Kiến nghị doanh nghiệp về phí GT đường bộ

Thứ Sáu, 18/05/2012, 08:20

PHÒNG THƯƠNG MẠI                               CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM                                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                                                  ------------*****------------

                    Số…….

V/v Kiến nghị của doanh nghiệp vận tải                        Tp Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 5  năm 2012

        về Phí giao thông đường bộ

 

 

Kính gửi: - Thủ tướng Chính phủ

                                        -  Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

   - Bộ Tài Chính

 

         Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đã có đề án trình lên Chính phủ đề xuất được thu phí Bảo trì đường bộ (BTĐB) theo đúng Luật giao thông ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2008. Nghị định số 18/NQ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ cũng đã được Chính phủ ban hành ngày 13 tháng 3 năm 2012. Tuy nhiên, cũng theo công bố từ Văn phòng Chính phủ, xét thấy đây là loại phí có tác động nhiều tới đời sống người dân, trong khi thời hạn đề xuất thu phí của ngành giao thông quá gấp (từ ngày 1/6/2012), vì thế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện lại phương án thu phí, trong đó đánh giá các tác động tới đời sống nhân dân, phương thức thu, các giải pháp kỹ thuật thu… sớm hoàn chỉnh đề án và có lộ trình truyền thông đến dân cùng đồng thuận.

         Căn cứ trên yêu cầu đó, và trên những nhu cầu bức thiết của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, ngày 9 tháng 5 năm 2012, với sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, Hiệp Hội Giao nhận Kho vận VN (VIFFAS) đã tổ chức Diễn đàn “Phí bảo trì đường bộ - thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

         Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, diễn giả đến từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, Hội đồng tư vấn chính sách - tiền tệ Quốc hội; Liên đoàn luật sư VN,  đại diện các cơ quan chức năng đến từ Sở Giao thông Vận tải Tp Hồ Chí Minh, đại diện các Hiệp hội Vận tải hàng hoá Tp HCM và Giao nhận Kho vận Việt Nam, đặc biệt của hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh vận tải trên địa bàn trọng điểm phía Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa phối hợp với VCCI  thống nhất tổng kết thành văn bản kiến nghị tiếng nói của doanh nghiệp, kính gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, bộ, ban ngành hữu trách, có liên quan.

     Chi tiết nội dung kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp vận tải như sau:

I. Kiến nghị chung

         Phí GTĐB hiện đang là gánh nặng cho DN vận tải (chiếm trên 10% tổng chi phí sản xuất kinh doanh). Việc thu phí GTĐB còn nhiều bất hợp lý, vẫn còn tình trạng các trạm thu phí đang hoạt động vi phạm pháp luật, như địa điểm đặt trạm thu phí không đúng, khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa tuân theo quy định Nhà nước;  Hệ thống đường giao thông mới xây xong đã bị xuống cấp hư hỏng... Những bất hợp lý trên chưa được khắc phục, Nhà nước lại triển khai thu phí GTĐB càng tạo ra sự bất hợp lý là “Phí chồng Phí”. Việc thu phí theo đầu phương tiện với hình thức thu qua đăng kiểm cùng với mức thu chưa căn cứ vào thực tế sẽ làm cho DN vô cùng khó khăn, cần được xem xét lại.

Thể hiện:

-    Tính pháp lý của việc thu phí bảo trì đường bộ:

Theo điều 49 Luật giao thông đường bộ Quỹ bảo trì đường bộ được hình thành từ hai nguồn chính. Thứ nhất từ ngân sách và thứ hai là các nguồn thu liên quan đến việc sử dụng đường bộ. Nhưng Nghị định 18/2012 xác định nguồn đầu tiên hình thành quỹ bảo trì đường bộ là đánh trên đầu phương tiện giao thông cơ giới, như vậy, nguồn thu này có vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay không?

-    Bất cập từ việc thu phí chồng phí

Thông tư số 90/2004/TT-BTC về thu phí giao thông trên quốc lộ có quy định các trạm thu phí phải thu phí đúng đối tượng, đặt trạm thu phí đúng khoảng cách tối thiểu giữa các trạm trên cùng một tuyến đường là 70 km. Thế nhưng, hiện khoảng cách giữa các trạm thu phí rất gần nhau, nhất là tại khu vực TP. HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Cụ thể từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước với cự ly khoảng 100 km mà có tới 3 trạm thu phí. Cá biệt, một số trạm thu phí có cự ly rất ngắn: từ trạm Suối Giữa (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) đến trạm Vĩnh Phú (thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương) chỉ có 16 km; bất cập hơn, từ trạm Vĩnh Phú tới trạm Bình Triệu (Thủ Đức, TP.HCM) chỉ vỏn vẹn có 8 km. Tương tự, nếu đi từ cảng Cát Lái (TP.HCM) đến TP.Cần Thơ với khoảng 190 km nhưng có tới 5 trạm thu phí (trạm thu phí cầu Phú Mỹ, trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, trạm thu phí đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, trạm thu phí cầu Mỹ Thuận, trạm thu phí cầu Cần Thơ).

            Thực tế này đã và đang tạo ra một mạng lưới các trạm thu phí theo kiểu tận thu đối với các xe vận tải và vi phạm Thông tư số 90/2004/TT-BTC về thu phí giao thông.

 

-         Trạm thu phí đặt sai vị trí và thu sai đối tượng:

 

 Hiện trên phạm vi cả nước có nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí và thu sai đối tượng, như trạm xa lộ Hà Nội đặt trên xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn quận 9 TP. HCM, nhưng lại thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ tại quận Bình Thạnh - TP. HCM. Trạm Tào Xuyên đặt trên QL 1A nhưng lại thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP. Thanh Hóa tỉnhThanh Hóa. Trạm Sông Phan đặt tại Bình Thuận nhưng lại hoàn vốn cho cầu Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai... Điều này dẫn đến việc thu phí oan sai một lượng lớn phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí khi đi qua trạm, điều này là trái với quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2002.

Như vậy, khi thời điểm phí BTĐB thu trên đầu mỗi phương tiện vận tải theo đề xuất của Bộ GTVT có hiệu lực vô hình chung các doanh nghiệp vận tải phải đóng hai lần phí bảo trì đường bộ (đóng cho các trạm thu phí và đóng cho quỹ bảo trì đường bộ). Đây rõ ràng là hình thức phí chồng phí.

-  Bất cập về cách tính phí

         Với DN vận tải, nếu vừa đánh phí trên xe đầu kéo, vừa đánh phí sơ mi-rơ moóc hoặc rơ moóc sẽ là “thu phí kép” trên một loại phương tiện. Xe đầu kéo có kéo theo sơ mi rơ moóc mới trở thành tổ hợp để vận chuyển hàng hóa là container. Nếu tách riêng đầu kéo thì cũng không có tác dụng vận chuyển hàng hóa nên cũng không cần thiết phải lưu thông trên đường, còn bản thân sơ mi rơ mo óc là thiết bị cơ khí đơn giản không gắn động cơ, không thể tự hành trên đường. Mỗi lần tham gia giao thông để vận chuyển hàng hóa mỗi đầu kéo cũng chỉ kéo theo được một sơ mi rơ moóc mà thôi. Do đó không thể tách riêng xe chuyên dụng này thành hai lần thu riêng biệt được, đây là điều hoàn toàn vô lý và xa rời thực tế.

-  Bất cập về phương thức thu phí.

          Quy định quy định thu phí theo kỳ đăng kiểm cũng sẽ vi phạm Pháp lệnh Phí và lệ phí. Nhiều DN, nhiều người dân, nhiều DN dù không sử dụng đường bộ vẫn phải đóng phí như nhau. Các xe hư hỏng nằm sửa chữa, xe bị tai nạn tạm giữ, xe vận chuyển nội bộ trong khu công nghiệp và các xe cá nhân... mức độ lưu thông rất thấp, thậm chí không tham gia lưu thông vẫn bị thu phí hằng năm. Cách thu này cũng sẽ thu không đúng đối tượng phải thu.

-  Bất cập về mức phí

Mức phí đưa ra hiện nay là khá cao và chưa phù hợp thực tế. Giá cước từ  cảng Cát Lái - TPHCM đi Cần Thơ  khoảng 7 triệu đồng/chuyến hàng, trong đó chi phí giao thông đường bộ đã 1.350.000 đồng (Nếu thu theo đề xuất của Bộ GTVT), tức chiếm đến 19% tổng giá cước một chuyến hàng. Nếu tính đúng, tính đủ cả khấu hao tài sản, lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp vận tải đang chịu lỗ.

Cơ sở nào để Bộ GTVT đưa ra các mức phí để thu phí bảo trì đường bộ đối với từng nhóm phương tiện, điều này đã bảo đảm tính khách quan chưa rất cần được Bộ giải trình cụ thể để người đóng phí yên tâm thực hiện.

II. Hậu quả

Tác động của các loại phí giao thông đường bộ, có thể sẽ “bóp nghẹt” nền kinh tế: do tăng lạm phát, giảm sức mua, giảm sự cạnh tranh của hàng hóa VN, giảm nguồn thu ngân sách.

-    Lạm phát tăng: Chi phí vận chuyển tăng, buộc các DN phải tăng giá dịch vụ, hàng hóa theo đó sẽ tăng giá thành sản xuất, tăng giá bán và lạm phát tăng.

-         Giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam … Giá thành sản xuất tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN,  nhất là các mặt hàng xuất khẩu.

-         Nguy cơ phá sản DN càng tăng lên: Nếu các DN vận tải không thể tăng được giá dịch vụ, thì doanh thu không bù đắp đủ chi phí. Theo VIFFAS, hiện hầu hết các DN kho vận đã và đang phải hoạt động cầm chừng, nhiều DN thường xuyên chịu lỗ từ dịch vụ vận tải và phải lấy nguồn thu từ các dịch vụ khác để cân đối thu chi. Nếu chịu thêm các mức phí đường bộ khác, các DN này chắc chắn đứng trước bờ vực phá sản.

-         Giảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước: DN phá sản, giải thể không đóng góp cho ngân sách qua thuế, Nhà nước thất thu và gia  tăng tình trạng thất nghiệp.

-         Một lý do nữa cũng làm Nhà nước thất thu là nhiều DN sẽ “né đăng kiểm” và chấp nhận chi các khoản không chính thức. Khi né đăng kiểm còn dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông. Khả năng phương tiện lưu thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật và tình trạng chở hàng quá tải sẽ gia tăng do DN vận tải cố tình giảm số đầu phương tiện nhằm tránh bị thu phí.

III. Đề xuất giải pháp:

       Mục đích của việc thu phí BTĐB là có thêm nguồn thu nhằm xây dựng, bảo trì nâng cao chất lượng giao thông đường bộ, phòng chống nạn kẹt xe và tai nạn giao thông. Vì thế việc triển khai phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ.

Giải pháp cơ bản: Hiện thực trạng thi công đường bộ đã nảy sinh 3 vấn đề: thứ nhất giá thành cao, chất lượng kém; thứ hai đầu tư dàn trải nhưng hiệu quả thấp; thứ ba kéo dài thời gian thi công để nâng giá thành. Nếu Chính phủ không giải quyết dứt điểm 3 vấn đề này thì có “bơm” thêm bao nhiêu tiền cũng như “gió vào nhà trống”. Vì thế Bộ GTVT cần kiểm soát được chi phí đầu vào của hệ thống giao thông đường bộ, ban hành mức giá chuẩn cho việc xây dựng 1 km mỗi loại đường. Trên cơ sở giá đầu tư hợp lý, chất lượng tốt, thì chi phí duy tu, bảo trì hằng năm sẽ ở mức thấp, tạo đươc lòng tin của người dân.

Giải pháp hỗ trợ:  Chính phủ nên chỉ đạo một đơn vị tư vấn độc lập với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính làm đề án nghiên cứu khoa học để đưa ra mức phí phù hợp. Cần khảo sát các loại phí đang đánh trên các loại phương tiện giao thông, một cách khách quan xem hiện có bao nhiêu loại thuế, phí đánh vào các phương tiện giao thông. Các loại thuế và phí đó có ảnh hưởng như thế nào tới DN, tới sự phát triển của nền kinh tế; nên bỏ bớt loại nào, tăng thu loại nào. Và các nguồn thu đó đã được sử dụng như thế nào, có phù hợp hiệu quả và đúng mục đích, đối tượng không? Từ đó đề ra các giải pháp hợp lý về phí, lệ phí giao thông.

      Nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội và đảm bảo tính thực tế của đề án, cần tổ chức cho các Hiệp hội ngành nghề, các DN và người dân tham gia phản biện, trước khi triển khai đề án.

 Giải pháp chiến lược Việc thu phí BTĐB thực chất là huy động sức đóng góp của dân để xây dựng đường giao thông. Vì thế, Bộ GTVT cần phải có chiến lược lâu dài, có lộ trình cụ thể, có một đề án khoa học đủ thuyết phục người dân. Dựa vào các giải pháp cơ bản và giải pháp bổ sung, Bộ GTVT xây dựng đề án “Thu phí Bảo trì đường bộ” có tính chiến lược lâu dài.

Để thuyết phục được người dân, đề án cần lưu ý các yếu tố:

Đảm bảo tính pháp lý cho đề án.

Đánh giá đúng nguyên nhân, tác nhân làm hư hỏng hạ tầng giao thông.

Có cơ chế quản lý sử dụng quỹ bảo trì đường bộ một cách rõ ràng minh bạch, đúng mục đích, cần ưu tiên đầu tư cho giao thông phục vụ vận tải hàng hóa nhằm kéo giá thành sản xuất cho hàng hóa Việt Nam. Theo đó, tất cả người dân được lợi, cả xã hội được lợi.

 Có cơ chế giám sát, xử lý sai phạm. Nếu thu phí nhưng việc sử dụng không hiệu quả, đường sá vẫn xấu thì phải có người chịu trách nhiệm.

 Phương thức thu đảm bảo nguyên tắc công bằng: ai sử dụng đường nhiều đóng góp nhiều, sử dụng ít đóng góp ít. Nên thu qua xăng dầu sẽ hạn chế được thất thu lại không phải trích bớt cho bộ máy tổ chức thu cồng kềnh, phức tạp như cách thu qua đầu phương tiện. Có biện pháp hoàn phí cho những phương tiện dùng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông.

Cách tính phí phải đúng đối tượng: không nên tách rời từng bộ phận của một phương tiện giao thông để tính phí  (giống như xe đầu kéo, container, rờ moóc...)

Có lộ trình: thu từ thấp đến cao, để DN và người có thời gian thích ứng với loại phí mới.

 Việc Ban hành Nghị định bảo trì đường bộ là một động thái cần thiết cho mục tiêu tái kiến thiết cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế đất nước theo định hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá và theo đúng tiêu chí Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đây là chủ trương đúng. Để chủ trương này đi vào được đời sống nhân dân, phát huy hiệu quả, điều quan trọng là cần phải có những giải pháp đúng để triển khai thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn ./.

 

Nơi nhận:                                                              TM BAN CHẤP HÀNH

-  Như trên;                                                                      CHỦ TỊCH

-  Thủ tướng Chính phủ

-  Các Phó Thủ tướng

-  Bộ Tài chính

-  Văn phòng Chính phủ

-  UBKT của Quốc hội, UBTC&NS của QH

-  Văn phòng Quốc hội

-  Bộ KH& Đầu tư, Bộ Công thương

-  Các đơn vị thuộc Bộ GTVT

-  Lưu VP                                                                   

 


VCCI
facebook
Xem theo ngày: