Cấp đổi GPLX tại Hà Nội: Siết quy trình để giảm tiêu cực

Thứ Sáu, 08/06/2012, 08:49
Nhiều lái xe sau khi bị thu giữ GPLX đã khai báo mất để được cấp lại

Cho rằng còn kẽ hở trong việc cấp đổi GPLX nên chưa kiểm soát được tình trạng “lọt” GPLX giả, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, Sở này đã và đang siết chặt quy trình cấp đổi để giảm thiểu tình trạng người dân “lách luật”.

Còn kẽ hở quản lý, còn GPLX giả

Trao đổi với PV Báo GTVT, ông Tân cho biết: GPLX giả là loại giấy phép không xuất phát từ cơ quan có thẩm quyền, nghĩa là không đủ hồ sơ gốc và sổ quản lý của cơ quan quản lý cấp. GPLX giả có thể là phôi giả, thông tin giả hoặc phôi thật  nhưng thông tin không đúng với sổ cấp của cơ quan quản lý. Cũng có trường hợp GPLX giả là giấy phép thật được “nhân bản” cấp cho nhiều người khác. Ngoài ra, còn một trường hợp khác là dùng GPLX nước ngoài giả để đổi lấy GPLX Việt Nam thật.

Cũng theo ông Tân, một trong những nguyên nhân khiến số lượng GPLX giả tăng đột biến là do còn kẽ hở trong quản lý cấp đổi, cấp lại GPLX. Minh chứng cho điều này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã dẫn số liệu GPLX báo mất tăng đột biến. Trong khoảng 1 năm trước và sau khi có Thông tư số 15/2011/TT-BGTVT (sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 07/2009/TT-BGTVT Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ), số người khai báo mất GPLX tăng mạnh. Cụ thể từ 15/5/2010 đến 14/5/2011 (trước khi có Thông tư 15), số người khai báo mất bằng là 4.825 trường hợp. 1 năm sau khi có Thông tư 15, tính từ 15/5/2011 đến 14/5/2012, riêng Hà Nội đã có tới 10.020 trường hợp báo mất GPLX (tăng 208%), trong đó hạng A1 là 2.584 trường hợp; B1 là 681 trường hợp; B2 là 4.734 trường hợp; C là 1.410 trường hợp; D là 343 trường hợp; E là 260 trường hợp.

Tỏ ra e ngại về khả năng khai man để được cấp lại GPLX, ông Tân kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có những quy định chặt chẽ hơn với việc cấp lại GPLX để giảm thiểu tình trạng người dân “lách luật”.

Siết quy trình để giảm tiêu cực

Trước mắt, ông Tân cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã nghiêm túc siết chặt quy trình cấp lại GPLX. Cụ thể, 100% hồ sơ đề nghị Sở cấp đổi GPLX đều được tra cứu việc thu giữ GPLX. Đối với hồ sơ đề nghị đổi GPLX hoặc bằng lái xe của nước ngoài, trong trường hợp phát hiện nghi vấn, Sở đều có văn bản đề nghị Đại sứ quán, Lãnh sự quán của quốc gia cấp GPLX tại Việt Nam xác minh.

Khi phát hiện các trường hợp giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX, sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả, có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại GPLX, ngoài việc bị thu hồi GPLX, các đối tượng này còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm.

Tự động hóa sát hạch cấp GPLX

Đây cũng là kiến nghị của ông Tân nhằm nâng chất lượng GPLX cấp ra. Trên thực tế, theo ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội, chất lượng công tác sát hạch cấp GPLX về cơ bản đạt yêu cầu. Đưa số liệu chỉ có khoảng 60% học viên có thể vượt qua các kỳ sát hạch cấp GPLX, ông Nghĩa khẳng định kết quả này chính là minh chứng rõ rệt nhất. Ông Nghĩa cũng cho rằng chỉ có người đi thi mới biết sát hạch không hề dễ.

Bao nhiêu năm nay, lượng người trượt không hề nhỏ nhưng những người này cũng không phản ứng gì bởi họ phải thừa nhận mình thi không tốt. Cũng vì thế mà dù tỷ lệ trượt rất cao mà không hề có vụ kiện cáo nào liên quan đến kết quả thi. Ông Nghĩa cũng nói thêm rằng: Đào tạo SHLX là hệ đào tạo sơ cấp, nhưng cách thức thi là thi bằng thiết bị. “Học nghề ở khắp nơi, học là đỗ. Chỉ có học để sát hạch cấp GPLX mới có khái niệm học mà vẫn trượt” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, mong muốn nâng cao hơn nữa công tác sát hạch cấp GPLX, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Tân bày tỏ mong muốn các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu phương án với phần thi sát hạch kỹ năng thực hành lái xe trên đường được trang bị các thiết bị chấm điểm tự động, nhằm giảm thiểu các yếu tố can thiệp của con người, tránh những hiểu lầm đáng tiếc dễ xảy ra.

Cần phối hợp nhiều biện pháp chống GPLX giả

Lực lượng công an cả nước trong thời gian qua đã điều tra, xử lý nhiều vụ sản xuất, tiêu thụ GPLX giả. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng GPLX giả vẫn có chiều hướng gia tăng.

Theo Cục CSGT ĐB - ĐS, từ năm 2009 đến hết năm 2011, lực lượng CSGT cả nước đã phối hợp điều tra và xử lý hơn 3.400 trường hợp sử dụng GPLX giả (trong đó có 1.825 GLPX ô tô). Đáng chú ý là nhiều tài xế xe khách cũng sử dụng GPLX giả, chỉ đến khi xảy ra TNGT mới bị phát hiện. Đơn cử như vụ TNGT ngày 2/2/2011 tại Quảng Bình giữa xe khách BKS 47V - 1519 do tài xế Vũ Công Quý (SN 1959 trú tại Thái Bình) điều khiển va chạm với 2 xe mô tô BKS 73V1 - 9751 và 81F3 - 6578. Khi lực lượng công an điều tra vụ tai nạn trên mới phát hiện tài xế Quý sử dụng GPLX hạng E giả.

Tại Bắc Ninh, lực lượng CSGT cũng đã phát hiện nhiều đối tượng sử dụng GPLX giả. Điển hình là trung tuần tháng 7/2011, Đội CSGT trong lúc TTKS đã phát hiện xe mô tô BKS 30N3 - 7600 do Nguyễn Văn Lên điều khiển chở sau là Nguyễn Văn Hinh cùng trú tại thôn Việt Vân, Việt Thống, Quế Võ, Bắc Ninh. Qua kiểm tra, CSGT phát hiện 3 GPLX mô tô và 1 bộ hồ sơ GPLX giả. Ngay lập tức, các đối tượng được bàn giao cho CA TP Bắc Ninh để điều tra làm rõ. Qua điều tra cho thấy, các đối tượng này đã làm nhiều GPLX giả và bán cho các đối tượng có nhu cầu với giá 500.000 đ/GPLX. Các đối tượng này đã bị khởi tố.

Cũng trong năm 2011, công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, đấu tranh với hành vi mua bán GPLX tại cửa hàng xe máy Đức Cường (phố Ngô Quyền, Vĩnh Trãi, Lạng Sơn), do Phạm Minh Cường làm chủ. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Cường khai nhận để thu hút thêm khách mua xe, Cường đã nhận làm GPLX cho các khách hàng có nhu cầu. Số GPLX giả trên, Cường mua lại của 2 đối tượng Điều và Tuyên ở Bắc Giang. Công an Lạng Sơn và Bắc Giang đã ngay lập tức vào cuộc điều tra mở rộng vụ án. Ngày 8/5/2012, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 3 đối tượng là Phạm Minh Cường (SN 1979, trú tại Vĩnh Trại, Lạng Sơn), Nguyễn Văn Điều (SN 1966 trú tại xã Phú Xá, Mỹ An, Lục Ngạn, Bắc Giang) và Nguyễn Văn Tuyên (SN 1983, trú tại Lục Nam, Bắc Giang). Lực lượng công an đã thu giữ 100 GPLX giả.

Thực tế cho thấy, với công nghệ in ấn hiện nay, việc làm một GPLX giả không quá khó khăn. Các đối tượng thường mua phôi GPLX hoặc giấy đăng ký xe của các trường hợp trộm cắp, sau đó tẩy xóa và điền thông tin mới với công nghệ in màu khá tinh vi nên rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết, nạn sử dụng GPLX giả đang rất nhức nhối và có chiều hướng gia tăng. Để hạn chế, cần thực hiện nghiêm túc quy định phối hợp cung cấp số liệu đăng ký, đăng kiểm giao thông cơ giới đường bộ, dữ liệu về TNGT và cấp, đổi, thu hồi cũng như tước quyền sử dụng GPLX giữa Bộ GTVT và Bộ Công an. Khi thực hiện tốt việc này sẽ phát hiện kịp thời các đối tượng sử dụng GPLX giả. Bên cạnh đó,  tố tụng hình sự cần xử lý nghiêm minh các trường hợp tàng trữ, mua bán và sử dụng GPLX giả.


Báo Giao thông vận tải
facebook
Xem theo ngày: