Kiến nghị từ Hội thảo về “Tổ chức vận tải đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội”

Thứ Hai, 12/08/2013, 09:35

 

 HIỆP HỘI VẬN TẢI ÔTÔ                CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

 

            VIỆT NAM                                             Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 









 

   Số: 072 /HHVT-TV                                  Hà Nội, ngày 12 tháng 8  năm 2013

   V/v: Kiến nghị từ Hội thảo về                      

“Tổ chức  vận tải đường bộ trên

                 địa bàn TP Hà Nội”.

                                                      Kính gửi:

                                                               - Bộ Giao thông vận tải,

                                                               - Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội

 

Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ngành Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân cư và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

 Tuy vậy, với địa bàn rộng và có số lượng phương tiện cơ giới đường bộ đứng thứ hai trong cả nước cho nên công tác tổ chức , quản lý vận tải đường bộ còn nhiều bất cập như:

- Chưa quản lý chặt chẽ phương tiện vận tải hàng hoá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và lãng phí xã hội;

- Quản lý kinh doanh taxi còn nhiều tồn tại, chưa loại bỏ được "taxi dù", hành vi thiếu văn hoá và vi phạm của lái xe taxi…, đã tạo ra bức tranh không đẹp cho giao thông Thủ đô;

- Chất lượng phục vụ hành khách xe buýt chưa được nâng lên, còn bỏ bến, bỏ khách trong giờ cao điểm, nạn trộm cắp trên xe gây lo ngại cho khách;

- Việc tổ chức vận tải khách tuyến cố định, việc quản lý điều hành tại các bến xe chưa hợp lý, đã gây rối loạn hoạt động vận tải; các bến xe chưa phát huy hết công suất thiết kế, nhưng lại phát sinh nhiều "bến cóc" (tổng công suất thiết kế 6 bến xe là 5.150 xe/ngày, nhưng ngày cao điểm mới phục vụ 3.463 xe/ngày, bằng 67,2%). Nổi bật nhất là tình trạng mất trật tự đô thị và trật tự giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình và sự "lúng túng" trong cách giải quyết của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong thời gian qua.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, ngày 08 tháng 8 năm 2013, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã tổ chức "Hội thảo về tổ chức vận tải đường bộ trên địa bàn Hà Nội"  nhằm:

Làm rõ các nguyên nhân của những bất cập nêu trên; từ đó kiến nghị thực hiện các giải pháp khả thi nhằm từng bước đưa hoạt động vận tải đường bộ ở Thủ đô (bao gồm cả vận tải hàng hoá, vận tải hành khách) vào nền nếp, xứng đáng là "hình mẫu" để các địa phương khác tham khảo.

Thành phần tham gia Hội thảo gồm có: một số nhà khoa học từ Viện Khoa học - Công nghệ và cơ quan thuộc Bộ GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội; các chuyên gia về vận tải đường bộ; đại diện cơ quan quản lý nhà nước; lãnh đạo Hiệp hội cơ sở của Hà Nội và các tỉnh lân cận; Hiệp hội bến xe khách; một số doanh nghiệp vận tải khách đường bộ; đại diện các cơ quan truyền thông - thông tin trung ương và địa phương,…

Việc Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội không cử đại biểu tham gia Hội thảo chưa thể hiện tinh thần cầu thị, chưa sẵn sàng lắng nghe ý kiến rộng rãi từ các đối tượng quản lý và dư luận xã hội. Đây thể hiện sự thiếu hợp tác (đã tồn tại lâu nay) của 2 cơ quan này với các cơ quan trung ương và các tỉnh để giải quyết các việc có liên quan tới phát triển vận tải đường bộ của Hà Nội

Sau khi nghe tham luận của các nhà khoa học, ý kiến của đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, phân tích của các chuyên gia và phát biểu của các doanh nghiệp, các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất như sau:

1. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung chấn chỉnh hoạt động các tuyến vận tải khách liên tỉnh xuất phát và đến các bến xe hiện có theo quy hoạch được duyệt, kết nối hợp lý vận tải liên tỉnh với vận tải nội đô tạo thuận lợi nhất cho nhân dân; thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách của xe buýt và taxi. Đảm bảo cân đối công bằng giữa các loại hình vận tải ô tô. Sử dụng hiệu quả chống lãng phí thất thoát nguồn trợ giá xe buýt nội đô; phát triển hệ thống vận tải phủ khắp thành phố, tạo sự đi lại thuận tiện cho người dân và hoạt động vận tải hàng hoá – hành khách trên địa bàn, chống ùn tắc giao thông đảm bảo an toàn giao thông.

2. Về giải quyết tình trạng mất trật tự đô thị và mất trật tự giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình

Nguyên nhân của tình trạng mất trật tự giao thông ở khu vực Bến xe Mỹ Đình không phải do bến xe quá tải. Nguyên nhân chính là: trong những năm qua chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đất đai xung quanh khu vực bến để phát sinh các "bến cóc" tràn lan, từ đó "xe dù" và các phần tử "bảo kê" hoạt động ngày càng công khai mà không ngăn chặn nổi; lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường Phạm Hùng không xử lý triệt để tình trạng xe đón trả khách ngoài bến đã gây ùn tắc giao thông trước bến xe vào những ngày cao điểm; Việc tổ chức quản lý điều hành tại các bến còn nhiều tồn tại yếu kém tiêu cực. Khi được các cơ quan chức năng quan tâm, dù chưa điều chuyển xe nào đi bến khác mà khu vực bến xe Mỹ Đình hiện nay đã trật tự hơn nhiều.

Để lập lại trật tự và ổn định khu vực bến xe Mỹ Đình, kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nôị chỉ đạo:

a- Đổi mới tổ chức quản lý điều hành tại bến xe khoa học, linh hoạt tăng tần xuất xe xuất bến. Rà soát và cắt giảm những "nốt" xe ít khách khi xuất bến, bởi vì chính những xe này sau khi xuất bến còn tiếp tục chạy loanh quanh đón khách ngoài bến.

b-  Kiên quyết giải toả ngay các "bến cóc" hình thành xung quanh khu vực này. Mở rộng bến xe theo thiết kế ban đầu.

c- Chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý triệt để xe đón - trả khách trên đường Phạm Hùng; đồng thời kiên quyết xử lý những xe phải chạy trên cầu cạn vành đai 3 mà chạy bắt khách dọc phố;

d- Không tổ chức "chiến dịch" điều chuyển xe đi bến khác trong khi chưa nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân, sẽ gây ra đảo lộn kinh doanh của doanh nghiệp, gây trở ngại cho hành khách vì các tuyến xe buýt kết nối các bến xe chưa được tổ chức đầy đủ. Phương án điều chuyển số lượng lớn các tuyến vận tải khách cố định từ bến xe Mỹ Đình tới các bến xe khác theo phạm vi địa lý của hướng tuyến sẽ làm tăng nhu cầu giao thông nội đô, gây lãng phí về thời gian và công sức của hành khách. Đây là phương án áp đặt, cửa quyền, không công bằng. Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo kế hoạch mỗi lần lại công bố một số lượng xe khác nhau phải chuyển từ bến Mỹ Đình đến bến khác là chưa nghiên cứu thận trọng, cho nên chưa được sự ủng hộ của xã hội. Có thể có sự phản ứng quyết liệt của các đơn vị vận tải bị điều chuyển các chuyến xe từ bến xe Mỹ Đình đi các bến xe khác không phù hợp. Nạn “bến cóc” “xe dù” tại khu vực Mỹ Đình sẽ diễn biến rất phức tạp.

Trật tự giao thông và trật tự đô thị khu vực bến xe Mỹ Đình sẽ được lập lại nếu kiên quyết thực hiện những kiến nghị nêu trên.

3. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương quy hoạch đầu tư xây dựng các bến xe. Tại các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành phố đều có bến xe để người dân có nhu cầu đi xe liên tỉnh, có thể đến bến xe gần nhất để đi, mà không cần di chuyển xuyên qua thành phố. Hệ thống bến xe này phải được nối với nhau bằng đường vành đai và tại từng bến đều có xe đi nhiều tuyến theo nhiều hướng khác nhau.

Không chuyển trạm xe thành bến xe tạm tại Nam Thăng Long vì điểm này không đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Không đầu tư xây dựng bến xe tạm, phải thực hiện nghiêm quy hoạch được phê duyệt.

4. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25   tháng 01 năm 2013 ban hành "Quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội" để bổ sung, sửa đổi kịp thời theo hướng hạn chế lưu thông theo giờ cho từng loại phương tiện; bãi bỏ việc cấp "Giấy phép vào đường, phố cấm" để tránh tiêu cực trong việc này.

Hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của các đơn vị vận tải ô tô rất khó khăn, phải “gồng mình” để tồn tại. Mỗi quyết định của cơ quan quản lý nhà nước không đúng đắn, sẽ đẩy đơn vị vận tải càng khốn khó thêm, có thể bị phá sản là hiện thực.

Để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình, tạo điều kiện phát triển vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam trân trọng đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét./.

 

 

Nơi nhận:

- Như trên,

- PTT Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo),

- Văn phòng Thành uỷ Hà Nội,

- Tổng Cục Đường bộ Việt Nam,

- Sở GTVT Hà Nội,

- Các Hiệp hội cơ sở,

- Cơ quan truyền thông – thông tin,

- Lưu: VP HH

 

TM. BAN THƯỜNG VỤ

CHỦ TỊCH

 

 

 

(đã ký)

 

 

 

Nguyễn Văn Thanh

 

 

 

 



facebook
Xem theo ngày: