Thuế bảo trì đường bộ: Thu thế nào, sử dụng ra sao để giữ được lòng tin của dân?

Thứ Hai, 04/06/2012, 10:05

Một đồng nghiệp ở Vương quốc Thụy Điểm chia sẻ, ở nước họ, ngân sách quốc gia được chia theo một tỷ lệ khá "sốc": khoảng 60% dành cho sức khỏe, 15% cho giáo dục, 10% cho an ninh-quốc phòng, 5% cho giao thông-công chính và 10% cho văn hóa-xã hội-vui chơi giải trí.

Nhân nói về việc thu thuế bảo trì đường bộ mà Bộ Giao thông Vận tải - cơ quan thay mặt nhà nước làm việc với nhân dân thông qua việc đệ trình đề xuất lên Quốc hội phê duyệt định mức, trong một buổi tiếp các đồng nghiệp y tế đến từ Vương quốc Thụy Điển, tôi có hỏi họ về vấn đề này ở nước họ, một giáo sư về y tế công cộng cho biết: Ở các nước tiên tiến nói chung và Thụy Điển nói riêng, mọi chi phí xã hội được lấy từ tiền thuế, xương sống của công quỹ nhà nước.
 
Thuế được tận thu công bằng và sát sao qua hệ thống máy bán hàng nối mạng với hệ thống kiểm soát tài chính quốc gia nên không thể thất thu như ở các nước lạc hậu. Hàng năm, Quốc hội phê duyệt chi ngân sách quốc gia theo một tỷ lệ khá "sốc": khoảng 60% dành cho sức khỏe, 15% cho giáo dục, 10% cho an ninh-quốc phòng, 5% cho giao thông-công chính và 10% cho văn hóa-xã hội-vui chơi giải trí.

Quỹ bảo trì đường bộ được Chính phủ chi trả từ ngân sách Quốc hội phân bổ cho hoạt động duy trì giao thông công chính. Theo tư duy của người nước ngoài, họ không hiểu sao cần phải đề xuất thêm một loại thuế với triển vọng có thêm một bộ máy nhân sự cồng kềnh và không kém phần phức tạp, trong khi, rất hiển nhiên, rất gọn nhẹ và rất công bằng cho các phương tiện giao thông là trả thuế (sau khi đã có tính toán hợp lý, công khai, minh bạch) qua trả tiền xăng. Phương tiện nào tham gia giao thông nhiều, sử dụng giao thông nhiều, phải trả nhiều tức là phải tiêu thụ nhiều xăng, dầu. Việc thanh toán giữa cơ quan quản lý xăng dầu và cơ quan quản lý đường bộ chỉ còn là vấn đề cơ học giản đơn với sự giám sát của nhà nước.

Như vậy, chúng ta thấy, người dân tham gia xây dựng đất nước và xã hội bằng tiền thuế mà các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thu đúng, thu đủ. Sau đó, nhân dân không phải đóng thêm các khoản thuế nào khác.

Ở nước ta, việc thu các khoản thuế thường niên vẫn còn nhiều bất cập, thất thoát lớn, nên việc đặt thêm một số thuế bổ sung như thuế "bảo trì đường bộ" nhằm quay trở lại phục vụ mục đích dân sinh cũng là dễ hiểu và có thể coi là thích hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để chủ trương này được đón nhận và thực thi đầy đủ, cần có thời gian và sự cẩn trọng trong việc lý giải, thuyết phục và cam kết của cơ quan chức năng như Bộ Giao thông Vận tải, và các cơ quan cao cấp hơn Chính phủ và Quốc hội, nhằm đảm bảo tính thực thi cao và tính hiệu quả, tính minh bạch của khoản thu chi, từ đó thu phục được lòng tin của người dân.

Hiện nay dư luận vẫn rất bối rối, hoang mang về các vấn đề sau:
 
Việc thu thuế bảo trì đường bộ là tạm thời có tính chất giải quyết tình thế hay trở thành một khoản thuế cố định chiến lược trong các loại thuế mà danh sách ngày một dài thêm? Nếu là tình thế thì dựa vào những cơ sở luận chứng nào để thu bao nhiêu và thu bao lâu? Nếu là trở thành khoản thu cố định chiến lược thì làm thế nào để đảm bảo tính dân sinh, tính công bằng và tính phổ biến?
 
Thu thuế "bảo trì đường bộ" ra sao cho hiệu quả nhất, công bằng nhất, thuận tiện nhất cho người dân và tránh sản sinh ra một hàng ngũ cán bộ nhân viên cồng kềnh tốn kém và lãng phí nhất nếu chưa muốn nói đến sự tham ô khó tránh khỏi? Bởi vì, chúng ta ai cũng biết khâu con người chính là khâu yếu nhất và dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực, phản tác dụng và mất uy tín nhất.
 
Ai là người chịu trách nhiệm trước nhân dân và nhà nước về việc chi tiêu hợp lý, hiệu quả và minh bạch của khoản thu không nhỏ mà người dân đã đồng ý với nhà nước cắt bớt khoản chi dân sinh cá nhân và gia đình vốn đã rất eo hẹp nhằm mục đích to lớn là cải tạo dân sinh xã hội kia?
 
Làm thế nào để người dân được tham gia kiểm soát sự chi tiêu, cảm thấy rõ mình được hưởng lợi mà không phải bị mất một khoản vì đóng góp, từ đó củng cố lòng tin đối với những chủ trương tiếp theo của Nhà nước?
 
Liệu sau khi thu thuế "bảo trì đường bộ" thì các thuế bảo trì đường sắt, đường sông, thậm chí đường hàng không sẽ ra sao? Và các thuế không phải "đường" như thuế nhà, thuế đất, thuế phương tiện đi lại (đã được gọi là "thuế tham gia giao thông" đang rất gây tranh luận và tạo không ít bức xúc hiện nay) sẽ ra sao?
 
Với tư cách một công dân, tôi xin mạo muội nêu ý kiến sau:
 
Việc công dân thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm với nhà nước và xã hội như việc đóng thuế bảo trì đường bộ và những thuế khác là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, để làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ, người dân phải được thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và nhất là muốn biết rõ kết quả, giá trị, sự minh bạch của khoản đóng góp của mình. Các cơ quan tham mưu cho nhà nước cần có đủ thời gian và nhất là luận chứng kinh tế-kỹ thuật với cơ sở pháp lý và xã hội để thuyết phục người dân thực hiện nghĩa vụ của họ.
 
Dân sẽ "liệu" dù khó trăm lần, khi họ hiểu rõ ý nghĩa mục đích của việc họ làm. Hãy tin vào dân. Mới đây thôi, toàn dân tộc ta, ai cũng biết không có gì quý hơn tính mạng và cuộc đời của một con người, nhưng hàng chục triệu người đã hồ hởi, thậm chí hăm hở lao vào mặt trận đầy đạn bom chết chóc và tự hào mang tuổi trẻ của mình và con em mình cống hiến cho tự do và độc lập của đất nước để chúng ta có ngày hôm nay. Được như thế là vì nhân dân đã tin vào Đảng, và hiểu rõ ý nghĩa của lời hiệu triệu thiêng liêng chứa đựng hồn dân tộc "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dương Quỳnh

Dân trí
facebook
Xem theo ngày: