Tình hình hoạt động của Hiệp hội tại nhiệm kỳ III và phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ IV
HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM -------------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc -------------------------------- Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2012 |
BÁO CÁO TỔNG KẾT
HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM
NHIỆM KỲ III (2008-2013) VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ
NHIỆM KỲ IV (2013÷2018)
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa đại hội!
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 552/QĐ/TCCB-LĐ ngày 22 tháng 3 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 197/TCCB-TC ngày 01 tháng 6 năm 1996 của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, đến Đại hội lần thứ IV này đã tròn 17 năm và đã qua 4 kỳ Đại hội.
Trải qua 17 năm xây dựng và trưởng thành, hôm nay Đại hội vui mừng nhận thấy Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tại Đại hội lần thứ Nhất họp ngày 22 tháng 8 năm 1997, Hiệp hội mới có 73 doanh nghiệp hội viên, chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, chưa có Hiệp hội cơ sở và 26 hội viên tư vấn là những cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành. Đại hội lần này, chúng ta đã có 46 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực, với gần 1.500 hội viên bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải. Công ty SX lắp ráp Thiết bị GSHT, Công ty TNHH quốc tế phân phối xe ôtô, Các trường, Trung tâm đào tạo nghề; Các cơ quan Bảo hiểm, Đăng kiểm, Ngân hàng; Các cửa hàng Xăng dầu, săm lốp ôtô ...trên phạm vi toàn quốc. Trực thuộc Hiệp hội còn có Tạp chí Vận tải ôtô, Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô và 4 cơ quan đại diện: CQĐD Miền Trung tại Đà Nẵng, Miền Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai và cơ quan đại diện Miền Tây Nam bộ, đặt tại thành phố Cần Thơ. Về cơ sở vật chất, lúc đầu nơi làm việc của Hiệp hội phải nhờ Văn phòng Cục Đường bộ Việt Nam (Nay là Tổng cục ĐBVN), sau đó đi thuê nhà làm việc tại phố Hào Nam. Đến cuối năm 2011, Hiệp hội đã mua được một căn hộ chung cư làm trụ sở chính thức của Hiệp hội tại toà nhà 198, phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Kính thưa các vị khách quý!
Kính thưa Đại hội!
Tại Đại hội lần thứ III Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã quyết nghị mục tiêu và 10 nhiệm vụ cụ thể hoạt động của giai đoạn 2008-2013 với những nội dung chủ yếu:
Mục tiêu: “ Phát triển-Chất lượng-An toàn -Hợp tác-Hiệu quả”.
Nhiệm vụ chủ yếu:
- Phát triển hội viên ở tất cả các thành phần kinh tế, ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tập hợp được ít nhất 75% số doanh nghiệp vận tải là hội viên của Hiệp hội và 75% tỉnh và thành phố có tổ chức cơ sở của Hiệp hội.
- Nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội là đẩy mạnh hoạt động của tổ chức cơ sở, các Hiệp hội cơ sở cần khẩn trương đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để đem lại hiệu quả thiết thực, hấp dẫn hội viên.
- Tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chiến lược phát triến vận tải ôtô và chính sách liên quan đến vận tải ôtô, xây dựng chương trình hoạt động hỗ trợ hội viên về định hướng phát triển bảo đảm bền vững với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
- Tuyên truyền hướng dẫn hội viên chấp hành đúng chính sách và quy định của pháp luật, nhất là cơ chế chính sách liên quan đến ngành vận tải ôtô. Xây dựng phong trào thi đua “Giữ xe tốt, lái xe an toàn”, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia phát động phong trào thi đua giành danh hiệu “Doanh nghiệp vận tải bảo đảm an toàn giao thông”, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
- Đẩy mạnh các họat động nhằm giúp các hội viên tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài để nâng cao hiệu quả kinh tế dịch vụ vận tải. Thúc đẩy quá trình tích tụ để từng bước hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, làm nòng cốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải ôtô.
Tại Đại hội này chúng ta cùng kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động của Hiệp hội trong 5 năm qua, đồng thời quyết định mục tiêu và nhiệm vụ của 5 năm tới ( nhiệm kỳ 2013-2018).
PHẦN THỨ NHẤT
5 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM ( 2008-2013)
I- NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH VẬN TẢI ÔTÔ TRONG 5 NĂM QUA ĐÃ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM.
5 năm qua, tình hình khủng hoảng tài chính và những biến động chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước ta. Cụ thể là lạm phát và mặt bằng laĩ suất tăng cao, hàng tồn kho nhiều, sức mua giảm, giá cả các yếu tố đầu vào đều tăng đã làm cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Trước những khó khăn và thách thức; Đảng, Chính phủ đã ban hành những chủ trương, chính sách, động viên toàn quân và toàn dân ta phấn đấu nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Gắn tăng trưởng kinh tế với chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế. Nhờ đó, trong suốt thời kỳ qua, kinh tế Việt Nam tuy chịu tác động lớn của tình hình lạm phát toàn cầu và các quốc gia trong khu vực, nhưng đã có những chuyển biến và đạt kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần, thu ngân sách tăng cao, bội chi giảm, lãi suất ngân hàng đang giảm dần. Các doanh nghiệp lớn đang có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, đầu tư công bị cắt giảm, giá các yếu tố đầu vào vẫn còn đứng ở mức cao so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Giá xăng dầu thế giới luôn biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành vận tải ôtô. Không những thế, ngành vận tải ôtô còn chịu tác động mạnh của các chính sách thuế và phí không ổn định và luôn trong xu hướng tăng đã làm cho năng lực sản xuất cũng như cạnh tranh của ngành ngày càng bị sụt giảm.
Năm năm qua cũng là thời kỳ chúng ta thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và triển khai thực hiện các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật như: Nghị định 91/2009/NĐ-CP; Nghị định 34-2010/NĐ-CP; Thông tư 14/2010 của Bộ GTVT...Thời kỳ đầu triển khai DN gặp một số khó khăn về những quy định mới trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, về tải trọng trục, tải trọng cầu đặc biệt là cách tính tải trọng của xe đầu kéo kéo sơmirơmoóc khi qua cầu. Những tồn tại về trạm thu phí dày đặc không đúng với Thông tư 90 của Bộ Tài chính, thu sai đối tượng, mức thu quá cao, thu phí cả khi cầu đường chưa làm xong và một số thủ tục hành chính đã gây cho doanh nghiệp nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau các đợt tập huấn triển khai thực hiện của Tổng cục ĐBVN và Hiệp hội VTOT VN, các cuộc hội thảo, các hội nghị của BCH Hiệp hội. Hiệp hội VTOT VN đã tập hợp ý kiến, kiến nghị của DN Hội viên báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan. Sau đó, các văn bản QPPL nói trên đã được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và dần đi vào cuộc sống. Về phía các doanh nghiệp vận tải ôtô, mặc dù gặp nhiều khó khăn vẫn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong tổ chức vận tải. Chú trọng công tác đổi mới tổ chức và quản lý theo hướng gọn nhẹ. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, từng bước đổi mới cơ cấu đoàn xe. Áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành, lắp đặt thiết bị GSHT. Đa dạng hoá phương thức vận tải và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tăng cường các mặt quản lý để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Vì vậy, vận tải hành khách, xe buýt và taxi đã đảm bảo được nhu cầu đi lại của nhân dân. Vận tải hàng hoá đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển phục vụ các ngành kinh tế và phân phối lưu thông trong xã hội. Các bến xe cơ bản được củng cố, trật tự vận tải đang dần đi vào nề nếp...
II- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH VẬN TẢI ÔTÔ VÀ CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ VIỆT NAM TRONG 05 NĂM (2008 – 2013)
1. Phát triển hội viên, thành lập các Hiệp hội vận tải ôtô các tỉnh, thành phố và đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt các Hiệp hội cơ sở là sức mạnh của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.
Như phần trên đã trình bày, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam là một trong số ít các Hiệp hội ngành nghề được thành lập và đi vào hoạt động trong thời kỳ đổi mới kinh tế theo Quyết định số 38/HĐBT ngày 10/4/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Từ 73 hội viên khi mới thành lập. Đến Đại hội lần thứ II, đã có 18 Hiệp hội cơ sở với 233 thành viên. Tại Đại hội lần thứ III (2008) có 28 Hiệp hội cơ sở với 614 thành viên. Đến nay Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có 46 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực với gần 1.500 hội viên và 04 văn phòng đại diện tại Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên và thành phố Cần Thơ. Cuối năm 2011, Hiệp hội đã kiện toàn Ban Thường vụ, Ban Chấp hành để tăng cường tính tổ chức và hiệu lực lãnh đạo; Chỉ đạo một số Hiệp hội cơ sở tiến hành đại hội, kiện toàn ban Chấp hành, đề ra phương hướng nhiệm vụ sát với yêu cầu công tác để hoạt động được tốt như: Đại hội Hiệp hội Vận tải hàng hoá đường bộ Hải Phòng, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Bến xe Khách... Đa số Hiệp hội cơ sở giữ được nề nếp sinh hoạt của BCH năm 2 kỳ và toàn thể hội viên hàng năm. Nội dung sinh hoạt tập trung vào những vấn đề thiết thân của doanh nghiệp để phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề để giải quyết những bức súc của doanh nghiệp như về biển báo hiệu, tải trọng cầu đường, hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe, các trạm thu phí cầu đường, các thủ tục hành chính chưa phù hợp. Hiệp hội Vận tải hàng hoá ĐB Hải Phòng đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo có sự tham gia của các cơ quan chức năng của Thành phố và của Hiệp hội các tỉnh bạn. Hiệp hội còn cử đoàn cán bộ đi gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có tuyến vận tải chủ yếu bằng container của Hải Phòng đi qua, để bàn thảo cách thức phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động được thuận lợi. Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội thành lập “Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi hành khách đi ôtô”, nhằm cung cấp các văn bản pháp luật và tư vấn pháp luật để giải quyết các tranh chấp dân sự, cung cấp thông tin để hội viên nâng cao năng lực, trình độ quản lý và định hướng phát triển bền vững. Trung tâm còn là cầu nối giữa các thành viên với các dự án đầu tư hạ tầng và đơn vị nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ KHKT, bảo vệ môi trường. Hiệp hội Vận tải hàng hoá Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật đồng thời với chức năng là tiếng nói của cộng đồng các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội luôn nêu cao vai trò phản biện trong tham gia xây dựng các chính sách, các văn bản pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 91/CP, Nghị định 34/CP và các Thông tư của các Bộ, ngành về vận tải. Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo trong khu vực và có những cuộc hội thảo mang tính toàn quốc như cuộc hội thảo tham gia góp ý Thông tư của Bộ Tài chính về Xây dựng, quản lý Quỹ bảo trì đường bộ. Hiệp hội đã mời Hiệp hội Vận tải hàng hoá ĐB Hải Phòng và Hiệp hội VTHH ĐB Đà Nẵng về dự để cùng chung tiếng nói xây dựng cho văn bản được hoàn thiện... Ngoài ra các Hiệp hội cơ sở trong toàn quốc còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện như: Quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật bản bị động đất, sóng thần. Giúp đỡ đồng bào khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị lũ lụt...
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 72/SL thành lập Sở Vận tải tiền thân của ngành Vận tải ôtô Việt Nam. Hiệp hội đã phát động phong trào hướng về cội nguồn. Vận động các DN và hội viên ủng hộ kinh phí xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm (tại xã Phú Xuyên, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh số 72/SL thành lập Sở Vận tải. Tặng trường Tiểu học Phú Xuyên, Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên 600 triệu đồng góp phần vào việc xây dựng một nhà 2 tầng, 8 phòng học. Ngoài ra còn, trang bị một phòng gồm 10 máy vi tính, mua sắm bàn ghế của 12 phòng học tặng các cháu học sinh nhà trường. Hiệp hội còn phối hợp với Tổng cục ĐBVN tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ ký sắc lệnh số 72/SL. Về dự có Thứ trưởng Bộ GTVT và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Các cán bộ lão thành; Đại diện lãnh đạo các Sở GTVT khu vực phía Bắc và hàng trăm hội viên của Hiệp hội. Các Hội viên còn tích cực hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ kinh phí giúp cho Hiệp hội mua căn hộ chung cư làm trụ sở chính thức của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (tổng số tiền quyên góp ủng hộ được gần 300 triệu đồng) Cũng trong năm 2011, Hiệp hội đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và triển khai nhiệm vụ những năm còn lại của nhiệm kỳ 2008-2013. Về dự có gần 300 đại biểu đại diện cho hơn 1000 DN hội viên trên phạm vi tòan quốc. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã về dự và trao cho Hiệp hội Bức trướng mang dòng chữ: “Bộ Giao thông vận tải tặng Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, 15 năm xây dựng và trưởng thành, 1996-2011”, Bộ GTVT cũng đã tặng 03 Bằng khen của Bộ cho Hiệp hội và 2 Hiệp hội cơ sở là Hiệp hội Vận tải hàng hoá Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Vận tải ôtô khu vực phía Bắc. Qua lễ kỷ niệm đã làm cho hội viên nâng cao lòng tự hào về truyền thống xây dựng và trưởng thành của Hiệp hội. Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, chức năng của Hiệp hội, cùng nhau đoàn kết xây dựng Hiệp hội vững mạnh.
2. Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền hướng dẫn hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên đã tạo cho Hiệp hội thực sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước và là chỗ dựa của các doanh nghiệp hội viên.
Đây là một nhiệm vụ luôn được Hiệp hội đặt thành công tác trọng tâm, thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ, nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên ngay từ khi xây dựng các văn bản và trong quá trình tổ chức thực hiện. Đó là tham gia xây dựng Luật và các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn thi hành văn bản QPPL thuộc lĩnh vực vận tải đường bộ như: Tham gia xây dựng Luật GTĐB năm 2001, 2008; Tham gia xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu với Bộ Công thương; Tham gia xây dựng Hiệp định vận tải đường bộ Việt-Lào; Tham gia ý kiến với Phòng TM & CN Việt Nam-VCCI sửa đổi Nghị định 88/CP, xây dựng Nghị định 45/2010/NĐ-CP về “Tổ chức, hoạt động và quản lý Hội”; Tham gia ý kiến về đề án xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ; Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điêù kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; Nghị định bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Các Thông tư về tải trọng và khổ giới hạn đường bộ; Niên hạn sử dụng xe ôtô; Tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô; Giá cước và vé ôtô khách; Bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Quy định kiểm tra chất lượng thiết bị giám sát hành trình và các văn bản hướng dẫn thi hành luật khác. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam là thành viên tích cực tham gia các buổi góp ý xây dựng dự thảo và tổ chức hội nghị tại nhiều khu vực để tuyên truyền phổ biến đồng thời tập hợp ý kiến của hội viên, đóng góp ý kiến với Bộ GTVT. Những ý kiến của Hiệp hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng các văn bản, vừa bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, vừa nâng cao vai trò quản lý chuyên ngành của các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương.Tháng 11 năm 2010, Hiệp hội đã tham mưu cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan tham mưu của Bộ và Tổng cục Đường bộ Việt Nam với đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội cơ sở trong toàn quốc để tham gia ý kiến vào các văn bản QPPL đề nghị được sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ liên quan về chính sách bình ổn giá xăng dầu; Kiến nghị rà soát hệ thống các trạm thu phí đường bộ nhất là các trạm thu phí hoàn vốn BOT, hiện vừa quá dày đặc vừa đặt không đúng đoạn đường mà nhà đầu tư xây dựng nhằm thu phí hoàn vốn, lại thu ở mức quá cao, quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp vận tải (điển hình là Trạm thu phí Tào Xuyên, Thanh Hoá). Kiến nghị về chính sách thuế nhập khẩu và các loại phí về ôtô để giá xe ôtô của Việt Nam không quá đắt như hiện nay (hiện đang đắt gấp 2-3 lần, tuỳ loại, so với các nước trong khu vực và trên thế giới). Gây khó khăn cho doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới phương tiện, làm tăng chi phí vận tải, giảm tính cạnh tranh của cả nền kinh tế, làm chậm sự phát triển của nền công nghiệp ôtô nước nhà. Nhiều ý kiến đã được các cơ quan tham mưu đưa vào văn bản chính thức trình Chính phủ. Một số ý kiến đã được điều chỉnh, bổ sung khi ban hành các chính sách như: Giảm thuế VAT xuống còn 5% năm 2009, giảm 50% phí trước bạ xe ôtô dưới 10 chỗ ngồi từ tháng 5/2009 đến hết tháng 12/ năm 2009; Điều chỉnh tăng tải trọng xe ôtô đầu kéo kéo sơmirơmoóc có tổng số trục từ 6 trục trở lên từ 40 tấn lên 48 tấn, tải trọng trục cho phép mức vượt từ 1 lên 1,15 lần so với quy định. Điều chỉnh chiều cao xếp hàng từ 4,2m lên 4,35m; Điều chỉnh thời hạn đổi bằng lái xe FC đối với lái xe đầu kéo kéo sơmirơmoóc và lùi thời hạn xử phạt đối với xe chưa kịp lắp thiết bị giám sát hành trình do mốc thời gian quá ngắn kể từ khi Bộ GTVT công nhận hợp quy của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị. Đối với Quỹ bảo trì đường bộ, ngay từ khi tham gia ý kiến xây dựng đề án thành lập Quỹ. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị: §ể đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng đường bộ, đề nghị thu Quỹ bảo trì đường bộ gián tiếp qua giá xăng dầu. Sau khi Chính phủ có Nghị định 18/2012/NĐ-CP, quy định thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện. Hiệp hội tiếp tục kiến nghị: Để đảm bảo sự công bằng trong sử dụng đường bộ, đơn giản bộ máy thu và chống thất thu. Nếu được, Hiệp hội đề nghị sửa Nghị định 18/2012/NĐ-CP chuyển việc thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện sang thu gián tiếp qua giá xăng dầu. Mức thu cần phù hợp với sức chịu đựng của các đơn vị vận tải và người dân trong lúc kinh tế đang còn gặp nhiều khó khăn và giảm bớt sự thiếu công bằng trong việc nộp phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện. Không thu phí theo chu kỳ đăng kiểm tránh tình trạng thu trước của dân, DN vừa phải chịu lãi suất NH để đầu tư phương tiện vừa chịu lãi suất ngân hàng để nộp phí BTĐB. Không thu phí đối với Rơmoóc và Sơmirơmoóc vì bản thân loại phương tiện này không gắn động cơ, không thể tự hành khi không có xe ôtô kéo. Giảm hoặc miễn đóng phí bảo trì đường bộ đối với xe ô tô buýt, xe đạp điện. Mức thu phí của các trạm BOT hiện nay vừa thu để hoàn vốn, vừa thu để bảo trì đường bộ, do đó phương tiện đi trên đường BOT phải nộp phí 02 lần. Đề nghị loại bỏ phí bảo trì đường bộ trong mức thu phí qua trạm BOT.
Việc thu phí hạn chế xe cá nhân, Hiệp hội cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị và thể hiện quan điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng là: Hiện nay, cả nước có khoảng trên 61.000 ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống và trên 35 triệu xe máy. Người sử dụng xe máy số đông là cán bộ công nhân viên và người có thu nhập thấp hoặc trung bình, do đó không nên thu phí đối với xe máy.
Trong số ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì đã có trên 200.000 ô tô được sử dụng cho hoạt động taxi và dạy nghề lái xe ô tô. Số xe này hoạt động theo Luật doanh nghiệp, đã nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó thu phí hạn chế xe cá nhân đối với loại xe này là không hợp lý, có nguy cơ làm phá sản nhiều doanh nghiệp hoặc làm tăng cước vận tải, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Những năm gần đây, Bộ GTVT cho hoạt động trở lại một số trạm kiểm tra tải trọng xe nhằm hạn chế xe quá tải trọng lưu thông, làm hư hại cầu đường, hư hỏng phương tiện và gây tai nạn giao thông. Hiệp hội đồng tình việc thiết lập lại các trạm cân tải trọng xe, nhưng đề nghị quy hoạch lại, đưa trạm về các đầu mối hàng hoá và đầu mối giao thông, đồng thời hiện đại hoá các trạm cân để công tác kiểm tra tải trọng được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, tránh tiêu cực. Đối với tải trọng cầu đường Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam kiến nghị đối với những xe có tổng trọng tải thấp hơn quy định nhưng trong quá trình vận chuyển hàng hoá có thể xê dịch làm cho tải trọng từng trục cao hơn quy định là không vi phạm quy định về tải trọng cầu đường. Tuy vậy Hiệp hội vẫn luôn khuyến cáo với doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, nắm chắc tình hình thực tế, chọn phương tiện vận tải phù hợp, xác định cụ thể tuyến đi và đề nghị các Khu QLĐB cấp Giấy lưu hành xe quá tải theo tuyến và thời gian cụ thể.
Trong nhiều năm qua, tình trạng xe vận tải hàng hoá và hành khách hoạt động bất hợp pháp vẫn đang tồn tại ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng dẫn đến mất cân đối cung cầu và rối loạn trong vận tải. Nhiều doanh nghiệp phải hạ giá để cạnh tranh trong khi chi phí đầu vào luôn tăng cao, nhiều lái xe buộc phải chở hàng quá tải, chấp nhận rủi ro về an toàn giao thông và bị xử phạt, tình trạng tâm lý khá phổ biến là “biết vi phạm mà vẫn phải làm” để bù đắp những chi phí cho những tiêu cực trên đường. Những tồn tại đã trở thành biến đó đã gây tổn hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm mất trật tự xã hội và an toàn giao thông. Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý sớm có những giải pháp hữu hiệu hơn, minh bạch hơn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, nhằm lập lại trật tự cho ngành vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng đối với doanh nghiệp vận tải.
Luật GTĐB quy định bến xe là cơ sở hạ tầng của ngành GTVT, có nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện các quy định về vận tải của cơ quan quản lý Nhà nước và bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng đến nay, quỹ đất để xây dựng bến xe cũng như việc quy hoạch mạng lưới bến xe của các tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng bến xe. Công tác quản lý bến xe cũng chưa thống nhất, có nơi trực thuộc Sở GTVT, có nơi thuộc Phòng GT các huyện hoặc thuộc công ty. Hiệp hội đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN cho rà soát các luồng tuyến vận tải khách để có mạng lưới vận tải phù hợp không chồng chéo; Công tác quy hoạch bến xe phải được xây dựng dài hạn. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, kinh phí đền bù cần giao cho chính quyền địa phương đảm nhận.
3. Bảo đảm an toàn giao thông, vừa có ý nghĩa xã hội, vừa có ý nghĩa kinh tế, là một nhiệm vụ trọng tâm đã được Hiệp hội phối hợp với các cơ quan, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam luôn xác định bảo đảm an toàn giao thông vừa có tính xã hội vừa có tính kinh tế. Trong vận tải ôtô, bảo đảm được an toàn làm giảm chi phí vận tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã nhiều lần phối hợp với văn phòng thường trực UBATGT Quốc gia, với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục CSGT ĐB-ĐS, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo như: “Doanh nghiệp vận tải ôtô với an toàn giao thông đường bộ”, “An toàn giao thông-trách nhiệm của chủ doanh nghiệp” nổi bật là tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc, trong đó có cuộc thi “Lái xe với an toàn giao thông, đạo đức nghề nghiệp của lái xe” đã thu hút được một số Tổng công ty, tập đoàn vận tải tham gia như: Tổng công ty vận tải Hà Nội, Tập đoàn Mai Linh, Tập đoàn Hoàng Long và Công ty Hoàng Hà Thái Bình. Kết quả Công ty Hoàng Hà đạt giải nhất. Cuộc thi được tổ chức tại trường quay của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và được tuyên truyền rộng rãi, gây dư luận tốt trong công chúng. Cuối năm vừa qua, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ tổ chức cuộc hội thảo “Tai nạn giao thông-thực trạng và giải pháp” gồm 2 nội dung chính: “Tai nạn giao thông –tìm nguyên nhân từ công tác tổ chức vận tải và quản lý, sử dụng lái xe”, “ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với tai nạn giao thông” tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các cuộc hội thảo nói trên đã có hàng trăm đại biểu của doanh nghiệp vận tải và Hiệp hội vận tải cũng như đại biểu các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng về GTVT đường bộ tham gia. Từ các cuộc hội thảo của Hiệp hội trung ương, các Hiệp hội cơ sở như Hiệp hội Vận tải hàng hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng cũng đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo nhằm làm rõ hơn các vấn đề cụ thể tại địa phương mình. Hưởng ứng “Năm an toàn giao thông-2012” Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã phát động trong toàn quốc phong trào thi đua đối với laí xe, thực hiện “ 7 không”: Không chạy quá tốc độ quy định; Không chạy lấn làn đường; Không chở quá tải trọng; Không uống rượu bia và chất kích thích khi lái xe; Không chở hàng cấm và hàng dễ cháy nổ khi không được cấp phép; Không điều khiển xe khi xe không đảm bảo kỹ thuật; Không dừng đỗ xe sai nơi quy định. Những việc làm đó đã góp một tiếng nói chung cho việc đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông trên phạm vi toàn quốc.
Trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam luôn đánh giá cao và coi trọng vai trò của người lái xe. Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất và được UB ATGT Quốc gia chấp thuận cho tổ chức 3 cuộc thi lái xe giỏi toàn quốc đạt kết quả tốt. Nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất, xây dựng đề án phát động trên toàn quốc phong trào: Thi đua giành danh hiệu “Doanh nghiệp đảm bảo an toàn giao thông” và “Lái xe an toàn”. Hai phong trào này đã được Uỷ ban ATGT Quốc gia, Tổng liên đoàn LĐVN giao cho Công đoàn GTVT Việt Nam phối hợp với Văn phòng UB ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tổ chức thực hiện. Ngày 07 tháng 12 năm 2012 đã tổ chức trọng thể lễ tuyên dương 75 doanh nghiệp và 10 cá nhân trên phạm vi toàn quốc, đạt thành tích xuất sắc tại Hà Nội.
Hiệp hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải trong cơ chế thị trường. Tổ chức các đợt tập huấn cho các giảng viên của doanh nghiệp và Hiệp hội cơ sở trên phạm vi toàn quốc về nghiệp vụ chuyên môn, về truyền thống của Ngành và về công tác ATGT để các hạt nhân này về tổ chức tập huấn cho công nhân lái xe của cơ sở mình. Hiệp hội còn kiến nghị với cơ quan chức năng nhanh chóng thay đổi cơ chế khoán để người lái xe chuyên tâm hơn vào nhiệm vụ đảm bảo ATGT. Tạp chí Vận tải ôtô đã thường xuyên giới thiệu các văn bản QPPL, các chỉ thị, nghị quyết của cơ quan cấp trên về ATGT, nhằm giúp cơ sở cập nhật thông tin, những dự báo về tình hình kinh tế, xã hội để đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh và các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.
4. Thường xuyên tổng hợp tình hình kinh tế để đưa ra những dự báo nhằm khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội luôn coi trọng việc thu thập, tổng hợp thông tin nhất là những thông tin kinh tế trong nước và thế giới nhằm đưa ra những dự báo về cơ chế chính sách, về tình hình sản xuất kinh doanh, thời tiết. Cụ thể như: Trong tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, nhu cầu vận chuyển người và hàng hoá giảm, lãi xuất ngân hàmg ngày càng cao. Hiệp hội đã khuyến cáo doanh nghiệp cần tập trung củng cố chất lượng phương tiện hiện có để tăng năng lực vận tải. Chỉ đầu tư thêm phương tiện khi đã có nhiệm vụ bằng vốn tự có, hạn chế tối đa vay ngân hàng. Tình hình nhiên liệu của ta hiện phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới trong khi nhà nước còn 2 công cụ là: Thuế nhập khẩu và Quỹ bình ổn giá bán lẻ xăng dầu. Riêng thuế nhập khẩu có thể đưa về không nhưng quỹ có thể điều chỉnh tới 20%. Do đó, Hiệp hội dự báo giá nhiên liệu ít có khả năng giảm sâu, trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm 45%. Để nâng hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, HTX, Hiệp hội khuyến cáo hội viên tập trung tổ chức tốt vận tải hành khách và hàng hoá. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam đã ký các hiệp định song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Để không mất thị trường ngay trên “sân nhà”, Hiệp hội sớm đề xuất tổ chức lại ngành vận tải ôtô, trước mắt, các doanh nghiệp trên từng địa bàn phải hợp tác, phối hợp với nhau để tăng sức cạnh tranh, giữ vững thị phần vận tải.
Những năm gần đây, chính sách thuế và phí của ta thường không ổn định và luôn trong chiều hướng tăng, tỷ giá VNĐ và USD cũng được điều chỉnh tăng. Vì vậy, các DN vận tải vẫn phải mua xe với giá cao hơn các năm trước. Lãi suất ngân hàng tuy có giảm, nhưng các DN vận tải phần lớn là vừa và nhỏ nên khó có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Ngoài ra chúng ta còn một số tồn tại chủ quan như: Chất lượng dịch vụ vận tải chưa cao, chi phí chưa hợp lý, tai nạn giao thông tuy có giảm nhưng vẫn còn là thách thức và nguy cơ đối với ngành vận tải. Hiệp hội luôn dự báo tình hình và đưa ra những khuyến cáo các doanh nghiệp. Giúp DN kịp thời nắm bắt thông tin, dự báo để đề ra kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn, trong tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đầu tư mua sắm phương tiện và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc đầu tư phát triển dịch vụ có hiệu quả kinh tế, giảm hoặc loại bỏ những dịch vụ ít hoặc không có hiệu quả. Xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp bằng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
5. Tổ chức thực hiện tốt các dịch vụ do cơ quan quản lý Nhà nước giao, chuyển giao một số dịch vụ cho Văn phòng đại diện và Hiệp hội cơ sở thực hiện, tạo sự gắn bó giữa Hiệp hội với Hội viên.
Giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, Hiệp hội được Bộ GTVT giao cho nhiệm vụ tổ chức tập huấn, kiểm tra và cấp chứng chỉ tập huấn về nghiệp vụ và an toàn giao thông cho lái xe taxi, lái xe buýt và nhân viên phục vụ trên xe. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã phối hợp cùng Tổng cục ĐBVN biên soạn tài liệu, chương trình tập huấn và quy trình kiểm tra cho đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống để tổ chức tập huấn tại các doanh nghiệp và khu vực cho các đối tượng trên. Từ nhận thức đúng yêu cầu của nhiệm vụ và sự chỉ đạo chặt chẽ của Hiệp hội Vận tải ôtô VN. Công tác tổ chức tập huấn và cấp chứng nhận tập huấn đã đi vào nề nếp. Việc uỷ quyền cho cơ quan đại diện và các tổ chức cơ sở kiểm tra kết quả tập huấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nâng cao chất lượng tập huấn. Góp phần vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn giao thông.
Sau khi được Chính phủ đồng ý giao cho Hiệp hội Vận tải ôtô VN (VATA) làm cơ quan phát hành/bảo lãnh của Việt Nam thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi vận tải cho người và hàng hoá qua lại biên giới (CBTA) giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã bổ sung nhân sự để có đủ cán bộ, nhân viên có khả năng chuyên môn thực hiện công việc được giao. Chuẩn bị đủ nguồn tài chính, mở tài khoản tại ngân hàng để phát hành bảo lãnh tới Thái Lan và Lào thực hiện Hiệp định CBTA. Đã ký thoả thuận sơ bộ giữa 3 tổ chức phát hành/bảo lãnh là Hiệp hội Vận tải và giao nhận Quốc tế Lào (LIFFA), Ban Thương mại Thái Lan (BOT) và Hiệp hội Vận tải ôtô VN (VATA) về chế độ quá cảnh hải quan và tạm nhập (CTS) thực hiện hiệp định CBTA giữa các nước GMS theo tuyến kinh tế hành lang Đông Tây. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã ký thoả thuận sơ bộ với Tổng cục Hải quanVN về chế độ CTS, làm việc với Ngân hàng Ngoại thương VN về việc mua ngoại tệ (USD) và phát hành bảo lãnh. Hiệp hội cũng đã cử người tham gia Nhóm công tác tạo thuận lợi vận tải Quốc gia của Việt Nam để thực hiện chủ trương trên.
Thực hiện NĐ 91/2009/NĐ-CP, Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT và thực hiện công văn số 2480 ngày 14/7/2011 của Tổng cục ĐBVN về việc tập huấn cho lái xe taxi, lái xe buýt và nhân viên phục vụ trên xe theo giáo trình mới. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã tổ chức đợt bồi dưỡng tài liệu tập huấn cho cán bộ nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông của các DN, HTX vận tải tại 3 khu vực (Miền Bắc tại Hà Nội, Miền Trung-Tây Nguyên taị Đà Nẵng, Miền Nam tại Thành Phố Hồ Chí Minh) được gần 600 cán bộ, giảng viên. Biên soạn 3 bộ đề kiểm tra trắc nghiệm cho 3 đối tượng: Lái xe taxi, lái xe buýt và nhân viên phục vụ trên xe. Kèm theo 3 bộ đề là 3 đáp án và mẫu giấy kiểm tra kết quả tập huấn. Các DN, HTX đều đăng ký triển khai tập huấn và các Hiệp hội cơ sở kiểm tra kết quả tập huấn tại DN khi các đơn vị có yêu cầu. Sở GTVT Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Vận tải ôtô Bắc Giang tổ chức 3 đợt tập huấn, mỗi đợt được gần 200 học viên học tập trung tại hội trường của Trường Chính trị của tỉnh. Nội dung theo giáo án của Tổng cục ĐBVN và Hiệp hội Vận tải ôtô VN biên soạn. Giảng viên do Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam về trực tiếp truyền đạt. Nhờ tổ chức chặt chẽ, được lãnh đạo các DN ủng hộ, 100% học viên đều đạt yêu cầu, nhiều học viên đạt khá giỏi.
6. Tăng thêm nguồn thu, tiết kiệm chi phí để mua sắm tài sản và có nguồn tài chính dự trữ phục vụ cho hoạt động của Hiệp hội.
Là tổ chức phi Chính phủ, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và tự chủ về tài chính. Đây là một đặc điểm và cũng là khó khăn lớn nhất của Hiệp hội. Ngay từ khi mới thành lập và sau đó là qua mỗi nhiệm kỳ mới của BCH, Thường trực BCH Hiệp hội đã đề ra quy chế về công tác tài chính, xác định tầm quan trọng của vệc thu, chi tài chính đối với mọi hoạt động cuả Hiệp hội từ cơ sở đến TW. Trong cơ cấu nguồn thu luôn coi việc thu hội phí của hội viên là nguồn thu chủ yếu đồng thời tích cực tìm kiếm các hình thức dịch vụ để tăng nguồn thu; Nhằm duy trì hoạt động của bộ máy như trả lương cho cán bộ, nhân viên chuyên trách, trả thù lao cho cán bộ lãnh đạo và để có điều kiện tổ chức các hoạt động như tuyên truyền giáo dục, hợp tác liên kết, hội nghị, hội thảo... Tuy nhiên, công tác thu hội phí do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, chỉ đạt khoảng 15-20% so với yêu cầu. Khi được Bộ GTVT giao cho làm dịch vụ công – Tổ chức tập huấn và kiểm tra cấp chứng nhận tập huấn. Hiệp hội đã có những quy định cụ thể cho từng phần việc phù hợp với tình hình SXKD của DN và thu một phần phí dịch vụ cho Hiệp hội cơ sở và trích nộp về Hiệp hội TW. Từ các nguồn thu dịch vụ và sự tài trợ, ủng hộ của Hiệp hội cơ sở và DN, Hiệp hội luôn tiết kiệm chi tiêu, dành kinh phí để mua sắm tài sản phục vụ cho công việc trước mắt và lâu dài của Hiệp hội mà điển hình là đã mua được căn hộ chung cư trị giá gần 3 tỷ đồng để làm trụ sở chính thức của Hiệp hội và dành một phần kinh phí để duy trì các hoạt động của Hiệp hội về sau. Trong hoạt động, Hiệp hội luôn chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc chi tiêu tài chính, hàng năm Uỷ ban kiểm tra của Hiệp hội đều tổ chức kiểm tra theo quy định và chưa có điều gì sai sót xảy ra.
Kết quả thu, chi trong 5 năm như sau:(Biểu mẫu thu chi tài chính năm năm)
III. KIỂM ĐIỂM SỰ LÃNH ĐẠO CỦA BAN CHẤP HÀNH VÀ BAN THƯỜNG VỤ HIỆP HỘI
Đại hội lần thứ III Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã bầu 47 uỷ viên BCH. Tại kỳ họp thứ nhất Ban Chấp hành họp ngày 17 tháng 4 năm 2008 đã bầu 15 uỷ viên Ban Thường vụ. Trong đó có 1 Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch, Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng.
Ngay sau khi đại hội, BCH đã đề ra quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của từng uỷ viên chấp hành. Sau đó đề ra các quy chế như: Quy chế hoạt động của Uỷ ban kiểm tra, Quy chế tài chính, Quy chế hoạt động của Cơ quan đaị diện các khu vực...
Đến tháng 3/ 2011, Ban Chấp hành họp kỳ thứ 4, đã nhất trí để 10 uỷ viên BCH nghỉ hoạt động. Trong đó có 01 uỷ viên Ban Thường vụ và 05 uỷ viên BCH nghỉ hoạt động do được nghỉ hưu theo chế độ, 04 uỷ viên BCH nghỉ hoạt động vì bận công tác không có điều kiện tham dự đầy đủ các kỳ họp của BCH. Đồng thời để đảm bảo cơ cấu và số lượng uỷ viên BCH tiếp tục lãnh đạo Hiệp hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III trong 2 năm còn lại. BCH đã bầu bổ sung 10 uỷ viên BCH mới thay cho 10 uỷ viên được nghỉ hoạt động. BCH cũng đã ra nghị quyết về việc tăng số lượng uỷ viên Ban Thường vụ từ 15 lên 19 người và bầu bổ sung 01 Phó Chủ tịch Hiệp hội.
Ban Thường vụ đã duy trì họp 3 tháng 1 lần luân phiên tại các khu vực Miền Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên và Miền Nam, mở rộng tới các uỷ viên BCH, lãnh đạo các Sở GTVT, các DN tiêu biểu tại các khu vực đó và mời Chủ tịch, các Phó chủ tịch và uỷ viên thư ký các Hiệp hội cơ sở trong toàn quốc về dự, tạo điều kiện để các cán bộ Hiệp hội cơ sở gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Thực hiện chức năng là cầu nối giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước và giữa các Hội viên với nhau.
Ban Chấp hành họp toàn thể mỗi năm một lần nhằm đánh giá kết quả hoạt động trong năm, đề ra nhiệm vụ cho năm tới và kết hợp một số nội dung khác như: Tham gia xây dựng chính sách, triển khai một số văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết của Chính phủ và Bộ GTVT về an toàn giao thông. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2010, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng tư vấn về Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội thảo về “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải”. Dự hội nghị có các đại biểu Bộ GTVT, UB An toàn giao thông Quốc gia, Tổng cục ĐBVN, các Sở GTVT và đại diện một số DN tiêu biểu trong cả nước. Các ý kiến phát biểu đã nêu lên vai trò hạt nhân đoàn kết của Hiệp hội với các đơn vị vận tải và vai trò phản biện trong tham gia các văn bản quy phạm pháp luật, về vấn đề liên kết trong sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng DN tự phá giá làm cho giá cước thấp hơn chi phí thực tế dẫn đến thua lỗ hoặc ăn vào vốn. Nhiều ý kiến trong hội thảo tham gia cải cách thủ tục hành chính trong vận tải đã được Hội đồng tư vấn ghi nhận và tham gia với Bộ GTVT được chấp nhận đưa vào các văn bản QPPL của Bộ GTVT.
Nhằm tăng cường phối hợp trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. Ngày 15/7/2010, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký quy chế phối hợp giữa Tổng cục và Hiệp hội. Sau đó định kỳ 6 tháng một lần, lãnh đạo 2 cơ quan họp kiểm lại kết quả những việc đã làm và đề ra những việc cần làm trong thời gian tới. Nội dung xoay quanh những vấn đề phối hợp tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách đến với doanh nghiệp và người lao động. Phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm an toàn giao thông và đạo đức nghề nghiệp của người lái xe kinh doanh vận tải. Phối hợp phát động và chỉ đạo phong trào thi đua lái xe an toàn. Giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản QPPL vì mục tiêu thúc đẩy sản xuất phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN luôn đánh giá cao việc hai bên phối hợp hoạt động đúng tinh thần của Quy chế và sự đóng góp của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trong xây dựng văn bản QPPL cũng như công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản QPPL về vận tải đường bộ và công tác an toàn giao thông. Từ mô hình đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã chỉ đạo các Hiệp hội cơ sở chủ động báo cáo với Sở GTVT để xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở GTVT địa phương với Hiệp hội theo từng điều kiện cụ thể. Đến nay đã có một số Hiệp hội cơ sở và Lãnh đạo Sở GTVT ký văn bản Quy chế phối hợp theo hướng dẫn của Hiệp hội VTOT Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thường trực Ban Chấp hành còn gửi công văn về các Sở GTVT đề nghị quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để thành lập Hiệp hội Vận tải ôtô các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các Lãnh đạo Sở GTVT địa phương, đến nay chúng ta đã có 46 Hiệp hội cơ sở cấp tỉnh và khu vực, ngành nghề, đạt chỉ tiêu do Đại hội III đề ra. Ban thường vụ còn tích cực làm việc với Sở GTVT, Sở Nội vụ hai tỉnh Gia Lai và thành phố Cần Thơ, báo cáo với UBND hai tỉnh và thành phố cho phép đặt Cơ quan đại diện của Hiệp hội tại địa phương. Sau nhiều lần báo cáo và thương thảo, UBND hai tỉnh và thành phố đã có Quyết định cho phép Hiệp hội đặt Cơ quan đại diện khu vực Tây Nguyên tại thành phố Pleiku và Cơ quan đại diện khu vực Tây Nam bộ tại thành phố Cần Thơ. Đến nay đã có 4 cơ quan đại diện, 4 đầu mối của Hiệp hội kịp thời truyền đạt và đôn đốc thực hiện Nghị quyết của BCH và nắm tình hình hoạt động của Hiệp hội cơ sở và hội viên trên phạm vi toàn quốc một cách nhanh chóng và kịp thời.
Việc phân công cho Hiệp hội cơ sở thực hiện các dịch vụ công tại địa phương cũng đem lại hiệu quả thiết thực, vừa nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội cơ sở, làm cho Hiệp hội cơ sở gần gũi hội viên, hấp dẫn hội viên vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kiểm điểm hoạt động trong năm năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đại hội lần thứ III giao cho. Đa số uỷ viên đã tích cực hoạt động góp phần tạo nên kết quả hoạt động của BCH trong cả nhiệm kỳ.
Tuy nhiên cũng còn một số uỷ viên chưa tích cực hoạt động, tham gia không đầy đủ các cuộc họp của BCH, ít đóng góp ý kiến xây dựng chương trình công tác của Hiệp hội.
Ban Chấp hành khoá III xin nghiêm túc kiểm điểm và đề nghị Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành mới.
PHẦN THỨ HAI
MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CỦA HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM
TRONG NHIỆM KỲ IV (2013÷2018)
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và nước ta đang lâm vào suy thoái từ cuối năm 2011 đến nay. Nhà nước đã kịp thời đề ra các chính sách và điều chỉnh tốc độ phát triển kinh tế cho phù hợp với tình hình mới. Ngành vận tải ô tô lại đứng trước thử thách mới.
Đặc điểm của ngành vận tải ô tô trong 5 năm (2013÷2018) có thể khái quát như sau:
1. Sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) phấn đấu để có nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Mọi sự biến động của kinh tế thế giới đều tác động trực tiếp và mạnh mẽ vào nền kinh tế nước ta. Trong lĩnh vực vận tải ô tô các Hiệp định vận tải song phương và đa phương được sửa đổi, bổ sung được Chính phủ các nước phê duyệt đã thúc đẩy các đơn vị vận tải ô tô và liên quan đến vận tải ô tô phải đổi mới công tác quản lý, quá trình tích tụ và hợp tác phải được thực hiện để đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
2. Nhà nước xúc tiến mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế, triệt để xoá bỏ bao cấp, tiết giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội… Các đơn vị vận tải ô tô muốn tồn tại không bị giải thể hoặc phá sản phải tổ chức lại công tác vận tải, tăng năng suất phương tiện, giảm giá thành vận tải để có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
3. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đi vào cuộc sống, các chính sách vĩ mô phải được sửa đổi bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đảm bảo an toàn giao thông theo hướng hiện đại hoá ngành vận tải ô tô, hy vọng trật tự vận tải được lập lại. Những đơn vị vận tải có thương hiệu và uy tín sẽ tồn tại và phát triển.
Từ những đặc điểm trên, mục tiêu của doanh nghiệp vận tải ô tô và liên quan đến vận tải ô tô, cũng là mục tiêu của Hiệp hội trong 5 năm tới là:
“Phát triển - Chất lượng - An toàn - Hợp tác - Hiệu quả”
Để thực hiện được mục tiêu trên, nhiệm vụ cụ thể của Hiệp hội như:
1. Phát triển hội viên ở tất cả thành phần kinh tế, ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Phấn đấu 85% tỉnh, thành phố có tổ chức cơ sở của Hiệp hội.
2. Đẩy mạnh hoạt động của tổ chức cơ sở là trọng tâm công tác của Hiệp hội: các hiệp hội cơ sở phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để đem lại hiệu quả thiết thực, hấp dẫn các hội viên.
3. Đóng góp tích cực cho sự hoạt động của các Hội đồng nhà nước trong đó có thành viên của Hiệp hội. Tham gia tích cực cùng cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tế và thúc đẩy phát triển ngành vận tải ô tô theo hướng hiện đại hoá.
4. Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên bằng nhiều hình thức để hội viên hiểu rõ hơn và thực hiện nghiêm túc cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế chính sách liên quan đến ngành vận tải ô tô.
5. Nắm bắt kịp thời những khó khăn của các tổ chức cơ sở và hội viên để phản ảnh và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên theo đúng quy định của pháp luật. Tích cực hoà giải các tranh chấp về quyền lợi kinh tế giữa các hội viên đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ, thấu tình đạt lý.
6. Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ Ban An toàn giao thông quốc gia và tổ chức quần chúng phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp vận tải bảo đảm an toàn giao thông”, “lái xe an toàn”.
7. Tăng cường hợp tác và liên kết kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài để nâng cao hiệu quả kinh tế của các hội viên.
8. Phát triển thêm và giúp đỡ các đơn vị trực thuộc để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả tăng thêm nguồn thu cho hiệp hội. Đặc biệt vận động các hội viên ủng hộ Tạp chí vận tải ô tô để Tạp chí thực sự là cơ quan ngôn luận đồng thời là đơn vị làm kinh tế của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
9. Kiện toàn Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Cần Thơ; sắp xếp lại bộ máy văn phòng gọn nhẹ để làm tốt nhiệm vụ của Hiệp hội.
10. Làm tốt các dịch vụ công, quản lý chặt chẽ việc nộp hội phí, vận động sự giúp đỡ của các hội viên để hiệp hội có đủ nguồn tài chính phục vụ hoạt động chung.
Kính thưa các vị đại biểu
Kính thưa hội nghị
5 năm của nhiệm kỳ III, Hiệp hội đã có bước phát triển nhanh về hội viên và tổ chức cơ sở, đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được Đại hội giao.
Có được kết quả trên là do sự nỗ lực của các hội viên, của các tổ chức cơ sở và của Ban chấp hành Hiệp hội, đặc biệt là sự lãnh đạo của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ; sự giúp đỡ của các Cục, Vụ Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ; sự hợp tác, giúp đỡ của các Sở Giao thông vận tải và các cơ quan hữu quan.
Thay mặt toàn thể hội viên, tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với sự lãnh đạo và giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước.
5 năm tiếp theo (2013÷2018), ngành vận tải ô tô và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam hoạt động trong điều kiện nước ta hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực, vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt trong nước và quốc tế, công tác vận tải sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Do đó các hội viên và các tổ chức cơ sở của Hiệp hội cần nắm chắc mục tiêu “Phát triển - Chất lượng - An toàn - Hợp tác - Hiệu quả” và 10 nhiệm vụ đã đề ra.
Từ kinh nghiệm thực tế của những người làm công tác vận tải ô tô, với lòng say mê nghề nghiệp, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ các vị đại biểu.
Chúc Đại hội IV (nhiệm kỳ 2013÷2018) Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thành công tốt đẹp.
-
08-2012Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án hạn chế...
-
07-2012Hiệp hội VTOTVN báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT
-
05-2012Thông báo Website của Hiệp hội
-
05-2012017/TVHH
-
05-2012016/TVHH