May mà có những lời hứa không được thực hiện

Thứ Sáu, 26/10/2012, 15:02
May mà "sáng kiến" tận thu 14 loại thuế, phí đối với xe ôtô của Bộ GTVT chưa được thực hiện. Ảnh: G.H

Quốc hội họp, báo chí soi xem các lời hứa trước đây của các bộ trưởng đã được thực hiện tới đâu. Nếu lời hứa đúng và đã được thực hiện thì nên khen, ngược lại thì phải chê. Tuy nhiên, cũng có những lời hứa, nếu thực hiện, chúng sẽ gây tai họa. May là chúng đã không (hay không thể) thực hiện.

Loạt bài nhìn lại lời hứa của bộ trưởng mới nói đến đã thực hiện như thế nào, nhưng chưa đề cập đến khía cạnh đúng - sai của chúng. Tôi chỉ bàn về các lời hứa được nhắc tới trong 4 bài báo đã đăng tải trên Lao Động.

Bài đầu tiên về vàng và chính sách tiền tệ. Ý định (của thống đốc?) để “Ngân hàng Nhà nước thay mặt Nhà nước huy động số vàng” của dân để phát triển kinh tế, vì người dân “chỉ cất giữ ở nhà sẽ gây rủi ro cho bản thân họ và xã hội, đồng thời số vốn nằm chết trong vàng không được phát huy” và nếu Ngân hàng Nhà nước huy động được số vàng đó thì nó “sẽ trở thành một nguồn lực quốc gia”.

Tôi ủng hộ việc quản lý chặt việc kinh doanh vàng, nhưng (cùng một số người khác) nhất quyết phản đối việc Nhà nước huy động vàng của dân vì vô cùng rủi ro.

May là ý định đó không (thể) thực hiện được. Đồng tiền Việt Nam càng ổn định, thì nhu cầu sử dụng vàng và “sự vàng hóa” sẽ ít đi, đấy mới là nhiệm vụ chính của (ngân hàng) Nhà nước.

Nguồn lực quốc gia là tất cả mọi nguồn lực nằm trong tay người dân, trong các tổ chức (kể cả tổ chức nhà nước). Nói chỉ có huy động được số vàng đó thì nó mới biến thành nguồn lực quốc gia là sai hoàn toàn. Hàng triệu người dân biết cách sử dụng nguồn lực của mình. Nhà nước không nên chủ quan coi mình thông minh hơn người dân.

Xét về mặt rủi ro thì càng tập trung vào tay một người hay tổ chức để kinh doanh (chứ không phải cất trữ) thì rủi ro càng cao.

Bài 2 bàn về lời hứa công khai minh bạch như giải pháp đột phá của Bộ trưởng Tài chính liên quan đến giá xăng dầu. Lời hứa này của ông bộ trưởng là hết sức cốt lõi không chỉ trong lĩnh vực xăng dầu, mà trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội của nước ta và khó có thể được giải quyết nếu không đụng chạm đến vấn đề công khai, minh bạch... Theo tôi, không có vấn đề nào nhạy cảm cả nếu thực sự coi Nhà nước này là “của dân, do dân, vì dân”. Ông bộ trưởng đã hơi chủ quan khi đánh giá ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong việc không “công khai minh bạch”.

Bài 3 bàn về lời hứa của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Nếu không có thay đổi tận gốc, không có cải cách giáo dục triệt để, thì ông bộ trưởng giáo dục nào, dẫu tài giỏi xuất chúng đến đâu, cũng bó tay. Có lẽ ngành này là ngành trì trệ nhất, ít đổi mới nhất, mang nặng các dấu ấn của thời bao cấp nhất. Lý do có lẽ cũng không khó hiểu khi người ta muốn “bao cấp tư duy”, hậu quả tạo ra những học sinh thiếu tư duy độc lập, sáng tạo. Vấn đề ở đây còn sâu và trầm trọng hơn vấn đề “công khai minh bạch” nêu ở trên.

Bài cuối bàn về các lời hứa của Bộ trưởng Giao thông - Vận tải. Duy nhất trong lĩnh vực này bài báo có lời khen khi xét lại lời hứa “mỗi năm giảm 5-10% vụ” tai nạn giao thông. Kết quả 9 tháng đầu năm 2012: Số vụ tai nạn giảm, số người chết giảm 17,86%, số người bị thương giảm 29,84% so với cùng kỳ năm trước. Ách tắc giao thông đỡ hơn, tiến độ các công trình giao thông được cải thiện, thậm chí vượt xa mức kế hoạch, như tuyến đường trên cao mới khai trương ở Hà Nội. Ông bộ trưởng giao thông có lẽ “khôn” hơn các ông khác khi đã chỉ hứa những việc trong tầm tay dựa trên thông tin sẵn có. Ông cũng năng nổ hơn, ngay cả khi đưa ra các ý định có thể gây “sốc” và chịu búa rìu dư luận. Cũng đáng ghi nhận là dẫu ông có nêu ra những ý tưởng kỳ lạ, thậm chí bị lên án, nhưng chính sự tham gia của dư luận trong việc phân tích cái hay cái dở của các ý định đó đã có ảnh hưởng tốt đến việc “lắng nghe” và bỏ các ý định ấy. Đấy không phải là lời hứa mà là ý định trong hình thành chính sách. Nên coi đấy là dấu hiệu tích cực hơn là chê trách.

Đúng sai là chuyện con người phổ biến. Đánh giá, khen, chê là chuyện không thể không có tính chủ quan. Và nhận xét của tôi cũng thế. Chỉ có tôn trọng các ý kiến khác nhau, thúc đẩy tranh luận, thì mới mong đạt được sự đồng thuận ở mức độ nào đó, kể cả về các vấn đề “nhạy cảm”. Đấy là cách hữu hiệu để có những lời hứa có cơ sở và thúc đẩy sự phát triển đất nước.


Báo Lao động điện tử
facebook
Xem theo ngày: