Ngày 23.5, Bộ Tài chính ra thông báo số 216/TB-BTC, kể từ 15h30 ngày 23.5, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm từ 300 – 600 đồng/lít.
Cụ thể xăng A92 từ mức 23.300đ/lít xuống còn 22.700đ/lít (giảm 600đ/lít); dầu diesel từ mức 21.550đ/lít xuống 21.150đ/lít (giảm 400đ/lít); dầu hỏa và madút ở mức 21.400đ/lít xuống còn 21.100đ/lít. Giá bán các chủng loại xăng, dầu khác giảm tương ứng với từng chủng loại xăng, dầu trên cùng thị trường.
Theo thông báo trên thì đây là lần thứ tư kể từ đầu năm đến, giá xăng dầu bán lẻ được điều chỉnh và chỉ tính riêng từ đầu tháng 5 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 2 lần. Theo một số chuyên gia kinh tế, việc giảm giá lần này là chuyện đương nhiên, vì trong những ngày qua giá xăng, dầu trên thế giới liên tục giảm và giảm sâu, cụ thể ngày 9.5 giá xăng tại Singapore là 12,82USD/thùng, ngày 15.5 xuống thấp nhất còn 114,61USD/thùng và tại thời điểm ngày 22.5 giá là 115,63USD/thùng. Ngoài ra, giá dầu thô cũng liên tục giảm ngày 23.5 được coi là thấp nhất 91,01USD/thùng. Cùng đó, thuế nhập khẩu cũng được điều chỉnh tăng thêm 2% với A92 và 1% với dầu diesel, thuế nhập khẩu dầu hỏa và madút tăng thêm 2% (từ 3% lên 5%). Theo Bộ Tài chính, việc giảm giá và tăng thuế xăng dầu là do giá thế giới đã giảm nhiệt nên xăng dầu trong nước đã có lãi. Theo tính toán hiện xăng A92 đang lãi 904đ/lít, diesel lãi 576đ/lít, dầu hỏa 624đ/lít và madút lãi 620đ/lít.
Từ 15h30, giá xăng đã giảm 600 đồng (ảnh chụp lúc 16h ngày 23.5). Ảnh: Kỳ Anh |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN: “Hai đợt giảm giá xăng trong tháng 5 còn rất hạn chế, chưa có nhiều tác động tích cực đến sản xuất. Có thể một số DN taxi sẽ tính đến việc giảm cước, nhưng giảm không nhiều và không sâu”. Theo phân tích của ông Hùng, trong năm 2012, hai đợt tăng giá xăng tổng cộng 3.000đ/lít nhưng mới giảm được 1.100đ/lít, còn giá dầu diesel tăng 1.500đ/lít cũng mới hạ được 600đ/lít sau hai lần giảm giá. Việc giảm giá hai đợt như vậy theo ông Hùng chưa thể tác động nhiều đến các DN sản xuất, cũng như DN vận tải so với mức tăng giá hồi đầu năm. Cụ thể, đối với DN vận tải taxi đã một lần điều chỉnh giá cước với mức giảm giá tổng cộng 1.100đ/lít có thể một số hãng sẽ điều chỉnh mức giá để tăng tính cạnh tranh, nhưng không nhiều. Còn vận tải hành khách và hàng hóa chạy bằng dầu diesel sau hai lần giảm vẫn chưa quay lại mức cũ, nên chưa thể giảm ngay được.
Cũng theo ông Hùng, nhìn tổng thể khi giá xăng giảm, Nhà nước tăng thuế xăng dầu là hợp lý, nhưng trong thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng nên tính toán để giảm giá xăng sâu hơn, hỗ trợ cho DN sản xuất. Ông Hùng cho rằng: “Trong bối cảnh DN đang gặp nhiều khó khăn, nếu có thể vực dậy được sản xuất nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng lên”. Đồng quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cũng cho rằng, mức giảm giá xăng hiện tại chưa phù hợp. Ông Liên cho hay: “Theo đà giảm của giá xăng dầu thế giới thì mức giảm giá của mình chưa phù hợp. Nhà nước đã cố gắng giảm giá xăng là tốt, nhưng hạ xuống một nấc nữa các DN vận tải sẽ phải hạ giá cước. Còn giảm như hiện nay sẽ chưa tác động nhiều đến chi phí đầu vào của DN vận tải”. Theo ông Liên, DN vận tải sẽ chưa tính đến phương án giảm giá ngay, hiện có nhiều DN vận tải đang gặp khó khăn, vắng khách, thậm chí xe còn phải bỏ bến nên chưa thể phản ứng ngay được.
-
05-2012Về mức giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Đã tính toán...
-
05-2012Sẽ giảm giá xăng hết mức để “hỗ trợ” kìm lạm phát
-
05-2012Khách bất tỉnh, nhà xe đẩy xuống đường?
-
05-2012Xăng A83 bị phù phép ?
-
05-2012Doanh nghiệp xăng dầu lãi 2.100 đồng/lít xăng
-
05-2012KIẾN NGHỊ CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH