Phí cầu đường đè nặng doanh nghiệp vận tải: Giảm năng lực vận tải

Thứ Năm, 12/07/2012, 09:49
Phí giao thông đường bộ đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Kỳ Quan

Với tình trạng các trạm thu phí “bao vây” quốc lộ, việc đóng phí đường bộ đang thực sự là một gánh nặng đối với hoạt động vận tải. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thời gian qua, năng lực vận tải của ngành ôtô đã giảm sút từ 20 – 30%.

Vô lý nhưng vẫn tồn tại

Bên cạnh câu chuyện về các trạm thu phí dày đặc, chất lượng đường xấu, các tài xế vẫn chưa thể tìm được câu trả lời cho vấn đề tưởng chừng rất vô lý: Tại sao phải đóng tiền cho trạm thu phí, khi không sử dụng dịch vụ đường bộ?

Ông Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng: “Pháp lệnh Phí và Lệ phí của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định: Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí. Trên cơ sở đó, nếu phương tiện vận tải không sử dụng dịch vụ đường bộ thì không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến đường đó. Nhưng thực tế lại khác”.

Ông Chung đưa ra một số dẫn chứng: Trạm thu phí đặt  trên xa lộ Hà Nội (Q.9, TPHCM), nhưng lại thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh); trạm Tào Xuyên đặt trên QL1 lại thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP.Thanh Hóa... Theo ông Chung, việc lạm dụng đặt các trạm thu phí đã  dẫn đến thu phí oan đối với một lượng lớn phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ của chủ đầu tư, nhưng vẫn phải đóng phí khi đi qua trạm, điều này là trái quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí.

Có thể thấy, hiện tượng trên là một sự vô lý, nhưng vẫn tồn tại bấy lâu nay. Như trường hợp trạm thu phí Tào Xuyên tại Thanh Hóa, đã được phản ánh sự phi lý từ lâu, nhưng phải đến gần đây, Tổng cục Đường bộ mới yêu cầu Cty CP BOT đường tránh Thanh Hóa di dời trạm về phía bắc cầu Ba Lá trên QL1 (thuộc phường Bắc Sơn, TX.Bỉm Sơn) ngay trong tháng 7. Nhưng có thông tin cho hay, đơn vị quản lý trạm thu phí Tào Xuyên vẫn chưa thể di dời trong thời hạn này, mà có thể kéo dài thêm 2 tháng.

Năng lực vận tải giảm 20 – 30%

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, gánh chịu nhiều loại thuế, phí đã làm cho năng lực của ngành vận tải ôtô giảm sút, từ 20 - 30%. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết: “Trạm thu phí dày đặc, DN vận tải đang phải cõng chi phí lớn. Có HTX vận tải - thành viên của chúng tôi - trong tháng vừa qua doanh thu chỉ đạt 40 triệu đồng, nhưng đã phải đóng thuế, phí đến hơn 20 triệu”.

Đồng quan điểm, ông Thái Văn Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng, phí  giao thông đường bộ hiện nay đang là một gánh nặng đối với các DN vận tải, chi phí giao thông  chiếm một tỉ lệ khoảng 10% trong tổng  chi phí của DN.

Ông Lê Thành Thao - Trưởng phòng vận tải, DN vận tải Quang Châu - dẫn chứng: “Một chuyến xe đi từ  cảng Cát Lái  đến Cần Thơ với giá cước vận chuyển khoảng 7 triệu đồng/chuyến, chi phí cầu đường  khoảng 1.350.000 đồng, chiếm gần 20% tổng giá cước chuyến hàng”. Nỗi lo gánh nặng phí cầu đường chưa hết, thì sắp tới triển khai thu phí quỹ bảo trì đường bộ, càng khiến DN vận tải gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo DN vận tải Quang Châu, với tổng số 352 phương tiện  hiện nay của DN thì mỗi tháng phải nộp khoảng 233.244.000 đồng, tương ứng mỗi năm phải nộp khoảng 2,7 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì đường bộ. Tương tự,  ông Hà Thanh Sơn - GĐ Cty vận tải Sơn Hà - cho biết, với khoảng 25 xe đầu kéo và 100 rơmoóc của DN, sắp tới thu phí quỹ bảo trì đường bộ thì mỗi năm, ngoài phí cầu đường lưu thông trên đường, DN còn phải nộp thêm 1,4 tỉ đồng.

Việc lạm dụng đặt các trạm thu phí đã dẫn đến thu phí oan đối với một lượng lớn phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ của chủ đầu tư, nhưng vẫn phải đóng phí khi đi qua trạm, điều này là trái quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí.
Ông Thái Văn Chung – Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM 

Theo Báo Lao động điện tử
facebook
Xem theo ngày: