Giá xăng dầu: Giảm ngay để dân đỡ thiệt

Thứ Năm, 07/06/2012, 08:39
Người tiêu dùng đang ngóng giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Ảnh: Kỳ Anh

Giá xăng thành phẩm hiện nay đang giảm mạnh, tuy nhiên các DN trong nước vẫn chưa chịu giảm giá. Các bộ cũng tỏ ra rất chậm chạp trong điều hành.

 

Nguyên nhân được cho là do “quy định cứng” phải theo dõi giá xăng dầu trong 30 ngày. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt hơn để theo kịp nhịp đập của thị trường – nhất là khi giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã sụt giảm rất nhanh như hiện nay.

DN thiệt thì được Nhà nước bù lỗ, dân thiệt ai bù?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì hiện nay có một thực tế là khi giá thế giới nhích lên thì ngay lập tức giá trong nước được điều chỉnh tăng; nhưng khi giá thế giới giảm thì giá trong nước lại xuống rất chậm, không tương thích với giá thế giới. Sau nhiều lần tăng rồi lại giảm thì các mức giá này đều cao nhất. Mức giảm 500 đồng/lít như vừa rồi vẫn đẩy thiệt thòi về phía người dân. Bà Lan cho rằng, cách thức này nên xem lại; giá cơ sở sau 30 ngày mới được thay đổi là quá dài, có thể rút ngắn thành một tuần hoặc 10 ngày, dù hiện nay nhiều nước trên thế giới giá đã được điều chỉnh hằng ngày. Được biết, hiện các DN xăng dầu đang lãi rất lớn với mức chênh lệch giá hiện nay so với tháng 1.2012 tới 1.900 đồng/lít. Điều đáng nói là phần thua thiệt do tăng giá chậm nếu là của DN thì vẫn được Nhà nước bù lỗ; các sắc thuế cho các mặt hàng xăng dầu đều về 0%..., thế nhưng ở trường hợp giá thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn chưa giảm thì ai sẽ bù thiệt hại cho người tiêu dùng? Rút cục DN vẫn được Nhà nước bù đắp, được lợi đơn lợi kép.

 

Cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu

TS Lê Đăng Doanh phân tích: Giá xăng dầu trong nước hiện nay đang được quy định theo một quy chế quá cứng nhắc và thiếu linh hoạt so với giá xăng dầu thế giới. Hệ quả là người dân phải gánh chịu giá xăng hết sức vô lý. Theo quy định chỉ điều chỉnh giá xăng sau 30 ngày, nhưng hiện giá xăng thế giới đã giảm mạnh mà giá trong nước chưa thể giảm ngay, thì đối tượng được lợi lớn ở đây chính là các DN. Lấy ví dụ, trong 30 ngày này, giá xăng thế giới liên tục giảm nhưng do giá chậm được điều chỉnh, các DN sẽ lãi liên tục 20 ngày, còn 10 ngày cuối cùng là thời điểm có thể sẽ giảm giá thì lúc ấy giá xăng thế giới lại tăng trở lại. Và như vậy là sẽ không có sự điều chỉnh giá nào nữa. Chung quy chỉ người dân là thiệt. Theo ông Lê Đăng Danh, với mức chênh lệch quá lớn giữa giá thế giới và giá trong nước, rất cần câu trả lời của các cơ quan chức năng, Cục Quản lý giá, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... Chúng ta hoàn toàn có thể tính được thời gian xăng nhập khẩu từ Singapore về đến Việt Nam là bao lâu; giá nhập khẩu thế nào... để tính ra được một mức giá xăng phù hợp từng thời điểm, chứ không nhất thiết phải đợi đến 30 ngày mới tính toán lại được giá xăng.

 

Giá xăng dầu: Giảm ngay để dân đỡ thiệt

Giá xăng RON 92 nhập khẩu hiện nay thấp hơn tháng 1.2012 khoảng 15USD/thùng, nhưng giá bán lẻ lại cao hơn 1.900đ/lít. Biểu đồ: Trần công nhân - Ảnh minh hoạ: Kỳ Anh



Nên có giá trần cho xăng dầu

Theo TS Vũ Đình Anh thì chúng ta bàn mãi chuyện giá xăng dầu theo cách hiện nay thì sẽ không có lối ra. Những chuyện như nên tăng bao nhiêu, tăng lúc nào, giật cục hay tăng dần, có kìm hãm hay không, rồi Nhà nước lùi thuế cỡ nào... vẫn chỉ là những chuyện nhỏ lẻ trong toàn cục vấn đề này. Phải thay đổi căn bản cách thức điều hành thị trường xăng dầu và quản lý giá xăng dầu. Bao giờ có thị trường thì mới cho thị trường. Đừng nói thị trường khi chưa hiểu thị trường là gì. Vì thế, theo tôi, xăng dầu nên thiết lập cơ chế giá trần. Trong đó, Nhà nước sẽ tính toán phần Nhà nước bao nhiêu, doanh nghiệp hưởng bao nhiêu... Từ năm 2008, tôi đã gửi bản kiến nghị này tới Bộ Tài chính nhưng bộ không hồi âm.

Chính phủ nên chẻ nhỏ Petrolimex

Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Quang A cho rằng, việc điều hành giá xăng hiện nay rất lúng túng. Nhà nước không nên can thiệp vào giá xăng, mà nên để thị trường quyết định. Nhà nước chỉ giám sát thực hiện. Và trong hoàn cảnh đó, khi xảy ra các biến động về giá xăng, người dân cũng sẽ bớt đổ lỗi cho các cơ quan quản lý. Nhưng muốn để thị trường điều tiết thì phải phá bỏ độc quyền.

Hiện nay cả nước có 11 DN kinh doanh xăng dầu chính thì riêng Petrolimex chiếm tới 60% thị phần và như vậy khi có biến động giá xăng, Nhà nước vẫn buộc phải can thiệp. Trong khi đó, việc Nhà nước nên làm nhất là chẻ nhỏ Petrolimex thành 2 - 3 DN, rồi chọn lọc trên thị trường thêm một vài DN nữa có thị phần khoảng 30-35%... tạo thành một nhóm các DN lớn. Các DN nhỏ lúc ấy chỉ còn chiếm khoảng 7 -10%... Như vậy, sẽ có một cơ cấu về giá xăng dầu hết sức lành mạnh, vì các DN sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần; không thể đồng lõa tăng giá được. Nhà nước lúc ấy đơn giản với giá xăng là chỉ thu thuế, thay vì nhảy vào tham gia điều hành giá như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quang A, rất dễ để giải quyết về mặt kỹ thuật về giá xăng dầu, nhưng hiện nay rất khó xử lý vì nó đụng chạm đến những nhóm lợi ích khác nhau như quyền lợi của các DN kinh doanh mặt hàng này; một số ban ngành liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu...


Theo Báo lao động điện tử
facebook

Ý kiến của bạn

Tên của bạn *
Email của bạn *
Nội dung *
 
Xem theo ngày: