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng là việc làm cần thiết.
Để làm được việc trên, đề nghị khi sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2009/NĐ-CP cần đưa ra các tiêu chuẩn phân loại các doanh nghiệp vận tải để quy định vùng và phạm vi hoạt động của từng loại doanh nghiệp.
2. Rà soát lại các loại thuế và phí để giảm áp lực đối với ngành vận tải ôtô.
Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ôtô đang phải nộp rất nhiều loại thuế và phí: Thuế nhập khẩu ôtô; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế VAT; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Phí trước bạ; Phí đăng ký cấp biển số; Phí xăng dầu; Phí bình ổn giá xăng dầu; Phí kiểm định ôtô; Phí bảo hiểm; Phí trông giữ xe và trong thời gian tới sẽ phải nộp thuế bảo vệ môi trường và phí bảo trì đường bộ. Các loại thuế và phí đều theo xu hướng tăng về mức thu, làm tăng áp lực tới ngành vận tải ôtô.
Thuế và phí tăng sẽ làm tăng giá thành vận tải, do đó sẽ tăng giá cước vận tải, tác động không tốt tới lạm phát và an sinh xã hội, mặt khác sẽ làm giảm sức cạnh tranh khi thực hiện hiệp định song phương và đa phương đối với các nước trong khu vực.
Gánh chịu nhiều loại thúê và phí quá cao đã làm cho năng lực của ngành vận tải ôtô ngày càng giảm sút, nhiều DN trong nhiều năm không đầu tư thêm xe, thậm chí nhiều DN phải bán bớt xe (có DN bán xe nhưng không có người mua)., cho xe chạy cầm chừng, thậm chí một số xe đã dừng hoạt động. Năng lực của ngành vận tải ôtô đã giảm sút từ 20-30%.
Để giúp ngành vận tải ôtô từng bước hồi phục, tăng sức cạnh tranh và giảm sự đóng góp của dân. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trân trọng đề nghị:
Các cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại các loại thuế và phí, loại thuế và phí nào quá cao hoặc chưa hợp lý thì cho điều chỉnh, cụ thể như sau:
- Giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô để có giá mua ôtô ở Việt Nam ngang bằng với giá mua ôtô ở các nước trong khu vực.
- Giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5%; Giảm thuế thu nhập DN từ 23% xuống còn 20%, bỏ thuế thu nhập cá nhân 5% đối với cổ tức của các cổ đông tại công ty CP, Công ty TNHH.
- Bỏ phí bình ổn giá xăng dầu để giảm giá bán xăng dầu.
3. Cần có các quy định cụ thể, phù hợp với sức chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải, của người dân và đảm bảo sự công bằng khi thực hiện Nghị định 18/2011/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ.
Để bổ sung nguồn vốn Ngân sách thiếu trong công tác bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải ô tô đồng ý đóng phí bảo trì đường bộ.
Ngay từ khi tham gia ý kiến xây dựng đề án Quỹ bảo trì đường bộ, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị: để đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng đường bộ, đề nghị thu Quỹ bảo trì đường bộ gián tiếp qua giá xăng dầu. Đến nay Chính phủ đã có Nghị định 18/2011/NĐ-CP, quy định thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện.
Để phù hợp với sức chịu đựng của các đơn vị vận tải và người dân trong lúc kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn và giảm bớt sự thiếu công bằng trong việc nộp phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị:
- Khi thực hiện phí bảo trì đường bộ đề nghị bỏ phí xăng dầu vì thực chất phí xăng dầu là phí giao thông..
- Trong Thông tư hướng dẫn về thu phí bảo trì đường bộ, đề nghị hướng dẫn cụ thể về phí bảo trì đường bộ đối với ôtô dừng hoạt động hoặc ôtô hoạt động ít.
- Trước mắt nên có mức thu vừa phải để phù hợp với mức thu nhập hiện nay của dân.
- Phí bảo trì đường bộ phục vụ cho công tác bảo trì và quản lý hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ, trong khi đó hiện nay đã có 31 trạm thu phí BOT. Với chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng giao thôngthì sẽ có thêm nhiều trạm thu phí BOT. Mức thu phí của các trạm BOT vừa thu để hoàn vốn, vừa thu để bảo trì đường bộ, do đó phương tiện đi trên đường BOT phải nộp phí 02 lần; Đề nghị loại bỏ phí bảo trì đường bộ trong mức thu phí qua trạm BOT.
4. Đề nghị không thu phí hạn chế xe cá nhân
Hiện nay cả nước có khoảng trên 61.000 ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống và trên 35 triệu xe máy. Do vận tải hành khách công cộng phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đi lại của dân nên số xe máy đã tăng quá nhanh. Người sử dụng xe máy số đông là cán bộ công nhân viên và người có thu nhập thấp hoặc trung bình, do đó không nên thu phí đối với xe máy. Khi vận tải công cộng phát triển thì xe máy sẽ giảm.
Trong số ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì đã có trên 50.000 ô tô được sử dụng cho hoạt động taxi và dạy nghề lái xe ô tô. Số xe này hoạt động theo luật doanh nghiệp, đã nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó thu phí hạn chế xe cá nhân đối với loại xe này là không hợp lý, có nguy cơ làm phá sản nhiều doanh nghiệp hoặc làm tăng giá, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, phí trước bạ, phí đăng ký cấp phép biển số và một số loại phí khác đã thực sự có tác dụng giảm xe cá nhân, do đó không cần thêm phí hạn chế xe cá nhân.
Riêng việc thu phí xe vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm, các đơn vị vận tải đồng tình.
Đường đô thị của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hệ thống đường theo hình bàn cờ do đó cần có 1 đề án nghiên cứu và điều tra cụ thể địa điểm đặt các trạm thu phí; hình thức thu phí để không bị ùn tắc giao thông ngay tại các trạm thu phí.
5. Tạm dừng cấp phép mới cho các cơ sở dạy nghề lái xe, quy định mức học phí tối thiểu để đảm bảo chương trình đào tạo.
Theo phản ánh của các trường và trung tâm dạy nghề lái xe, hiện nay trong cả nước đã có trên 270 cơ sở dạy nghề lái xe, số cơ sở dạy nghề lái xe đã vượt quá yêu cầu của học viên, đặc biệt ở 02 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trong khi đó theo thông tư liên tịch giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, học phí lại do các cơ sở tự xây dựng và kê khai với cơ quản quản lý Nhà nước.
Học viên ít không đủ lưu lượng đào tạo, học phí lại do các cơ sở tự quyết, do đó sẽ dễ dẫn đến cạnh tranh bằng cách giảm học phí, không đảm bảo chương trình đạo tạo.
Đo đó, đề nghị tạm thời dừng cấp phép mới các cơ sở dạy nghề lái xe để rà soát, chấn chỉnh các cơ sở đào tạo đã được cấp phép, sửa đổi bổ sung thông tư 72/2011/TTLT - BGTVT - BTC về quy định và quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ theo hướng quy định mức học phí tối thiểu để đảm bảo chương trình đào tạo.
6. Sớm quy hoạch các bến xe khách và trạm dừng nghỉ dọc đường, có chính sách hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng trên.
Bến xe khách và trạm dừng nghỉ là nơi chuẩn bị và phục vụ cho vận chuyển hành khách, hiện nay trong cả nước, có rất ít tỉnh, thành phố có quy hoạch được duyệt do đó đã nảy sinh nhiều “bến cóc” tạo điều kiện cho “xe dù” phát triển; làm rối loạn trật tự vận tải.
Bến xe khách đã được xây dựng và hoạt động từ lâu, do mở rộng đô thị, một số bến xe khách nằm ngay trung tâm thành phố, thị xã đã trở thành khu đất vàng để các tỉnh, thành phố chuyển một số bến xe khách ra ngoại thành, chuyển giao mặt bằng để xây dựng các trung tâm thương mại gây khó khăn cho các bến xe, cho hoạt động vận tải và hành khách đi xe.
Để ổn định, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các tỉnh sớm có quy hoạch bến xe và các trạm dừng nghỉ, công bố công khai để các doanh nghiệp đăng ký xây dựng.
Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, bến xe khách là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do đó cần có chính sách ưu đãi; đặc biệt ưu đãi về sử dụng đất để sớm có hệ thống bến xe khách khang trang hiện đại.
7. Đề nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2009/NĐ-CP; Nghị định 34/2010/NĐ-CP và thông tư 14/2010/TT-BGTVT; thông tư 24/2010/TT-BGTVT
Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã được ban hành trên dưới 02 năm, một số nội dung đã đi vào cuộc sống, một số nội dung khác chưa thực sự phù hợp với thực tiễn của ngành vận tải ô tô.
Năm 2011 - Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam về những nội dung đề nghị, sửa đổi, bổ sung.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2009/NĐ-CP, nhưng chủ yếu sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính, Bộ cũng đã có dự thảo sửa đổi bổ sung nghị định 34/2010/NĐ-CP, nhưng chủ yếu điều chỉnh nâng mức phạt.
Để đảm bảo tính khoa học, thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục Đường bộ Việt Nam sơ kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên, đồng thời đưa ra các nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở dự thảo của Bộ và Tổng Cục, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam sẽ có những cuộc họp lấy ý kiến các doanh nghiệp, các hợp tác xã về nội dung của các bản dự thảo đó.
Các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện luật giao thông đường bộ năm 2008 rất quan trọng đối với ngành vận tải ô tô; mong được cơ quản Quản lý Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung.
8. Cần có các giải pháp cụ thể trong việc phân luồng xe chạy đường Hồ Chí Minh để vừa giảm tải quốc lộ 1, vừa không để ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.
Việc phân luồng trong giai đoạn đầu từ Hà Nội đi TP.Hồ Chí Minh chạy theo đường Hồ Chí Minh để giảm tải quốc lộ 1, là việc làm cần thiết nhưng yêu cầu chuyển 30% số chuyến xe chở khách đi đoạn đường này sẽ gây khó khăn cho vận tải và hành khách đi xe.
Để thực hiện được chủ trương trên, Hiệp hội đề nghị:
- Phân luồng xe tải chạy Bắc - Nam đi qua tuyến này.
- Phân luồng xe chở khách ở một số tuyến đi đến bến xe khách Hà Đông, Mỹ Đình, Sơn Tây đi đoạn tuyến này.
- Các hành trình xe chạy Bắc - Nam đi qua đoạn tuyến này là tuyến vận tải hành khách mới - Cơ quan quản lý tuyến công bố công khai để các đơn vị vận tải đăng ký khai thác.
9. Giữ nguyên sự phân công quản lý công tác đào tạo, cấp đổi giấy phép lái xe được quy định tải khoản 10 điều 61 Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận được thông tin: Bộ Công an đề nghị Chính phủ bảo cáo Quốc hội để sửa đổi khoản 10 điều 61 Luật giao thông đường bộ năm 2008 để chuyển giao công tác sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an quản lý. Về vấn đề này, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin có ý kiến như sau:
Trước chiến tranh chống Mỹ, công tác sát hạch cấp đổi giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải quản lý, trong chiến tranh được chuyển giao cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Thực hiện nghị 36/1995/NĐ-CP, từ ngày 01 tháng 8 năm 1995, công tác đào tạo cấp đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đã được chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông vận tải đảm nhận, và việc đảm nhận công việc này được tiếp tục quy định tại Luật giao thông đường bộ năm 2001 và Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Trong 17 năm đảm nhận công việc này, Bộ Giao thông vận tải đã quy định rất cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn cơ sở dạy nghề lái xe và đã sửa đổi bổ sung đề ngày càng hoàn thiện; đã ban hành giáo trình dạy nghề lái xe; bộ đề kiểm tra lý thuyết và bài thi liên hoàn kiểm tra trình độ kỹ thuật lái xe; đã xây dựng tiêu chuẩn ngành về trung tâm sát hạch lái xe để hạn chế tác động của con người trong khi sát hạch cấp giấy phép lái xe, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang triển khai việc cấp giấy phép lái xe theo công nghệ mới để xoá bỏ giấy phép lái xe giả và có hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe.
Trong toàn quốc, hiện nay đã có trên 270 cơ sở dạy nghề lái xe và 79 trung tâm sát hạch lái xe.
Mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng công tác này cũng còn nhiều tồn tại, với “đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông” được Bộ trưởng phê duyệt ngày 12 tháng 3 năm 2012, chắc chắn từng bước sẽ khắc phục được những tồn tại.
Xu hướng chung của thế giới là dân sự hoá các công việc hành chính dân sự, xu hướng này cũng phù hợp với Nghị quyết lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 10.
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã thay mặt Chính phủ ký hiệp định công nhận giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với các nước ASEAN, đang chuẩn bị các bước để gia nhập công ước Viên, trong đó có nội dung công nhận Giấy phép lái xe. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang đổi giấy phép lái xe của các nước khi người sử dụng giấy phép đó làm việc tại Việt Nam sang giấy phép lái xe cơ giới Việt Nam; giấy phép lái xe của Việt Nam cũng được các nước đổi sang giấy phép lái xe của nước sở tại.
Từ những lý do trên, đề nghị giữa nguyên sự phân công công tác quản lý đào tạo sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như quy định tại khoản 10 điều 61 Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Với chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quản quản lý nhà nước, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo Bộ trưởng những đề nghị trên, mong được Bộ trưởng xem xét giải quyết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Cục ĐBVN;
- Vụ Vận tải; pháp chế; Tài chính kế toán - Bộ Giao thông vận tải;
- Các Uỷ viên BCH Hiệp hội “để biết”;
- Chủ tịch các Hiệp hội cơ sở “để biết”;
- Lưu VPHH.
|
TM.BAN THƯỜNG VỤ
HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM
Chủ tịch
Nguyễn Mạnh Hùng
|