ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI

Thứ Tư, 09/05/2012, 10:18

Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của đất nước công hình chữ S, con đường vinh dự được mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc - Đường Hồ Chí Minh đã trở thành một huyền thoại, còn mãi âm vang khúc trường ca của một thời: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ngày ấy, sinh nhật Bác Hồ (19/5/1959), tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường.

Địa điểm Khe Hó, một thung lũng  phía Tây nam Vĩnh Linh- Quảng Trị được chọn làm điểm xuất phát đầu tiên của con đường lịch sử. Trải qua 16 năm chiến đấu ác liệt, không chùn bước trước mọi khó khăn, gian khổ, cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng; con đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng liêng rực lửa. Bộ đội đường Hồ Chí Minh đã thắng địch, "thắng trời" làm nên con đường huyền thoại- Con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Văn bia trên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn khắc đậm dòng chữ: "Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến  vào cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất tử..."Từ năm 1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng căn dặn, đường Trường Sơn sau này phải được mở rộng và kéo dài phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hơn 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, huyền thoại Trường Sơn lại được tô đậm với con đường mà cả nước mong đợi. Tháng 5 năm 2000, đường Trường Sơn được phát lệnh khởi công. Con đường của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa được bạt núi, san đèo nối dài đất nước, mở  hướng khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây của Tổ quốc. Con đường mòn huyền thoại- con đường Hồ Chí Minh oai hùng sẽ mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh. 

Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hiện đại, nhánh đông từ Thạch Quảng (Thanh Hoá) đến Khe Sanh (Quảng Trị), dáng dấp của con đường xuyên Việt hiện ra với 2 làn xe chạy cùng những cầu, cống, hệ thống thoát nước, chống sụt trượt được kiên cố. Trên tuyến đường phẳng lì còn tươi màu sơn đã hình thành những khu phố, những thị tứ mới với nhà cửa san sát. Hơi thở của cuộc sống hiện đại đã tràn về hai bên đường Hồ Chí Minh, cho tới những bản làng heo hút dọc dải đất phía Tây xa xôi. Trên tuyến đường thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mọc lên san sát, nhiều gia đình  đã bắt đầu biết mở quán bán hàng. Trước đây những vùng này đất hoang hoá, bom cày, đạn xới, đường đi khó khăn, cách trở, cơ sở hạ tầng đều thấp kém, lạc hậu. Nay được ''dải lụa Trường Sơn'' vắt qua, những công trình, những nét văn minh đã về tới gần 200 xã đặc biệt khó khăn ở vùng xâu, vùng xa của đất nước. Con đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá cũng sẽ là tiền đề cho việc phát huy mọi nguồn lực ở địa phương. 10 triệu ha đất trồng cây công nghiệp dọc tuyến đang được quy hoạch lại. Tỉnh Quảng Trị đang tập trung đầu tư cho khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, xây dựng Lao Bảo trở thành phố núi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, cửa ngõ trên tuyến đường xuyên Á Đông - Tây. Các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh có con đường Hồ Chí Minh đi qua đã chuẩn bị dự án về các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu để xoá đói giảm nghèo, để tận dụng đất đai và nguồn nhân lực. Các làng thanh niên lập nghiệp dọc tuyến đường đã được thành lập và bắt đầu phát huy hiệu quả. Đoạn đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối từ Đường 9- Khe sanh đến Tà Long (huyện ĐaKrông) đi qua khu bảo tồn thiên nhiên kỳ vĩ, qua các bản làng đồng bào dân tộc đang sinh sống đã được phục hồi nguyên trạng với các lán trại, hầm hào chiến đấu để phục vụ du khách trong chương trình hoài niệm chiến trường xưa, như là một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa một thời con đường Hồ Chí Minh trong chiến trận đến con đường Hồ Chí Minh CNH-HĐH thế kỷ 21. 

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã hoàn thành. Con đường mòn chỉ toàn cỏ dại, suối sâu, đèo cao và mây mù thời chiến tranh nay đã là con đường Tây Trường Sơn bằng bê tông uốn lượn vắt vẻo qua từng dãy núi phía Tây của Tổ quốc. Con đường nhánh Tây đi từ địa danh một thời khói lửa Khe Sanh trở về ''hang tám cô'' linh thiêng trên ''đường 20 quyết thắng'' ở Quảng Bình. Trên độ cao trung bình hơn 400m so với mặt nước biển, khí hậu nơi đây hòa hợp giữa 2 vùng Đông và Tây Trường Sơn, nên 200km đường lúc ẩn trong sương mù Trường Sơn, lúc hiện ven đường biên giới nước bạn Lào. Trải dài trên con đường  là bạt ngàn rừng cây đang vươn mình tít tắp, thấp thoáng những trang trại vườn đồi VAC quy mô lớn, hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Đường Trường Sơn Tây đang trở thành trục đường kinh tế - quốc phòng quan trọng, góp phần phát triển du lịch với những sản phẩm độc đáo, đa dạng. Trên những chặng đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn huyền thoại hôm nay đang bừng thức dậy những tiềm năng, thế mạnh để cùng hoà nhịp trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây trong công cuộc dựng xây vì một Quảng Trị mạnh giàu.
Con đường Trường Sơn năm xưa trải đầy thử thách. Dù gian khổ, hy sinh, đèo cao, vực sâu nhưng lòng người không nản, bước chân không lùi, tất cả vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Trường Sơn đông nắng, tây mưa, ai chưa đến đó như chưa hiểu rõ mình". Hôm nay, trên con đường Trường Sơn hiện đại, rộn rã đi lên trong nhịp sống mới, đang đòi hỏi thế hệ chúng ta hãy mang sức lực và trí tuệ ra sức khai thác tiềm năng dồi dào phía tây của Tổ quốc, để con đường CNH-HĐH đưa đất nước, quê hương ngày càng trở nên giàu đẹp, phồn vinh.

 


Tạp chí vận tải ô tô
facebook
Xem theo ngày: