Tham luận Hội thảo về phát triển công tác xã hội hóa Bến xe khách

Thứ Năm, 29/05/2014, 09:43

Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định bến xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tại thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách cũng nêu: Bến xe ô tô khách là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô khách đón, trả khách và các dịch vụ vận tải khách công cộng. Bến xe khách là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc chuyến đi của hành khách đi xe theo tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô. Bến xe cũng là nơi để các phương tiện khác như taxi, xe buýt chuyển tiếp chuyến đi của hành khách từ xe khách tuyến cố định đến các phương tiện khác và từ phương tiện khách đến phương tiện hoạt động tuyến vận tải cố định tại bến xe. Bến xe được đầu tư theo quy chuẩn và tổ chức tốt công tác hoạt động vận tải tại bến xe có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lập lại trật tự vận tải hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải nói riêng và an toàn giao thông đường bộ nói chung.

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ

VIỆT NAM

 

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 Hà Nội, ngày     tháng   năm 2014

              

Tham luận Hội thảo về phát triển công tác xã hội hóa Bến xe khách

 

Kính thưa các quý vị đại biểu.

Thưa toàn thể Hội nghị.

Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định bến xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tại thông tư số 49/2012/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe khách cũng nêu: Bến xe ô tô khách là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô khách đón, trả khách và các dịch vụ vận tải khách công cộng. Bến xe khách là nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc chuyến đi của hành khách đi xe theo tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô. Bến xe cũng là nơi để các phương tiện khác như taxi, xe buýt chuyển tiếp chuyến đi của hành khách từ xe khách tuyến cố định đến các phương tiện khác và từ phương tiện khách đến phương tiện hoạt động tuyến vận tải cố định tại bến xe. Bến xe được đầu tư theo quy chuẩn và tổ chức tốt công tác hoạt động vận tải tại bến xe có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lập lại trật tự vận tải hành khách, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, góp phần đảm bảo an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải nói riêng và an toàn giao thông đường bộ nói chung.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xin được tham luận 3 nội dung: Về quy hoạch đầu tư xây dựng bến xe, về tình hình quản lý và hoạt động của các bến xe, những đề xuất và kiến nghị.

1.  Việc quy hoạch đầu tư xây dựng bến xe khách

Trong những năm qua nhất là từ năm 2012 khi có thông tư ban hành về Quy chuẩn bến xe khách, nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm đến quy hoạch mạng lưới bến xe, kêu gọi đầu tư nâng cấp các bến xe đang khai thác và xây dựng mới các bến xe trên địa bàn. Trên cơ sở quy hoạch và kêu gọi đầu tư nhiều bến xe đã được xây dựng khang trang đảm bảo đúng quy chuẩn, đảm bảo yêu cầu phục vụ khách như bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng, bến xe Nam Buôn Ma Thuột, Bến xe Bảo Lộc Lâm Đồng, bến xe Phương Trang Đà Lạt, bến xe Nước ngầm Hà Nội… Quy hoạch và xây dựng bến xe nhìn chung đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Nghệ An… đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng bến xe đến tận các huyện, các bến xe đều đảm bảo theo quy chuẩn bến xe.

Tuy nhiên trong việc quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng bến xe vẫn còn những bất cập đó là:

- Quy hoạch bến xe chưa căn cứ vào quy hoạch khu dân cư và nhu cầu phát triển tại địa phương. Quy hoạch thiếu chính xác gây lãng phí sản phẩm xã hội và gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư. Điển hình như thành phố Đà Nẵng dân số chỉ hơn 1 triệu dân, bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng đã được quy hoạch và xây dựng hiện đại với diện tích hơn 80.000m2 bằng 50% diện tích 5 bến xe tại thành phố Hồ Chí Minh với hơn 7 triệu dân. Trong khi bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng hiện chỉ có hơn 500 chuyến xe ngày đêm đạt 20% công suất thiết kế thì thành phố Đà Nẵng lại quy hoạch và cho phép đầu tư xây dựng bến xe phía Nam với diện tích gần 80.000m2, hiện tại không có phương tiện vào bến.

- Quy hoạch bến xe có xu hướng đưa bến xe khách ra ngoại thành phố hoặc xây dựng bến xe phía Bắc, bến xe phía Nam thành phố. Mục đích là đảm bảo An toàn giao thông không cho xe khách tuyến cố định đi qua trung tâm thành phố. Điều này không hoàn toàn đúng vì mỗi chuyến xe khách khi dừng tại các bến xe xa trung tâm thành phố sẽ có 1 lượng lớn phương tiện khác chuyển tải lượng hành khách trên xe đến các điểm trong trung tâm thành phố tạo thêm sự lộn xộn trong giao thông. Khảo sát tại ở các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… bến xe đều được quy hoạch và xây dựng tại trung tâm thành phố.

- Hầu hết bến xe cấp huyện đều không đạt quy chuẩn. Thậm chí như tỉnh Cao Bằng đến nay chỉ có 1 bến xe tại thành phố Cao Bằng, tất cả các huyện đều không có bến xe, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã có xe hoạt động theo tuyến cố định.

2.  Công tác tổ chức quản lý và hoạt động các bến xe khách

Theo quy định hiện hành: việc khai thác bến xe khách do doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dưới sự quản lý nhà nước của Sở giao thông vận tải địa phương và giám sát của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải. Đến nay trên địa bàn cả nước có 546 bến xe trong đó có hơn 400 bến xe đã được công bố còn hơn 100 bến xe chưa được công bố:

-      Về công tác quản lý:

Hầu hết các bến xe đều do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, một số lượng nhỏ bến xe đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Tuy vậy cũng còn một số bến xe ở một số địa phương như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Thái Bình và một số tỉnh Phía Nam bến xe vẫn còn đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu. Đặc biệt một số bến xe cấp huyện hiện do phòng công thương hoặc phòng kinh tế huyện quản lý và điều hành. Do chưa thống nhất về mô hình hoạt động nên cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức hoạt động của các bến xe khách.

-      Về hoạt động của các bến xe ô tô khách:

Theo báo cáo của Hiệp hội Bến xe khách thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam gần 60 hội viên của Hiệp hội Bến xe khách đều là bến xe thuộc trung tâm các tỉnh thành phố, là những doanh nghiệp, hợp tác xã trong đó có những bến xe đã được xã hội hóa. Theo quy định hiện hành:

Tuyến vận tải khách liên tỉnh do Sở Giao thông vận tải quản lý phân công, bố trí biểu đồ chạy xe tăng tần suất chạy xe… Các bến xe khách không chủ động được sản xuất kinh doanh. Do vậy, hiện tại các bến xe khách có những bến xe đã hoạt động hết công suất nhưng có một số bến xe nhất là các bến xe xã hội hóa công suất khai thác chỉ đạt 30 ÷ 50%.

Tình hình hoạt động ở các bến xe về cơ bản thực hiện tốt các quy định đảm bảo trật tự an toàn trong bến xe, vệ sinh môi trường được đảm bảo trong đó có các bến xe điển hình như bến xe Miền Đông thành phố Hồ Chí Minh, Bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng, Bảo Lộc Lâm Đồng, Phương Trang Đà Lạt, Phía Nam Buôn Ma Thuột, Bến xe nước ngầm Hà Nội… Tuy vậy cũng còn một số bến xe nhất là các bến xe cấp huyện chưa đảm bảo quy chuẩn, vẫn còn những bến xe tạm công tác đảm bảo an toàn giao thông chưa tốt, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.

-      Về quản lý điều hành:

Tại các bến xe hầu hết các bến xe tại trung tâm các tỉnh thành phố đều áp dụng công nghệ thông tin vào bán vé và theo dõi hoạt động của các xe ra vào bến xe, kiểm soát hành khách đi xe phát hiện những tiêu cực. Công tác kiểm tra giấy tờ các phương tiện và người lái xe cũng dần được hoàn thiện.

Tóm lại, hoạt động của hệ thống bến xe trong cả nước cơ bản đã được đảm bảo chất lượng dịch vụ của các bến xe đã được nâng cao dần đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

3.  Những vướng mắc và kiến nghị

a.  Những vướng mắc

Tình hình hoạt động của các bến xe cho thấy vẫn còn những vướng mắc đó là:

- Nhiều địa phương nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung… vẫn còn tình trạng xe dù hoạt động theo hình thức xe hợp đồng, xe du lịch đón trả khách ngoài bến không được kiểm tra xử lý, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn giao thông và hiệu quả kinh doanh tại các bến xe.

-      Việc quy hoạch bến xe tại một số địa phương chưa thật chính xác, các doanh nghiệp đầu tư chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu phát triển dẫn đến đầu tư không hiệu quả, không có xe vào bến gây lãng phí đầu tư.

-      Nhiều bến xe xây dựng chưa đảm bảo quy chuẩn dẫn đến không thể nối mạng được với nhau trong quá trình điều hành.

-      Cơ quan nhà nước một số địa phương chưa quan tâm đến sắp xếp xe ra vào bến cho một số bến xe nhất là các bến xe xã hội hóa dẫn đến bến xe đầu tư không có xe dẫn đến lãng phí trong đầu tư.

-      Các loại giá dịch vụ chưa thống nhất, quá phức tạp… Hiện tượng cửa quyền áp đặt của bến xe lên đơn vị vận tải còn phổ biến gây bức xúc cho hành khách và đơn vị vận tải.

b.  Kiến nghị

Để bến xe thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần đảm bảo trật tự An toàn giao thông Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị:

+ Chính phủ chỉ đạo các tỉnh thành phố:

-   Quy hoạch bến xe khách phải gắn với phát triển kinh tế xã hội của địa phương và vùng tránh gây lãng phí và gây rối trật tự an toàn giao thông.

-   Khi kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe, nhà đầu tư được nhận mặt bằng sạch.

-   Có chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuế đất với doanh nghiệp bến xe theo đúng quy định bến xe là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

+ Bộ Giao thông vận tải:

-      Có kiến nghị chỉ đạo các địa phương hoàn thiện quy hoạch hệ thống bến xe trên địa bàn và kêu gọi đầu tư nâng cấp hoặc xây mới bến xe, đồng thời thống nhất mô hình quản lý kinh doanh khai thác bến xe trong cả nước.

-      Nghiên cứu khi sửa lại thông tư 18 nên giao quyền cho các doanh nghiệp bến xe xây dựng biểu đồ chạy xe sau đó trình cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt

 + Tổng Cục Đường bộ Việt Nam:

Tăng cường công tác kiểm tra, yêu cầu các bến xe nâng cấp để đảm bảo quy chuẩn, sớm tạo điều kiện để các bến xe có thể nối mạng với nhau trong quản lý hoạt động vận tải.

+ Sở Giao thông vận tải các tỉnh:

Cần có kế hoạch phân bổ các tuyến xe một cách hợp lý đến các bến xe trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông vừa tạo điều kiện để các bến xe nhất là các bến xe đầu tư xã hội hóa phục vụ tốt sự đi lại của nhân dân và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

                   Xin chân thành cảm ơn./.

 http://hiephoivantaioto.vn/UserFiles/2014-5%20Tham%20lu%u1EADn%20h%u1ED9i%20th%u1EA3o%20v%u1EC1%20ph%E1t%20tri%u1EC3n%20c%F4ng%20t%E1c%20x%E3%20h%u1ED9i%20h%F3a%20b%u1EBFn%20xe%20%F4%20t%F4%20kh%E1ch....docx



facebook
Xem theo ngày: ...