017/TVHH

Thứ Tư, 09/05/2012, 09:38

   

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

----------

Số: 017/TVHH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

                    Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2012

 

 

      Kính gửi: Ông Vương Đình Huệ – Bộ trưởng Bộ Tài chính

   Sau khi tập hợp đề nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Doanh nghiệp vận tải ôtô trong cả nước và đề nghị của các đại biểu dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam họp ngày 23 - 03 - 2012. Hiệp hội xin kính chuyển tới Bộ trưởng các đề nghị sau:

1. Rà soát lại các loại thuế và phí để giảm áp lực đối với ngành vận tải ôtô.

Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ôtô đang phải nộp rất nhiều loại thuế và phí: Thuế nhập khẩu ôtô; Thuế tiêu thụ đặc biệt; Thuế VAT; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Phí trước bạ; Phí đăng ký cấp biển số; Phí xăng dầu; Phí bình ổn giá xăng dầu; Phí kiểm định ôtô; Phí bảo hiểm; Phí trông giữ xe và trong thời gian tới sẽ phải nộp thuế bảo vệ môi trường và phí bảo trì đường bộ. Các loại thuế và phí đều theo xu hướng tăng về mức thu, làm tăng áp lực tới ngành vận tải ôtô.

Thuế và phí tăng sẽ làm tăng giá thành vận tải, do đó sẽ tăng giá cước vận tải, tác động không tốt tới lạm phát và an sinh xã hội, mặt khác sẽ làm giảm sức cạnh tranh khi thực hiện hiệp định vận tải song phương và đa phương  đối với các nước trong khu vực.

Gánh chịu nhiều loại thúê và phí quá cao đã làm cho năng lực của ngành vận tải ôtô ngày càng giảm sút, nhiều DN trong nhiều năm không đầu tư thêm xe, thậm chí nhiều DN phải bán bớt xe (có DN bán xe nhưng không có người mua)., cho xe chạy cầm chừng, thậm chí một số xe đã dừng hoạt động. Năng lực của ngành vận tải ôtô đã giảm sút từ 20-30%.

Để giúp ngành vận tải ôtô từng bước hồi phục, tăng sức cạnh tranh và giảm sự đóng góp của dân. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trân trọng đề nghị:  

Các cơ quan quản lý nhà nước rà soát lại các loại thuế và phí, loại thuế và phí nào quá cao hoặc chưa hợp lý thì cho điều chỉnh, cụ thể như sau:

-  Giảm thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô để có giá mua ôtô ở Việt Nam ngang bằng với giá mua ôtô ở các nước trong khu vực.

-  Giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5%; Giảm thuế thu nhập DN từ 23% xuống còn 20%, bỏ thuế thu nhập cá nhân 5% đối với cổ tức của các cổ đông tại công ty CP, Công ty TNHH.

-  Bỏ phí bình ổn giá xăng dầu để giảm giá bán xăng dầu.

2. Cần có các quy định cụ thể, phù hợp với sức chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải, của người dân và đảm bảo sự công bằng khi thực hiện Nghị định 18/2011/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ.

Để bổ sung nguồn vốn Ngân sách thiếu trong công tác bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải ô tô đồng ý đóng phí bảo trì đường bộ.

Ngay từ khi tham gia ý kiến xây dựng đề án Quỹ bảo trì đường bộ, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị: để đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng đường bộ, đề nghị thu Quỹ bảo trì đường bộ gián tiếp qua giá xăng dầu. Đến nay Chính phủ đã có Nghị định 18/2011/NĐ-CP, quy định thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện.

Để phù hợp với sức chịu đựng của các đơn vị vận tải và người dân trong lúc kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn và giảm bớt sự thiếu công bằng trong việc nộp phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị:

-  Khi thực hiện phí bảo trì đường bộ đề nghị bỏ phí xăng dầu vì thực chất phí xăng dầu là phí giao thông..

- Trong Thông tư hướng dẫn về thu phí bảo trì đường bộ, đề nghị hướng dẫn cụ thể về phí bảo trì đường bộ đối với ôtô dừng hoạt động hoặc ôtô hoạt động ít.

- Giảm hoặc miễn đóng phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô Buýt.

- Trước mắt nên có mức thu vừa phải để phù hợp với mức thu nhập hiện nay của dân.

- Phí bảo trì đường bộ phục vụ cho công tác bảo trì và quản lý hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ, trong khi đó hiện nay đã có 31 trạm thu phí BOT. Với chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng giao thôngthì sẽ có thêm nhiều trạm thu phí BOT. Mức thu phí của các trạm BOT vừa thu để hoàn vốn, vừa thu để bảo trì đường bộ, do đó phương tiện đi trên đường BOT phải nộp phí 02 lần; Đề nghị loại bỏ phí bảo trì đường bộ trong mức thu phí qua trạm BOT.

3. Đề nghị không thu phí hạn chế xe cá nhân

Hiện nay cả nước có khoảng trên 61.000 ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống và trên 35 triệu xe máy. Do vận tải hành khách công cộng phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đi lại của dân nên số xe máy đã tăng quá nhanh. Người sử dụng xe máy số đông là cán bộ công nhân viên và người có thu nhập thấp hoặc trung bình, do đó không nên thu phí đối với xe máy. Khi vận tải công cộng phát triển thì xe máy sẽ giảm.

Trong số ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì đã có trên 50.000 ô tô được sử dụng cho hoạt động taxi và dạy nghề lái xe ô tô. Số xe này hoạt động theo luật doanh nghiệp, đã nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó thu phí hạn chế xe cá nhân đối với loại xe này là không hợp lý, có nguy cơ làm phá sản nhiều doanh nghiệp hoặc làm tăng cước vận tải, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, phí trước bạ, phí đăng ký cấp phép biển số và một số loại phí khác đã thực sự có tác dụng giảm xe cá nhân, do đó không cần thêm phí hạn chế xe cá nhân.

Riêng việc thu phí xe vào trung tâm thành phố vào giờ cao điểm, các đơn vị vận tải đồng tình.

Đường đô thị của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hệ thống đường theo hình bàn cờ do đó cần có 1 đề án nghiên cứu và điều tra cụ thể địa điểm đặt các trạm thu phí; hình thức thu phí để không bị ùn tắc giao thông ngay tại các trạm thu phí.

4. Sửa đổi bổ sung thông tư 72/2011/TTLT – BTC – BGTVT quy định mức học phí tối thiểu để đảm bảo chương trình đào tạo

Để thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo lái xe cơ giới đường bộ góp phần giảm tải tai nạn giao thông đề nghị sửa đổi bổ sung thông tư 72/2011/TTLT – BTC – BGTVT về quy định và quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ theo hướng quy định mức học phí tối thiểu để đảm bảo chương trình đào tạo.

5. Có chính sách hỗ trợ xây dựng các bến xe khách và trạm dừng nghỉ dọc đường.

Bến xe khách và trạm dừng nghỉ là nơi chuẩn bị và phục vụ cho vận chuyển hành khách.

Bến xe khách đã được xây dựng và hoạt động từ lâu, do mở rộng đô thị, một số bến xe khách nằm ngay trung tâm thành phố, thị xã đã trở thành khu đất vàng để các tỉnh, thành phố chuyển một số bến xe khách ra ngoại thành, chuyển giao mặt bằng để xây dựng các trung tâm thương mại gây khó khăn cho các bến xe, cho hoạt động vận tải và hành khách đi xe.

Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, bến xe khách là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do đó cần có chính sách ưu đãi; đặc biệt ưu đãi về sử dụng đất để sớm có hệ thống bến xe khách khang trang hiện đại.

Với chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quản quản lý nhà nước, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin báo cáo Bộ trưởng những đề nghị trên, mong được Bộ trưởng xem xét giải quyết.

 

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Các Uỷ viên BCH Hiệp hội “để biết”;

- Chủ tịch các Hiệp hội cơ sở “để biết”;

- Lưu VPHH.

TM.BAN THƯỜNG VỤ

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM

Chủ tịch

 

(ĐÃ KÝ)

 

 

       Nguyễn Mạnh Hùng

 



facebook
Các tin khác
Xem theo ngày: