Vinashin, Vinalines chứng tỏ tham nhũng nghiêm trọng hơn thời PMU18

Thứ Sáu, 25/05/2012, 09:08
Chủ nhiệm UB Pháp luật:

“Nhùng nhằng giữa quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh dẫn đến thất thoát, sai phạm tại các tập đoàn. Vì vậy mới có chuyện mua tàu, mua ụ nổi cả nghìn tỷ đồng mà không thể quy trách nhiệm cho ai” - Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích.

Nội dung thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại tổ hôm nay (24/5) ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ thẳng thắn về chuyện quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước.

Không “mổ xẻ” trách nhiệm, sẽ còn nhiều Vinalines

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đi thẳng vào câu chuyện thời sự - những sai phạm vỡ lở ở TCty Hàng hải Việt Nam Vinalines vừa qua, dẫn tới việc nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, cơ quan quản lý dính vòng lao lý.

“Vinashin đổ bể, Chính phủ đi đến giải pháp tái cơ cấu tập đoàn bằng cách “chuyển đỡ” nhiều khó khăn sang Vinalines với kỳ vọng Vinalines sẽ làm thay da đổi thịt cho tập đoàn này nhưng hậu quả như đến giờ chúng ta thấy, còn nghiêm trọng hơn” - ông Trường đặt câu hỏi về khoản tiền hàng chục nghìn tỷ đồng tiêu tán ở mỗi doanh nghiệp này.

Đại biểu cũng lo ngại, hiện tượng những Vinashin, Vinalines là dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí với mức độ nghiêm trọng hơn so với vụ PMU18 trước đây.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý phân tích, mấu chốt vấn đề cảu Vinashin, Vinalines đã đặt ra từ nhiều năm trước. Từ năm 2006 đến 2010 Quốc hội đã không dưới 1 lần đưa ra bàn về vấn đề mô hình tập đoàn kinh tế. Ban đầu, chủ trương chỉ là thí điểm nhưng chưa tổng kết, đánh giá thì đồng loạt các tập đoàn kinh tế đã thành lập từ các TCty 90, 91. Hệ quả của việc hoạt động tràn lan, không quản lý được là những sự việc sai phạm liên tục bị phát hiện, lặp đi lặp lại ở nhiều đơn vị như hiện nay.

“Vì không thực hiện triệt để nguyên tắc tách bạch quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh, sự nhùng nhằng còn kéo dài, thất thoát, sai phạm còn nhiều. Vì vậy mới có chuyện mua tàu, mua ụ nổi giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, đến lúc truy trách nhiệm thì ai cũng chối không phải do mình quyết định. May ra chỉ “tóm” được mấy ông trực tiếp đi mua” - ông Lý cảnh báo, nếu không mổ xẻ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, sẽ không thể khắc phục được tình trạng này và sẽ còn có thêm nhiều Vinashin, Vinalines nữa đi theo vết xe đổ.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) yêu cầu làm rõ việc phân bố ngân sách cho các tập đoàn, TCTy nhà nước. Ông Lịch cũng bức xúc về việc đầu tư ngoài ngành không hiệu quả của các DNNN này đã đề cập nhiều vẫn không được giải trình.

Đại biểu công kích: “Các DNNN với nguồn vốn chủ sở hữu đến 30-40 tỷ USD của nhà nước, không bị lấy thuế, nhưng vẫn kém hiệu quả. Tôi cho rằng, trong những lần đề nghị  Quốc hội phân bổ ngân sách tới đây phải giải trình về nguồn tiền này”.

Đại biểu Võ Thị Dung yêu cầu Chính phủ phải giải trình về việc sử dụng nguồn vốn ở các tập đoàn này,  làm rõ những lãng phí, thất thoát ở đây do việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Làm sao để việc sử dụng ngân sách, tiền thuế của người dân phải hiệu quả hơn.

Đại biểu Trương Thị Ánh cho rằng, việc giám sát tài chính khối DNNN này thuộc trách nhiệm Bộ Tài chính.

Nền kinh tế đang “khát vốn nhưng thiếu máu”

Phân tích các nội dung khác về tình hình kinh tế xã hội hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không. Ông Lịch nhận định, dấu hiệu này đáng lo hơn đáng mừng vì nó thể hiện sức mua giảm quá mạnh. Đại biểu đặt câu hỏi, phải chăng giải pháp thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế “thiếu máu”, dẫn tới sức mua giảm quá mạnh, DN gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm khiến nhập khẩu giảm. Như vậy, theo ông Lịch, việc giảm nhập siêu là do ngừng nhập chứ không phải là do các giải pháp điều hành. Chắc chắn khi kinh tế phục hồi tìh nhập siêu lại tăng. Điều đó cho thấy các giải pháp áp dụng hiện nay chưa căn cơ.
 
Đại biểu Trần Du Lịch: "Đã đến lúc nới lỏng chính sách tiền tệ" (ảnh: VNN).

“Năm 2012, dấu hiệu suy giảm kinh tế đã rất rõ, rất đáng lo ngại. Với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI cả năm chắc chắn dưới 10%. Lúc này đã hoàn toàn đủ điều kiện để Chính phủ có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5%%, nhưng vẫn có thể đạt mức 5,5-6% nếu nỗ lực thật nhiều” - vị chuyên gia kinh tế có tiếng nhấn mạnh.

Nhận định nền kinh tế hiện nay đang “khát vốn nhưng thiếu máu”, ông Lịch cho rằng Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, “vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ sẽ càng đẩy DN vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà DN phá sản càng nhiều”.

Đồng quan điểm này, đại biểu Lê Thanh Vân (UB Tài chính ngân sách) lật lại vấn đề, năm 2009, khi kinh tế khó khăn, suy thoái, Chính phủ đề xuất 2 gói kích cầu, tung ra thị trường tổng cộng gần 1 triệu tỷ đồng. Nhưng do năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, dẫn đến hệ quả lạm phát tăng cao, kéo dài sang năm 2011, 2012.

Chính phủ hiện lại thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa theo Nghị quyết 11 để kìm lạm phát khiến dòng vốn chảy vào khu vực sản xuất tắc nghẽn, khó khăn cho DN. Việc xây dựng nhiệm vụ chi của các cơ quan TƯ chậm chễ càng làm tiền không kịp thời rót vào lưu thông. Bức tranh kinh tế 4 tháng đầu năm vì vậy nhuốm màu ảm đạm.

Con số tăng trưởng 4% 4 tháng đầu năm theo ông Vân cũng “đáng ngờ” vì mâu thuẫn với chỉ số tăng trưởng tín dụng âm (đáng ra 2 chỉ số này luôn phải tỷ lệ thuận với nhau).

“Chính sách tiền tệ thắt chặt cũng cần phân tích một cách nghiêm cẩn. Nếu tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11, e rằng khó khăn của DN và cả nền kinh tế sẽ tiếp tục “tắc” hướng giải quyết”.

P.Thảo


Dân trí
facebook
Xem theo ngày: