Bến xe Hà Nội trông chờ quy hoạch (Bài 1): Quá tải, quá đát

Thứ Tư, 13/06/2012, 14:41
Bến tạm Lương Yên rục rịch đóng cửa

Sau hơn 20 năm, bộ mặt bến xe Hà Nội không mấy thay đổi. Bến mới xây “trăm tỷ” thì nằm ế khách. Những bến cũ, cái thì chuyển đổi mục đích sử dụng để xây cao ốc, số khác thì hoặc quá tải, hoặc cũng ngấp nghé vượt ngưỡng. Quy hoạch hệ thống bến xe thành phố vẫn đang nằm chờ phê duyệt. Và kỳ vọng về một bến xe văn minh, hiện đại - xứng tầm với trung tâm kinh tế - chính trị của cả nước, chắc chắn vẫn ngoài tầm với của người dân Thủ đô, ít nhất là trong vài năm tới.

Sau 20 năm, có thêm một Bến xe Yên Nghĩa với hàng trăm tỷ đồng đầu tư, thêm một Mỹ Đình với công suất hơn 1000 xe/ngày, nhưng có vẻ với người dân Hà Nội, bộ mặt bến xe Hà Nội vẫn không mấy thay đổi. Nghĩ về bến xe, người ta vẫn chỉ thường nhắc đến cụm từ: Quá tải, quá đát.        

20 năm... vẫn thế

Đây là thực tế không thể phủ nhận của Bến xe phía Nam (hay còn gọi là bến xe Giáp Bát). Nằm ở phía Nam thành phố, Giáp Bát được coi như “bến chặn” của cửa ngõ Thủ đô. Chính vị trí đắc địa này khiến hành khách có nhu cầu đi xe khách thường quen chọn Bến xe này. Từ chỗ chỉ có khoảng 300 - 400 lượt xe hoạt động mỗi ngày, đến nay Giáp Bát đã trở thành bến xe có số lượng đầu xe hoạt động chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ Đình, trung bình khoảng 800 lượt xe/ngày.

Nhu cầu ngày càng lớn, phương tiện hoạt động gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng hầu như không được nâng cấp, sửa chữa lớn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xập xệ nơi đây. Những ý tưởng như xây nhà chờ cho hành khách, quy hoạch điểm đỗ cho taxi, đưa hoạt động của xe ôm vào quy củ, thiết kế luồng tuyến, ra vào hợp lý, khoa học... rồi cũng chỉ là ý tưởng. Thay đổi có chăng chỉ là việc thảm lại nền toàn bộ khu vực bến, giải tỏa hàng quán tạo ra tầm nhìn thoáng cho bến xe. Còn Bến xe phía Nam sau 20 năm vẫn không khác là bao.

“Thâm niên” tương tự như Bến xe phía Nam, Bến xe Gia Lâm cũng đang ở trong tình trạng xuống cấp, hoạt động lại hết sức khó khăn do nằm tại vị trí không mấy thuận lợi. Nằm trên phố Ngô Gia Khảm, tuyến phố khá nhỏ, chỉ 1 xe khách đi vào gặp taxi chạy ra là đã tắc đường. Trước đây, bến này hoạt động khá sầm uất, song hiện nay, theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty QLBX Hà Nội cho biết, mỗi ngày cũng chỉ có khoảng 400 lượt xe ra vào, trong khi nếu xếp khéo thì bến cũng có thể nhận thêm khoảng 200 lượt xe nữa. Với Bến xe Mỹ Đình, dù mới xây dựng năm 2004, song ông Trung cũng phải thừa nhận bến này đã “không còn sức để gánh thêm xe” nữa. Hiện mỗi ngày, bến xe này đã phải đưa đón hàng nghìn lượt xe.

2 bến “xã hội hóa” còn lại là Lương Yên và Nước Ngầm dường như không “đỡ” được mấy cho giao thông Thủ đô. Bến tạm Lương Yên cũng đang triển khai các thủ tục đóng cửa bến xe. Bến Nước Ngầm thì cũng chỉ tải được lượng xe không đáng kể.

Bến xe xứng “tầm” - bao giờ cho có?

Nói là Hà Nội chưa có một bến xe cho “ra tấm, ra món” thì không hẳn đúng. Bằng chứng chính là Bến Yên Nghĩa với số tiền đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng mới được đầu tư. Vấn đề là bến xe bạc tỷ này bấy lâu nay vẫn chưa thoát cảnh nằm... đợi khách. Được đánh giá là bến xe có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất toàn quốc, Bến được xây dựng trên diện tích rộng gần 7ha, cách bến xe Hà Đông cũ khoảng 4km về phía Hòa Bình, giáp với QL6 và đường VĐ4. Trong bến có bến động và bến tĩnh, trong đó bến tĩnh rộng hơn 14.000m2, bến động hơn 15.000m2, hệ thống nhà điều hành 4050m2 và sân đỗ xe lưu bến là 13.800m2, kết hợp với các công trình phụ trợ như nhà ăn, cây xăng, dịch vụ.

Đầu tư lớn cho Yên Nghĩa, các cơ quan chức năng không giấu tham vọng đưa nơi đây trở thành Bến xe chính của Thủ đô, nhất là sau khi Hà Nội chính thức mở rộng địa giới. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau khi chính thức đi vào hoạt động, Bến vẫn vắng hoe mà nguyên nhân theo đánh giá của lãnh đạo bến là vì khách... ngại bến xa.

Bến cũ dần vượt “ngưỡng” năng lực, bến mới không “hút” được “thượng đế” vì thế mà nghĩ đến bến xe Thủ đô, như trên đã nói, hành khách thường chỉ nghĩ đến cụm từ “quá tải, xuống cấp”.


Báo Giao thông vận tải
facebook
Xem theo ngày: