Xăng A83 bị phù phép ?

Thứ Ba, 22/05/2012, 11:06
- Giám sát quá trình lắp đặt và nghiệm thu lắp đặt thiết bị.

Ba nguyên nhân gây cháy xe đã được Sở KH-CN TP.HCM công bố vào chiều hôm qua, trong đó nổi lên nghi vấn xăng A83 bị phù phép thành A92.

Cuộc họp công bố nguyên nhân gây cháy xe có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Công an TP, Sở Cảnh sát PCCC, các sở, ngành liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nhiên liệu và động cơ đốt trong cùng đông đảo phóng viên báo chí.

TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu cho biết, hai vấn đề được nhóm nghiên cứu lựa chọn để tập trung nghiên cứu là ảnh hưởng của nhiên liệu xăng và ảnh hưởng của các yếu tố kỹ thuật đến sự hình thành nguy cơ cháy xe. Để xây dựng các nội dung nghiên cứu tìm kiếm nguyên nhân, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận với các vụ cháy xe tại TP.HCM và phân tích tình hình nhiên liệu xăng tại VN vào thời điểm năm 2010 - 2011.

Cháy xe do xăng bị pha

Qua khảo sát từ thực tế, xăng kém chất lượng như A83 không còn phù hợp với các loại xe hiện nay.

Những kẻ gian lận đã dùng methanol hoặc ethanol pha vào loại xăng này để biến thành xăng A92 hoặc A95 để tăng lợi nhuận

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tăng chỉ số RON của các loại cồn như methanol, ethanol là rất cao trong khi giá thành của methanol rất thấp so với các loại phụ gia tăng RON khác. Do vậy, để tăng chỉ số RON cho nhiên liệu xăng, thì việc pha thêm methanol hoặc ethanol với hàm lượng cao vào nhiên liệu là hoàn toàn có thể thực hiện trong điều kiện thực tế. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, lợi dụng việc cho phép sử dụng thử nghiệm xăng nhiên liệu sinh học E5 để pha methanol hoặc ethanol kém chất lượng vào xăng để thu lợi nhuận là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, nói rõ sử dụng xăng kém chất lượng nguy cơ cháy xe rất cao. Qua khảo sát từ thực tế, xăng kém chất lượng như A83 không còn phù hợp với các loại xe hiện nay. Những kẻ gian lận đã dùng methanol hoặc ethanol pha vào loại xăng này để biến thành xăng A92 hoặc A95 để tăng lợi nhuận. Bởi vì 1 lít methanol trên thị trường hiện nay giá chỉ có 10.000 đồng, trong khi xăng A92 khoảng 22.000 đồng, lợi nhuận khổng lồ. Nghi vấn này, theo ông Tân là có cơ sở, vì qua kiểm tra chất lượng xăng dầu trong năm 2011, Sở KH-CN đã phát hiện 35/154 mẫu xăng có methanol. Việc "phù phép" này là rất khó kiểm soát, vì tiêu chuẩn xăng của VN hiện nay không có chỉ tiêu về hàm lượng methanol, ethanol.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Dũng, cán bộ nghiên cứu - giảng viên bộ môn Ô tô máy động lực, Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong, kết quả nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật trên phương tiện xe máy cho thấy, trong trường hợp sử dụng xăng có chỉ số RON không đúng yêu cầu (thấp hơn yêu cầu của động cơ) hoặc sử dụng xăng có pha hàm lượng methanol, ethanol kém chất lượng (như ethanol 95%V), nhiệt độ cục bộ tại các khu vực như nhớt bôi trơn, nước làm mát, thùng chứa mũ bảo hiểm, khu vực đuôi xe, bộ điện thân xe, khu vực mô bin sườn, khoang động cơ, khu vực bộ sạc và trong thùng nhiên liệu đều tăng từ 10 - 20 độ C so với sử dụng nhiên liệu đúng theo yêu cầu.

Đặc biệt, trong một số trường hợp nhiệt độ ống xả khí thải cao hơn 450 độ C, nhiệt độ dây điện hay khu vực bộ sạc có thể lên trên 70 độ C, nhiệt độ thùng chứa mũ bảo hiểm lên đến 60 - 70 độ C. Các yếu tố này có thể đưa đến nguyên nhân cháy nổ, nếu hội tụ đủ các yếu tố như có các chất dễ cháy hoặc chập mạch điện ở khu vực này.

Kiến nghị bỏ xăng A83, quản lý chặt methanol

Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS động cơ ô tô Nguyễn Lê Ninh (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, vụ kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm mà Báo Thanh Niên đã phản ánh, với chất lỏng mà họ cho vào trong xăng, có thể đó là methanol chứ không có chất nào khác.

Sở KH-CN TP.HCM đã kiến nghị ngừng lưu hành xăng A83 trên thị trường để không còn cơ hội cho những kẻ muốn làm ăn gian dối; đồng thời nên quy định hàm lượng methanol và ethanol trong xăng. Ngoài ra, theo ông Phan Minh Tân, cũng cần siết chặt nhập khẩu methanol, xem đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và cần kiểm tra, quản lý đường đi của mặt hàng này khi được nhập vào VN.

Để không xảy ra tình trạng xăng dầu kém chất lượng lưu thông trên thị trường, theo ông Tân, trách nhiệm trước hết là của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ các đầu mối nhập khẩu cho đến các đại lý phân phối. Bên cạnh đó là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. "Chúng tôi đã yêu cầu các đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải có quy trình kiểm tra nội bộ và chúng tôi sẽ kiểm tra quy trình đó. Các doanh nghiệp đầu mối cũng phải công bố danh sách các đại lý của mình, nếu chúng tôi phát hiện một đại lý cùng lúc có hai đầu mối cung cấp xăng dầu thì sẽ cho chấm dứt hoạt động của đại lý đó. Cùng phối hợp đồng bộ như vậy mới loại trừ được cách làm ăn gian dối", ông Tân nói.

Ông Tân cũng chia sẻ, đây chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, chưa phải là nghiên cứu toàn diện. Và nhóm nghiên cứu cũng chỉ mới tìm nguyên nhân gây cháy xe gắn máy, còn với xe ô tô thì sẽ có những nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới. Sở KH-CN TP.HCM đã giao cho 2 đơn vị thực hiện việc này là Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu và Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong - Trường Đại học Bách khoa, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu đã xác định nguyên nhân thứ hai đó là do sự chập mạch của hệ thống điện trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa hoặc không đúng yêu cầu sẽ gây nguồn lửa, đồng thời kết hợp sự có mặt của chất dễ cháy như các chi tiết bằng vật liệu nhựa trên phương tiện.

Nguyên nhân thứ ba là do các yếu tố khách quan hay chủ quan của người sử dụng, như: gây nguồn lửa, để các vật dụng dễ cháy nổ trong các vùng nóng cục bộ của phương tiện như quẹt gas, nước hoa... trong thùng chứa mũ bảo hiểm, hoặc do sự vướng víu các vật liệu dễ cháy như bao nylon, vải... vào bộ phận ống xả khói thải của động cơ.


Báo thanh niên
facebook

Ý kiến của bạn

Tên của bạn *
Email của bạn *
Nội dung *
 
Xem theo ngày: