* Những năm gần đây, các HTXVT trên địa bàn tỉnh Bình Định hoạt động ngày càng kém hiệu quả, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Từ năm 1997, Luật HTX có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý cho các HTXVT hoạt động trong điều kiện mới. Nhiều người đứng ngoài HTX đã vào HTX, mạnh dạn đầu tư vốn, chuyển đổi phương tiện, số lượng HTXVT tăng lên. Nhiều tuyến cố định trong và ngoài tỉnh được khai thác, đời sống xã viên từng bước được cải thiện…
Tuy nhiên, theo Luật HTX năm 1997, các HTXVT được tổ chức và hoạt động theo 3 mô hình gồm: HTX dịch vụ hỗ trợ không tập trung sản xuất; HTX tập trung sản xuất; HTX vừa làm dịch vụ hỗ trợ, vừa tập trung sản xuất. Ở Bình Định, hầu hết các HTXVT đều được tổ chức theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Với mô hình này, HTX chỉ cung cấp cho xã viên những khâu dịch vụ quan trọng như: đăng ký lưu hành, bến bãi, luồng tuyến, giao dịch hợp đồng tín dụng, xử lý rủi ro, tìm nguồn hàng, nguồn khách cho xã viên… Nhiều HTX chỉ là sự tập hợp những người có phương tiện vận tải, không quan tâm đến cơ sở vật chất và điều hành, không có tài sản chung, hoặc chưa có khả năng tích lũy để tái đầu tư, thu nhập của xã viên thấp, không ổn định.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất của các HTXVT ở Bình Định hiện nay là lực lượng kế thừa mỏng. Ban quản trị các HTX phần lớn đều đã lớn tuổi nên không còn sự nhanh nhẹn, tháo vát và năng động. HTX không chủ động về hoạt động sản xuất và kết quả kinh doanh. Nguồn vốn hoạt động của các HTX chủ yếu từ nguồn đóng góp của các xã viên; cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều hạn chế, vì tài sản của các HTX không có hoặc không đủ cơ sở pháp lý để thế chấp vay. Điều này dẫn đến việc phần lớn HTXVT trên địa bàn tỉnh không thoát được cách thức làm ăn nhỏ lẻ, phân tán; việc đầu tư đổi mới phương tiện chậm và không tiếp cận được cách thức quản lý hiện đại. Trong khi đó, trong thời kỳ hội nhập, ngành vận tải với nhiều loại hình doanh nghiệp ra đời đã cạnh tranh khốc liệt, đẩy các HTXVT không năng động vào chỗ ngày càng khó khăn.
* Để các HTXVT phát triển ổn định trong tình hình hiện nay, theo ông cần có những giải pháp gì?
- Đảng và Nhà nước ta đã xác định kinh tế tập thể và mô hình HTX cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho HTX có điều kiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xác định mục tiêu và định hướng phát triển đối với HTXVT là: Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải của các HTX, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Giao thông đường bộ… Do vậy, việc vực dậy các HTXVT là cần thiết và phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp nào xây dựng được thương hiệu, uy tín dĩ nhiên sẽ tồn tại và phát triển. Do vậy, vấn đề hiện nay của các HTXVT là nâng cao chất lượng phục vụ cho bằng với mặt bằng chung của xã hội chứ không thể buộc xã hội phải xếp hàng phía sau các HTX. Muốn vậy, các HTXVT phải năng động trong việc phục vụ nhu cầu lợi ích của xã viên để tạo sự gắn bó lâu dài, chứ không phải chỉ là người bán dịch vụ tối thiểu cho xã viên như từ xưa đến giờ.
Những năm gần đây, trong khi nhiều HTXVT làm ăn khó khăn thì HTXVT Bình Minh, HTXVT Phù Cát, HTXVT Hoài Nhơn… vẫn phát triển ổn định nhờ ban lãnh đạo năng động, biết tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh. Các HTXVT khác muốn phát triển thì nhất thiết phải tự đổi mới, phải có kế hoạch làm ăn lâu dài, hiệu quả, đảm bảo đời sống xã viên. Các HTXVT phải năng động mở rộng thêm ngành nghề, dịch vụ phục vụ cho hoạt động vận tải cũng như các lĩnh vực khác.
Bên cạnh sự nỗ lực của các HTXVT, các ngành chức năng cũng cần hỗ trợ các HTXVT về nguồn vốn, công tác đào tạo nguồn nhân lực… để có đủ điều kiện phát triển một cách ổn định.
* Với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh Bình Định có giải pháp gì để hỗ trợ các HTXVT phát triển trong tình hình khó khăn như hiện nay không, thưa ông?
- Từ lâu, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bình Định đã nhiều lần trao đổi với Ban Chủ nhiệm các HTXVT là không nên chỉ dừng lại ở việc làm dịch vụ mà nên suy nghĩ thêm hướng làm ăn khác để hỗ trợ cho xã viên, chứ không chỉ là sự mua bán sòng phẳng: một bên đóng tiền mua dịch vụ, một bên thu tiền bán dịch vụ. Nếu cứ giữ mãi cung cách làm ăn như vậy, khi tình hình thay đổi, các quy định về giao thông thoáng hơn thì HTXVT sẽ không giữ chân được xã viên. Định hướng là như vậy, nhưng do điều kiện khó khăn nên rất ít HTXVT thực hiện được.
Bên cạnh việc định hướng, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Bình Định cũng đã hỗ trợ các HTX trong việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cán bộ, xã viên thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo… được tổ chức hàng năm. Liên minh HTX tỉnh Bình Định cũng đã có các chương trình hỗ trợ các HTXVT như tiến hành xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX phù hợp với tình hình thực tế thị trường hiện nay; tiếp tục rà soát các quy định về thực hiện chính sách ưu đãi đối với kinh tế tập thể để có các kiến nghị sửa đổi cho phù hợp; tổ chức cho các chủ nhiệm HTXVT đi tham quan các mô hình HTX mới, đa chức năng gồm: cơ khí sửa chữa, dịch vụ xăng dầu, san lấp mặt bằng, kinh doanh thương mại dịch vụ.
Trước mắt, Liên minh HTX tỉnh Bình Định đang tập trung xây dựng Quỹ Hỗ trợ phát triển các HTX trên địa bàn tỉnh, với nguồn vốn điều lệ ban đầu là 11 tỉ đồng, cho các HTX vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển các dịch vụ mới.
* Xin cảm ơn ông!