Cục Đăng kiểm không có trách nhiệm vụ Vinalines mua ụ nổi No.83M?
(Dân trí) - Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ thực hiện giám định trạng thái kỹ thuật ụ nổi PLAVDOC No.83M theo yêu cầu của Vinalines chứ không đăng kiểm cho ụ nổi này. Khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp hồ sơ, Cục Đăng kiểm mới biết tin Vinalines đã mua ụ nổi.
Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - ông Trịnh Ngọc Giao - trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chiều 23/5, về công tác giám định và thẩm định trạng thái kỹ thuật ụ nổi No.83M sau khi cơ quan chức năng công bố các sai phạm của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Ông Trịnh Ngọc Giao cho biết: “Cục Đăng kiểm chỉ thực hiện giám định trạng thái kỹ thuật của ụ nổi theo yêu cầu của Vinalines còn việc Tổng Công ty này quyết định mua và đưa ụ nổi về Việt Nam, Cục hoàn toàn không biết thông tin”.
Tuy nhiên, sự việc được cho là “bất ngờ” đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam là đến giữa tháng 11/2011, Cục này nhận được văn bản của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ nổi. Vào thời điểm đó, qua trao đổi với đại diện Vinalines thì Cục Đăng kiểm mới được biết năm 2008 Vinalines đã mua ụ nổi No.83M, chuyển về Việt Nam và đưa lên đà của Công ty Trách nhiệm hữu hạng Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (tỉnh Khánh Hòa) sửa chữa dưới sự giám sát kỹ thuật của Đăng kiểm RMRS (Cộng hòa Liên bang Nga).
Sau đó, ụ nổi đã được Cơ quan Đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực Sài Gòn cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời ngày 25/3/2011, số đăng ký VNSG-2037-UN, với thông tin về tổ chức Đăng kiểm là RMRS (giấy chứng nhận này do đại diện Vinalines cung cấp).
“Chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng kiểm là giám định trạng thái kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông vận tải theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc chủ phương tiện, thiết bị. Bởi vậy, sau khi nhận văn bản đề nghị cử đăng kiểm viên tham gia đoàn công tác đánh giá trạng thái kỹ thuật ụ nổi tại Nakhodka, Liên bang Nga, Cục đã cử đăng kiểm viên Lê Văn Dương của Chi cục Đăng kiểm số 6, TP.HCM thực hiện công việc theo yêu cầu của Vinalines”- vị Cục trưởng này cho hay.
Về ụ nổi hàng trăm tỷ đồng này, Cục Đăng kiểm nêu trong biên bản kiểm tra giám định số 3002/07SG và văn bản số 858/ĐKVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá tại thời điểm kiểm tra giám định thực hiện đầu tháng 8/2007, ụ nổi No.83M cơ bản vẫn đáp ứng các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường để hoạt động với sức nâng 16.500 tấn.
Ông Giao cho hay biên bản giám định chỉ ra các lỗi của ụ nổi như: do không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm tra hàng năm nên ụ nổi đã bị cơ quan Đăng kiểm Nga dừng cấp phép kiểm định. Đồng thời, do không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đặc biệt là chưa thực hiện sửa chữa trên đà từ khi xuất xưởng nên tại thời điểm kiểm tra giám định ụ có nhiều khiếm khuyết.
Nói về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc giám định kỹ thuật ụ nổi No.83M Giao khẳng định: “Ý kiến đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam là khách quan, cụ thể, phản ánh đúng trạng thái kỹ thuật thực tế của ụ tại thời điểm kiểm tra giám định. Khi Vinalines mời đăng kiểm đi giám định kỹ thuật, đưa ra báo cáo kỹ thuật những việc ụ nổi còn tốt, những lỗi khả năng kỹ thuật của nó thế nào chúng tôi đưa ra một báo cáo kỹ thuật cho Vinalines. Còn việc Vinalines mua thế nào là việc của Vinalines. Cục Đăng kiểm không có trách nhiệm”.
“Cục Đăng kiểm không đánh giá đạt yêu cầu hay không đạt yêu cầu mà chỉ giám định ụ nổi được sản xuất năm nào, sử dụng bao lâu đã lên đà bao nhiêu lần, hiện nay như thế nào và có khuyến cáo với Vinalines. Họ thấy lợi thì mua. Họ phải xin phép cơ quan chức năng khác chứ không phải xin phép đăng kiểm. Kết quả tư vấn của Cục Đăng kiểm là đảm bảo đầy đủ các thông số” - ông Giao cũng giải thích thêm.
Ụ nổi No.83M là thành phần không tách rời của dự án nhà máy sửa chữa tàu biển, được sản xuất năm 1965, sức nâng 25.000 tấn với mức đầu tư 14,136 triệu USD, trong đó chi phí mua, sửa chữa tại Nga, cước vận chuyển là 12,5 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó Vinalines lại thay đổi phương án mua dẫn đến chi phí thực tế cho việc mua, vận chuyển ụ nổi này về Việt Nam sửa chữa, tổng chi phí hết 24,3 triệu USD. Thế nhưng cho đến nay, ụ nổi No.83 vẫn không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam. Đến nay, tổng số tiền Vinalines đã chi phí cho việc mua, vận chuyển, sửa chữa ụ nổi, lãi vay ngân hàng và một số khoản khác là 480 tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà máy cũng đã bị tạm dừng, ụ nổi không khai thác được, gây lãng phí lớn. Đến tháng 4/2010, Vinalines đã phải chi 30 tỷ đồng tiền thuê chỗ neo đậu, bảo vệ, trực sự cố cho ụ nổi tại cảng Gò Dầu và hơn 70 tỷ đồng tiền trả lãi vay ngân hàng cho khoản tiền mua sửa chữa ụ nổi, nâng tổng mức thiệt hại là 100 tỷ đồng. |
Quỳnh Anh
-
05-2012Vụ tai nạn thảm khốc ở Đắk Lắk: Khả năng do nổ lốp xe
-
05-2012Xăng giảm thêm 600 đồng mỗi lít
-
05-2012Sẽ có chế tài, biện pháp mạnh hơn kéo giảm TNGT
-
05-2012Chưa giảm giá xăng, chờ theo dõi
-
05-2012Làm xăng bẩn: Quá dễ!
-
05-2012Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội
-
05-2012Gửi “bất an” về nguyên nhân cháy xe, “bệnh lạ” tới Quốc hội
-
05-2012Phút hoảng loạn khi xe khách rơi xuống sông
-
05-2012Xe khách rơi xuống sông, hơn 30 người tử vong
-
05-2012HH gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính