Mức giảm giá xăng, dầu lần này được tính trên cơ sở nào thưa Bộ trưởng?
- Chúng tôi tính toán từ ngày hôm nay (23.5) so với 23 ngày trước, theo chu kỳ 30 ngày, có chênh lệch giá tổng số hơn 900đ/lít. Như vậy lần này liên bộ đã bàn và báo cáo với Thủ tướng. Thủ tướng cũng đã đồng ý với mặt hàng RON A92 tăng thêm 2% thuế nhập khẩu, cỡ khoảng hơn 300đ (1/3 của mức chênh 900đ/lít). 2/3 còn lại để dành cho giảm giá cho tiêu dùng.
Chênh lệch của diesel chỉ hơn 600đ/lít, vì vậy chúng tôi quyết định tăng thuế nhập khẩu chỉ 1%. Mặt khác, mặt hàng này còn liên quan tới sản xuất, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là bà con ngư dân đi biển phải sử dụng diesel do đó Nhà nước phải chia sẻ nhiều hơn nên chỉ quyết định tăng 1% thuế mà thôi. Như vậy, diesel chỉ giảm 400đ/lít kỳ này. Việc giảm giá xăng dầu được tính toán rất chi ly, cặn kẽ từng đồng một.
Nhưng nhiều phân tích cho rằng mấy ngày qua doanh nghiệp đang lãi hơn 1.700 đồng mỗi lít xăng A92?
- Cái này báo chí đưa cũng đúng thôi, nhưng ta phải xem xét bản chất nó là gì. Nếu như khi giá xăng ở thị trường tăng, chúng ta buộc phải tăng giá lên theo đúng tỉ lệ giữa giá cơ sở và giá bán thì có thể giá phải tăng rất cao. Khi tăng, để đảm bảo bình ổn giá, không ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu dùng, thông thường là Nhà nước phải hy sinh phần của Nhà nước là giảm thuế (vì thế một thời gian dài thuế suất của các mặt hàng xăng dầu đều là 0%). Còn khi mà có dư địa để giảm giá thì phải tính toán tới thuế. Biểu thuế xăng là hơn 10% thì bây giờ mới có 4%. Mà suy cho cùng thuế cũng để phục vụ dân thôi.
Dư luận cho rằng xăng tăng nhiều và nhanh, nhưng giảm lại ít và nhỏ giọt. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này?
- Tôi xin cam đoan là nếu khi tăng giá, nếu thị trường chúng ta chấp nhận đưa đủ hết các yếu tố vào thì sẽ đảm bảo khi giảm cũng sẽ giảm tương ứng. Ngoài ra, báo chí mấy hôm nay nói xăng đang lãi 1.700 - 1.800đ/lít. Nếu mà tính một ngày, giá bán ngày hôm nay thì đúng là kết quả như thế. Nhưng cách tính, điều hành giá xăng của chúng ta là phải tính theo giá cơ sở mà như vậy phải theo chu kỳ 30 ngày. Thứ hai, xăng dầu không phải là mặt hàng mà hôm nay nó giảm ở thế giới thì ngay lập tức các Cty xăng dầu ở Việt Nam có ngay xăng dầu với giá đó để bán ra thị trường mà người ta phải dự trữ và lưu thông từ trước đó khá lâu.
Vậy khả năng điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian sắp tới được xem xét như thế nào?
- Quy trình tăng hoặc giảm giá xăng ít nhất là 10 ngày, nhưng khi muốn tăng hoặc giảm giá phải tính giá cơ sở so với giá bán trong 30 ngày chứ không phải 30 ngày mới giảm hay tăng. Giá cơ sở so với giá bán trong 30 ngày là chu kỳ lưu thông hàng hóa, dự trữ vì DN kinh doanh xăng dầu một mặt cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng nhưng một mặt phải đảm bảo dự trữ lưu thông cho quốc gia.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Phản ứng về việc giảm giá xăng dầu: Giảm ít, tác động nhỏ
Ông Lương Hoàng Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM: Giá xăng dầu hiện nay đang thực hiện theo kiểu nửa vời. Dù giá xăng dầu được xác định thực hiện theo cơ chế thị trường, song trên thực tế giá bán lẻ xăng dầu trong nước lại có mức giá đồng nhất giữa các doanh nghiệp, không tạo ra được sự cạnh về giá giữa các doanh nghiệp xăng dầu theo cơ chế thị trường. Với các điều hành giá xăng dầu như vừa qua, dù giá nhiên liệu thế giới đã giảm mạnh xuống bằng mức cuối năm 2011 hơn một chục ngày qua, nhưng mãi đến chiều 23.5 giá bán lẻ xăng dầu trong nước mới giảm chỉ 300 - 600đ/lít. Riêng với mức dầu diesel giảm giá 400đ/lít (tức còn 21.200đ/lít) vẫn ở mức cao, nên giá cước vận chuyển hàng hóa khó có thể điều chỉnh giảm giá. Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, Phó TGĐ hãng Vinasun taxi: Với mức giảm xăng lần này chỉ 600đ còn 22.700đ/lít, các doanh nghiệp vận tải taxi khó có thể giảm giá cước. Thay vào đó, lần giảm giá này chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh và doanh nghiệp giảm được khoản hỗ trợ chênh lệch nhiên liệu cho lái xe (vì lái xe chịu tiền đổ xăng và ăn chia theo tỉ lệ với hãng) của đợt tăng giá ngày 20.4. Trong đợt giá xăng tăng 900đ/lít vào ngày 20.4, giá cước taxi vẫn giữ nguyên, do vậy Hãng Vinasun phải hỗ trợ tiền chênh lệch nhiên liệu cho lái xe. Sau hai đợt giảm giá vào ngày 9.5 (giảm 500đ/lít) và giảm 600đ từ chiều 23.5, doanh nghiệp không còn hỗ trợ tiền chênh lệch nhiên liệu cho lái xe nữa. Đại diện Cty Saigon Petro cho biết: Nếu so sánh giá xăng dầu thế giới hiện nay giảm thấp bằng thời điểm cuối năm 2011 nhưng giá bán lẻ trong nước lại cao hơn thời điểm cuối năm 2011 thì chưa công bằng. Bởi giá xăng dầu bán lẻ trong nước không chỉ phụ thuộc mỗi yếu tố giá xăng dầu thế giới giảm, mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Phí vận chuyển, phí bảo hiểm, tỉ giá, quỹ bình ổn... Thời điểm này, các yếu tố phí bảo hiểm, phí vận chuyển, tỉ giá có thay đổi tăng cao hơn so với cuối 2011, vì vậy khó có thể giảm giá bán lẻ trong nước như thời điểm cuối năm 2011. Ông Huỳnh Vĩnh Huệ - một chủ tàu cá tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - phản ánh: Với mức giảm hiện nay không thấm đâu vào đâu. Hiện nay đang vào thời điểm chính vụ của mùa đánh bắt nhưng nhiều tàu cá vẫn không có lãi hoặc vẫn lỗ. Một tàu cá loại 90CV đánh cá trong thời gian 10 ngày tiêu tốn khoảng 200 triệu đồng tiền dầu, đóng sở hụi, đồ ăn, nước đá... Trong đó, riêng tiền dầu đã chiếm hơn 2/3, tức là khoảng 130 triệu đồng, một lần ra khơi như thế nhiều khi chỉ hoà vốn. Ông Đào Quốc Cường - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 7 - Chi cục Quản lý thị trường Long An - cho biết: Trong vài tuần qua không còn phát hiện tình trạng xăng dầu từ phía Việt Nam vận chuyển trái phép qua Campuchia. Vĩnh Hưng và Tân Hưng là địa bàn nóng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Khi giá xăng dầu bên Việt Nam thấp hơn giá bên Campuchia từ 3.000 đồng/lít trở lên là bắt đầu xuất hiện tình trạng vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới. Theo những người dân thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, hiện giá xăng dầu bên Việt Nam thấp hơn bên Campuchia không đáng kể, nên không còn động cơ để bọn buôn lậu hoạt động. Tại cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), nhiều tàu cá đang nằm bến để chờ giảm giá dầu: Đó là số tàu đánh bắt xa bờ vừa về bến trong “con nước ba mươi” (30 âm lịch hàng tháng). Sau khi giao hàng, thay vì nhận nhiên liệu, vật tư trở ra khơi, nhiều tàu cá nán lại, đợi giảm giá dầu. Một chủ tàu tên Hùng cho biết, do đọc thông tin trên mạng thấy giá dầu trên thế giới giảm sâu mà giá dầu trong nước vẫn ở mức cao, ông đoán rằng thế nào giá dầu trong nước cũng giảm trong vài ngày tới, nên nán ở lại đợi. “Mỗi chuyến ra khơi tàu tiêu thụ khoảng 5 ngàn lít dầu, nếu giá dầu giảm 1.000đ/lít, sẽ giúp giảm chi phí 5 triệu đồng” - ông Hùng nói. Nhóm phóng viên |