DOANH NGHIỆP VẬN TẢI ĐỀ NGHỊ LÙI THỜI HẠN THU QUỸ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ

Thứ Tư, 09/05/2012, 10:14

Ngày 22/3, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012. Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã thể hiện sự không đồng tình với những đề xuất xung quanh vấn đề về phí bảo trì đường bộ và Quỹ bảo trì đường bộ.

Trao đổi với TBKTVN, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết:  Hiệp hội vừa có văn bản đề nghị lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đến 1/1/2013 và mức thu chỉ bằng 60% mức đề nghị hiện nay. Theo ông Liên thì nếu thu Quỹ bảo trì đường bộ ngay lập tức sẽ làm cho DN gặp rất nhiều khó khăn bởi giá điện, xăng dầu tăng. Hiệp hội cũng đề nghị miễn hoàn toàn hoặc có lộ trình thu phí xe máy với các đối tượng chính sách như thương binh, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp…

 Đồng tình với quan điểm trên, ông Trịnh Xuân Nhật, Giám đốc Cty vận tải Nhật Thiên Hương cho biết: hiện nay các DN vận tải đã phải chịu quá nhiều loại thuế, phí chưa kể các trạm thu phí trên đường QL. Khi thu phí bảo trì đường bộ, dù bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước thì vẫn còn rất nhiều trạm BOT. Chi phí đầu vào, chi phí sản xuất tăng sẽ khiến DN phải tính toán lại thời gian khấu hao cũng như nhiều loại chi phí khác.

Còn ông Hoàng Quang Ngọc – GĐ Cty vận tải Hoàng Hà cho rằng: thiếu công bằng trong việc thu phí theo đầu phương tiện: “Đâu phải xe nào chúng tôi cũng chạy 30/30 ngày trong khi vẫn phải chịu mức phí 1,44 triệu đồng/tháng. Đây là gánh nặng vô cùng lớn đối với DN vận tải”.

Hiệp hội Vận tải Hà Nội đưa ra ví dụ cụ thể về khó khăn của DN nếu thực hiện ngay việc thu phí bảo trì đường bộ theo mức đề xuất. Như Cty Giang Anh ở Hải Phòng có 120 đầu xe container nếu phải đóng phí ở mức 1,44 triệu đồng/tháng cho 6 tháng còn lại của năm 2012 số tiền sẽ là hơn 1 tỉ đồng. Tương tự, Cty Hoàng Hà ở Thái Bình có số đầu xe là 300 sẽ phải đóng hơn gấp đôi.

Bên cạnh việc thu Quỹ bảo trì đường bộ, những ngày qua, dư luận lại “nóng” với đề xuất của Bộ GTVT về việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí nội đô vào giờ cao điểm. Theo đó, mức thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân dự kiến từ 20-50 triệu đồng/năm, đồng thời, mức thu sẽ tăng 5% so với mức thu của năm trước liền kề.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam lại không đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Thanh, chỉ nên áp dụng phí lưu thông phương tiện vào trung tâm TP giờ cao điểm. Còn về phí hạn chế phương tiện, ông Thanh khẳng định: “Đây thực sự là phí chồng lên phí. Bởi đã thu phí hạn chế vào nội đô rồi còn thu thêm nữa, thì cứ cấm luôn không đi ôtô là xong”. Ông Thanh đề nghị trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề án của Bộ GTVT nên lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội.

Còn ông Trần Quốc Khải, Chủ nhiệm HTX vận tải taxi Nội Bài cho rằng: cách thu như đề xuất với các phương tiện cá nhân là không công bằng. Bởi lẽ, ở một số, nước xe buýt và taxi được Nhà nước trợ giá vì được coi như loại hình vận tải công cộng nhưng ở VN lại đánh đồng xe taxi với xe cá nhân. Ông Khải cho biết việc đầu tư ban đầu kinh doanh taxi rất lớn do mỗi đầu xe phải chịu thuế cao, bên cạnh đó là nhiều loại phí kể cả phí bến bãi cũng tăng cao nếu thêm nhiều loại phí nữa thì không hiểu sẽ kinh doanh như thế nào? Ông Khải cũng đặt câu hỏi: “Chính sách cho xe kinh doanh chưa đồng nhất. Tại sao phí cấp biển số cho xe kinh doanh taxi thấp hơn xe cá nhân, nhưng các loại thuế và phí khác lại đánh đồng với xe cá nhân?”.

Tuy nhiên, khi trả lời ý kiến của Bộ Tư pháp về vấn đề phí chồng phí giữa phí hạn chế phương tiện cá nhân với Quỹ bảo đường bộ, Bộ GTVT cho rằng:  Hai loại phí này khác nhau hoàn toàn về mục tiêu thu, đối tượng thu. Cụ thể, phí sử dụng đường bộ thu để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ (đối với đường do Nhà nước đầu tư) và hoàn vốn đầu tư, chi quản lý bảo trì (đối với đường đầu tư theo hình thức BOT). Còn phí hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ô tô, xe máy cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT. Về đối tượng thu phí cũng có sự khác biệt, khi phí đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, còn phí hạn chế chỉ thu với một số đối tượng.

Tuy nhiên câu chuyện đặt ra là, dù có sự tách bạch đối tượng thì người dân vẫn cứ là đối tượng phải chịu tất cả các mức phí trên. Vậy thì còn gì là công bằng? Trao đổi với TBKTVN về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Đã thu Quỹ bảo trì đường bộ rồi thì không nên thu phí phương tiện cá nhân. Bởi nếu vậy sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí với DN và người dân. Vì thế, cần có lộ trình dài hạn cho phí hạn chế phương tiện cá nhân. Cách thu thế nào, thời gian ra sao, mức phí là bao nhiêu... phải xem xét kỹ.


Tạp chí vận tải ô tô
facebook
Xem theo ngày: