Góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn"

Thứ Ba, 28/08/2012, 10:10

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

----------

Số: 057/TVHH

V/v góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

 

 

                                  Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2012

 

 

                             Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải

 

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã nhận được văn bản số 6463/BGTVT-VT ngày 07 tháng 8 năm 2012 về việc tham gia ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin có ý kiến như sau:

1. Cần làm rõ khái niệm phương tiện cá nhân tham gia giao thông

Đối tương được điều chỉnh của đề án là “phương tiện cá nhân tham gia giao thông”, đây là một khái niệm mới, chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, do đó trong đề án phải làm thật rõ khái niệm này.

Theo chúng tôi “phương tiện cá nhân  tham gia giao thông” được quy định trong đề án, được hiểu là: ô tô con dưới 10 chỗ ngồi, mô tô, xe máy đăng ký sở hữu cá nhân, không tham gia kinh doanh.

Nếu phương tiện cá nhân được hiểu như trên thì các đối tượng được liệt kê sau đây khi sử dụng ô tô dưới 10 chỗ ngồi và xe máy không phải là phương tiện cá nhân.

- Ô tô dưới 10 chỗ ngồi được sử dụng cho các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp của trung ương và địa phương.

- Ô tô dưới 10 chỗ ngồi được sử dụng cho các cơ quan ngoại giao, cơ quan phi Chính phủ của nước ngoài có trụ sở làm việc tại Việt Nam.

- Ô tô dưới 10 chỗ ngồi được sử dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội của trung ương và địa phương.

- Ô tô dưới 10 chỗ ngồi được sử dụng cho các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các doanh nghiệp và các hợp tác xã.

- Ô tô dưới 10 chỗ ngồi được sử dụng cho hoạt động taxi, cho công tác dạy nghề lái xe ô tô.

- Mô tô, xe máy được sử dụng để chở khách theo thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.

2. Cần thận trọng khi đưa ra chủ trương hạn chế phương tiện cá nhan tham gia giao thông.

Trong đề án có đưa ra số liệu thống kê số xe dưới 10 chỗ ngồi và xe máy của năm 2011 đối với 05 thành phố lớn nhưng rất tiếc, số liệu thống kê này chưa phân tích được đối tượng sử dụng, đặc biệt đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi do đó chưa có cơ sở khoa học và thực tế để đưa ra chủ trương hạn chế ô tô dưới 10 chỗ ngồi, mặt khác, việc ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân, số lượng ô tô con không phải là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc, nếu ta vội vàng đưa ra các chính sách hạn chế ô tô con thì sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và các ngành công nghiệp phù trợ phục vụ cho ngành này, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Riêng đối với mô tô, xe máy đã phát triển quá nhanh, cả nước có trên 30 triệu xe máy, TP.Hồ Chí Minh có trên 5 triệu xe máy, Hà Nội có trên 4 triệu xe máy, số lượng xe máy chiếm tỷ lệ quá cao so với dân số do đó cần có chính sách hạn chế tăng số lượng xe máy, ta dùng biện pháp kinh tế để hạn chế tăng xe máy, không nên dùng biện pháp hành chính.

Chúng tôi muốn nói là dùng biện pháp kinh tế để hạn chế tăng số lượng xe máy, không nên dùng biện pháp kinh tế và hành chính để hạn chế việc lưu thông xe máy.

3. Cần loại bỏ những giải pháp không liên quan trực tiếp đến hạn chế xe cá nhân hoặc vi phạm các quy định khác của luật pháp.

Để đảm bảo mục tiêu của đề án, cần loại bỏ các giải pháp không liên quan trực tiếp đến hạn chế xe cá nhân, hoặc các giải pháp đó vi phạm các quy định khác của luật pháp, cụ thể như sau:

- Trong nghị định của Chính phủ đã quy định niên hạn sử dụng của xe chở người, nhưng xe dưới 10 chỗ ngồi và mô tô xe máy không quy định niên hạn sử dụng, việc quy định này là phù hợp với quy định của các nước.

Tuy niên đối với xe taxi, Nghị định 91/2009/NĐ-CP đã quy định niên hạn sử dụng là 12 năm, quy định này là phù hợp với việc khai thác sử dụng phương tiện taxi, do đó đề nghị bỏ giải pháp quy định niên hạn sử dụng đối với ô tô con và xe máy.

- Việc đăng kiểm đối với xe gắn máy cần được nghiên cứu kỹ và đưa vào nội dung của dự án khác vì dự án này, mục tiêu chính là hạn xe chế cá nhân tham gia giao thông đường bộ, việc đăng kiểm xe gắn máy không liên quan trực tiếp đến hạn chế phương tiện cá nhân do đó đề nghị bỏ việc đăng kiểm đối với xe gắn máy.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu trong công tác quản lý giấy phép lái xe đã có trong đề án cấp và quản lý giấy phép lái xe theo mẫu mới để tránh trùng lắp, trong đề án này không cần đề cập tới.

- Việc hạn chế sở hữu phương tiện theo thời gian sinh sống tại các thành phố lớn vừa vi phạm hiến pháp vừa không khả thi vì phương tiện sở hữu ở các tỉnh, thành phố khác vẫn có quyền tham gia giao thông ở các thành phố lớn.

4. Cần nghiên cứu kỹ về các giải pháp hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân.

+ Các giải pháp về thuế, phí hạn chế sở hữu phương tiện cá nhân

- Hiện nay, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đã làm cho ô tô dưới 10 chỗ ngồi của Việt Nam từ 2,5 đến 3 lần ô tô của các nước trong khu vực, các loại thuế này quá cao, không nên tiếp tục tăng.

- Theo Nghị định của Chính phủ, phí trước bạ của ô tô dưới 10 chỗ ngồi là 10% đến 20%, tại TP.Hà Nội đã áp dụng 20%, TP.Hồ Chí Minh là 15%, Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô đang đề nghị giảm thuế trước bạ, đề nghị này là hợp lý do đó ta không thể tăng thêm phí trước bạ.

- Phí đăng ký phương tiện tại Hà Nội đã tăng từ 2 triệu lên 20 triệu do đó không có cơ sở tăng thêm nữa.

- Thuế môi trường được thực hiện theo luật môi trường, hiện nay thuế môi trường thu theo mức sử dụng xăng dầu với mức thuế là 1000đ/lít xăng dầu, tăng thuế môi trường với phương tiện cá nhân vừa không hợp lý, vừa khó tổ chức thực hiện.

+ Các giải pháp quản lý sở hữu phương tiện cá nhân

- Nếu cấp hạn ngạch cho số phương tiện được đăng ký mới trong năm chỉ áp dụng cho 05 thành phố lớn là không khả thi vì phương tiện cá nhân có thể được đăng ký tại các tỉnh, thành phố khác nhau, sau đó đưa về 05 thành phố lớn để hoạt động.

- Việc đăng ký ô tô con phải chứng minh được có chỗ đỗ xe làm tăng thủ tục hành chính và không phù hợp với thực tế, giải pháp này trước đây đã được áo dụng nhưng nhân dân không đồng tình nên đã bị bãi bỏ.

5. Hạn chế cấm phương tiện lưu thông và không thu phí tràn lan

- Việc cấm phương tiện hoạt động trên một số trục giao thông chính và cấm phương tiện hoạt động theo vùng chỉ nên áp dụng ở những tuyến phố đi bộ, khu vực đi bộ và những ngày tại khu vực đó, tuyến phố đó có những sự kiện tập trung đông người cần hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông.

- Mục đích việc thu phí vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông; ùn tắc giao thông thường xảy ra vào giờ cao điểm do đó, để hạn chế xe vào trung tâm thành phố giờ cao điểm cần thiết phải thu phí, nhưng đề nghị bỏ giải pháp thu phí vào trung tâm thành phố lớn; giải pháp này có tình chất lạm thu tạm thời, vừa gây tốn kém phiền hà cho dân, vừa không thiết thực giảm ùn tắc giao thông.

- Bỏ việc nghiên cứu triển khai đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc vì việc thu phí này không phù hợp với pháp lệnh phí và lệ phí, đại bộ phận nhân dân không đồng tình, mặt khác các giải pháp về thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số và các giải pháp khác đã đủ sức hạn chế xe cá nhân.

Đề nghị sớm công bố dừng triển khai đề án thu phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

6. Sớm xoá bỏ hình thức trợ giá trực tiếp cho vận tải hành khách công cộng bằng xe Buýt chuyển sang trợ giá gián tiếp, chuyển nhanh việc xã hội hoá và đa dạng hoá loại phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt.

Đồng tình với chủ trương phát triển vận tải hành khác công công ở các thành phố lớn bao gồm cả hệ thống vận tải hành khách công cộng hiện đại khối lượng lớn.

Những năm đầu của dự án cần tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trên cơ sở hiệu quả phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để rà soát và thực hiện các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân.

Đối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam tham gia ý kiến như sau:

- Sửa đổi điều 5 Nghị định 91/2009/NĐ-CP để bỏ các tuyến xe buýt giữa 02 tỉnh liền kề và vượt qua 03 tỉnh đối với đô thị đặc biệt, những tuyến này để cho các tuyến cố định đảm nhận.

- Ô tô Buýt để phục vụ số đông nhân dân, chạy trong cự ly ngắn, trong Nghị định 91/2009/NĐ-CP đã quy định niên hạn sử dụng ô tô Buýt là không quá 20 năm. Quy định này là hợp lý, đề nghị không thay đổi niên hạn sử dụng của ô tô Buýt.

- Bỏ hình thức trợ giá trực tiếp hiện nay để chuyển sang trợ giá gián tiếp bằng cơ chế chính sách.

Trợ giá trực tiếp vừa phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, vừa là hình thức xin cho do vậy dễ sinh tiêu cực, cần sớm xoá bỏ để chuyển sang trợ giá gián tiếp bằng cơ chế chính sách, cụ thể như sau:

§     Miễn giảm thuế nhập khẩu ô tô

§     Miễn giảm phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí cầu đường

§     Miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp

§     Miễn giảm thuế đất

§     Ngân sách đầu tư xây dựng các bến ô tô Buýt, các tạm dựng đón trả khách.

- Trên cơ sở áp dụng hình thức trợ giá trên, mở rộng các thành phần kinh tế tham gia vận chuyển hành khách công công bằng xe Buýt bằng hình thức đấu thầu khai tác tuyến ô tô Buýt.

- Cần điều chỉnh mạng lưới tuyến ô tô Buýt phù hợp với việc phân bổ dân cư, trên cơ sở đó đa dạng các loại kích thước và trọng tải ô tô để bố trí xe ra khai thác tuyến phù hợp với đường xá và lưu lượng hành khách.

- Cùng với ô tô Buýt, cần bố trí xe chở khách tải trọng từ 12 chỗ ngồi trở xuống để chạy các tuyến cố định trong nội thành, nội thị, những nơi ô tô Buýt không đến được.

Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam xin tham gia một số ý kiến trên, mong được Bộ Giao thông vận tải tham khảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn”.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Các Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội và Chủ tịch các Hiệp hội cơ sở “để biết”;

- Lưu VP Hiệp hội.

TM.BAN THƯỜNG VỤ

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM

Chủ tịch

 

 

(Đã ký)

 

       Nguyễn Mạnh Hùng

 

 

 



facebook
Từ khóa: Văn bản 057/TVHH
Xem theo ngày: